Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 180/KH-UBND | Thanh Hóa, ngày 13 tháng 10 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
KHỐNG CHẾ VÀ TIẾN TỚI LOẠI TRỪ BỆNH DẠI, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
Thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017 - 2020”.
UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017 - 2020, gồm những nội dung sau:
Phần thứ nhất:
ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ TÌNH HÌNH BỆNH DẠI
I. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA BỆNH DẠI
Bệnh dại do vi rút hướng thần kinh, gây viêm não tủy cấp tính và là bệnh lây truyền giữa động vật và người. Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật máu nóng và lây truyền cho người chủ yếu thông qua các chất bài tiết có nhiễm vi rút dại từ vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại ở người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
II. TÌNH HÌNH BỆNH DẠI TẠI VIỆT NAM VÀ TỈNH THANH HÓA
2.1. Tình hình bệnh dại ở Việt Nam
Bệnh dại hiện đang lưu hành rải rác trên khắp lãnh thổ Việt Nam, bệnh tản phát liên tục hàng năm. Số ca tử vong ở người do bệnh dại chủ yếu tập trung ở khu vực Miền Bắc, hầu hết gặp ở vùng nông thôn, miền núi. Tổng hợp số ca tử vong do dại trong những năm gần đây: (số liệu báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ TW).
Năm | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 |
Số ca tử vong do bệnh dại | 110 | 98 | 105 | 67 | 78 | 91 |
Bảng 1: Số ca tử vong dại tại Việt Nam 2011-2016
Trong năm 2016, cả nước có 91 trường hợp người bị tử vong do bệnh dại. Theo báo cáo số ca tử vong do bệnh dại nhũng năm gần đây gặp nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ (Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Điện Biên, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên).
2.2. Tình hình bệnh dại tại Thanh Hóa
Từ năm 2012 đến nay trên địa bàn tỉnh rải rác ghi nhận các ca bệnh mắc dại và tử vong, đặc biệt năm 2016 ghi nhận 08 ca tử vong ở người đo bệnh dại tại các huyện: Thọ Xuân (02); Lang Chánh (02); Như Xuân (01), Đông Sơn (01), Triệu Sơn (01) và Thường Xuân (01) bệnh nhân.
Năm | Số người tiêm vắc xin | Số ca tử vong do mắc bệnh dại |
2011 | 1.621 | 0 |
2012 | 2.673 | 1 |
2013 | 2.879 | 1 |
2014 | 6.312 | 3 |
2015 | 7.878 | 1 |
2016 | 8.611 | 8 |
Tổng | 29.974 | 14 |
Bảng 2: Số người tiêm vắc-xin dại và số ca tử vong do bệnh dại tại Thanh Hóa 2011-2016
III. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ:
Trong những năm vừa qua bệnh nhân mắc và tử vong do dại có xu hướng tăng tại Thanh Hóa là do:
- Bệnh dại tại Thanh Hóa xuất hiện tản phát và hầu hết khi bệnh nhân lên cơn dại mới phát hiện được ổ dịch.
- Ý thức của người dân trong công tác phòng, chống bệnh dại còn hạn chế, hầu hết các bệnh nhân tử vong do không được tiêm phòng tại các cơ sở y tế, chủ yếu là điều trị bằng thuốc nam.
- Phong tục tập quán nuôi và thả rông chó đang phổ biến tại cộng đồng, việc quản lý tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó chưa triệt để.
- Tổ chức tiêm phòng cho đàn chó gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, vắc xin về không đúng thời điểm và biến động trong đàn chó hàng năm quá lớn không kiểm soát được.
Phần thứ hai:
KẾ HOẠCH KHỐNG CHẾ VÀ TIẾN TỚI LOẠI TRỪ BỆNH DẠI, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
I. MỤC TIÊU
1.1. Mục tiêu chung: Khống chế bệnh dại trên người vào năm 2021 nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Trên 95% số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó.
- Tỷ lệ đàn chó nuôi được tiêm phòng vắc-xin dại tại các xã, phường, thị trấn đạt trên 85%.
- Trên 70% số huyện, thị xã, thành phố không có ca bệnh dại trong 02 năm liên tiếp.
- Giảm 60% số người tử vong do bệnh dại vào năm 2021 so với số ca mắc dại trung bình giai đoạn 2011-2015.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
2.1. Công tác tổ chức chỉ đạo
- Sở Y tế (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người tỉnh Thanh Hóa) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt công tác phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Thường xuyên chỉ đạo tổ chức kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch theo quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống cho người dân.
- Thiết lập hệ thống chỉ đạo, giám sát chặt chẽ các ca bệnh trên địa bàn, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch với UBND tỉnh, Bộ Y tế và đề xuất các phương án phù hợp với các hoạt động phòng, chống dịch.
2.2. Công tác thông tin, tuyên truyền
- Chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền công tác phòng chống dịch, bệnh và lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin để người dân tích cực tham gia tiêm phòng, phòng chống bệnh dại.
- Chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng để triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống dịch, bệnh kịp thời, chính xác. Phát huy tốt vai trò hệ thống truyền thanh tại cơ sở.
- Nâng cao kỹ năng của cán bộ tuyên truyền trong và ngoài ngành y tế về trình độ, phương tiện, nhân lực. Huy động các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.
- Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh triển khai các nội dung truyền thông theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, bệnh.
2.3. Các giải pháp chuyên môn.
a) Các giải pháp về Y tế
- Tiếp tục duy trì, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 28 điểm tiêm phòng tại 27 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát các điểm tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại tại các huyện để phục vụ công tác điều trị dự phòng, đảm bảo nhu cầu, dễ tiếp cận, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ cao.
- Cung ứng đủ vắc xin và huyết thanh kháng dại cho 28/28 điểm tư vấn, tiêm phòng dại trên địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% bệnh nhân có nhu cầu đều được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại thuận lợi, an toàn.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao về kỹ năng truyền thông, tư vấn trong phòng, chống bệnh dại cho cán bộ y tế các tuyến, đặc biệt là Trạm Y tế xã và mạng lưới y tế thôn bản.
- Tổ chức truyền thông phòng chống bệnh dại cho các huyện có bệnh nhân tử vong và các huyện có nguy cơ cao mắc bệnh dại.
- Xây dựng, cung cấp các tài liệu truyền thông về phòng, chống bệnh dại tới các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh, các ngành, đoàn thể và các cơ quan liên quan.
- Hàng năm xây dựng kế hoạch hỗ trợ về vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại cho gia đình chính sách, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi và cho người nghèo trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế để đề nghị hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại của tỉnh.
- Theo dõi, giám sát và đánh giá các hoạt động thực hiện “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017-2020” tại địa phương, tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế về kết quả thực hiện hàng năm.
b) Các giải pháp quản lý và tiêm phòng cho đàn chó
- Bổ sung các trang thiết bị và các dụng cụ cho các điểm tư vấn, tiêm phòng dại cho động vật tại các huyện, thị xã, thành phố.
- Tổ chức lớp tập huấn cho nhân viên thú y cấp xã các kiến thức về bệnh dại trên người và động vật, hướng dẫn cách phòng chống, xử lý vết thương sau khi bị phơi nhiễm.
- Cung ứng kịp thời, đầy đủ vắc xin dại, đảm bảo đáp ứng 100% yêu cầu trong các đợt tiêm phòng định kỳ, bổ sung cho đàn chó, mèo tại các huyện, thị xã, thành phố và các điểm tư vấn tiêm phòng.
- UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn quản lý việc nuôi chó trên địa bàn; hằng tháng lập, bổ sung danh sách hộ nuôi chó, yêu cầu 100% các hộ gia đình cam kết nuôi chó theo đúng quy định, không thả rông, có rọ mõm, thông báo cho thú y cơ sở khi vật nuôi ốm...
- Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức để đề nghị hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại của tỉnh.
III. KINH PHÍ
- Căn cứ theo tình hình thực tế dịch bệnh hàng năm, Sở Y tế xây dựng kế hoạch kinh phí; gửi Sở Tài chính thẩm định; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- UBND huyện, thị xã, thành phố hàng năm bố trí kinh phí để đảm bảo cho các hoạt động triển khai, tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dại tại địa phương.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
4.1. Sở Y tế
- Chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động thực hiện Chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017-2020 trên người của tỉnh.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, phối hợp UBND cấp huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan hướng dẫn và tổ chức triển khai truyền thông phòng, chống bệnh dại trong hệ thống các trường học và mạng lưới các ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở.
- Hằng năm, xây dựng kinh phí đảm bảo cho công tác phòng, chống bệnh dại, hỗ trợ kinh phí cho điều trị dự phòng về vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại cho gia đình chính sách, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi; gửi Sở Tài chính thẩm định; trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Duy trì nghiêm chế độ thông tin, báo cáo tình hình bệnh dại theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn; tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật.
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng, cung cấp các tài liệu truyền thông về phòng, chống bệnh dại tới các phương tiện truyền thông đại chúng của tỉnh, các ngành, đoàn thể và các cơ quan liên quan.
- Duy trì thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo tình hình bệnh dại theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4.3. Sở Tài chính
Hàng năm thẩm định, cân đối ngân sách, tham mưu bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người và động vật theo đề nghị của Sở Y tế; đặc biệt là kinh phí hỗ trợ về vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại cho các đối tượng được miễn, giảm (gia đình chính sách, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi và cho người nghèo).
4.4. Sở Thông tin và Truyền Thông
Hướng dẫn các cơ quan truyền thông đại chúng và hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh dại trên người và động vật.
4.5. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Thanh Hóa
Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chuyên mục đưa tin về tình hình và công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thời lượng phát sóng, đăng tải tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại trên người và trên vật nuôi; phát động “Chiến dịch truyền thông phòng, chống bệnh dại“ vào ngày 28/9 hàng năm (ngày thế giới phòng, chống bệnh dại) ở các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.
4.6. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn lồng ghép thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch chi tiết; tuyên truyền, khuyến cáo người dân tự giác tham gia phòng, chống bệnh dại; tổ chức kiểm tra, đôn đốc hoặc có yêu cầu bắt buộc thực hiện khi cần thiết; lập các tổ xung kích, triển khai các biện pháp cụ thể quản lý đàn chó và vật nuôi có nguy cơ lây nhiễm bệnh dại; huy động các tổ chức hội, đoàn thể cơ sở tham gia.
- Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động Ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương, xây dựng triển khai kế hoạch phòng, chống dịch chi tiết. Thường xuyên nắm bắt tình hình và báo cáo về Ban chỉ đạo tỉnh các diễn biến dịch bệnh, đề xuất các khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp với các đơn vị chức năng để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế để sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra.
- Bố trí nguồn lực cho các hoạt động: Thông tin, tuyên truyền; chi phí triển khai, kiểm tra, đôn đốc; chỉ đạo tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả phòng, chống bệnh dại hằng năm; hỗ trợ chi phí cho cán bộ trực tiếp tham gia tiêm phòng; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phòng, chống bệnh dại.
- Chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, thị xã, thành phố; truyền thanh xã, phường, thị trấn tuyên truyền định kỳ hàng tháng các nội dung về phòng, chống bệnh dại; phát động chiến dịch tuyên truyền trong các đợt tiêm phòng dại cho đàn vật nuôi.
- Tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả triển khai phòng, chống bệnh dại hằng năm; khen thưởng các địa phương, tập thể, cá nhân có thành tích tốt, đồng thời phê bình các địa phương, tập thể còn chủ quan, chưa chú trọng công tác phòng, chống bệnh dại.
4.7. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh
Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh dại trong mạng lưới tổ chức hội từ tỉnh tới cơ sở và cộng đồng.
Vận động các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia, sẵn sàng huy động lực lượng tham gia kế hoạch phòng, chống bệnh dại của các địa phương; lồng ghép với các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước của các đoàn thể.
Trên đây là Kế hoạch khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017-2020 tại Thanh Hóa. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai các nội dung kế hoạch./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Kế hoạch 130/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
- 2Quyết định 1176/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2021”
- 3Quyết định 2243/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2021
- 4Kế hoạch 30/KH-UBND năm 2018 về thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2021
- 5Quyết định 3369/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2018-2021
- 6Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2018 thực hiện "Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2018-2021" trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 1Thông tư liên tịch 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 193/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt "Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Kế hoạch 130/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
- 4Quyết định 1176/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2021”
- 5Quyết định 2243/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2021
- 6Kế hoạch 30/KH-UBND năm 2018 về thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2021
- 7Quyết định 3369/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2018-2021
- 8Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2018 thực hiện "Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2018-2021" trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Kế hoạch 180/KH-UBND năm 2017 về khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, giai đoạn 2017-2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- Số hiệu: 180/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 13/10/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Phạm Đăng Quyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra