Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 223/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 01 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2017 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025; Công văn số 1439/BYT-TCDS ngày 24/3/2017 của Bộ Y tế về việc xây dựng và triển khai Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025, Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2025 như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Người cao tuổi (sau đây viết tắt là NCT) là lớp người có vai trò, vị trí quan trọng đối với gia đình và xã hội, có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và chủ trương về công tác chăm sóc NCT, quy định những nội dung về vị trí, vai trò của NCT trong xã hội và trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội trong đảm bảo chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò của NCT.

Sau 06 năm thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu trọng tâm là giảm sinh, duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng cao chất lượng dân số. Đến năm 2016, chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả quan trọng: Tỷ suất sinh còn 15,06‰; tỷ lệ tăng tự nhiên dân số còn 1,1%. Kết quả trên đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và cải thiện đời sống của nhân dân.

Bên cạnh thành tựu đạt được thì những thách thức tiếp tục đặt ra cho công tác dân số trong giai đoạn hiện nay như cơ cấu dân số bước vào giai đoạn dân số vàng nhưng đồng thời bước vào giai đoạn già hóa dân số. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục mọi nỗ lực cho mục tiêu giảm sinh như trước đây thì chính sách dân số từng bước được điều chỉnh theo hướng bao quát, toàn diện hơn về các vấn đề dân số, đặc biệt chú trọng vấn đề cơ cấu dân số nhằm giải quyết các thách thức của chương trình dân số trong giai đoạn hiện nay, trong đó có vấn đề già hóa dân số.

Tại Việt Nam, năm 2011 tỷ lệ người cao tuổi 65 tuổi trở lên chiếm 7% dân số, nước ta đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo dự báo thời gian quá độ từ già hóa dân số (tỷ lệ người cao tuổi 65 chiếm 7% dân số) sang dân số già (tỷ lệ người cao tuổi 65 chiếm 14% dân số) ở nước ta chỉ khoảng 20 năm. Cùng với cả nước, xu hướng già hóa dân số Thừa Thiên Huế đang diễn ra với tốc độ khá nhanh. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 01/4/2009, tỉnh Thừa Thiên Huế có tỷ trọng người 60 tuổi trở lên là 111.631 người chiếm 10,3% trong tổng số dân. Đến năm 2016, tổng số NCT 151.300 người, tỷ lệ 13,15% so với tổng dân số; tỷ lệ nam là 42%, nữ là 58% (Chia theo độ tuổi là: Từ 60-79 tuổi: 115.129 người; từ 80-99 tuổi: 35.863 người; từ đủ 100 tuổi: 138 người; từ 101 tuổi trở lên: 250 người).

Người cao tuổi ở Thừa Thiên Huế cũng giống NCT trong cả nước, hơn 72% người cao tuổi hiện sống ở nông thôn; có tới gần 60% NCT sống bằng lao động của chính mình và nguồn hỗ trợ của gia đình, con cháu. Đời sống vật chất của đa số NCT rất khó khăn, ít có tiết kiệm để chi tiêu khi tuổi già. Mặt khác, NCT đang ngày càng đối mặt với nhiều tiềm ẩn của bệnh tật và nghèo đói, bệnh tật kép. Tỷ lệ NCT mắc các nhóm bệnh không lây nhiễm chủ yếu như: Bệnh tim mạch, ung thư; đái tháo đường, động kinh và trầm cảm ngày càng tăng. Nhu cầu lớn nhất của NCT hiện nay là được chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần.

Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; sự tham gia chủ động tích cực của Hội người cao tuổi các cấp, các ban ngành, đoàn thể và các tổ chức cá nhân, nhiều mô hình chăm sóc NCT đã được xây dựng và triển khai như mô hình các trung tâm chăm sóc NCT tập trung, mô hình chăm sóc NCT tại gia đình, mô hình chăm sóc NCT tại các cơ sở y tế.

Mặc dầu các mô hình nêu trên đã góp phần cải thiện cuộc sống của NCT nhưng trên thực tế các mô hình này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc của nhiều đối tượng NCT, nhất là NCT sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; người không có lương hưu, bảo trợ xã hội và các chế độ chính sách cho người có công.

Vì vậy, việc tăng cường chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho NCT nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT, góp phần thực hiện tốt Chương trình hành động quốc tế NCT và nâng cao chất lượng dân số Việt Nam đang trở thành một đòi hỏi cấp thiết nhằm góp phần giải quyết các yêu cầu và thách thức của xã hội ngày càng có nhiều NCT của nước ta. Việc xây dựng và triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe NCT là một việc làm thiết thực nhằm góp phần đánh giá và đề ra các định hướng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe NCT.

Nhằm triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 của Bộ Y tế, căn cứ tình hình thực tế của địa phương và thực trạng tình hình NCT trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII;

- Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình;

- Kết luận số 119-KL/TW ngày 04/01/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình;

- Luật Người cao tuổi năm 2009 và Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi;

- Pháp lệnh Dân số 2003 và các Nghị định của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số;

- Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

- Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012-2020;

- Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ Tài chính về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng NCT;

- Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe NCT;

- Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025;

- Công văn số 1439/BYT-TCDS ngày 24/3/2017 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025;

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2015-2020;

- Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 13/10/2015 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT;

- Nghị quyết 7c/2009/NQCĐ-HĐND ngày 09/4/2009 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 853/2009/QĐ-UBND ngày 24/4/2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 305/2011/QĐ-UBND ngày 28/02/2012 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số- SKSS tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;

- Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 30/05/2013 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình hành động Quốc gia về NCT giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe NCT.

Các chỉ tiêu đến năm 2025:

- 100% lãnh đạo, các cấp ủy Đảng chính quyền, ban ngành đoàn thể được cung cấp thông tin về già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT; ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch về chăm sóc sức khỏe NCT;

- 100% NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT và các kiến thức chăm sóc sức khỏe NCT.

b) Nâng cao sức khỏe của NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của NCT.

Các chỉ tiêu đến năm 2025:

- 80% NCT có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe;

- 80% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe.

c) Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà,...)

Các chỉ tiêu đến năm 2025:

- 90% NCT khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe;

- 100% bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh, huyện có tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT; khuyến khích thành lập mới bệnh viện lão khoa;

- 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.

d) Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của NCT tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung.

Các chỉ tiêu đến năm 2025:

- 100% NCT không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng;

- Tăng ít nhất 2 lần số NCT cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại nhà và có điều kiện chi trả được chăm sóc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung so với năm 2016.

IV. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi, địa bàn thực hiện: Kế hoạch được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Đối tượng:

- Đối tượng thụ hưởng: Người cao tuổi, gia đình có NCT.

- Đối tượng tác động: Cấp ủy Đảng, Chính quyền và Ban ngành đoàn thể; cán bộ y tế, dân số; tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Đề án; cộng đồng NCT sinh sống.

3. Thời gian thực hiện:

Đề án được thực hiện từ 2017 đến 2025 và chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 (2017-2020): Tập trung chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng: tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; tổ chức khám sức khỏe định kì, lập hồ sơ quản lý sức khỏe NCT tại trạm y tế xã; tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho NCT của các cơ sở y tế; xây dựng các quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT, hướng dẫn sử dụng Bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khỏe NCT; xây dựng tổ chức, quản lý chăm sóc sức khỏe NCT; xây dựng các tài liệu, chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo về chăm sóc sức khỏe NCT; thử nghiệm các mô hình, loại hình chăm sóc sức khỏe NCT dài hạn; thí điểm xây dựng phong trào xã/phường phù hợp với NCT; nghiên cứu phát triển hệ thống chỉ báo thống kê về quản lý chăm sóc sức khỏe NCT; thực hiện một số nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe NCT.

- Giai đoạn 2 (2021-2025): Tổng kết giai đoạn 1, lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của đề án đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1; nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT, ưu tiên cho các mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng; tạo môi trường thân thiện cho NCT thông qua việc thúc đẩy phong trào xã/phường phù hợp với NCT; xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tổ chức, quản lý các cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT, chính sách huy động các nguồn lực bao gồm cả tư nhân trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT.

V. CÁC GIẢI PHÁP, NHIỆM VỤ VÀ HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ truyền thông giáo dục thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe NCT:

a) Nội dung:

- Truyền thông vận động nâng cao nhận thức của lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, các nhà hoạch định chính sách, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng...về thách thức của quá trình “già hóa dân số” đối với việc chăm sóc, chăm sóc sức khỏe và phát huy NCT nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư kinh phí cho các nội dung thích ứng với xã hội “dân số già hóa”, xây dựng môi trường y tế thân thiện với NCT.

- Tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT, xóa bỏ định kiến về chăm sóc sức khỏe NCT trong các cơ sở tập trung; cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, không kỳ thị, coi tuổi già là gánh nặng; giúp đỡ, chăm sóc, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT của gia đình có NCT, trách nhiệm thực hiện tốt và tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCT; ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chủ động tự lo cho tuổi già khi còn trẻ bao gồm việc mua bảo hiểm y tế cho NCT.

- Thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với NCT và gia đình có NCT.

b) Các hoạt động chủ yếu:

- Tổ chức truyền thông giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng: xây dựng các chuyên mục, phóng sự phát trên sóng truyền hình, Đài Phát thanh, truyền thanh xã, phường; xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên Báo Thừa Thiên Huế.

- Biên tập, nhân bản các các sản phẩm truyền thông, tư vấn (tài liệu, sách, tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, cẩm nang...) cấp cho đối tượng.

- Phát hành các ấn phẩm truyền thông về chăm sóc sức khỏe NCT cho các đối tượng.

- Tổ chức truyền thông trực tiếp hướng dẫn chăm sóc và NCT tự chăm sóc.

- Lồng ghép với các hoạt động truyền thông khác

- Tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Đề án tại cấp tỉnh, huyện; Hội nghị cung cấp thông tin cho lãnh đạo cấp tỉnh, huyện.

- Định kỳ tổ chức các sự kiện truyền thông, các hội thảo, hội nghị, hội thi, hội diễn.

- Tham gia hội nghị, hội thảo do Trung ương tổ chức; phô tô tài liệu, văn phòng phẩm hoạt động của đề án.

c) Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục Dân số-KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

2. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ xây dựng, triển khai phong trào xã/phường phù hợp với NCT:

a) Nội dung: Xây dựng ban hành bộ tiêu chí xã/phường phù hợp với NCT (vệ sinh, rèn luyện sức khỏe, tổ chức thi...), triển khai thí điểm, phát động phong trào thực hiện xã/phường phù hợp với NCT trên phạm vi toàn tỉnh.

b) Các hoạt động chủ yếu:

- Năm 2017, 2018 phối hợp với Trung ương xây dựng bộ tiêu chí.

- Năm 2019, 2020 phối hợp triển khai thử nghiệm xây dựng phong trào xã/phường phù hợp với NCT ở một số huyện, thị xã, thành phố.

- Năm 2021-2025: Căn cứ vào kết quả triển khai thí điểm ở giai đoạn 2017- 2020, triển khai phong trào xã/phường phù hợp với NCT trên toàn tỉnh.

c) Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục Dân Số-KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

3. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả trạm y tế xã/phường/thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT:

a) Nội dung: Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả trạm y tế xã/phường/thị trấn để tăng cường triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại gia đình và cộng đồng.

b) Các hoạt động chủ yếu:

* Giai đoạn 2017-2020:

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về chăm sóc sức khỏe NCT cho cán bộ y tế cơ sở, bao gồm cả trạm y tế xã/phường/thị trấn;

- Bổ sung trang thiết bị thiết yếu cho y tế cơ sở và trạm y tế xã/phường/thị trấn thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe NCT và phục hồi chức năng cho NCT tại cộng đồng;

- Thường xuyên tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT tại trạm y tế xã/phường/thị trấn theo quy định, bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở NCT. Hướng dẫn NCT các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe. Khám bệnh, chữa bệnh cho NCT tại trạm y tế và tại nơi cư trú của NCT. Xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cụ thể cho từng NCT.

- Tổ chức chiến dịch chăm sóc sức khỏe NCT tại trạm y tế xã/phường/thị trấn để khám sàng lọc một số bệnh thường gặp ở NCT và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho NCT.

* Giai đoạn 2021-2025:

- Căn cứ hướng dẫn của trung ương về thực hiện chiến dịch chăm sóc sức khỏe NCT tại trạm y tế xã/phường/thị trấn tiếp tục triển khai để trở thành hoạt động thường quy tại trạm y tế xã/phường/thị trấn.

- Căn cứ đánh giá kết quả hoạt động giai đoạn 2017-2020, duy trì và bổ sung các hoạt động phù hợp với giai đoạn 2021-2025.

c) Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục Dân Số-KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

4. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ Nâng cao năng lực cho các khoa lão của bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, huyện thực hiện khám, chữa bệnh cho NCT:

a) Nội dung: Tổ chức tập huấn về lão khoa, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực cho các phòng khám lão khoa, khao lão khoa, khu có giường điều trị người bệnh là NCT thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) thực hiện khám và chữa bệnh cho NCT

b) Các hoạt động chủ yếu:

* Giai đoạn 2017-2020:

- Thực hiện cung cấp trang thiết bị cho các phòng khám lão khoa, khoa lão, khu có giường điều trị người bệnh là NCT của 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tỉnh, huyện.

- Bố trí cán bộ tham gia các lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật theo tiến độ.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các khoa lão của bệnh viện trung ương, tỉnh, huyện (trừ chuyên khoa nhi) thực hiện khám, chữa bệnh cho NCT.

* Giai đoạn 2021-2025:

- Năm 2021, xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí địa phương để thực hiện cung cấp cho các phòng khám lão khoa, khoa lão hoặc có giường điều trị người bệnh là NCT của 100% bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) để 100% số bệnh viện có khoa lão hoặc có giường điều trị người bệnh là NCT.

- Căn cứ đánh giá kết quả hoạt động giai đoạn 2017-2020, duy trì và bổ sung các hoạt động phù hợp với giai đoạn 2021-2025.

c) Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục Dân Số-KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

5. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và hỗ trợ kỹ thuật của Bệnh viện Lão khoa Trung ương:

a) Nội dung: Cung cấp một số trang thiết bị thiết yếu, nhân lực nâng cao năng lực về khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến tỉnh, huyện, xã

b) Các hoạt động chủ yếu: Hoạt động này do Trung ương triển khai thực hiện:

* Giai đoạn 2017-2020:

- Nhận chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương.

- Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật theo tiến độ và đào tạo nâng cao về chuyên ngành lão khoa.

* Giai đoạn 2021-2025:

- Triển khai bổ sung mở rộng một số hoạt động theo hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế ở địa phương.

6. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe NCT tại gia đình:

a) Nội dung: Phát triển đội ngũ chăm sóc sức khỏe NCT tại gia đình nhằm thực hiện quản lý sức khỏe NCT (theo dõi, thăm tại nhà) tại trạm y tế xã/phường/thị trấn, lồng ghép với quản lý sức khỏe cộng đồng, quản lý các bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại gia đình để đến năm 2025 có ít nhất 50% tổng số xã xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho NCT.

b) Các hoạt động chủ yếu:

* Giai đoạn 2017-2020:

- Thành lập tổ tình nguyện viên ở cấp xã (trưởng trạm Y tế là tổ trưởng, cán bộ dân số và đại diện hội NCT xã là tổ phó; thành viên: Mỗi thôn có 3-5 người tình nguyện viên là cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, hội viên hội NCT và thành viên một số ban ngành ở thôn, ấp/bản/làng.

- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới tình nguyện viên và kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe NCT.

- Trang bị một số thiết bị thiết yếu phục vụ chăm sóc sức khỏe NCT cho tình nguyện viên.

- Duy trì các hoạt động của tổ tình nguyện viên ở cấp xã/phường/thị trấn, bao gồm: Thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho NCT tại hộ gia đình được phân công. Theo dõi, ghi chép tình hình sức khỏe của NCT được phân công. Tổ chức các buổi họp của tổ tình nguyện viên hàng tháng.

- Triển khai xây dựng thí điểm mô hình sử dụng bác sỹ gia đình tham gia chăm sóc sức khỏe NCT.

* Giai đoạn 2021-2025:

- Tiếp tục duy trì các hoạt động giai đoạn 2017-2020, triển khai bổ sung mở rộng địa bàn và một số hoạt động theo hướng dẫn của trung ương và điều kiện thực tế của địa phương.

- Phát triển mô hình sử dụng mạng lưới bác sỹ gia đình tham gia chăm sóc sức khỏe NCT đã triển khai thí điểm ở giai đoạn 2017-2020.

c) Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục Dân Số-KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

7. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT, lồng ghép các nội dung tự chăm sóc sức khỏe NCT vào các câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ của NCT khác:

a) Nội dung: Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT hoặc lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào sinh hoạt của câu lạc bộ liên thế hệ, các loại hình câu lạc bộ của NCT với sự tham gia của NCT và người nhà của NCT thúc đẩy cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe của NCT và kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe NCT cho người nhà. Phấn đấu 70% số xã có CLB có nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào năm 2025.

b) Các hoạt động chủ yếu ở địa phương

* Giai đoạn 2017-2020:

- Xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT.

- Lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe vào các loại hình câu lạc bộ của NCT khác.

- Tổ chức tập huấn về chăm sóc sức khỏe NCT cho người nhà NCT, chủ nhiệm câu lạc bộ để hướng dẫn NCT tự chăm sóc sức khỏe.

- Tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ tập trung tạo nhà văn hóa thôn, xóm, khu phố hoặc các cơ sở khác để: Hướng dẫn kiến thức về rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở NCT. Hướng dẫn, cung cấp một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT đơn giản, dễ thực hiện cho người nhà NCT. Chăm sóc sức khỏe tinh thần thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu.

* Giai đoạn 2021-2025:

- Tiếp tục duy trì các hoạt động giai đoạn 2017-2020, triển khai bổ sung mở rộng địa bàn và một số hoạt động theo hướng dẫn của Trung ương về điều kiện thực tế của địa phương.

c) Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

8. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho NCT tại các cơ sở chăm sóc tập trung:

a) Nội dung: Thí điểm triển khai mô hình xã hội hóa chăm sóc y tế cho NCT tại các cơ sở chăm sóc tập trung ở một số địa bàn, trên cơ sở đó xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tập trung cho NCT.

b) Các hoạt động chủ yếu ở địa phương:

* Giai đoạn 2017-2020:

- Năm 2018: Triển khai thí điểm mô hình xã hội hóa Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT dài hạn và mô hình xã hội hóa Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT ban ngày.

- Năm 2020: Phối hợp đánh giá kết quả mô hình, xây dựng các quy định để triển khai mở rộng mô hình.

* Giai đoạn 2021-2025:

Triển khai mô hình Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT dài hạn và Trung tâm chăm sóc sức khỏe NCT ban ngày theo hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương.

c) Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

9. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ Xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe NCT:

a) Nội dung: Xây dựng quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe NCT các cấp tỉnh, huyện, xã/phường.

b) Các hoạt động chủ yếu ở địa phương:

Phối hợp với Trung ương xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe NCT cấp tỉnh, huyện, xã/phường.

c) Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

10. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ Đào tạo bác sỹ chuyên khoa lão khoa; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lão khoa cho sinh viên các trường y, người chăm sóc sức khỏe NCT:

- Thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

11. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ Xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT:

a) Nội dung: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện và ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT; các văn bản liên quan đến việc xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT.

b) Các hoạt động chủ yếu ở địa phương

* Giai đoạn 2017-2020:

- Phối hợp thực hiện các khảo sát đánh giá và đề xuất xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT; các văn bản liên quan đến việc xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT;

- Tổ chức triển khai các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.

- Đề xuất ban hành các chính sách của địa phương

* Giai đoạn 2021-2025:

- Tiếp tục tổ chức triển khai các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.

- Phối hợp với Trung ương tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các văn bản đã được xây dựng và triển khai, đề xuất chỉnh sửa hoặc ban hành mới.

c) Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

12. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ Triển khai một số nghiên cứu khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe NCT:

* Triển khai các nghiên cứu khoa học phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương phục vụ cho việc triển khai thực hiện đề án ở địa phương.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục Dân Số-KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

13. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế:

- Thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục Dân số-KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

14. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ Xây dựng các chỉ tiêu thống kê và chỉ tiêu báo cáo, quản lý, giám sát chăm sóc sức khỏe NCT:

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục Dân số - KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

15. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu điện tử, quản lý công tác chăm sóc sức khỏe NCT:

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục Dân số - KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

16. Các hoạt động thực hiện nhiệm vụ Thực hiện khảo sát đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ để kiểm tra thực hiện các mục tiêu của Đề án; các hoạt động quản lý Đề án:

* Giai đoạn 2017 - 2020:

- Phối hợp triển khai các hoạt động đánh giá của Trung ương.

- Năm 2017 thực hiện đánh giá đầu kỳ.

- Năm 2020 thực hiện đánh giá giữa kỳ kiểm điểm thực hiện các mục tiêu của Đề án ở địa phương.

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án tại địa phương theo kế hoạch định kỳ và đột xuất.

- Thực hiện chế độ báo cáo thực hiện Đề án theo quy định hiện hành.

* Giai đoạn 2021 - 2025:

- Năm 2025, thực hiện đánh giá cuối kì kiểm điểm thực hiện các mục tiêu của Đề án ở địa phương.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Y tế (Chi cục Dân số - KHHGĐ), các đơn vị liên quan.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch dự kiến: 22,633,000,000 đồng.

- Ngân sách Trung ương theo hướng dẫn tại Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

- Ngân sách địa phương;

- Các nguồn hợp pháp khác.

2. Nội dung và mức chi: Các hoạt động, nhiệm vụ của Đề án thực hiện theo các quy định tài chính hiện hành của Nhà nước.

VII. CƠ CHẾ QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH ĐỀ ÁN

1. Tại cấp tỉnh:

- Thành lập Ban quản lý Đề án cấp tỉnh do Lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng ban, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình là Phó Ban thường trực, thành viên là các đơn vị có liên quan.

- Ban quản lý Đề án cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở Y tế xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT của tỉnh hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện.

- Ban quản lý Đề án các cấp chịu trách nhiệm xây dựng quy chế hoạt động của cấp mình để thực hiện các nội dung theo từng giai đoạn cụ thể. Các thành viên của Ban quản lý Đề án các cấp hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Tại cấp huyện:

Thành lập Ban quản lý Đề án cấp huyện do Lãnh đạo Trung tâm Dân số - KHHGĐ làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo Ban đại diện Hội Người cao tuổi và một số ban, ngành, đoàn thể cấp huyện làm thành viên.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì, điều phối và chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch; phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch.

- Căn cứ các nội dung Kế hoạch đã được phê duyệt, lập dự toán kinh phí triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định và theo hướng dẫn của Trung ương, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

- Chỉ đạo Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe NCT và các quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT.

- Lồng ghép có hiệu quả các hoạt động của Đề án với các hoạt động của các Chương trình/dự án của Hội Người cao tuổi, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành khác có liên quan đang thực hiện trên cùng địa bàn đảm bảo hiệu quả tiết kiệm.

- Chỉ đạo Bệnh viện, các đơn vị y tế thực hiện nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe NCT tại các cơ sở khám chữa bệnh.

- Tổ chức giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 2017-2020 và đề xuất thực hiện Đề án giai đoạn 2020-2025.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với các đơn vị liên quan huy động mọi nguồn lực từ các chương trình, tổ chức để đầu tư kinh phí thực hiện các hoạt động của Kế hoạch giai đoạn 2017-2025.

3. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí hằng năm theo tiến độ thực hiện các nội dung của Kế hoạch giai đoạn 2017-2025.

4. Sở Tư pháp: Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về NCT cho nhân dân. Nghiên cứu hướng dẫn, biên soạn đề cương, tài liệu tuyên truyền quy định về chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NCT.

5. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ và nhân dân về chăm sóc sức khỏe NCT, chú ý đến các địa bàn có tỷ lệ người cao tuổi cao; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; NCT có hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn.

6. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ; quy hoạch hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc NCT; điều tra về NCT; xây dựng và thí điểm các mô hình chăm sóc NCT.

7. Sở Văn hóa và Thể thao: Hướng dẫn hoạt động của các Câu lạc bộ văn hóa, thể dục - thể thao của NCT; phối hợp với các đoàn thể cấp tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao của NCT; hướng dẫn và mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ thể dục - thể thao cho các câu lạc bộ sức khỏe NCT; hướng dẫn và tổ chức các cuộc hội thao, liên hoan văn nghệ dành cho NCT; tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các cơ sở di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, thể dục - thể thao có bán vé và thu phí dịch vụ để đảm bảo thực hiện giảm giá vé và phí dịch vụ đối với NCT theo quy định của pháp luật.

8. Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp lồng ghép các hoạt động liên quan để góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của đề án và kế hoạch của UBND tỉnh đề ra.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Người cao tuổi tỉnh và các tổ chức thành viên mặt trận: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai các hoạt động của kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT, đặc biệt là NCT thuộc diện chính sách, NCT có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa.

10. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế:

- Xây dựng và tổ chức triển khai, thực hiện kế hoạch; đưa chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe NCT vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương; hỗ trợ, bổ sung kinh phí cho các hoạt động của Đề án trên địa bàn.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt các nội dung của kế hoạch; chỉ đạo các Phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường phối hợp và đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chăm sóc sức khỏe NCT; thường xuyên kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2025. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung của Kế hoạch, các sở, ban ngành, địa phương phản ảnh về Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ) để tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế; (để b/c)
- Tổng cục Dân số - KHHGĐ;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị có tên tại Mục VIII;
- VP: CVP, các PCVP, CV: TC, KH, DN;
- Lưu: VT, VH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Dung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 223/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2025

  • Số hiệu: 223/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/11/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản