Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 161/KH-UBND

Lào Cai, ngày 08 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ

DỊCH CHÂU CHẤU SA MẠC XÂM NHẬP, GÂY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

I. TÌNH HÌNH DI CHUYỂN CỦA CHÂU CHẤU SA MẠC

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch châu chấu sa mạc bắt nguồn từ tháng 5 năm 2019 ở khu vực Trung Đông, sau đó bùng phát và lan rộng ra các nước Châu Phi, Tây Á, Nam Á. Từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2020, phát triển nhanh bất thường tại một số quốc gia Trung Đông như Ai Cập, Saudi Arabia, Yemen..., các nước Nam Á như Pakistan, Ấn Độ, đã phá hoại sản xuất nông nghiệp và đe dọa đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia. Hiện dịch châu chấu tại Đông Phi đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong 25 năm qua. Đàn châu chấu với số lượng ước tính hàng trăm triệu con di chuyển giữa các quốc gia Đông Phi với tốc độ lên đến 13km/h. Dừng chân tại chỗ nào, chúng tàn phá cây trồng, đe dọa nghiêm trọng an ninh lương thực của khoảng 13 triệu người.

Theo các chuyên gia của FAO và Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định có thể châu chấu sa mạc di cư vào Việt Nam khoảng tháng 6 do nền nhiệt độ cao và hướng gió phù hợp. Khu vực phía Tây Bắc của Việt Nam là nơi có khả năng đàn châu chấu có thể di chuyển qua.

Để chủ động phương án phòng chống, không để bất ngờ trước tình hình dịch bệnh có thể xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch châu chấu sa mạc, cụ thể như sau:

II. MỤC TIÊU

Huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị vào việc phòng, chống dịch khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào địa phương, hạn chế thấp nhất thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái và đặc biệt là đảm bảo an ninh lương thực.

III. KỊCH BẢN PHÒNG, CHỐNG CHÂU CHẤU SA MẠC

1. Hình thành hệ thống cảnh báo châu chấu sa mạc

Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, châu chấu sa mạc đã xuất hiện ở biên giới Ấn Độ, gây hại tại Pakistan và có nguy cơ di chuyển qua Ấn Độ xuống khu vực các nước Banglades, Myanmar, Lào hoặc các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) và vào Việt Nam. Nếu dịch bùng phát tại các khu vực kể trên, sẽ đe dọa trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Do vậy, theo dõi việc hình thành đàn, di cư của đàn châu chấu sa mạc là rất cần thiết để chủ động các biện pháp phòng chống hiệu quả. Hệ thống cảnh báo được triển khai theo các mức độ cụ thể:

1.1. Cảnh báo xa

- Thiết lập kênh thông tin với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nắm bắt tình hình di chuyển của đàn châu chấu, các cảnh báo, văn bản chỉ đạo của Trung ương về ứng phó với dịch châu chấu.

- Theo dõi thường xuyên thông tin châu chấu sa mạc trên mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và kiểm tra, đối chiếu để xác minh thông tin.

- Nghiên cứu ứng dụng bản đồ gió theo thời gian thực trên các trang web của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng thủy văn Lào Cai để xác định hướng di chuyển của đàn châu chấu.

- Xác định các loại thuốc BVTV, phương tiện (máy bay, máy bay không người lái, phương tiện phun thuốc công suất lớn, máy phun khói, máy phun thuốc trừ sâu có động cơ, ...), phương pháp phun trừ châu chấu sa mạc và dự trữ thuốc BVTV trừ châu chấu.

1.2. Cảnh báo gần

Khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Lào. Đồng thời căn cứ theo cảnh báo và các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nguy cơ và hướng xâm nhập của châu chấu vào Việt Nam. Triển khai một số nội dung:

- Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống châu chấu sa mạc ở tỉnh và địa phương.

- Chuẩn bị nguồn lực để phòng chống châu chấu sa mạc (con người, phương tiện, dụng cụ, thuốc BVTV, phương án bảo vệ con người và môi trường khi phun thuốc diện rộng, ... sẵn sàng ứng phó).

- Thử nghiệm sử dụng các máy móc, thiết bị phun thuốc BVTV trong các điều kiện, môi trường khác nhau.

2. Khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào Việt Nam

- Thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh (hoặc Phó Chủ tịch) làm Trưởng ban.

- Chuẩn bị nguồn lực (con người, các máy móc, phương tiện, thiết bị phun thuốc BVTV, thuốc BVTV).

- Xây dựng các phương án bảo vệ sản xuất.

- Ban hành các văn bản cảnh báo về châu chấu sa mạc trên toàn tỉnh; thông tin tuyên truyền rộng rãi về nhận biết châu chấu và biện pháp phòng chống.

- Ứng dụng bản đồ gió theo thời gian thực xác định hướng di chuyển của đàn châu chấu để cảnh báo đến các địa phương.

- Vận hành kênh thông tin, báo cáo tình hình châu chấu sa mạc giữa tỉnh và địa phương, giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước.

3. Khi châu chấu sa mạc xâm nhập vào Lào Cai

- Thành lập ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã do đồng chí Chủ tịch UBND làm Trưởng ban.

- Tổ chức toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân thực hiện các biện pháp diệt châu chấu, theo phương châm 4 tại chỗ.

- Vận hành kênh thông tin, báo cáo tình hình châu chấu sa mạc giữa Tỉnh và địa phương, giữa người dân và cơ quan quản lý nhà nước.

- Huy động nguồn lực để phòng chống châu chấu sa mạc (con người, các máy móc, phương tiện, thiết bị phun thuốc BVTV, thuốc BVTV...); có phương án bảo vệ con người, môi trường khi phun thuốc diện rộng.

- Tổ chức thực hiện phương án bảo vệ hoa màu, tài sản tại chỗ cũng như sinh kế của người dân tại vùng bị châu chấu sa mạc xâm nhập, gây hại.

IV. TỔ CHỨC CHỐNG DỊCH

1. Công bố dịch và biện pháp kỹ thuật chống dịch

a) Công bố dịch: Theo Nghị định 116/2014/NĐ-CP ngày 04/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Phân cấp mức độ đàn châu chấu theo diện tích để áp dụng các hành động tương ứng:

Cấp 1: Trong phạm vi 1 km2 (> 100 ha);

Cấp 2: >1-10 km2(100 - 1.000 ha);

Cấp 3: >10-100 km2 (1.000 - 10.000 ha);

Cấp 4: >100-500 km2 (10.000 - 50.000 ha);

Cấp 5: > 500 km2 (>50.000 ha).

Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì công bố dịch, dập dịch khi ở mức độ dịch cấp 1-2; cấp 3 - 4 đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì chỉ đạo dập dịch; cấp 5 đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dập dịch.

b) Biện pháp kỹ thuật chống dịch:

+ Trường hợp châu chấu xâm nhập là châu chấu trưởng thành, di chuyển nhanh và gây hại mạnh nên áp dụng biện pháp phun bao vây bằng thiết bị bay, nhất là các khu vực xa khu dân cư, chuồng trại, nguồn nước. Những diện tích còn lại huy động nhân lực, các loại bình phun, máy phun để phun thuốc BVTV hóa học.

+ Trường hợp châu chấu xâm nhập, di chuyển chậm, đẻ trứng, tổ chức khoanh vùng xử lý con trưởng thành bằng thuốc hóa học; theo dõi giám sát xử lý châu chấu non mới nở (tuổi 1-2) còn co cụm và chưa bay nhảy mạnh bằng thuốc sinh học.

2. Phân công nhiệm vụ

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác phòng chống khi dịch châu chấu, cụ thể:

+ Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; hướng dẫn địa phương thành lập Ban Chỉ đạo các cấp; tham mưu, chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch; tổng hợp báo cáo tình hình phòng, chống dịch của các địa phương; tham mưu văn bản trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phòng chống dịch khi dịch vượt quá khả năng dập dịch của tỉnh.

+ Tham mưu trình tự thủ tục công bố dịch; lập dự trù kinh phí và nguồn nhân lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ cho chủ thực vật khi công bố dịch hoặc khi dịch xảy ra nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch ở địa phương.

+ Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc làm tốt công tác giám sát từ xa, cảnh báo sớm. Theo dõi sát tình hình và các cảnh báo về hướng di chuyển và gây hại của châu chấu sa mạc; lựa chọn các loại thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để dập dịch châu chấu.

+ Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cấp phép, giám sát các thiết bị bay phun rải thuốc BVTV tại khu vực biên giới và nội địa.

b) Sở Tài chính: Chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kinh phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch; cấp kinh phí kịp thời cho các địa phương, các lực lượng trực tiếp tham gia dập dịch theo quy định (chi phí thuốc BVTV, tiền công tham gia dập dịch, chi phí thu gom, tiêu hủy châu chấu để bảo vệ môi trường); hướng dẫn các địa phương, cơ quan đơn vị liên quan sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo theo đúng quy định.

c) Sở Ngoại vụ: Chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chương trình phối hợp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc thường xuyên trao đổi, điện đàm về tình hình dịch châu chấu sa mạc và kinh nghiệm phòng trừ giữa 2 Tỉnh.

d) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Chủ trì, tham mưu việc huy động lực lượng dân quân tham gia vào công tác dập dịch; hướng dẫn, cấp phép cho các đơn vị, tổ chức sử dụng các phương tiện bay để phun thuốc BVTV dập dịch.

e) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chủ trì, phối hợp với biên phòng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), trao đổi thông báo và giám sát các thiết bị bay phun rải thuốc BVTV tại các khu vực giáp biên giới.

f) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

+ Căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch cụ thể ứng phó với dịch châu chấu sa mạc. Bố trí nguồn lực (con người, kinh phí, trang thiết bị, thuốc BVTV...) phục vụ phòng chống dịch; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân về các biện pháp phòng trừ; huy động nhân dân sử dụng bình phun đeo vai phun thuốc dập dịch ở những nơi các máy móc thiết bị công suất lớn không hoạt động được; đảm bảo khống chế, dập dịch không để dịch hại lây lan ra diện rộng, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

+ Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT/ Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, các phòng, ban liên quan và Ủy ban nhân dân các xã/ phường/ thị trấn tích cực chủ động trong công tác phòng chống dịch; thông tin kịp thời, chính xác sự xuất hiện, gây hại và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

g) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể tỉnh: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động, tích cực tham gia cùng chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn các hội viên tham gia phòng chống dịch.

h) Báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch hại, hướng dẫn phòng trừ, dập dịch.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan nghiêm túc triển khai, thực hiện Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT. TU, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN và các Đoàn thể tỉnh;
- BCH Quân sự tỉnh;
- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Ngoại vụ;
- Báo Lào Cai;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- BBT Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH3, NLN1,2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Xuân Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 161/KH-UBND năm 2020 về dịch châu chấu sa mạc xâm nhập, gây hại trên địa bàn tỉnh Lào Cai

  • Số hiệu: 161/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/06/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Trịnh Xuân Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản