Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/KH-UBND

Phú Yên, ngày 03 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA KHỐNG CHẾ VÀ TIẾN TỚI LOẠI TRỪ BỆNH DẠI GIAI ĐOẠN 2017-2021

Thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021; Quyết định số 1537/QĐ-BNN-TY ngày 24/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Kế hoạch và Dự toán Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. TỔNG QUAN VỀ BỆNH DẠI:

1. Đặc điểm chung của bệnh dại:

Bệnh dại là bệnh do vi rút dại thuộc họ Rhabdoviridae gây ra, vi rút dại hướng thần kinh, gây viêm não tủy cấp tính và là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật máu nóng và lây truyền cho người chủ yếu thông qua các chất bài tiết có nhiễm vi rút dại từ vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.

2. Nguồn bệnh, thời gian ủ bệnh và thời kỳ lây truyền:

Trong thiên nhiên là động vật có vú máu nóng như: Chó sói, chó rừng, chó nhà, mèo, chồn, cầy, cáo, chuột và động vật có vú khác. Ở Việt Nam chó và mèo là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu.

Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 01 - 03 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh dưới 09 ngày hoặc kéo dài tới vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 03 - 07 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh.

Biểu hiện lâm sàng chó nghi dại thường chia thành 02 thể: Thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt).

a) Thể điên cuồng: Chỉ chiếm ¼ các trường hợp, các phản xạ kích thích mạnh, cắn sủa người là dữ dội, dữ tợn, điên cuồng (02 - 03 ngày sau khi phát bệnh). Con vật bỏ nhà đi và thường không trở về trên đường đi gặp vật gì lạ nó cũng cắn, gặm, ăn bừa bãi, tấn công chó khác, kể cả người. Chó chết do liệt hô hấp và kiệt sức.

b) Thể dại câm: Con vật bị liệt ở một phần cơ thể, nửa thân hoặc 02 chân sau, thường là liệt cơ hàm, con vật không cắn, sủa được, chỉ gầm gừ trong họng.

Đối với chó con, triệu chứng dại thường không điển hình nhưng tất cả con chó bị mắc bệnh dại đều chết trong vòng 10 ngày kể từ khi có triệu chứng dại đầu tiên.

3. Đường lây truyền bệnh dại:

Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương. Ngoài ra vi rút dại có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại, vi rút dại có thể lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải giọt nhỏ chứa vi rút dại trong không khí ở dạng dơi hoặc do tai nạn nghề nghiệp ở phòng thí nghiệm về bệnh dại.

4. Tình hình dịch bệnh dại và các biện pháp phòng bệnh tại Phú Yên:

4.1 Tình hình bệnh dại trên người:

Tại Phú Yên trong giai đoạn từ năm 2011 - 2016, có 06 ca tử vong, 15.211 người bị chó, mèo và các loại súc vật khác cắn phải đi điều trị dự phòng.

Bảng 1: Số người tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại tại Phú Yên 2011 - 2016.

Năm

Số người tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại

Số ca tử vong

Ghi chú

2011

2.011

02

Trung bình mỗi năm có 2.535 người điều trị dự phòng.

2012

1.820

0

2013

1.703

0

2014

2.287

0

2015

3.196

0

2016

4.194

04

Tổng

15.211

06

 

(Nguồn: Trung tâm y tế dự phòng tỉnh).

4.2. Tình hình bệnh dại ở động vật:

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, giai đoạn từ năm 2011 - 2015 có động vật mắc bệnh dại; đặc biệt năm 2016, có 29 con chó mắc bệnh dại tại 08 xã, 01 huyện, số chó chết và tiêu hủy bắt buộc là 95 con.

Trong nhiều năm qua, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại trên tổng đàn chó còn thấp (dưới 50%). Trong năm 2016, cả tỉnh có trên 82.369 con chó nuôi, tuy nhiên số chó được tiêm phòng dại là 16.118 con (chiếm tỷ lệ 19,6%).

Bảng 2: Tình hình tiêm phòng dại trên chó mèo giai đoạn 2011 – 2016.

Năm

Tổng đàn chó

Số chó được tiêm phòng

Tỷ lệ tiêm phòng (%)

2011

84.379

13.089

15.5

2012

76.575

11.972

15.6

2013

69.980

11.201

16.0

2014

75.690

10.568

14.0

2015

82.926

10.960

13.2

2016

82.369

16.118

19.6

(Tổng đàn chó theo điều tra ngày 01/10 hàng năm của Cục Thống kế Phú Yên).

4.3. Kết quả phòng, chống và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2011 - 2016:

4.3.1. Kết quả đạt được:

- Năm 2015 - 2016, UBND tỉnh đã cấp cho hoạt động phòng, chống dại là: 181.000.000 đồng, chủ yếu là để tuyên truyền, tập huấn và kiểm tra, giám sát.

- Sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các cấp nên năm 2015 - 2016 đã thống kê được số lượng và danh sách các hộ nuôi chó trên toàn tỉnh, làm cơ sở cho việc tiêm phòng vắc xin dại triệt để cho đàn chó nuôi.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

- Ngành Y tế (Trung tâm y tế dự phòng) và ngành Thú y bước đầu đã thiết lập được sự trao đổi về thông tin, số liệu bệnh dại trên người và động vật theo Thông tư số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT .

- Việc tiêm phòng dại cho chó mèo nuôi được tiến hành hàng năm từ tháng 3 - 7 và sau đó tiếp tục tiêm bổ sung.

- Tập huấn cho cán bộ Thú y và những người tham gia tiêm phòng dại 230 lượt người/02 lớp.

4.3.2. Bài học kinh nghiệm:

- Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền. Sự chung tay của cộng đồng và vai trò tích cực của người nuôi chó; tuyên truyền vận động người bị chó cắn đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người.

- Tiêm phòng triệt để đàn chó nuôi, bảo đảm mỗi con được tiêm phòng 01 lần trong năm và tiêm đạt tỷ lệ theo quy định; tiêm phòng triệt để cho chó, mèo nuôi tại khu vực có bệnh dại.

- Tăng cường giám sát lâm sàng nhằm phát hiện kịp thời ổ dịch bệnh dại. Tăng cường truyền thông tuyên truyền.

4.3.3. Những khó khăn, tồn tại, bất cập:

- Tỉnh Phú Yên có tổng đàn chó nuôi rất lớn khoảng 82.369 con và được nuôi ở nông thôn là chủ yếu, nuôi thả rông để giữ nhà, giữ vườn nên gây khó khăn cho công tác tiêm phòng dại và làm cho người bị chó cắn tăng cao.

- Chính quyền ở nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật.

- Sự phối hợp giữa ngành Y tế và Thú y theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT chưa thật sự hiệu quả.

- Công tác quản lý chó nuôi bị buông lỏng, thống kê các hộ nuôi chó và số lượng chó tại địa bàn cấp xã chưa chính xác. Chó nuôi thả rông, không đeo rọ mõm và cắn người ở nơi công cộng còn phổ biến.

- Tiêm phòng không triệt để, tỷ lệ tiêm phòng thấp dưới 20%.

- Công tác truyền thông chưa được quan tâm đúng mức, nhận thức của người dân trong việc điều trị dự phòng còn hạn chế, nhiều người bị chó cắn không đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại, mà chạy chữa bằng thuốc nam.

II. TÍNH CẤP THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH:

Bệnh dại gây tổn thất lớn đến tính mạng con người, trong giai đoạn 2011 -2016 có 06 người chết vì bệnh dại. Tỷ lệ chết của bệnh dại trên người lên đến 100% khi đã lên cơn dại. Bệnh dại có nguy cơ lan rộng nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời và đồng bộ.

Bệnh dại gây thiệt hại về kinh tế: Chi phí tiêm phòng chó chỉ tiêu tốn 22.000 đồng/con. Trong khi đó nếu bị chó, mèo cắn chi phí cho một bệnh nhân điều trị sau phơi nhiễm lên tới 3.431.000 đồng/bệnh nhân cao gấp 150 lần so với tiêm phòng cho chó. Trong giai đoạn 2011 - 2016, có hơn 15.000 người điều trị dự phòng bệnh dại, thiệt hại về kinh tế do phải chi trả cho việc tiêm vắc xin, kháng huyết thanh dại.

Bệnh dại ảnh hưởng đến an sinh xã hội và chi phí cho điều trị dự phòng cũng như các chi phí phát sinh khác cho người bị chó mèo cắn làm mất đi cơ hội cho những hoạt động khác như vui chơi, giải trí, học tập của trẻ em…, làm ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt, việc làm của những người bị chó mèo cắn.

III. CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH:

1. Căn cứ pháp lý:

- Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 về việc phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021.

- Quyết định số 1537/QĐ-BNN-TY ngày 24/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Kế hoạch và Dự toán Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021.

- Công văn số 778/UBND-KT ngày 23/02/2017 của UBND tỉnh Phú Yên về việc triển khai thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021.

2. Căn cứ khoa học và thực tiễn:

- Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, đồng thời thuộc danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người. Bệnh dại gây tử vong cho người. Tuy nhiên, có thể kiểm soát và loại trừ được bệnh với các lý do sau đây:

- WHO, OIE, FAO khẳng định bệnh dại là bệnh có thể kiểm soát và ngăn ngừa được bằng cách tiêm phòng vắc xin (tiêm vắc xin cho chó để ngăn ngừa truyền bệnh dại cho người, tiêm dự phòng dại cho người hoặc điều trị sau phơi nhiễm để ngăn ngừa bệnh nhân tử vong do lên cơn dại).

- Vi rút dại ít biến đổi; hiện nay đã có vắc xin phòng bệnh dại trên người và động vật với hiệu lực cao, thời gian miễn dịch dài.

- Vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo là vắc xin tế bào nên an toàn, có hiệu lực cao, giá thành hợp lý 22.000 đ/liều vắc xin/con chó, dễ bảo quản, vận chuyển thời gian miễn dịch kéo dài 1 năm.

- Theo khuyến cáo của WHO và IOE, nếu tỷ lệ tiêm phòng ở đàn chó đạt 70% liên tiếp 3 năm sẽ loại trừ được bệnh Dại ở đàn chó nuôi.

IV. MỤC TIÊU VÀ CÁC GIẢI PHÁP:

1. Mục tiêu:

1.1. Mục tiêu chung

Khống chế bệnh dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Trên 95% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó.

- Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại đạt trên 85% tổng đàn chó tại các xã, phường, thị trấn.

- Trên 70% số huyện không có ca bệnh dại trên chó trong 02 năm liên tiếp

- Giảm số người tử vong do mắc bệnh dại.

2. Các giải pháp chủ yếu:

2.1. Quản lý chó nuôi, mèo nuôi:

- UBND cấp xã tổ chức quản lý chó nuôi trên địa bàn, hàng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhật thông tin, lập danh sách hộ nuôi chó từ các thôn, ấp, bản, tổ dân phố để cung cấp cho Trạm Chăn nuôi và Thú y.

- Trưởng thôn trực tiếp quản lý việc nuôi chó trên địa bàn thôn, hàng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhật thông tin và lập danh sách đàn chó nuôi trên địa bàn báo cáo cho UBND cấp xã.

- Chủ nuôi chó, mèo khai báo việc nuôi chó, mèo với cấp Trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, cam kết nuôi nhốt, giữ chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Nếu thả rông chó ra nơi công cộng sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

2.2. Tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó:

- Hàng năm triển khai tháng cao điểm tiêm phòng vắc xin dại cho chó vào tháng 3 - 4. Sau đó phải tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo bị bỏ sót hoặc mới phát sinh. Đảm bảo mỗi con được tiêm 01 lần trong năm; bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt mức như mục tiêu đề ra.

- UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) tổ chức đợt tiêm phòng tập trung theo địa bàn từng thôn, buôn, khu phố hoặc cụm dân cư, giao cho nhân viên thú y của xã thực hiện tiêm phòng với sự hỗ trợ của Trưởng thôn hoặc UBND cấp xã. Xã không có nhân viên thú y thì cán bộ trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện trực tiếp thực hiện tiêm phòng.

- Nhân viên thú y thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho chó và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng theo quy định.

- Chủ nuôi chó chấp hành tiêm phòng vắc xin dại cho chó nuôi. Nếu không chấp hành sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định của Chính phủ (Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017) và bị cưỡng chế tiêm phòng.

2.3. Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người:

- Tăng tỉ lệ và hiệu quả điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

- Khuyến khích các địa phương tiêm vắc xin miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như cán bộ làm công việc lấy mẫu bệnh phẩm, cán bộ thú y tiêm vắc xin dại cho chó.

2.4. Truyền thông:

2.4.1. Nội dung truyền thông:

- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh dại; quy định về nuôi chó, trách nhiệm của người nuôi chó và quản lý chó nuôi.

- Phối hợp liên ngành truyền thông về chiến dịch tiêm phòng cho chó, mèo trong tháng cao điểm tiêm phòng bệnh dại, nuôi chó phải chấp hành tiêm phòng vắc xin dại cho chó trên đài truyền thanh của xã.

- Tuyên truyền về việc hạn chế nuôi chó, gia đình có nhu cầu nuôi chó thì chỉ nên nuôi 01 con để giảm tổng đàn, nuôi chó phải đăng ký với địa phương và thực hiện xích hoặc nhốt chó, đưa chó ra nơi công cộng phải có rọ mõm và có người dắt.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng bệnh dại ở người; hướng dẫn người bị chó cắn xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị chó cắn và đến cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

- Thực hiện truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại.

- Tăng cường vận động cộng đồng cùng tham gia giám sát, phòng chống bệnh dại trên người và động vật.

- In ấn tờ rơi, in ấn áp phích, truyền thanh trực tiếp trên hệ thống loa truyền thanh của xã hướng dẫn cộng đồng phòng, chống bệnh dại.

2.4.2. Hình thức truyền thông:

- Cấp phát các mẫu tờ rơi, sách hướng dẫn phòng chống bệnh dại (nguồn do Trung ương cấp).

- Chủ động xây dựng các thông điệp truyền thông (phát sóng trên đài truyền hình, đài phát thanh của huyện, đài truyền thanh, xã, phường, thị trấn) truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông qua mạng xã hội.

2.5. Nâng cao năng lực của hệ thống giám sát:

- Giám sát lâm sàng là chủ yếu với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư và cấp Trưởng thôn, nhân viên thú y, nhân viên y tế, thú y thôn.

- Giám sát chủ động và đánh giá lưu hành vi rút dại.

- Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ thú y, y tế dự phòng để nâng cao kỹ năng điều tra ổ dịch, thu thập thông tin dịch tễ về bệnh dại ở người và động vật.

- Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đối với chó có dấu hiệu mắc bệnh dại, bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng là nghi mắc bệnh dại.

- Xây dựng khung theo dõi, giám sát và đánh giá tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho người nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra.

- Tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh dại tại địa phương theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế ban hành, chú ý những trường hợp vết cắn nặng và gần dây thần kinh trung ương.

2.6. Điều tra và xử lý ổ dịch:

- Điều tra, xử lý ổ dịch bệnh dại trên người và động vật có sự phối hợp của ngành thú y và y tế, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

- UBND cấp xã thành lập đội bắt chó có dấu hiệu mắc bệnh, mắc bệnh dại và chó thả rông trong vùng có ổ dịch dại để xử lý.

- Căn cứ thực tế tình hình dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu trình UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét hỗ trợ vắc xin từ quỹ dự phòng vắc xin dại, để tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vắc xin dại cho chó, mèo.

2.7. Kiểm soát vận chuyển đàn chó:

Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông tăng cường kiểm dịch chó mèo vận chuyển qua trạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

2.8. Nâng cao năng lực chuyên môn trong phòng, chống bệnh Dại

- Chuẩn hóa chương trình tập huấn và tài liệu đào tạo về phòng chống bệnh dại cho hệ thống Y tế, thú y.

- Tập huấn quản lý đàn chó, kỹ năng bắt chó thả rông.

- Đào tạo, tập huấn cho cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Trung tâm y tế dự phòng thành giảng viên nguồn cho địa phương.

- Tập huấn kỹ năng điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh dại (ở chó và ở người), tiêm phòng bệnh dại, quản lý ổ dịch, tiêm phòng vắc xin dại cho chó và người, xử lý vết cắn và điều trị dự phòng dại cho người bị chó cắn, xử lý ổ dịch bệnh dại, chống dịch khi có dịch xảy ra.

3. Khi có dịch xảy ra:

3.1. Xác định ổ dịch bệnh dại: Là nơi có động vật mắc bệnh dại ở phạm vi thôn, buôn, khu phố.

3.2. Biện pháp chung:

- Ngành y tế củng cố và tập huấn lại Đội cơ động chống dịch.

- Giám sát các trường hợp người nghi bị phơi nhiễm với vi rút dại đến khám và điều trị dự phòng tại các điểm tiêm phòng dại. Thống kê theo dõi đầy đủ các thông tin theo quy định.

- Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan thú y cùng cấp thực hiện điều tra khi xảy ra một trong các tình huống sau:

+ Có nhiều người ở cùng một địa phương bị động vật cắn đến tiêm phòng dại.

+ Có 01 ca nghi bệnh dại trên người được chẩn đoán trên lâm sàng.

+ Có 01 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người được chẩn đoán xác định.

- Tiến hành điều tra tại nơi bệnh nhân bị động vật nghi dại cắn trên phạm vi thôn, xã, phường. Xác định nguồn lây truyền bệnh dại và những người bị chó cắn. Ngành y tế phối hợp với cơ quan thú y xác định xem có còn bệnh dại trên chó và các động vật khác hay không; nếu có thì phối hợp xử lý ngay ổ dịch dại.

- Các đơn vị y tế thông báo với cơ quan thú y để phối hợp theo dõi, giám sát và phòng chống bệnh dại trên động vật theo quy định hiện hành của ngành thú y.

- Báo cáo tình hình dịch lên tuyến trên theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Thông tin giáo dục truyền thông về nguy cơ dịch, các biện pháp phòng chống bệnh dại lây nhiễm sang người đến từng hộ gia đình.

- Thiết lập đường dây điện thoại nóng để trả lời, hướng dẫn nhân dân.

3.3. Các biện pháp giám sát và xử lý với bệnh nhân và người tiếp xúc:

3.3.1. Đối với bệnh nhân:

- Những người bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh phải được xử lý vết thương ngay; đến ngay các điểm tiêm phòng dại để được khám, tư vấn và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc Nam. Thực hiện chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh dại theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Điều trị dự phòng bệnh dại đối với những người tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân.

- Cách ly, điều trị người bệnh tại bệnh viện với sự chăm sóc đặc biệt về y tế.

3.3.2. Đối với người tiếp xúc:

- Tránh tiếp xúc với các chất tiết của bệnh nhân trong suốt thời gian mắc bệnh.

- Những người chăm sóc, phục vụ trực tiếp người bệnh nên dùng găng tay, mặc áo choàng, đeo khẩu trang.

- Tại gia đình, nơi tạm trú hoặc khu vực ổ dịch cần thực hiện triệt để việc khử trùng; sát trùng tẩy uế đối với nước bọt và các đồ vật bị nhiễm chất tiết của người bệnh bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường.

- Người có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm trong khu dịch, thực hiện tốt phòng hộ cá nhân hàng ngày và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

3.4. Xử lý khu vực ổ dịch:

3.4.1. Đối với động vật bị bệnh:

- Tổ chức giám sát phát hiện sớm và xử lý ổ dịch kịp thời theo đúng quy định.

- Diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch. Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại, vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng có dịch.

3.4.2. Xử lý môi trường:

- Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt; cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dại theo quy định. Những con khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

- Phun hoá chất khử trùng trong phạm vi ổ dịch, phòng khám bệnh, nơi điều trị bệnh nhân và nơi quản lý người tiếp xúc... bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường hoặc dung dịch Cloramin B với nồng độ 02 - 05%. Thực hiện càng sớm càng tốt, phun 02 - 03 lần cách nhau 02 - 03 ngày.

3.4.3. Khử khuẩn đối với các phương tiện vận chuyển:

- Vận chuyển bệnh nhân phải đảm bảo an toàn cho người vận chuyển (lái xe, nhân viên y tế, người nhà...). Nhân viên vận chuyển người bệnh và động vật bị bệnh phải được trang bị phòng hộ như khẩu trang, áo choàng dùng một lần, mặt nạ hoặc kính che mắt, găng tay, mũ.

- Không vận chuyển, đưa chó, mèo ra, vào vùng có dịch.

3.4.4. Xử lý người bệnh tử vong:

- Đảm bảo nguyên tắc an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng.

- Người bệnh dại tử vong phải được khâm liệm tại chỗ theo quy định phòng chống dịch đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm, phải khử khuẩn bằng hoá chất Cloramin B 5%.

- Chuyển người bệnh tử vong đến nơi chôn cất bằng xe riêng và đảm bảo đúng quy định phòng lây nhiễm. Trong khoảng thời gian 24 giờ sau khi tử vong phải được chôn cất.

3.5. Tuyên truyền giáo dục cộng đồng:

- Tăng cường tuyên truyền cho người dân về đặc điểm của bệnh dại, cách nhận biết, khai báo bệnh, cách phòng chống dịch cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng.

- Tại các địa phương, thiết lập đường dây nóng để giải đáp và hướng dẫn kịp thời cho nhân dân.

3.6. Thực hiện chế độ báo cáo, thông báo dịch bệnh: Thực hiện theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 năm 2007 và hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.

4. Dự kiến kết quả đạt được:

- Cuối năm 2017, kiểm soát và thu hẹp địa bàn có dịch bệnh dại trên đàn chó và trên người.

- Cuối năm 2021, khống chế về cơ bản dịch bệnh dại trên chó và hàng năm không có ca tử vong do bệnh dại.

- Kết quả dự kiến đạt được cụ thể cho từng giải pháp như sau:

4.1. Về quản lý chó nuôi:

4.1.1. Về lập danh sách hộ nuôi chó trên địa bàn thôn, buôn, khu phố (gọi chung là thôn):

- Đối với phường, thị trấn: Đến cuối năm 2017, ít nhất 70% số thôn ở phường, thị trấn được lập danh sách hộ nuôi chó; cuối năm 2018 là 100%; hàng năm phải cập nhật số liệu thống kê và danh sách hộ nuôi chó.

- Đối với xã thuộc huyện đồng bằng, trung du, miền núi: Đến cuối năm 2017, ít nhất 60% số thôn được lập danh sách hộ nuôi chó; cuối năm 2018 ít nhất là 70%; cuối năm 2019 ít nhất 80%; cuối năm 2020 ít nhất 90%; cuối năm 2021 trên 95%; hàng năm phải cập nhật số liệu thống kê và danh sách hộ nuôi chó.

- Đối với các xã thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn: Đến cuối năm 2017, ít nhất 50% số thôn được lập danh sách hộ nuôi chó; cuối năm 2018 ít nhất là 65%; cuối năm 2019 ít nhất 75%; cuối năm 2020 ít nhất 85%; cuối năm 2021 trên 90%; hàng năm phải cập nhật số liệu thống kê và danh sách hộ nuôi chó.

4.1.2. Về lập danh sách hộ nuôi chó trên địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã):

- Đối với phường, thị trấn: Đến cuối năm 2017, ít nhất 80% số xã được lập Danh sách hộ nuôi chó; cuối năm 2018 là 100%; hàng năm phải cập nhật số liệu thống kê và danh sách hộ nuôi chó.

- Đối với xã thuộc huyện đồng bằng, trung du, miền núi: Đến cuối năm 2017, ít nhất 60% số xã được lập danh sách hộ nuôi chó; cuối năm 2018 ít nhất là 70%; cuối năm 2019 ít nhất 80%; cuối năm 2020 ít nhất 90%; cuối năm 2021 là 100% số xã lập danh sách các hộ nuôi chó; hàng năm phải cập nhật số liệu thống kê và danh sách hộ nuôi chó.

- Đối với các xã thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn: Đến cuối năm 2017, ít nhất 50% số xã được lập danh sách hộ nuôi chó; cuối năm 2018 ít nhất là 60%; cuối năm 2019 ít nhất 70%; cuối năm 2020 ít nhất 80%; cuối năm 2021 trên 90%; hàng năm phải cập nhật số liệu thống kê và danh sách hộ nuôi chó.

4.2. Về tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó: Tỉ lệ tiêm phòng vắc xin dại trên tổng đàn chó được nâng cao qua từng năm, cụ thể :

- Đối với phường, thị trấn: Đến cuối năm 2017, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin dại ít nhất 60% tổng đàn; cuối năm 2018 tỉ lệ tiêm phòng ít nhất là 70%; cuối năm 2019 ít nhất 80%; cuối năm 2020 ít nhất 90%; cuối năm 2021 trên 95%.

- Đối với xã thuộc huyện đồng bằng, trung du, miền núi: Đến cuối năm 2017, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin dại ít nhất 50% tổng đàn; cuối năm 2018 tỉ lệ tiêm phòng ít nhất là 60%; cuối năm 2019 ít nhất 70%; cuối năm 2020 ít nhất 80%; cuối năm 2021 là trên 85% tổng đàn;

- Đối với các xã thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn: Đến cuối năm 2017, tỉ lệ tiêm phòng vắc xin dại ít nhất 45% tổng đàn; cuối năm 2018 tỉ lệ tiêm phòng ít nhất là 55%; cuối năm 2019 ít nhất 65%; cuối năm 2020 ít nhất 75%; cuối năm 2021 là trên 80% tổng đàn;

4.3. Về điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bệnh dại trên người:

- Đến cuối năm 2018, 80% số người bị chó mèo cắn được xử lý ban đầu vết thương đúng cách; đến cuối năm 2021, tỉ lệ này đạt 90%.

- Đến cuối năm 2018, 80% số người bị chó mèo cắn đến cơ sở y tế tư vấn điều trị dự phòng; đến cuối năm 2021, tỉ lệ này đạt 90%.

- Đến cuối năm 2018, 95% số huyện (các huyện không có điểm tiêm của tuyến tỉnh) có điểm tiêm phòng vắc xin dại; đến cuối năm 2021, tỉ lệ này đạt 100%.

- Đến cuối năm 2018, 90% số điểm tiêm của tuyến tỉnh đảm bảo có huyết thanh kháng dại; đến cuối năm 2021, tỉ lệ này đạt 100%.

- Mỗi năm giảm từ 15 - 20% số ca bệnh dại ở người so với năm trước đó. Đến cuối năm 2021, giảm 60% số ca tử vong so với trung bình giai đoạn 2011 - 2015.

4.4. Về tăng cường chế tài xử lý:

- Các xã thành lập đội bắt chó thả rông, chó mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh dại để xử lý ổ dịch dại theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh trên cạn.

4.5. Về truyền thông nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng:

- Đến cuối năm 2018, 70% số huyện, thị xã, thành phố thực hiện các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh dại; cuối năm 2021 là 100%.

- Đến cuối năm 2018, 70% chủ vật nuôi được cung cấp kiến thức về phòng, chống bệnh dại trên người và động vật; cuối năm 2021 là 90%.

- Đến cuối năm 2018, 75% người bị chó, mèo cắn ở cộng đồng biết xử lý ban đầu vết thương đúng cách; cuối năm 2021 tỉ lệ này đạt 90%.

4.6. Về nâng cao năng lực hệ thống giám sát bệnh dại:

- Đến cuối năm 2018, 70% số huyện củng cố được hệ thống giám sát bệnh dại và tiêm phòng ở chó; cuối năm 2021, 100% số huyện củng cố được hệ thống.

- Đến cuối năm 2018, 95% số huyện củng cố được hệ thống giám sát bệnh dại và tiêm phòng ở người; cuối năm 2021, 98% số huyện củng cố được hệ thống giám sát bệnh dại và tiêm phòng ở người.

4.7. Về điều tra và xử lý ổ dịch:

- Đến cuối năm 2018, 50% các ổ dịch dại trên động vật được phát hiện, điều tra và xử lý kịp thời; cuối năm 2021, 80% ổ dịch dại trên động vật được phát hiện, điều tra và xử lý kịp thời.

- Đến cuối năm 2018, 95% ca bệnh dại ở người được điều tra và xử lý theo quy định; cuối năm 2021 có 99% ca bệnh dại ở người được điều tra và xử lý theo quy định.

4.8. Về tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và thú y:

- Đến cuối năm 2018, 70% cán bộ y tế và thú y tham gia vào chương trình phòng, chống dại được tập huấn về phòng, chống bệnh dại; cuối năm 2021 là 100%.

4.9. Về kiểm soát bệnh dại trên động vật:

- Đến cuối năm 2017, ít nhất 80% số huyện, thị xã, thành phố không có bệnh dại chó.

- Đến cuối năm 2018, ít nhất 90% số huyện, thị xã, thành phố không có bệnh dại chó.

- Từ năm 2019 - 2021, 100% số huyện, thị xã, thành phố không có bệnh dại chó.

V. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH:

1. Ngân sách tỉnh:

Đảm bảo kinh phí cho công tác truyền thông, hội nghị, tập huấn, giám sát dịch tễ học bệnh dại, điều tra và xử lý ổ dịch, bắt và tiêu hủy chó thả rông, tổ chức tiêm phòng; kiểm tra việc thực hiện chính sách và pháp luật.

2. Ngân sách huyện, thị xã, thành phố:

Hỗ trợ cho cán bộ thú y xã tổng hợp số liệu, giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch; vệ sinh tiêu độc khử trùng ổ dịch bệnh dại.

3. Ngân sách xã, phường, thị trấn:

Hỗ trợ công cho Trưởng thôn thống kê, theo dõi, báo cáo đàn chó tại thôn.

4. Kinh phí do người dân tự đảm bảo:

- Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo chi trả tiền mua vắc xin và tiền công tiêm phòng dại chó, mèo;

- Người bị chó cắn phải bảo đảm chi trả cho điều trị y tế dự phòng.

5. Khái toán kinh phí:   2.493.800.000 đồng, trong đó:

5.1. Phần ngân sách của Sở Nông nghiệp và PTNT: 946.000.000 đồng, trong đó:

- Kinh phí của tỉnh 252.000.000 đồng.

- Kinh phí của huyện 84.000.000 đồng.

- Kinh phí của xã 610.000.000 đồng.

5.2. Phần ngân sách của Sở Y tế: 1.547.800.000 đồng, trong đó: Ngân sách tỉnh 1.547.800.000 đồng gồm:

- Kinh phí truyền thông: 235.200.000 đồng.

- Giám sát dịch tễ học: 504.000.000 đồng.

- Điều tra và xử lý ổ dịch: 234.000.000 đồng.

- Hội nghị tập huấn: 574.600.000 đồng.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế xây dựng và thực hiện chương trình; triển khai các hoạt động của Chương trình liên quan đến lĩnh vực thú y; chỉ đạo toàn bộ các hoạt động phối hợp của ngành thú y với ngành y tế trong khi thực hiện các hoạt động của Chương trình; chủ trì tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình; chủ trì trong công tác tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo.

- Hàng năm phối hợp với Sở Y tế xây dựng Kế hoạch và kinh phí hoạt động trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành những văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh dại trên động vật; báo cáo kết quả thực hiện.

2. Sở Y tế:

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hàng năm xây dựng Kế hoạch và kinh phí hoạt động liên quan đến lĩnh vực y tế trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Theo chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành liên quan, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này liên quan đến lĩnh vực y tế, bảo đảm đúng tiến độ và hiệu quả.

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp giữa ngành y tế và ngành thú y trong thực hiện các hoạt động của Kế hoạch; phối hợp tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh dại trên người; định kỳ họp giao ban với Chi cục Thú y và các đơn vị có liên quan để đánh giá hoạt động của Kế hoạch.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

- Căn cứ khả năng ngân sách tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh bố trí dự toán ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung thuộc Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại thuộc cấp quản lý quy định hiện hành.

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại theo quy định của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; thực hiện tiêm phòng vắc xin dại chó, mèo và áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác để phòng bệnh dại cho động vật; tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân tích cực tham gia phòng, chống bệnh dại cho người và động vật.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt đối với chủ vật nuôi vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh dại và để chó cắn người.

- Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, tìm kiếm nguồn kinh phí hợp pháp theo quy định của pháp luật để hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin dại và thực hiện các biện pháp phòng, chống dại trên địa bàn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, khu vực nông thôn.

5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi động vật:

Tổ chức cá nhân nuôi động vật phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn các quy định về phòng, chống bệnh dại của cơ quan thú y trong việc quản lý, giám sát và xử lý ổ dịch dại động vật, cụ thể:

- Chủ nuôi chó, mèo phải khai báo việc nuôi chó, mèo cho trưởng thôn hoặc UBND cấp xã.

- Chủ nuôi phải thường xuyên xích, nhốt chó trong khuôn viên gia đình, để hạn chế chó cắn người. Khi đưa chó ra khỏi nhà phải được xích và rọ mồm đề phòng cắn người; nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.

- Chấp hành tiêm vắc xin phòng dại chó, mèo và phải thanh toán các khoản chi phí quản lý đàn chó.

- Theo dõi vật nuôi, khi phát hiện con vật có biểu hiện bất thường, chủ vật nuôi phải nhốt con vật để theo dõi vào báo cho nhân viên thú y cấp xã, UBND cấp xã hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất. Không được vận chuyển bán chó dại, nghi dại đi nơi khác để ngăn chặn sự lây lan dịch dại trên diện rộng và gây bệnh dại cho người.

- Khi động vật đã xác định mặc bệnh dại, chủ vật nuôi phải chấp hành tiêu hủy con vật. Thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, môi trường, thức ăn, chất thãi, các vật dụng đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh. Những con vật nghi mắc bệnh dại phải nhốt để theo dõi trong 10 ngày, chấp hành tiêm phòng bắt buộc cho chó mèo khỏe mạnh trong ổ dịch, vùng dịch theo quy định.

- Chủ vật nuôi chó, mèo dại hoặc nghi dại cắn, cào người khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai thực hiện ./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ NNNPTNT (báo cáo);
- Cục Thú y (bc);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP và các PCVP. UBND tỉnh;
- Sở: NNPTNT, TC, KHĐT, Y tế, TTTT;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- Báo Phú Yên, Đài PTTH tỉnh;
- Lưu: VT, Đ, HK

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hữu Thế

 

Phụ lục 1: Kinh phí thưc hiện kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 – 2021.

(Phần của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

(Kèm theo kế hoạch số 130 /KH-UBND ngày 03 /8/2017 của UBND tỉnh Phú Yên).

ĐVT: 1.000 đồng.

tt

Nội dung chi

Đ vị tính

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

I

Quản lý đàn chó

 

 

 

178.800

1

Ngân sách tỉnh

 

 

 

40.000

1.1

Trả công cho người bắt chó thả rông 5 người x 500.000đ/ngày x 1 ngày/tháng x 12 tháng

Người

60

500

30.000

1.2

Công tiêu hủy đàn chó thả rông vô chủ

Đội

01

10.000

10.000

2

Ngân sách huyện

 

 

 

16.800

 

Hỗ trợ cán bộ thú y xã tổng hợp số liệu điều tra, xử lý ổ dịch

Người

112

150

16.800

3

Ngân sách xã

 

 

 

122.000

 

Hỗ trợ công cho trưởng thôn thống kê, theo dõi, báo cáo đàn chó tại thôn/đợt tiêm phòng

Thôn

613

200

122.000

II

Chính sách và pháp luật

 

 

 

10.400

 

Ngân sách tỉnh

 

 

 

10.400

 

Công tác phí cho cán bộ đi kiểm tra/thanh tra: 5 người x 2 đợt x 3 ngày

 

30

150

4.500

 

Phòng ngủ

 

20

250

5.000

 

Công giám sát

 

30

30

900

 

Tổng cộng dự toán 01 năm

 

 

 

189.200

 

Tổng cộng dự toán 5 năm

 

 

 

946.000

 

Phụ lục 2: Kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 (Phần kinh phí của Sở Y tế)

(Kèm theo kế hoạch số 130 /KH-UBND ngày 03 /8/2017 của UBND tỉnh Phú Yên).

Khái toán kinh phí theo ngân sách địa phương trong 5 năm: 1.547.800.000đồng, trong đó:

- Truyền thông: 235.200.000 đồng

- Giám sát dịch tễ học: 504.000.000 đồng

- Điều tra và xử lý ổ dịch: 234.000.000 đồng

- Đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo: 574.600.000 đồng

ĐVT: 1.000 đồng

TT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

I

TRUYỀN THÔNG (5 năm)

 

 

 

235.200

 

Truyền thông trong 01 năm

 

 

 

47.040

1

In ấn tờ rơi hướng dẫn cộng đồng phòng, chống bệnh Dại

(112 xã × 50 tờ/ xã)

Tờ

5.600

4

22.400

2

In ấn áp phích về phòng chống bệnh Dại (112 xã × 4 tờ/ xã)

Tờ

448

5

2.240

3

Truyền thanh trực tiếp trên hệ thống loa truyền thanh của xã

(112 xã trong 1 tuần trong đợt tiêm phòng của xã)

Lượt

112

200

22.400

II

GIÁM SÁT DỊCH TỄ HỌC (5 năm)

 

 

 

504.000

 

Giám sát trong 01 năm

 

 

 

100.800

1

Công tác phí (4 người x 3 ngày/đợt x 30 đợt)

Lượt

360

150

54.000

2

Công giám sát bệnh truyền nhiễm nhóm B

Lượt

360

30

10.800

3

Xăng xe

 

 

 

36.000

III

ĐIỀU TRA VÀ XỬ LÝ Ổ DỊCH (5 năm)

 

 

 

234.000

 

Điều tra và xử lý ổ dịch trong 01 năm

 

 

 

46.800

1

Công tác phí (4 người x 3 ngày/đợt x 5 đợt)

Lượt

60

150

9.000

2

Công giám sát bệnh truyền nhiễm nhóm B

Lượt

60

30

1.800

3

Xăng xe

 

 

 

36.000

IV

ĐÀO TẠO, TẬP HUẤN, HỘI NGHỊ, HỘI THẢO

 

 

 

 

1

Đào tạo kỹ thuật cho cán bộ tuyến huyện (01 lớp/năm)

 

 

 

33.700

 

Thời gian

Ngày

2

 

 

 

Số lượng học viên

Người

100

 

 

 

Thuê hội trường

Ngày

2

4.000

8.000

 

Thuê trang trí HT, máy chiếu âm ly, hoa

Ngày

2

1.000

2.000

 

Biên soạn giáo trình

Trang

50

50

2.500

 

In, phô tô tài liệu, văn phòng phẩm

Người

100

20

2.000

 

Thù lao giảng viên (3 người)

Buổi

4

500

2.000

 

Giải khát giữa giờ

Người

100

30

3.000

 

Bồi dưỡng người phục vụ

Người

4

50

200

 

Bồi dưỡng cho học viên (70.000đồng/ngày)

Người

100

140

14.000

2

Đào tạo kỹ thuật tuyến xã (11 lớp/năm)

 

 

 

187.000

 

Dự toán 01 lớp cho cb tuyến xã

 

 

 

17.000

 

Thời gian

Ngày

1

 

 

 

Số lượng học viên

Người

100

 

 

 

Địa điểm tổ chức: tại các xã

 

 

 

 

 

Thuê hội trường

Ngày

1

2.000

2.000

 

Thuê trang trí HT, máy chiếu âm ly, hoa

Ngày

1

800

800

 

Biên soạn giáo trình

Trang

50

50

2.500

 

In, phô tô tài liệu, văn phòng phẩm

Người

100

30

3.000

 

Thù lao giảng viên (3 người)

Buổi

2

400

800

 

Giải khát giữa giờ

Người

100

7

700

 

Bồi dưỡng người phục vụ

Người

4

50

200

 

Bồi dưỡng cho học viên (70.000đồng/ngày)

Người

100

70

7.000

3

Hội nghị liên ngành triển khai, quản lý chương trình phòng chống bệnh dại theo cách đề cập MỘT SỨC KHỎE ở tuyến tỉnh

Người

100

 

33.300

 

Thành phần: UBND tỉnh/TP, Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở công an, sở tài chính, UBND các huyện….

 

 

 

 

 

Thời gian tổ chức

Ngày

1

 

 

 

Địa điểm: UBND tỉnh

 

 

 

 

 

Thuê máy chiếu, âm ly

Ngày

1

1.000

1.000

 

Băng rôn, maket hội nghị

Ngày

1

1.000

1.000

 

Hoa bát, hoa bục

Bát

5

100

500

 

Giải khát giữa giờ (100 người x 30.000đ/ngày)

Người

100

30

3.000

 

Soạn thảo báo cáo hội nghị

Trang

100

50

5.000

 

Chi phí in ấn, phô tô tài liệu, VPP phục vụ cuộc họp: các báo cáo, báo cáo tham luận

Bộ

100

150

15.000

 

Bồi dưỡng báo cáo viên

Người

6

500

3.000

 

Thuê xe đưa đón đại biểu

Xe

3

1.500

4.500

 

Bồi dưỡng Ban tổ chức và người phục vụ

Người

3

100

300

 

Tổng kinh phí chia theo năm

 

 

 

 

 

Năm 2017 thực hiện

 

 

 

254.000

 

Năm 2018 thực hiện

 

 

 

0

 

Năm 2019 thực hiện

 

 

 

254.000

 

Năm 2020 thực hiện

 

 

 

33.300

 

Năm 2021 thực hiện

 

 

 

33.300

 

Phụ lục 3: Tổng Dự toán kinh phí thực hiện chia theo năm của Sở Y tế

ĐVT: 1.000 đồng

TT

Nội dung hoạt động

2017

2018

2019

2020

2021

Tổng

1

Truyền thông

47.040

47.040

47.040

47.040

47.040

235.200

2

Giám sát dịch tễ học bệnh Dại

100.800

100.800

100.800

100.800

100.800

504.000

3

Điều tra và xử lý ổ dịch

46.800

46.800

46.800

46.800

46.800

234.000

4

Đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo

254.000

0

254.000

33.300

33.300

574.600

Tổng cộng

448.640

194.640

448.640

227.940

227.940

1.547.800

 

Phụ lục 4: TỔNG DỰ TOÁN KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA KHỐNG CHẾ VÀ LOẠI TRỪ BỆNH DẠI NĂM 2017-2021

ĐVT: 1.000 đồng

TT

Nội dung hoạt động

2017

2018

2019

2020

2021

Tổng

I

Phần của Sở NN&PTNT và các địa phương

189.200

189.200

189.200

189.200

189.200

946.000

1

Quản lý đàn chó

178.800

178.800

178.800

178.800

178.800

894.000

2

Chính sách và pháp luật

10.400

10.400

10.400

10.400

10.400

52.000

II

Phần của Sở Y tế

448.640

194.640

448.640

227.940

227.940

1.547.800

3

Truyền thông

47.040

47.040

47.040

47.040

47.040

235.200

4

Giám sát dịch tễ học bệnh Dại

100.800

100.800

100.800

100.800

100.800

504.000

5

Điều tra và xử lý ổ dịch

46.800

46.800

46.800

46.800

46.800

234.000

6

Đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo

254.000

0

254.000

33.300

33.300

574.600

Tổng cộng

637.840

383.840

637.840

417.140

417.140

2.493.800

Thuyết minh:

Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và trách nhiệm của từng ngành trong thực hiện Chương trình để đảm bảo tính hiệu quả thực hiện`, trên cơ sở đó phân chia kinh phí theo từng cấp ngân sách, để triển khai thực hiện sát với nội dung kế hoạch.

Cơ sở để tính toán đơn giá của từng nội dung là căn cứ vào đơn giá được quy định trong Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 130/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành

  • Số hiệu: 130/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/08/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Trần Hữu Thế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản