Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1297/KH-UBND | Quảng Nam, ngày 10 tháng 3 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM NĂM 2023
Thực hiện Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 04/5/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác trẻ em với các nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, sự tham gia của gia đình, cá nhân và cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác trẻ em để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án về công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh.
b) Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ, giữa các vùng, miền, dân tộc…; chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, bóc lột lao động bảo đảm sự an toàn cho mọi trẻ em; loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
2. Yêu cầu
a) Các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố bám sát nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Kế hoạch này để xây dựng kế hoạch thực hiện công tác trẻ em năm 2023 theo chức năng, nhiệm vụ tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương và triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
b) Huy động nguồn lực và sự tham gia đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các tầng lớp Nhân dân để thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, đề án... về công tác trẻ em.
II. MỤC TIÊU CHỦ YẾU
1. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc dưới các hình thức như: được hưởng trợ cấp xã hội; được trợ giúp về khám bệnh, chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng; được hỗ trợ về giáo dục; được tư vấn, tham vấn, tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em; được hưởng các phúc lợi xã hội và các hình thức trợ giúp khác.
2. 80% trở lên đội ngũ làm công tác trẻ em cấp xã; cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và nhân viên y tế thôn, khối phố được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
3. 100% huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn duy trì, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em và có quy chế hoạt động hiệu quả; hình thành nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác trẻ em.
4. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả Tháng hành động vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em các cấp, ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán cho trẻ em... Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về công tác trẻ em của Trung ương, của tỉnh
a) Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến trẻ em; các Chương trình, Đề án, Kế hoạch giai đoạn và hằng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; chú trọng ưu tiên quy hoạch xây dựng khu vui chơi, bể bơi dành cho trẻ em nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
b) Xây dựng Kế hoạch phối hợp liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2023 - 2030.
c) Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể ở các cấp để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
d) Lồng ghép, đưa nhiệm vụ thực hiện quyền trẻ em, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào chương trình, kế hoạch công tác năm của các Sở, ban, ngành có liên quan.
đ) Thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan và địa phương trong việc nắm bắt, trao đổi thông tin, giải quyết các vụ việc vi phạm quyền trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
g) Bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, mô hình về công tác trẻ em. Vận động và sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho trẻ em, hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ, cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng..., chú trọng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
h) Thực hiện trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên về thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện các chính sách đối với trẻ em...
2. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em
a) Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và xã hội về các vấn đề về trẻ em và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh.
b) Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực trẻ em và các chương trình, kế hoạch về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường tuyên truyền phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em và các hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, chú trọng công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trong mùa hè. Đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các mô hình bảo vệ trẻ em bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với từng nhóm đối tượng, văn hóa vùng miền, từng địa bàn dân cư, đặc biệt nhân các ngày chủ điểm về trẻ em như Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em, Ngày quốc tế thiếu nhi (01/6), Tết Trung thu, Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, Ngày gia đình Việt Nam…
c) Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị tham gia vào thực hiện công tác trẻ em, nhất là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội các cấp để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia có hiệu quả các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.
d) Truyền thông, quảng bá, phối hợp, kết nối với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), Tổng đài Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam (số 18001581) để mọi người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu được hỗ trợ. Tăng cường truyền thông, thực hiện biện pháp phòng ngừa, ứng phó để bảo vệ trẻ em kịp thời trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh.
đ) Thực hiện các phóng sự, video clip, phát thanh, bản tin, tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương...; treo băng rôn, phướn, khẩu hiệu, pano; tổ chức các cuộc thi, hội thi, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt cộng đồng để truyền thông thông điệp, chủ trương, chính sách về công tác trẻ em…; thông qua các loại hình văn hóa truyền thống, văn hóa quần chúng, sân khấu hóa…; sản xuất, nhân bản phát hành các sản phẩm truyền thông (sổ tay, tài liệu, tờ rơi, sách mỏng, quạt giấy,...) cấp phát cho trẻ em, phụ huynh, cộng đồng dân cư, cộng tác viên, cán bộ làm công tác trẻ em các cấp.
e) Biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương điển hình trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thực hiện quyền trẻ em; phát hiện, ngăn chặn, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm và lên án các hành vi, vụ việc ngược đãi, bạo lực, xâm hại, bóc lột, vi phạm quyền trẻ em.
3. Tổ chức khắc phục những tồn tại, thiếu sót theo Kết luận số 339/KL-TTr, ngày 14/11/2022 của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện các quy định của pháp luật về quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- Tham mưu HĐND các cấp tổ chức gặp mặt, đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em về các vấn đề trẻ em quan tâm theo quy định tại khoản 2, Điều 78 Luật trẻ em.
- Kiểm tra, rà soát việc thực hiện chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng quy định tại Điều 20, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh; việc sử dụng lao động chưa thành niên tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để kịp thời hỗ trợ, can thiệp để đảm bảo việc sử dụng lao động chưa thành niên đúng quy định của pháp luật; các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh việc thực hiện lập hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 28, Nghị định số 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
4. Điều tra, thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em theo Thông tư số 13/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Các Sở, Ban, ngành và địa phương theo nhiệm vụ được giao tại Công văn số 9183/UBND-KGVX ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Thông tư số 13/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện điều tra, thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) theo quy định.
5. Củng cố hệ thống tổ chức, nhân lực và nâng cao năng lực về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
a) Tiếp tục duy trì, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em các cấp giai đoạn 2021-2030; xây dựng, điều chỉnh Quy chế hoạt động đảm bảo hoạt động hiệu quả, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, chú trọng nội dung công tác phối hợp, tiếp nhận thông tin, giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em. Tổ chức họp giao ban Ban Chỉ đạo theo quy chế; định kỳ báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác bảo vệ trẻ em và báo cáo thực hiện Luật Trẻ em với HĐND tỉnh theo quy định.
b) Bố trí nhân lực, duy trì, củng cố đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và y tế thôn, bản ở địa phương theo Quyết định 694/QĐ-UBND ngày 16/3/2022 của UBND tỉnh và nhân lực hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm bảo đảm hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại; làm tốt công tác phòng ngừa, hướng dẫn việc phát hiện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại đến Tổng đài 111 và các cơ quan có thẩm quyền. Triển khai, nhân rộng các mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
c) Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho chính quyền các cấp, cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt việc thực hiện các quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, thực hiện các chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và thu thập, cập nhật thông tin về trẻ em...
d) Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là báo cáo kịp thời những trường hợp trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, bị bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột lao động theo quy định, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác…
đ) Các Sở, Ban, ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật và quy trình, thủ tục quy định tại Quyết định số 704/QĐ-UBND ngày 17/3/2022 của UBND tỉnh ban hành Quy trình phối hợp, hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; chú trọng công tác theo dõi, quản lý chất lượng thông tin thống kê về tình hình trẻ em trên nền tảng số; rà soát, xác thực thông tin, dữ liệu trẻ em và duy trì cập nhật lên phần mềm quản lý thông tin trẻ em.
e) Tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm những địa phương làm tốt, mô hình, dịch vụ bảo vệ trẻ em có hiệu quả.
ê) Tiếp tục triển khai thực hiện rà soát, chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu về trẻ em tại địa phương trên “Phần mềm quản lý thông tin trẻ em~ theo Công văn số 4708/UBND-NCKS ngày 20/7/2022 về việc chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em thực hiện Đề án 06.
6. Duy trì, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ, mạng lưới bảo vệ trẻ em
a) Tiếp tục duy trì, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em kết nối với các dịch vụ công tác xã hội, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục và trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng việc bảo vệ trẻ em ở cả 03 cấp độ (phòng ngừa; hỗ trợ; can thiệp).
b) Duy trì hoạt động 06 Văn phòng tư vấn trẻ em cấp huyện, thành phố; 20 điểm tư vấn cộng đồng; 12 điểm tư vấn trường học1 nhằm trợ giúp cho trẻ em và gia đình các em có điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các dịch vụ an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Phát huy hiệu quả hoạt động tư vấn, tham vấn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại Văn phòng tư vấn trẻ em, các điểm tư vấn trong nhà trường và ngoài cộng đồng phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương.
c) Phát triển và nhân rộng mô hình bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, trường học như: mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; mô hình phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em, mô hình “vãng gia” cải thiện an sinh trẻ em; mô hình điều tra, xét xử thân thiện đối với trẻ em và vị thành niên vi phạm pháp luật theo tinh thần Công ước quốc tế Quyền trẻ em; phòng ngừa trẻ em vi phạm pháp luật; trợ giúp trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và mắc bệnh hiểm nghèo, nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
7. Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em (từ ngày 01/6 đến ngày 30/6), Diễn đàn trẻ em các cấp, Tết Trung thu năm 2023
a) Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em theo Thông tư số 28/2019/TT- BLĐTBXH ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức Tháng hành động vì trẻ em.
b) Tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp theo Thông tư số 29/2019/TT- BLĐTBXH ngày 26/12/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức Diễn đàn trẻ em và Tết Trung thu theo chủ đề năm 2023.
c) Tăng cường trách nhiệm của mỗi ngành và công tác phối hợp giữa các ngành; các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó để bảo vệ trẻ em kịp thời, hiệu quả, nhất là trong gia đình và cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động xã hội; có hình thức động viên và tặng quà, học bổng... cho trẻ em, quan tâm đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt khó học giỏi, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo, trẻ em sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trẻ em người dân tộc thiểu số, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng tại trường học cho trẻ em nghèo, trẻ em miền núi; xây dựng các công trình trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em... Phát triển, tổ chức các mô hình, hoạt động (câu lạc bộ, diễn đàn, tọa đàm, hội nghị...) để trẻ em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng; lấy ý kiến tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản liên quan đến trẻ em, phát huy quyền tham gia và giúp trẻ em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình…
d) Huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trợ giúp trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
8. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ chăm sóc trẻ em và thực hiện quyền trẻ em ở địa phương
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại ít nhất 01 địa bàn cấp huyện, các cơ sở trợ giúp xã hội do cấp tỉnh thành lập và tổ chức, đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em nhưng không đăng ký hoạt động hoặc không được cấp phép hoạt động chưa được thanh tra trong năm 20222.
b) UBND cấp huyện tiếp tục thực hiện kiểm tra và UBND cấp xã thực hiện tự kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em thuộc trách nhiệm của cấp mình và kiểm tra tại các cơ sở trợ giúp xã hội đang chăm sóc thay thế trẻ em và cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em do Phòng LĐTBXH cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hoặc do UBND cấp xã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chưa được kiểm tra trong năm 2022. UBND cấp xã báo cáo kết quả tự kiểm tra về UBND cấp huyện; UBND cấp huyện tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra trên địa bàn gửi về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
c) Phối hợp với các cơ quan bảo vệ trẻ em ở Trung ương, Cục Trẻ em, Tổng đài 111 trong việc xác minh, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục trong việc chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, bao che hành vi, vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
d) Xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo liên quan đến trẻ em theo quy định pháp luật. Triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
9. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp
Ban hành quy chế quản lý, sử dụng có hiệu quả Quỹ bảo trợ trẻ em; rà soát, đánh giá, thống kê số liệu vận động và sử dụng Quỹ bảo trợ trẻ em trong vòng 3 năm qua, nhất là đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trên cơ sở đó có kế hoạch huy động quỹ cho năm 2023. Tham mưu cho Ban quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa và bảo trợ trẻ em của tỉnh phương án sử dụng quỹ đúng quy định, đúng địa chỉ, có trọng tâm, có trọng điểm; tăng cường kết nối, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ nhằm xã hội hóa việc trợ giúp trẻ em, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
IV. KINH PHÍ
1. Kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; lồng ghép với các chính sách, chương trình, dự án khác.
2. Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế để thực hiện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, Hội, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch và điều phối các hoạt động.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể các cấp về thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; xây dựng kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2023-2030.
c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông, các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Triển khai Tháng hành động vì trẻ em theo chủ đề năm 2023 và Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh. Tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, trẻ em bị tai nạn thương tích và trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, lang thang, không nơi nương tựa.
d) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em. Tham mưu, tổng hợp, báo cáo kết quả bảo vệ, chăm sóc trẻ em; số liệu, thông tin thống kê thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê ban hành kèm theo Thông tư số 13/2021/TTBLĐTBXH cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh trong trường học; tăng cường giáo dục kiến thức về bảo vệ trẻ em cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi để trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ và cách xử sự phù hợp với đạo đức xã hội; quan tâm việc giáo dục nhân cách, đạo đức, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh thông qua việc giáo dục thực hành kỹ năng sinh tồn, tổ chức các phong trào thi đua học tập, văn hóa, văn nghệ; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho học sinh, cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc vi phạm trẻ em trên môi trường mạng để tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng; xây dựng và nhân rộng các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường; thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục nhất là cơ sở giáo dục mầm non về tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động đảm bảo an toàn, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; tổ chức cho học sinh học bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; rà soát, thống kê số học sinh bỏ học, có nguy cơ bỏ học để có kế hoạch hỗ trợ, can thiệp tránh tình trạng trẻ em bỏ học, có nguy cơ lao động trái pháp luật.
3. Sở Tư pháp
Tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và địa phương tiếp tục phổ biến, tuyên truyền pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; thực hiện công tác trợ giúp, tư vấn pháp luật cho đối tượng là trẻ em và gia đình trẻ em theo đúng quy định. Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi và đăng ký khai sinh cho trẻ em theo quy định góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa và việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đảm bảo cho trẻ em được tiếp cận môi trường văn hóa lành mạnh. Tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình. Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, khu phố, xã, phường, thị trấn văn hóa, lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với tiêu chí xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” và “xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”. Kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng bể bơi; tổ chức phổ cập bơi cho trẻ em; tăng cường công tác quản lý bể bơi, hoạt động dạy bơi và cứu đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, thực hiện tốt các mục tiêu về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ em. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, khám bệnh, chữa bệnh, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích theo quy định, nhất là đối với trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em người dân tộc thiểu số. Xây dựng và nhân rộng Mô hình cộng đồng an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em cho trẻ em.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và y tế thôn, bản trên địa bàn tỉnh theo quy định.
6. Công an tỉnh
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh đối với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến trẻ em, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp tiếp nhận, giải quyết, tố giác, tin báo về hành vi sử dụng môi trường mạng xâm hại trẻ em; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em…, phòng ngừa, trợ giúp, cảm hóa trẻ em vi phạm pháp luật.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng thời lượng phát sóng, bài viết, chuyên trang, chuyên mục về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; giới thiệu mô hình hay, gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phát hiện, phê phán hành vi vi phạm quyền trẻ em.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động về thông tin, báo chí, xuất bản, thông tin Internet dành cho trẻ em, liên quan đến trẻ em, các dịch vụ Internet xung quanh trường học, để chủ động tuyên truyền, phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi sử dụng các sản phẩm và môi trường mạng để xâm hại trẻ em.
c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg, ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2030”.
8. Sở Tài chính
Tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
9. Sở Kế hoạch - Đầu tư
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan để thống nhất đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm theo quy định.
10. Sở Giao thông vận tải
a) Phối hợp với Ban an toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện nghiên cứu các nội dung phù hợp để thực hiện tuyên truyền tại các trường học, cộng đồng, tổ chức các hội thi, chương trình về an toàn giao thông cho học sinh để hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị an toàn khi tham gia giao thông đường bộ, đường thủy, trang bị kiến thức cơ bản cho học sinh về các Luật Giao thông, hướng dẫn thực hiện quy định khi tham gia giao thông đường bộ, đường thủy.
b) Tổ chức, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí nguy hiểm trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý.
c) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy nội địa và các vị trí trường học nằm trên các tuyến đường quốc lộ, tuyến đường tỉnh.
11. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh
Phối hợp với các ngành chức năng trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật, lạm dụng sức lao động trẻ em và các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Hỗ trợ trẻ em về các thủ tục tố tụng, bồi thường, khiếu nại và biện pháp khắc phục hậu quả đối với nạn nhân là trẻ em.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động tham gia thực hiện các Chương trình, Kế hoạch, Quyết định về Bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt chú trọng vào nội dung phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em; chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vào cuộc phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030; vận động các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
13. Đề nghị Tỉnh Đoàn
Tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ em thông qua các hoạt động của Đội và hoạt động sinh hoạt hè. Tăng cường vai trò của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, triển khai mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, tiếp tục hướng dẫn triển khai có hiệu quả mô hình Hội đồng trẻ em cấp huyện. Phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc bàn giao, quản lý học sinh, tổ chức hoạt động hè an toàn và tổ chức Diễn đàn trẻ em; tổ chức sân chơi cho trẻ em tại các khu vực công cộng (Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng, Nhà Văn hóa, Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên…) bảo đảm an toàn, lành mạnh. Chủ trì tham mưu, theo dõi thực hiện khuyến nghị của trẻ em tại Diễn đàn trẻ em năm 2021, rà soát lại những việc đã giao cho các Sở, ngành, đoàn thể và địa phương thực hiện theo Thông báo kết luận 425/TB-UBND ngày 22/9/2021 để cập nhật báo cáo Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc việc thực hiện.
14. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật, quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Nam
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, ngừa tai nạn thương tích và phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Phát động sâu rộng trong cán bộ, hội viên tham gia phong trào bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với mục tiêu xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em, bảo đảm tất cả trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về các kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vận động hội viên và cộng đồng mạnh dạn lên tiếng, tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống lao động ở trẻ em và phòng, chống tảo hôn. Tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu đối với trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.
15. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp; tăng cường công tác chăm lo đời sống cho con em của công nhân viên chức lao động, đặc biệt là các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
16. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam
Tăng thời lượng phát sóng, số lượng tin, bài về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; thông tin, phổ biến kịp thời những kinh nghiệm hay và biểu dương các điển hình tiên tiến, đồng thời phản ảnh và lên án các vụ việc xâm phạm quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh.
17. Các Sở, Ban, ngành, đơn vị khác
Triển khai thực hiện Kế hoạch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ đã được giao; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch trong phạm vi của ngành, đơn vị mình.
18. UBND các huyện, thị xã, thành phố
Căn cứ nội dung kế hoạch này và tình hình thực tế địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường quan tâm đối với công tác trẻ em, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thành lập nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã; bố trí nguồn lực triển khai thực hiện công tác trẻ em; chỉ đạo công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại địa phương và báo cáo kết quả đúng thời gian quy định.
VI. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
1. Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu để triển khai thực hiện công tác trẻ em năm 2023 trước ngày 20/3/2023. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 20/5/2023), 01 năm (trước ngày 10/11/2023) và báo cáo đột xuất (khi có yêu cầu và phát sinh vụ việc về trẻ em) về thực hiện công tác trẻ em thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, trong đó đối với các ngành, đơn vị được phân công thực hiện từng nội dung, nhiệm vụ kế hoạch về trẻ em phải báo cáo cụ thể kết quả thực hiện từng nội dung, nhiệm vụ với UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp, theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 25/5/2023 đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 20/11/2023 đối với báo cáo năm.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023; yêu cầu các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
1 06 Văn phòng Tư vấn trẻ em: Thành phố Hội An, Núi Thành, Tiên Phước, Đông Giang, Quế Sơn, Nông Sơn. 20 điểm tư vấn cộng đồng: 09 xã, phường của TP Hội An, 03 xã phường của TP Tam Kỳ, 06 xã của huyện Núi Thành, 02 xã của huyện Quế Sơn. 12 điểm tư vấn trường học: TP Tam Kỳ có các Trường THCS: Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Thái Phiên, Lê Hồng Phong; huyện Núi Thành có các Trường THCS: Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lê Văn Tám; huyện Quế Sơn có các Trường THCS: Quế Châu, Phú Thọ.
2 Công văn số 69/LDTBXH-TTr ngày 09/01/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em
- 1Công văn 53/SGDĐT-CTTT năm 2023 về tăng cường công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Kế hoạch 50/KH-UBND thực hiện công tác trẻ em năm 2023 do thành phố Đà Nẵng ban hành
- 3Kế hoạch 42/KH-UBND thực hiện công tác trẻ em tỉnh Hưng Yên năm 2023
- 4Kế hoạch 231/KH-UBND thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023
- 1Luật giao thông đường bộ 2008
- 2Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em
- 3Luật ngân sách nhà nước 2015
- 4Luật trẻ em 2016
- 5Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập,tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội
- 6Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật trẻ em
- 7Thông tư 28/2019/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn tổ chức Tháng hành động vì trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 8Thông tư 29/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tổ chức diễn đàn trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 9Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
- 10Quyết định 830/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Thông tư 13/2021/TT-BLĐTBXH về Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 12Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em
- 13Quyết định 704/QĐ-UBND năm 2022 về Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 14Công văn 53/SGDĐT-CTTT năm 2023 về tăng cường công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 15Công văn 69/LĐTBXH-TTr năm 2023 thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 16Kế hoạch 50/KH-UBND thực hiện công tác trẻ em năm 2023 do thành phố Đà Nẵng ban hành
- 17Kế hoạch 42/KH-UBND thực hiện công tác trẻ em tỉnh Hưng Yên năm 2023
- 18Kế hoạch 231/KH-UBND thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023
Kế hoạch 1297/KH-UBND thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023
- Số hiệu: 1297/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 10/03/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Trần Anh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra