Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 154/KH-UBND

Bà Rịa -Vũng Tàu, ngày 30 tháng 08 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC THÔNG TIN CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2022-2025

Căn cứ Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở;

Căn cứ Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư 39/2020/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định về quản lý Đài Truyền thanh xã ứng dụng công nghệ Thông tin - Viễn thông;

Căn cứ Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 07/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025;

Thực hiện Quyết định 2588/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt Kế hoạch Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025, như sau:

I. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN

1. Kết quả đạt được

Hoạt động thông tin cơ sở hiện nay được tổ chức bằng nhiều loại hình thông tin khác nhau, trong đó truyền thanh cơ sở (xã, phường, thị trấn) là loại hình thông tin chủ lực, phát huy được vai trò, hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở, đưa thông tin trực tiếp đến người dân.

- Về hệ thống truyền thanh cơ sở: Toàn tỉnh hiện có 65 đài truyền thanh/ 82 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 79% (chi tiết tại Phụ lục 1).

- Về hệ thống truyền thanh cấp huyện: toàn tỉnh hiện có 07 cơ sở truyền thanh cấp huyện/08 huyện, thành phố, đạt tỷ lệ 88% (thành phố Vũng Tàu không có cơ sở truyền thanh cấp huyện). 100% các cơ sở truyền thanh cấp huyện được sáp nhập thành Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh theo Quyết định số 308/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020, đạt tỷ lệ 100% (chi tiết tại Phụ lục 2).

- Về trang thông tin điện tử (bản tin điện tử): Tỉnh hiện chưa có xã, phường, thị trấn nào có trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Về bản tin thông tin cơ sở (bản tin giấy): có 08/08 huyện, thị xã, thành phố xuất bản cuốn Thông tin sinh hoạt nội bộ, do Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy chủ trì phối hợp trong khối tuyên truyền thực hiện để phục vụ cho sinh hoạt chi bộ cơ sở, đăng phát trên đài truyền thanh cấp huyện.

- Về tài liệu không kinh doanh: Trong năm 2021, Sở thông tin và Truyền thông đã thực hiện cấp 152 giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh, so với 2020 là 156 giấy phép.

Các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp còn tổ chức các hình thức thông tin khác để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân, như: Bản tin truyền thống, bản tin điện tử chạy chữ, màn hình điện tử LCD đặt ở các khu vực trung tâm đông dân cư, trụ sở cơ quan, đơn vị; bản tin quảng cáo điện tử ở các toà nhà văn phòng, chung cư; các điểm bưu điện - văn hóa xã; tủ sách điện tử; cụm thông tin cơ sở.

2. Đánh giá điểm mạnh

Thông tin cơ sở phát huy được vai trò là một kênh thông tin thiết yếu, có lợi thế nhất ở cơ sở (gần dân, sát dân), tuyên truyền rất hiệu quả đến người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mà không có kênh truyền thông nào có thể làm được với số lượng người được tiếp cận thông tin rất đông đảo (khoảng 80% người dân được tiếp cận).

3. Đánh giá điểm yếu

- Chính quyền địa phương một số nơi chưa thấy hết được vai trò, hiệu quả của thông tin cơ sở nên chưa quan tâm chỉ đạo tổ chức hoạt động, bố trí nhân lực, kinh phí đầu tư phát triển, duy trì hoạt động hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn.

- Từ trước đến nay, lĩnh vực thông tin cơ sở chưa có quy hoạch trong toàn tỉnh, nên mạng lưới thông tin cơ sở ở mỗi địa phương được tổ chức khác nhau.

- Phương thức tổ chức hoạt động chủ yếu theo cách làm truyền thống, qua nhiều cấp trung gian; thông tin một chiều từ trên xuống, chưa có sự tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân.

- Công nghệ, thiết bị kỹ thuật của hệ thống thông tin cơ sở phần lớn là cũ, lạc hậu, nhiều nơi xuống cấp, không sử dụng được. Ứng dụng công nghệ trong tổ chức, quản lý hoạt động thông tin cơ sở còn hạn chế.

- Nhân lực làm công tác thông tin cơ sở kiêm nhiệm hoặc không chuyên trách, nên thường xuyên thay đổi, làm việc kém hiệu quả.

II. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển thông tin cơ sở là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Tỉnh đến cơ sở, có giải pháp, cách làm đột phá, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa, nhu cầu thụ hưởng thông tin thiết yếu của người dân ở từng địa phương.

2. Thông tin cơ sở tăng cường tương tác hai chiều để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền cùng giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.

3. Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa thông tin cơ sở theo mô hình kết hợp giữa tập trung và phân quyền quản lý theo cấp hành chính từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở; kiểm soát, giám sát và đánh giá được hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở.

4. Sử dụng hạ tầng viễn thông, Internet và các nền tảng công nghệ trong nước để tạo ra dữ liệu dùng chung với các hệ thống thông tin khác, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng đầy đủ thông tin thiết yếu của người dân.

5. Tạo sự gắn kết, đồng hành với hệ thống Chính phủ số/chính quyền số, đô thị thông minh, nông thôn mới; sử dụng hạ tầng viễn thông, Internet và các nền tảng công nghệ để tạo ra dữ liệu dùng chung với các hệ thống thông tin khác.

III. TẦM NHÌN

- Thông tin cơ sở trở thành kênh thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân, tương tác thông tin hai chiều giữa chính quyền với người dân trên môi trường số; phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền, cơ quan quản lý các cấp; người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền, cơ quan quản lý các cấp, cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng và tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội ở cơ sở và ngay từ cơ sở.

- Hiện đại hóa, đồng bộ hóa hệ thống thông tin cơ sở để góp phần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về thông tin cơ sở.

IV. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2025

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại, đồng bộ và thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến xã, phường, thị trấn trong một hệ sinh thái thông tin đa ngành, đa lĩnh vực, tương tác và phản ánh nhanh nhạy trước những tác động của đời sống kinh tế, xã hội, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ đất nước.

- Hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở nhằm đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung cấp, trao đổi thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiện quả.

- Hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở.

- Phát huy vai trò của hệ thống thông tin cơ sở để cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của nhà nước liên quan trực tiếp đến người dân ở địa phương, thông tin thiết yếu đối với đời sống hàng ngày cần thiết và kịp thời.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại

- Cấp xã:

Đến năm 2023, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh đến ấp, khu phố, khu dân cư.

Đến năm 2025, 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tương tác với người dân.

Đến năm 2025, 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.

- Cấp huyện:

Đến năm 2023, 100% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có cơ sở truyền thông cấp huyện;

Đến năm 2025 thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa và 80% huyện, thị xã có bản tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn tỉnh.

- Cấp tỉnh:

Đến năm 2023, tỉnh có Hệ thống thông tin nguồn để quản lý tập trung và cung cấp thông tin thiết yếu cho hệ thống thông tin cơ sở của tỉnh.

Đến năm 2025, 100% các Sở, ngành cấp tỉnh và cấp huyện cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý trên Hệ thống thông tin nguồn tỉnh.

b) Thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở

- Đến năm 2025, 100% thông tin thiết yếu phổ biến đến người dân của Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được cung cấp trên Hệ thống thông tin nguồn trung ương và Hệ thống thông tin nguồn tỉnh phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở.

- Đến năm 2025, 100% văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên và báo cáo, thống kê từ cơ sở về hoạt động thông tin cơ sở được thực hiện trên Hệ thống thông tin nguồn Trung ương và Hệ thống thông tin nguồn tỉnh.

- Đến năm 2025, 100% ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở được tiếp nhận, xử lý trên Hệ thống thông tin nguồn Trung ương và Hệ thống thông tin nguồn tỉnh.

- Đến năm 2025, 100% đài truyền thanh cấp xã có dây/không dây FM chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

- Đến năm 2025, sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.

c) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm thông tin cơ sở

Đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với vị trí việc làm.

V. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Phát triển hạ tầng mạng lưới thông tin cơ sở

a) Thiết lập mỗi xã, phường, thị trấn có một hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông

Những xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh có dây/không dây FM, tổ chức chuyển đổi theo lộ trình trong giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm từ 15 - 25% đài truyền thanh có dây/không dây FM cấp xã được chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; tập trung chuyển đổi trước những đài hư hỏng, xuống cấp, hết khấu hao (trên 5 năm), cụ thể:

- Đối với những xã, phường, thị trấn chưa có đài truyền thanh, địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trong hai năm 2022 - 2023 để thiết lập mới đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

- Đối với những xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh có dây/không dây FM, tổ chức chuyển đổi theo lộ trình từng năm sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; theo nguyên tắc chuyển đổi trước những đài hư hỏng, xuống cấp, hết khấu hao (trên 5 năm); hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ hệ thống này trong năm 2025.

- Đối với những địa phương có điều kiện đặc thù:

Những huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã (huyện Côn Đảo), địa phương thiết lập cụm loa truyền thanh đến các khu dân cư; tổ chức thực hiện việc sản xuất, tiếp sóng chương trình phát thanh và quản lý, vận hành hoạt động của các cụm loa truyền thanh.

Những địa phương tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị (nếu có): Căn cứ tình hình thực tế của địa phương (khi chưa tìm được phương án có hiệu quả thay thế hệ thống cung cấp thông tin mang tính chất “cưỡng bức” như hệ thống truyền thanh cơ sở), thiết lập các cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đến các tổ dân phố, khu dân cư; Trung tâm Truyền thông và Văn hóa/Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao hoặc UBND phường thực hiện việc sản xuất, tiếp sóng chương trình phát thanh và quản lý, vận hành hoạt động của các cụm loa truyền thanh.

- Đơn vị chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; Các Sở, Ban, Ngành, và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kinh phí: Sử dụng nguồn lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Ngân sách của địa phương; huy động xã hội hóa để phát triển hệ thống truyền thanh của địa phương.

b) Thiết lập mỗi xã, phường, thị trấn có một trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã

Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã là một thành phần của Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện, có chức năng cung cấp các thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của xã, phường, thị trấn; thông tin về các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật mới và các quy định của chính quyền cơ sở; liên kết, tích hợp thông tin với Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Đơn vị chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; Các Sở, Ban, Ngành, và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kinh phí: Sử dụng ngân sách của địa phương để thiết lập trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp xã.

c) Thiết lập bản tin điện tử công cộng do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý

Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu công tác truyền thông phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền cơ sở, các xã, phường, thị trấn tổ chức thiết lập các loại bản tin điện tử cho phù hợp. Bản tin điện tử được đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; địa điểm công cộng tập trung đông dân cư để người dân dễ nhìn thấy, dễ tìm hiểu các thông tin thiết yếu bằng chữ viết, hình ảnh.

- Đơn vị chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; Các Sở, Ban, Ngành, và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kinh phí: Sử dụng ngân sách của địa phương, huy động xã hội hóa để đầu tư, thiết lập bản tin điện tử công cộng.

d) Thiết lập bản tin điện tử công cộng do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý, được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn tỉnh

Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thiết lập các bản tin điện tử công cộng cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) đặt ở các địa điểm đông người qua lại như quảng trường, vườn hoa, khu đô thị, trung tâm thương mại, khu vực cửa ngõ của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố (ít nhất 01 bản tin điện tử loại này). Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh cấp huyện là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành bản tin điện tử công cộng được kết nối với Hệ thống thông tin nguồn tỉnh, thông qua mạng Internet/Intranet hoặc sim 3G/4G để nhận thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân.

Đối với bản tin điện tử quảng cáo cỡ lớn (màn hình LED, màn hình LCD) của các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trên địa bàn, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu huy động, trưng dụng phục vụ công tác truyền thông thực hiện nhiệm vụ chính trị, khuyến khích kết nối với Hệ thống thông tin nguồn tỉnh để nhận thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân.

- Đơn vị chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; Các Sở, Ban, Ngành, và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kinh phí: Sử dụng ngân sách địa phương, huy động xã hội hoá đầu tư, thiết lập bản tin điện tử công cộng.

đ) Hiện đại hóa các trang thiết bị kỹ thuật, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thanh cấp huyện

Từ năm 2022 trở đi, các địa phương không đầu tư nâng cấp hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh của cơ sở truyền thanh cấp huyện (trừ những địa phương có điều kiện đặc thù nêu tại điểm a mục 1 phần V), duy trì hoạt động hệ thống truyền dẫn phát sóng hiện có cho đến khi xuống cấp, hết khấu hao. Chỉ đầu tư mua sắm mới, nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật để phục vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện.

- Từng bước chuyển đổi hoạt động của “cơ sở truyền thanh - truyền hình” thành “cơ sở truyền thông” (gọi là tổ, đội thông tin, tuyên truyền) thuộc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa/Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện để tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, bảng tin điện tử và các phương tiện truyền thông khác của cấp huyện; cộng tác sản xuất, cung cấp nội dung cho các đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố và Trung ương; tổ chức các hoạt động thông tin lưu động trên địa bàn.

- Đối với những huyện, thị xã, thành phố từ trước đến nay không có đài truyền thanh cấp huyện, thì thiết lập cơ sở truyền thông thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện để thực hiện chức năng, nhiệm vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện và tổ chức các hoạt động thông tin lưu động trên địa bàn.

- Đơn vị chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; Các Sở, Ban, Ngành, và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kinh phí: Sử dụng nguồn lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 hoặc từ nguồn ngân sách của địa phương.

e) Thiết lập Hệ thống thông tin nguồn tỉnh để tổ chức quản lý tập trung và cung cấp thông tin nguồn cho hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn

Tỉnh xây dựng một Hệ thống thông tin nguồn để quản lý, vận hành để tổ chức hoạt động thông tin cơ sở ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã; cung cấp thông tin nguồn của cấp tỉnh, cấp huyện cho hệ thống thông tin cơ sở; theo dõi, giám sát được trạng thái hoạt động của các cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, bản tin điện tử công cộng, các phương tiện thông tin cơ sở khác được kết nối và đánh giá tình hình hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống thông tin nguồn tỉnh do tỉnh thực hiện đầu tư, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu về tình hình hoạt động thông tin cơ sở của tỉnh với hệ thống thông tin nguồn Trung ương.

- Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông;

- Đơn vị phối hợp: UBND các huyện, thị xã, thành phố; Các Sở, Ban, Ngành, và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kinh phí: Sử dụng ngân sách tỉnh để đầu tư hoặc thực hiện thuê dịch vụ của doanh nghiệp công nghệ, viễn thông để thiết lập Hệ thống thông tin nguồn tỉnh theo quy định tại Quyết định 2588/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt Kế hoạch Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030.

f) Nhiệm vụ thiết lập Cổng thông tin điện tử thông tin cơ sở của tỉnh (sử dụng sub-domain của Cổng thông tin điện tử tỉnh) để cung cấp, phổ biến thông tin thiết yếu; thông tin về các hoạt động thông tin cơ sở; tương tác thông tin giữa người dân và chính quyền về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở.

- Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông;

- Đơn vị phối hợp: UBND các huyện, thị xã, thành phố; Các Sở, Ban, Ngành, và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kinh phí: Sử dụng ngân sách tỉnh.

2. Hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền

Sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, các phần mềm phân tích dữ liệu lớn (Big Data) kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tổng hợp, phân tích, chọn lọc thông tin, phục vụ sản xuất nội dung, lưu trữ và quản lý nội dung; tối ưu hoá hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng nội dung, tiết kiệm thời gian, giải bài toán thiếu nhân sự làm công tác thông tin cơ sở.

Nghiên cứu, lựa chọn sử dụng các nền tảng công nghệ trong nước chuyển đổi nội dung văn bản thành giọng nói với các giọng đọc biểu cảm, ngữ điệu tự nhiên, phù hợp với văn hóa từng địa phương làm cho nội dung tuyên truyền, phổ biến đến người dân được gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng thực hiện.

- Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, Ban, Ngành, và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kinh phí: Sử dụng ngân sách tỉnh hoặc ngân sách của địa phương.

3. Phát triển nhân lực làm công tác thông tin cơ sở

- Tổ chức nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở của cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn và phương châm mỗi công chức quản lý đảm đương nhiều việc, sử dụng thành thạo công nghệ phục vụ hoạt động quản lý, thực thi pháp luật và có năng lực tổ chức các hoạt động truyền thông ở cơ sở. Đồng thời sử dụng “trợ lý ảo” chuyên sâu về lĩnh vực thông tin cơ sở hỗ trợ xử lý công việc, soạn thảo văn bản, tìm kiếm dữ liệu.

- Đối với nhân lực ở cấp huyện: Rà soát, sắp xếp nhân lực làm việc ở cơ sở truyền thông cấp huyện theo hướng nhân lực thực hiện nhiệm vụ truyền dẫn, phát sóng (nhân viên kỹ thuật) có thể tinh giảm dần, hoặc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để quản lý, sử dụng các thiết bị kỹ thuật số; hỗ trợ quản lý kỹ thuật cho đài truyền thanh cấp xã; chuyển đổi sang thực hiện nhiệm vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện và tổ chức các hoạt động thông tin lưu động.

- Đối với nhân lực ở cấp xã: Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, có thể bố trí công chức văn hóa - xã hội cấp xã kiêm nhiệm hoặc người hoạt động không chuyên trách cấp xã (quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố) để quản lý, vận hành hệ thống thông tin cơ sở của xã, phường, thị trấn: đài truyền thanh, trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử công cộng và các phương tiện thông tin cơ sở khác.

- Đơn vị chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố; Sở Thông tin và Truyền thông;

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, Ban, Ngành, và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kinh phí: Sử dụng ngân sách tỉnh hoặc ngân sách của địa phương.

VI. GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ

1. Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật

Xây dựng quy định về phối hợp cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý của các sở, ngành địa phương trên Hệ thống thông tin nguồn tỉnh.

2. Giải pháp về chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở

Thúc đẩy chuyển đổi số các hoạt động thông tin cơ sở, tập trung vào các nội dung sau:

- Tổ chức hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn và cung cấp thông tin từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở trên môi trường số.

- Tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở, phục vụ công tác quản lý nhà nước trên môi trường số.

- Tổ chức cung cấp tài liệu và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền; tạo diễn đàn trao đổi, học tập kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền ở cơ sở cho cán bộ thông tin cơ sở trên môi trường số.

- Tổ chức hoạt động thu thập, tổng hợp và xử lý dữ liệu về ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở trên môi trường số.

3. Huy động các nguồn lực phát triển

- Sử dụng nguồn kinh phí do Trung ương bố trí hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

- Từ nguồn kinh phí do Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí đối ứng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Từ ngân sách của địa phương chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp kinh tế và bảo đảm kinh phí hằng năm duy trì hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn.

- Các nguồn lực xã hội hóa hợp pháp từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để đầu tư phát triển hệ thống thông tin cơ sở.

- Vận động các doanh nghiệp công nghệ, truyền thông trong nước, trong tỉnh xây dựng các nền tảng, hạ tầng kỹ thuật hệ thống thông tin cơ sở, chính quyền địa phương thuê dịch vụ theo quy định.

4. Cung cấp thông tin

- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức Trung ương và địa phương liên quan tổ chức cung cấp thông tin thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý, phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở.

- Cơ quan chỉ đạo, quản lý các cấp tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin thiết yếu trên các loại hình thông tin mới, hiện đại, kết hợp với các loại hình thông tin truyền thống, phù hợp với nhu cầu, điều kiện tiếp nhận thông tin của từng nhóm dân cư, như: nhắn tin trên mạng thông tin di động, truyền thông trên các nền tảng công nghệ (mạng xã hội, tủ sách điện tử, các app chức năng,...), bản tin tài liệu không kinh doanh, điểm bưu điện văn hóa xã, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên và các loại hình thông tin cơ sở khác.

5. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở

- Tổ chức biên soạn sách hướng dẫn, tài liệu đào tạo, tập huấn bồi dưỡng, tư vấn hướng dẫn về nghiệp vụ, kiến thức kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng tuyên truyền và tổ chức các hoạt động thông tin cơ sở bằng bài giảng E-Learning, videoclip.

- Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thông tin cơ sở, cập nhật kiến thức về kỹ thuật, công nghệ chủ yếu bằng hình thức trực tuyến; có thể mở các khóa/lớp đào tạo, tập huấn do Trung ương đến xã, phường, thị trấn; đưa nội dung đào tạo, tập huấn từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn; đưa nội dung đào tạo, bồi dưỡng lên nền tảng online, cán bộ thông tin cơ sở có thể tự học, tự thi.

- Sử dụng công nghệ AI, “trợ lý ảo” hỗ trợ công chức quản lý nhà nước thực thi các hoạt động quản lý và tổ chức hoạt động truyền thông ở cơ sở; hỗ trợ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở xã, phường, thị trấn khai thác, biên soạn nội dung tuyên truyền, quản lý, vận hành thiết bị kỹ thuật hiện đại.

- Tổ chức giao lưu, trải nghiệm thực tế giữa các địa phương để cán bộ làm công tác thông tin cơ sở trao đổi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và chia sẻ các kinh nghiệm hay trong tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền ở cơ sở.

6. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm

- Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin cơ sở để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả của thông tin cơ sở.

- Chuyển tải tài liệu tuyên truyền của Trung ương, xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và kết quả thực hiện việc hiện đại hóa lĩnh vực thông tin cơ sở trên các phương tiện truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của thông tin cơ sở là kênh thông tin thiết yếu và tương tác hai chiều giữa chính quyền với người dân ở cơ sở.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp về vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trong việc nâng cấp, hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở;

- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân hưởng ứng việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận thông tin 5 thiết yếu, góp ý, đánh giá hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật ở cơ sở và trao đổi thông tin tương tác hai chiều giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước. Tổ chức hội thảo, hội thi,… về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin cơ

sở; Biểu dương, khen thưởng những mô hình hay, cách làm sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin cơ sở.

- Tuyên truyền, phổ biến tại các hội nghị, hội thảo, hội thi, tập huấn, tổ chức các sự kiện truyền thông về thông tin cơ sở.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với Cục, Vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các nội dung trong Kế hoạch này; kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện và tổng hợp báo cáo tham mưu UBND tỉnh kết quả thực hiện gửi Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 25/12 hàng năm.

- Xây dựng hệ thống thông tin nguồn tỉnh; thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở.

- Biên soạn tài liệu bồi dưỡng, sách hướng dẫn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về ứng dụng công nghệ thông tin dưới hình thức xuất bản in, xuất bản điện tử; tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin cơ sở và tập huấn nghiệp vụ thông tin cơ sở hàng năm.

- Hàng năm, lồng ghép cụ thể chỉ tiêu nội dung Kế hoạch này trong Kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, dự án khác được giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì để triển khai thực hiện và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Căn cứ đề xuất của các cơ quan, đơn vị và khả năng cân đối nguồn ngân sách tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của tỉnh để thực hiện Kế hoạch này và các kế hoạch hàng năm theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan trình cấp thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện từ nguồn chi thường xuyên ngân sách tỉnh theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, trong khả năng cân đối ngân sách hàng năm và theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành có liên quan để triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương đạt hiệu quả.

- Tổ chức cung cấp thông tin, quản lý nội dung thông tin của hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch.

- Định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này, gửi về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 05/12 hằng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.

5. Các Sở, ban, ngành tỉnh, Thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh:

- Tích cực phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thành các nội dung Kế hoạch để sớm hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, giảm nghèo.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin thuộc lĩnh vực quản lý lên hệ thống thông tin nguồn tỉnh để tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống thông tin cơ sở.

6. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến các nội dung của Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 09/9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021 - 2025;

- Triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong Quyết định 2588/QĐ- UBND ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt Kế hoạch Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030.

IX. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Chi tiết Chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025 theo Phụ lục III đính kèm Kế hoạch này.

Trên đây là nội dung Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ TTTT (b/c);
- CT UBND tỉnh (b/c);
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo BR-VT; Đài PTTH tỉnh;
- Lưu: VT-VX7.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Văn Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 154/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 154/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 30/08/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Trần Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/08/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản