ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/KH-UBND | Sơn La, ngày 03 tháng 02 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
QUẢN LÝ, PHÒNG TRỪ CHÂU CHẤU TRE TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA NĂM 2020
I. TÌNH HÌNH CHÂU CHẤU TRE GÂY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện và gây hại nặng trên cây rừng và cây nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La từ năm 2015 trở lại đây. Đây là đối tượng dịch hại có sức ăn mạnh, khi đã chuyển sang pha trưởng thành thì khả năng di chuyển nhanh, mức độ gây thiệt hại lớn rất khó kiểm soát.
Châu chấu có chu kỳ trong vòng 1 năm thành một vòng khép kín. Thời gian trứng châu chấu bắt đầu nở từ cuối tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, phá hại mạnh trong trong giai đoạn châu chấu non (từ tuổi 1 đến tuổi 5) trong từ khoảng tháng 4 đến tháng 6, đây là giai đoạn châu chấu gây hại mạnh nhất, có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây trồng. Từ cuối tháng 7, châu chấu bắt đầu trưởng thành, di chuyển theo đàn và có xu hướng mở rộng vùng gây hại. Từ tháng 8 trở đi châu chấu trưởng thành cặp đôi giao phối và đẻ trứng, khu vực tập trung tại các thung, khe, khu vực rừng rậm, ẩm ướt, dưới tán rừng...từ cuối tháng 9, trưởng thành chết sinh lý. Giai đoạn trứng kéo dài suốt mùa đông và nở khi có thời tiết ấm áp vào mùa xuân năm sau, cũng là thời điểm bắt đầu một chu kỳ gây hại mới.
Trong 5 năm từ (2015 - 2019), tổng diện tích gây hại của châu chấu trên địa bàn tỉnh Sơn La là 3.784 ha (trong đó gây hại trên cây rừng 3.074 ha, trên cây nông nghiệp 709.98 ha), với diễn biến cụ thể như sau:
- Tháng 10 năm 2015, châu chấu tre lưng vàng xuất hiện gây hại 25 ha diện tích tre trồng tại 2 bản Nà Vạc, Pá Kạch xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp với mật độ phổ biến 20 - 50 con/cây, cao 100 - 200 con/cây, cá biệt 500 con/cây.
- Đến năm 2016, châu chấu tre lưng vàng xuất hiện và gây hại tại 2 huyện Sông Mã và Sốp Cộp, tổng diện tích châu chấu xuất hiện và gây hại là 2.700 ha (cây rừng 2.223 ha, cây nông nghiệp 477 ha). Diện tích thiệt hại cây nông nghiệp là 4,9 ha (tỷ lệ hại trên 70%).
- Năm 2017, điều kiện thời tiết mùa đông ấm, có mưa sớm thuận lợi cho châu chấu phát sinh sớm ngay từ đầu tháng 4. Tổng diện tích châu chấu gây hại là 584,01 ha (trong đó gây hại trên rừng hỗn giao, rừng tre nứa và ven rừng 434,03 ha, trên cây nông nghiệp 149,98 ha) phân bố tại 10 bản của 3 xã huyện Sốp Cộp (Mường Lèo: 06 bản, Mường Lạn: 01 bản, Sam Kha: 03 bản) và 4 bản của 2 xã huyện Sông Mã (Mường Hung: 2 bản, Mường Cai: 2 bản).
- Năm 2018, châu chấu tre lưng vàng xuất hiện muộn (cuối tháng 5) tại khu huổi Pú Sút, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp với mật độ phổ biến 15 con/m2, cao 70 con/m2, cục bộ 550 con/m2. Tổng diện tích châu chấu xuất hiện năm 2018 là 80 ha trên cây rừng (tre, nứa, rừng hỗn giao), không gây hại trên cây nông nghiệp.
- Năm 2019 châu chấu xuất hiện vào trung tuần tháng 4. Vừa mới nở tại các điểm đã khoanh vùng thuộc bản Liềng, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp với mật độ phổ biến 10 con/m2, cao 30 con/m2, cục bộ 120 con/m2. Tới tháng 6 châu chấu xuất hiện và gây hại trên địa bàn các huyện như Yên Châu với mật độ phổ biến 500 con/m2, cao 400 con/m2, cục bộ 500 con/m2, diện tích nhiễm 55 ha, tại huyện Vân Hồ và Huyện Mộc Châu châu chấu trưởng thành di cư đến với số lượng lớn nhưng không gây hại. Tổng diện tích do châu chấu gây hại là 420 ha (trên cây rừng là 337 ha, và trên cây nông nghiệp là 83 ha).
Trước diễn biến phức tạp của châu chấu tre, ngay từ cuối năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 01/9/2016 về việc quản lý, phòng trừ châu chấu trên địa bàn huyện Sốp Cộp. Tại các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, dùng máy động cơ tập trung phun diệt trừ tại các điểm có mật độ châu chấu cao, huy động các nguồn lực, lực lượng và nhân dân. Kết quả, diện tích nhiễm châu chấu tre lưng vàng đã được chỉ đạo phòng trừ hiệu quả, giảm thiểu được thiệt hại do châu chấu gây ra.
Tổng kết công tác phòng trừ châu chấu tre lưng vàng cho thấy, nhờ có sự phối hợp chỉ đạo quyết liệt giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, sự hợp tác tích cực của người dân địa phương, các hộ chủ rừng trong công tác điều tra phát hiện, thông tin, tuyên truyền và tổ chức phòng trừ nên các ổ châu chấu đều được phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời, có hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu tre lưng vàng gây ra.
Dự báo năm 2020, nguồn châu chấu tại chỗ và từ nước CHDCND Lào tiếp tục phát sinh, sẽ bắt đầu nở từ tháng 4, châu chấu non gây hại mạnh từ tháng 4 đến tháng 6, tập trung tại các huyện Sốp Cộp, Sông Mã và một số xã giáp vùng biên giới Lào. Do vậy công tác chuẩn bị các điều kiện về vật tư, thuốc bảo vệ thực vật sẵn sàng cho phòng trừ châu chấu tre là rất cần thiết.
II. MỤC TIÊU
1. Ngăn chặn sự bùng phát về số lượng, quy mô gây hại trên diện rộng của châu chấu tre trong năm 2020.
2. Giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại của châu chấu tre đối với các cây trồng, đặc biệt là cây nông nghiệp trên nương.
3. Nâng cao năng lực quản lý, phòng trừ châu chấu tre, huy động sự vào cuộc của các nguồn lực tại địa phương trong công tác phòng trừ châu chấu.
4. Chuẩn bị đầy đủ các vật tư thiết yếu sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng trừ châu chấu tre ngay khi phát hiện châu chấu vừa nở.
III. NỘI DUNG
1. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân, chủ thực vật trong phòng, chống châu chấu tre hại cây trồng.
2. Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến, quy luật phát sinh gây hại, hướng di chuyển của châu chấu tre, đặc biệt tại các vùng tập trung đẻ trứng, vùng gây hại từ năm trước.
3. Thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp, huy động các lực lượng thu, gom, vợt bắt châu chấu non, trưởng thành. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun trừ châu chấu tre tại các diện tích tập trung khu trú và các diện tích cây nông nghiệp bị gây hại.
4. Chuẩn bị các điều kiện về vật tư, kinh phí, tổ chức phun trừ khi châu chấu bùng phát với số lượng lớn.
5. Hợp tác, trao đổi thông tin, phòng chống châu chấu giữa các huyện và các tỉnh giáp biên thuộc nước CHDCND Lào.
IV. GIẢI PHÁP PHÒNG, TRỪ
1. Các biện pháp quản lý, theo dõi
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của châu chấu tre từ khi châu chấu non bắt đầu nở, xác định khu vực châu chấu tre nở, co cụm, đẻ trứng (chủ yếu các khu vực đất có độ ẩm cao, sườn đồi, ven suối). Dự tính, dự báo khả năng phát sinh, thời gian châu chấu non nở để chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ. Vùng tập trung theo dõi gồm các xã đã có châu chấu tre gây hại từ những năm trước và xã giáp biên giới Lào.
- Tuyên truyền vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân, chủ thực vật trong phòng, chống châu chấu tre hại cây trồng. Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, theo dõi, phát hiện kịp thời và áp dụng biện pháp phù hợp để phòng chống châu chấu tre, bảo vệ các diện tích cây nông nghiệp. Báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân xã, Khuyến nông xã hoặc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện khi phát hiện châu chấu tre non nở xuất hiện gây hại.
- Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn điều tra phát hiện và các giải pháp kỹ thuật phòng trừ châu chấu tre lưng vàng. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng châu chấu tre lưng vàng bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng của các loại cây trồng nông nghiệp.
- Thành lập Ban chỉ đạo về phòng trừ châu chấu tre tại các xã, huyện có châu chấu gây hại mạnh. Chủ động chuẩn bị các điều kiện về vật tư, kinh phí, tổ chức phun trừ khi châu chấu xuất hiện.
2. Các biện pháp kỹ thuật phòng trừ châu chấu tre lưng vàng
Thực hiện tổng hợp các biện pháp trong phòng trừ khi châu chấu xuất hiện và gây hại, bao gồm:
a) Biện pháp thủ công
- Khuyến khích, vận động nhân dân, các lực lượng vũ trang, các tổ chức đoàn thể, thực hiện các biện pháp thủ công như thu gom, bắt, đốt, đào...tại các khu vực châu chấu tập trung khu trú.
- Tổ chức thu mua châu chấu tre từ khi bắt đầu nở đến trưởng thành nhằm hạn chế số lượng châu chấu.
b) Biện pháp hóa học
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã được đăng ký trừ châu chấu tre trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam như (Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethin), (Emamectin benzoate + Lufenuron) Thiosultap-sodium... (một số tên thương phẩm: Neretox 95 WP; Victory 585 EC; Lufen extra 100 EC...). Trong quá trình tổ chức phòng trừ tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, đồng loạt, tập trung, trong khu vực phun thuốc tuyệt đối không được chăn, thả gia súc, gia cầm. Áp dụng đồng thời hai phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật dạng nước và dạng khói nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực diệt trừ châu chấu.
- Thời gian thực hiện: khi châu chấu non bắt đầu nở rộ từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
3. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin
- Phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật, các đơn vị chuyên môn nắm bắt các thông tin về tình hình phát sinh phát triển, công tác quản lý và các biện pháp phòng trừ châu chấu tre.
- Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, công tác phòng chống châu chấu với các tỉnh bạn và nước CHDCND Lào.
4. Huy động các nguồn lực tại địa phương tham gia công tác phòng trừ châu chấu
Tập trung các nguồn lực: lực lượng vũ trang, bộ đội biên phòng, các tổ chức đoàn thể thực hiện phòng trừ châu chấu tre bằng các biện pháp thủ công vợt, bắt...
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Thực hiện công tác chỉ đạo, hướng dẫn điều tra phát hiện tình hình phát sinh gây hại của châu chấu trên địa bàn. Đề xuất các giải pháp kỹ thuật trong phòng trừ châu chấu tre lưng vàng.
- Tổ chức kiểm tra giám sát việc điều tra phát hiện và công tác phòng trừ châu chấu tre hại cây trồng tại các huyện, thành phố.
- Trao đổi thông tin về diễn biến tình hình hình phát sinh, diễn biến châu chấu với các tỉnh bạn và nước CHDCND Lào.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả về tình hình phát sinh, diễn biến châu chấu trên địa bàn tỉnh. Chủ động đề xuất các giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
2. Sở Tài chính
Hướng dẫn các huyện cân đối nguồn ngân sách dự phòng để thực hiện phòng trừ châu chấu khi châu chấu tre lưng vàng phát sinh gây hại thành dịch.
3. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chỉ đạo Đồn biên phòng các khu giáp biên giới nước CHDCND Lào phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện trong công tác trao đổi thông tin về tình hình châu chấu tre tại các vùng giáp biên.
4. Ủy ban nhân dân các huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ
- Trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa phương, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, dự trù nguồn ngân sách, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vật tư, nhân lực, sẵn sàng cho công tác phòng trừ châu chấu tre năm 2020.
- Thực hiện công tác theo dõi, điều tra giám sát châu chấu trên địa bàn, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã theo dõi chặt chẽ tình hình châu chấu tre: thời gian châu chấu non nở, phạm vi gây hại, hướng di chuyển, các điểm châu chấu tre co cụm, đẻ trứng... để chủ động phòng trừ ngay từ đầu vụ.
- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng trừ châu chấu tre khi có mật độ cao, có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Thành lập ban chỉ đạo phòng trừ châu chấu tre, phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên để chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ châu chấu tre ngay khi châu chấu xuất hiện và gây hại.
- Huy động các nguồn lực của địa phương, lao động công ích và đóng góp của nhân dân phục vụ cho phòng trừ tre châu chấu hại cây trồng theo phương châm đồng loạt, tập trung.
Trên đây là kế hoạch quản lý, phòng trừ châu chấu tre trên địa bàn tỉnh năm 2020, yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2482/QĐ-UBND năm 2011 quy định mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa; mức hỗ trợ trực tiếp về giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 2Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2014 về tăng cường công tác phòng, trừ sâu ong hại cây mỡ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 3Quyết định 4183/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt điều chỉnh Phương án "Đầu tư phòng trừ sinh vật gây hại tổng hợp trên cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015
- 4Kế hoạch 161/KH-UBND năm 2020 về dịch châu chấu sa mạc xâm nhập, gây hại trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- 1Quyết định 2482/QĐ-UBND năm 2011 quy định mức hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và phòng, trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen hại lúa; mức hỗ trợ trực tiếp về giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 2Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2014 về tăng cường công tác phòng, trừ sâu ong hại cây mỡ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 3Quyết định 4183/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt điều chỉnh Phương án "Đầu tư phòng trừ sinh vật gây hại tổng hợp trên cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015
- 4Kế hoạch 161/KH-UBND năm 2020 về dịch châu chấu sa mạc xâm nhập, gây hại trên địa bàn tỉnh Lào Cai
Kế hoạch 25/KH-UBND về quản lý, phòng trừ châu chấu tre trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2020
- Số hiệu: 25/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 03/02/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
- Người ký: Lò Minh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/02/2020
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định