Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 117/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 28 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CƠ CẤU LẠI NGÀNH DỊCH VỤ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Thực hiện Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn thành phố như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt, triển khai thực hiện tốt Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, phù hợp với đặc thù của thành phố, gắn với Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 08/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, đơn vị và xác định rõ thời gian thực hiện.

- Tập trung sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, tổ chức phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các ngành và địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị để thực hiện.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Phát triển ngành dịch vụ nhanh, hiệu quả và bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đảm bảo khai thác tốt các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

b) Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ cần có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi, chú trọng vào các giải pháp cụ thể, có thể đo lường kết quả, có tác động mạnh, kịp thời trên thực tiễn, theo tín hiệu thị trường.

c) Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, tiếp cận với trình độ hiện đại, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực.

d) Thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính ở các Sở, ngành, địa phương.

đ) Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ coi công nghệ thông tin là đòn bẩy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ.

2. Mục tiêu

a). Mục tiêu tổng quát

Cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng xây dựng ngành dịch vụ chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch.

Xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực dịch vụ thông qua việc tập trung phát triển các ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng” bao gồm: Công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục, logistics và vận tải, tài chính - ngân hàng.

Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng của các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin để tác động lan tỏa tới các lĩnh vực dịch vụ khác.

b). Mục tiêu cụ thể

b1) Năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm khu vực dịch vụ đạt khoảng 9,89%; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 42,28%. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm khu vực dịch vụ giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10,4%/năm. Đến năm 2025, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP khoảng 43,4%.

Năm 2020, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 30%. Đến năm 2025, tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đạt khoảng 35%.

b2) Lĩnh vực tài chính - ngân hàng:

- Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài mở chi nhánh, hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng trên địa bàn thành phố, đặc biệt ưu tiên phát triển ở khu vực nông thôn và hải đảo.

- Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng của các tổ chức tín dụng. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp với các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở khu vực nông thôn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

- Công tác huy động vốn và tín dụng tăng trưởng ổn định, tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng.

- Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của hệ thống các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố duy trì ở mức dưới 3%.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống ngân hàng theo hướng đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý, trình độ nghiệp vụ và khả năng cạnh tranh.

- Đẩy mạnh phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS trên địa bàn thành phố, tiến đến giảm dần tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, phát hành bảo lãnh, thanh toán quốc tế... Đa dạng hóa các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, từng đối tượng khách hàng. Mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng nhất là những điểm nóng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng nhằm giảm thiểu, góp phần hạn chế hoạt động tín dụng đen.

b3) Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông:

Đến hết năm 2020, 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền thành phố. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của từng sở, ngành, địa phương đạt từ 20% trở lên. Tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Sở, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố. Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4. Công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính. 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử. 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến. 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của thành phố được kết nối, liên thông qua trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử. 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử. Tối thiểu 80% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

Đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% giao dịch trên Hệ thống Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến thành phố được xác thực điện tử. 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền thành phố. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên. 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các sở, ngành, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. 60% các hệ thống thông tin của các sở, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại. 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

Đồng thời, đến năm 2025, phấn đấu phủ sóng thông tin di động công nghệ 5G tới các khu vực trung tâm của các quận, huyện trên địa bàn thành phố; ngầm hóa mạng cáp ngoại vi viễn thông tại các tuyến đường trung tâm khu vực nội thành và trung tâm các huyện; triển khai lắp đặt các điểm phát sóng wifi công cộng tại các điểm tập trung đông dân cư, người dân lao động.

b4) Lĩnh vực phân phối:

Năm 2020, tỷ trọng mức bán lẻ hàng hoá theo loại hình thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới cửa hàng tiện lợi...) đạt 30%; tốc độ tăng trưởng bình quân đối với lĩnh vực thương mại điện tử tối thiểu đạt 20%/năm; tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử chiếm trên 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố.

Đến năm 2025, tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đạt khoảng 45%; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) giai đoạn 2021 - 2025 đạt 15-16%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 320.000 tỷ đồng; giá trị tăng thêm lĩnh vực thương mại trong nước (theo giá so sánh) đến năm 2025 đóng góp khoảng 13,5% vào GDP.

b5) Lĩnh vực giáo dục - đào tạo và lao động:

Năm 2020, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo; đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 51.600 người, trong đó: trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm khoảng 18%, khoảng 15,7% được đào tạo theo các ngành, nghề trọng điểm, khoảng 85% có việc làm sau đào tạo.

Giai đoạn 2021 - 2025, bình quân hàng năm đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 55.000 người. Đến năm 2025, có 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; phát triển quy mô và mạng lưới trường các cấp bậc học; tăng cường chất lượng giáo dục phù hợp với mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa và cách mạng công nghệ 4.0; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa từng bước hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục; hội nhập quốc tế về giáo dục.

b6) Lĩnh vực logistics và vận tải:

Năm 2020, tổng sản lượng vận tải hàng hóa khoảng 113.524 triệu tấn.km (tương đương 207,9 triệu tấn hàng hóa), tổng sản lượng vận tải hành khách khoảng 2.894,1 triệu người.km (tương đương 72,6 triệu lượt khách). Đến năm 2025, tổng sản lượng vận tải hàng hóa khoảng 176.244 triệu tấn.km (tương đương 322,7 triệu tấn hàng hóa), tổng sản lượng vận tải hành khách khoảng 4.493 triệu người.km (tương đương 112,7 triệu lượt khách). Giai đoạn 2021- 2025, tốc độ tăng trưởng sản lượng vận tải hàng hóa bình quân hàng năm đạt 11,04%; tốc độ tăng trưởng sản lượng vận tải hành khách bình quân hàng năm đạt 11,04%.

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ logistics đạt khoảng 25 - 30%; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 15 - 20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics khoảng 40%; các trung tâm logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 40 - 50% tổng lượng hàng hóa có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics của thành phố, còn lại các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang khai thác đảm nhận 50-60%. Trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ logistics bình quân đạt khoảng 30% - 35%/năm. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP của thành phố đạt 8- 10%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20 - 25%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics khoảng 60%; các trung tâm logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 50 - 60% tổng lượng hàng hóa có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics của thành phố, còn lại các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang khai thác đảm nhận 40 - 50%. Phấn đấu đầu tư xây dựng từ 1-3 trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia.

b7) Lĩnh vực khoa học và công nghệ:

Năm 2020, thông qua các yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 40,43% vào tăng trưởng kinh tế; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Đến năm 2025, thông qua các yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 45% - 47% vào tăng trưởng kinh tế; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 42,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

b8) Lĩnh vực du lịch:

Năm 2020, thu hút khoảng 1.248.000 lượt khách du lịch quốc tế và 9.392.000 lượt khách du lịch nội địa; tổng doanh thu từ lĩnh vực du lịch của thành phố đạt khoảng 8.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các cơ sở lưu trú và dịch vụ lữ hành đạt 3.900 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 15.900 người lao động.

Đến năm 2025, thu hút khoảng 2.700.000 lượt khách du lịch quốc tế và 17.300.000 lượt khách du lịch nội địa; tổng doanh thu từ lĩnh vực du lịch của thành phố đạt khoảng 16.564 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các cơ sở lưu trú và dịch vụ lữ hành đạt 7.600 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 20.500 người lao động.

b9) Lĩnh vực y tế:

Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế các tuyến, đảm bảo cân đối giữa hệ thống y tế dự phòng và hệ thống khám chữa bệnh, giữa y tế cơ sở và y tế tuyến thành phố, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát triển y tế phổ cập, tăng cường đầu tư cho các cơ sở y tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở; chủ động phòng chống dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không để dịch lớn xảy ra, tất cả các bệnh dịch có vắc xin phòng bệnh được tiêm phòng 100%; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến, phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện, phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao ở tuyến thành phố kết hợp với phát triển y tế phổ cập ở tuyến y tế cơ sở; phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường phối hợp y tế công - tư.

Năm 2020, đạt 14 bác sỹ và 38 giường bệnh trên 1 vạn dân (tính cả công lập và ngoài công lập), trên 97% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Đến năm 2025, đạt 16 bác sỹ và 43 giường bệnh trên 1 vạn dân (tính cả công lập và ngoài công lập), trên 98% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Phấn đấu đến năm 2025, Y tế Hải Phòng trở thành trung tâm y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ; y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao của Hải Phòng ngang tầm với các cơ sở y tế đầu ngành Trung ương.

III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tạo lập môi trường chung cho phát triển các ngành dịch vụ

a) Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế và hải quan. Triển khai hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm giảm chi phí, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Phấn đấu Hải Phòng luôn là một trong 10 địa phương đạt thứ hạng cao nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính.

b) Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, thực sự trở thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt trong các ngành kinh tế chủ lực. Thu hút các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, giữ vai trò dẫn dắt, có sức lan tỏa và đóng góp ngân sách lớn, đầu tư sản xuất, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

c) Chủ động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu nền kinh tế thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có trình độ công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đóng góp lớn cho ngân sách, có nghiên cứu phát triển, cam kết chuyển giao công nghệ, có tác động lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị.

d) Có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển hiệu quả trong mọi lĩnh vực.

đ) Phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung phát triển lĩnh vực có thế mạnh với trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics, thương mại, du lịch,...

e) Tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được xác định trong Chương trình hành động số 76-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

g) Phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, mang tầm quốc tế, gắn chặt chẽ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

h) Xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; trọng điểm phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước.

2. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng

a) Chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng:

- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

- Tiếp tục ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi sự doanh nghiệp.

- Triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thành phố như: Chương trình cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014 của Chính phủ; Chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, cho vay đối tượng chính sách, cho vay bình ổn giá, cho vay mở rộng tín dụng góp phần hạn chế tín dụng đen...

- Nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích ngân hàng; tổ chức tốt công tác điều hòa lưu thông tiền mặt, nâng cao chất lượng dịch vụ ATM, POS; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua POS trên địa bàn thành phố.

- Triển khai có hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh với các chi nhánh tổ chức tín dụng khác ở các tỉnh, thành phố trên cả nước và nước ngoài.

- Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và các văn bản chỉ đạo có liên quan của Trung ương và thành phố.

b) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đảm bảo nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế trên cơ sở hiệu quả, an toàn, bảo mật.

c) Tăng cường công tác quản lý hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố, góp phần khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.

3. Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông

a) Năm 2020

- Xây dựng và ban hành quy định quản lý, phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

- Triển khai hệ thống xây dựng Chính quyền điện tử thành phố; xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố (phiên bản 2.0).

- Chỉnh trang, ngầm hóa cáp ngoại vi viễn thông trên địa bàn thành phố.

- Lắp đặt wifi miễn phí cho các khu nhà trọ của công nhân lao động trên địa bàn thành phố.

b) Giai đoạn 2021-2025

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Triển khai hệ thống xây dựng Chính quyền điện tử thành phố; xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố (phiên bản 2.0).

- Chỉnh trang, ngầm hóa cáp ngoại vi viễn thông trên địa bàn thành phố.

- Lắp đặt wifi miễn phí cho các khu nhà trọ của công nhân lao động trên địa bàn thành phố

4. Lĩnh vực phân phối

a) Năm 2020

- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 13/3/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

- Đẩy mạnh việc kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố lân cận, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn; xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; xây dựng các chương trình phát triển thương hiệu sản phẩm.

- Xây dựng và triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại hiện đại như các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ nông thôn (gắn với xây dựng nông thôn mới) và hệ thống các cửa hàng tiện ích.

- Rà soát, giới thiệu địa điểm cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.

- Triển khai Đề án Phát triển thương mại điện tử thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1746/QĐ-UBND ngày 23/8/2016.

- Phê duyệt Đề án phát triển xuất khẩu hàng hóa thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch Hội nhập quốc tế; phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế đến các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng lợi thế thương mại của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các thỏa thuận tự do thương mại khác mà Việt Nam đã tham gia.

- Nghiên cứu, thành lập Khu Thương mại tự do trên địa bàn thành phố.

b) Giai đoạn 2021-2025

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Đẩy mạnh việc kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố lân cận, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn; xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; xây dựng các chương trình phát triển thương hiệu sản phẩm.

+ Xây dựng và triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại hiện đại như các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ nông thôn (gắn với xây dựng nông thôn mới) và hệ thống các cửa hàng tiện ích.

+ Rà soát, giới thiệu địa điểm cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ, trung tâm thương mại, siêu thị.

+ Triển khai Đề án Phát triển thương mại điện tử thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1746/QĐ-UBND ngày 23/8/2016.

+ Tổ chức triển khai Đề án phát triển xuất khẩu hàng hóa thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

+ Tổ chức thực hiện Kế hoạch Hội nhập quốc tế; phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế đến các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng lợi thế thương mại của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các thỏa thuận tự do thương mại khác mà Việt Nam đã tham gia.

5. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo và lao động

a) Năm 2020

- Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 54/2019/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

- Triển khai một số Đề án như sau:

+ Đề án cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng đáp ứng việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới.

+ Đề án về chuyển đổi một số trường công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xây dựng trường học chất lượng cao.

+ Đề án xây dựng xã hội học tập, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục các cấp học.

+ Đề án xây dựng trường trung học cơ sở trọng điểm tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

+ Đề án hệ thống trường học thông minh (giai đoạn 1).

+ Đề án dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông giai đoạn 2008-2020.

b) Giai đoạn 2021-2025

- Đầu tư xây dựng nghề trọng điểm, trường nghề chất lượng cao đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

- Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng nghề để chuyển đổi công việc.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục nghề nghiệp; tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng vào học giáo dục nghề nghiệp.

- Tổ chức triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sau khi được phê duyệt.

- Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 54/2019/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố về chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

- Triển khai một số Đề án như sau:

+ Đề án rà soát đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên, giảng viên phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa.

+ Đề án giáo dục gia đình đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo thành phố Hải Phòng.

6. Lĩnh vực logistics và vận tải

a) Năm 2020

a1) Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics; Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phế duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông; Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 26/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cải thiện Chỉ số hiệu quả Logistics của Việt Nam.

a2) Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

a3) Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đầu tư xây dựng, khai thác các bến container thuộc Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng (tại Khu bến cảng Lạch Huyện)

a4) Phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án ứng dụng và Phát triển E- logistics thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025.

a5) Tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; tạo điều kiện phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.

b) Giai đoạn 2021-2025

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được xây dựng, phê duyệt tại điểm a mục 6 trên.

- Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông để kết nối các trung tâm logistics với khu vực cảng biển quốc tế Hải Phòng, vành đai và hành lang kinh tế Việt Nam - Nam Trung Quốc thông qua “hai hành lang, một vành đai kinh tế”; phối hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, phía Bắc, các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc nhằm khai thác nguồn hàng xuất nhập khẩu qua cảng Lạch Huyện để vận chuyển đến các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới, góp phần thúc đẩy hoạt động vận tải đa quốc gia, vận tải đa phương thức.

7. Lĩnh vực khoa học và công nghệ

a) Năm 2020

- Tiếp tục triển khai Kế hoạch “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào thành phố Hải Phòng trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên, giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030” được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 872/QĐ-UBND ngày 10/4/2019.

- Nâng cao công tác kiểm soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công nghệ theo quy định.

- Kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

b) Giai đoạn 2021-2025

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại điểm a mục 7 trên.

- Rà soát, ban hành các Chương trình, Kế hoạch:

+ Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập Quốc tế thành phố Hải Phòng.

+ Chương trình đổi mới công nghệ thành phố Hải Phòng.

+ Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm, chủ lực thành phố Hải Phòng.

+ Chương trình hợp tác trong nước và Quốc tế về khoa học và công nghệ thành phố Hải Phòng.

+ Chương trình tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ thành phố Hải Phòng.

+ Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố Hải Phòng.

+ Kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng.

- Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật nhằm khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ; xây dựng mô hình quản lý quỹ khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

8. Lĩnh vực du lịch

a) Xây dựng, phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch biển có cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, khác biệt, có chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.

b) Thu hút đầu tư phát triển mạnh các loại hình du lịch biển: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp; đồng thời phát triển các loại hình du lịch MICE1, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh các dự án vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế, các dự án bảo vệ môi trường khu du lịch theo quy hoạch. Chú trọng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, nhất là khách sạn 5 sao, các khu vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, trung tâm hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện đạt đẳng cấp quốc tế. Nghiên cứu, phát huy các di tích lịch sử, di tích cách mạng trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế khi đến với thành phố. Nghiên cứu, phát triển mô hình du lịch nông thôn nhằm đa dạng sản phẩm và mở rộng không gian du lịch của thành phố.

c) Có các cơ chế, chính sách hiệu quả để hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó tập trung vào 4 nhóm cơ chế, chính sách: (i) thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; (ii) khuyến khích, ưu đãi thu hút phát triển sản phẩm du lịch; (iii) hỗ trợ, nghiên cứu phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá, hợp tác về du lịch; (iv) đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

d) Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch; củng cố tổ chức bộ máy quản lý từ cấp thành phố tới quận, huyện, đồng thời rà soát, đánh giá lại gắn với sắp xếp, tuyển chọn, bố trí, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển bứt phá của du lịch thành phố.

9. Lĩnh vực y tế

a) Củng cố và phát triển y tế dự phòng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm cho các cơ sở y tế dự phòng đủ điều kiện và năng lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, không để dịch bệnh lớn xảy ra, ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp về y tế.

b) Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải bệnh viện, hạn chế tối đa tình trạng người bệnh nằm ghép; đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật mới nhằm giảm ngày điều trị trung bình; thực hiện phân tuyến kỹ thuật khám, chữa bệnh theo khả năng của từng bệnh viện, bổ sung giường bệnh kế hoạch cho các bệnh viện thường xuyên quá tải. Tiếp tục thực hiện Đề án tăng cường hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cao từ tuyến trên. Đẩy mạnh và tăng cường các hoạt động phục hồi chức năng. Duy trì bền vững, thường quy các kỹ thuật cao, chuyên sâu đã triển khai, đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị.

c) Củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động mạng lưới y dược cổ truyền từ thành phố đến cơ sở. Phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền theo hướng bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền. Củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các khoa y học cổ truyền tại các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố, các bệnh viện tuyến quận, huyện. Tăng cường hoạt động y học cổ truyền tại các trạm y tế tuyến xã. Phát triển các vùng trồng dược liệu.

d) Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng; đảm bảo cân đối, hợp lý, đặc biệt nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, chuyên sâu, đội ngũ bác sỹ chuyên khoa đầu ngành. Chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ quản lý, quản trị bệnh viện; đào tạo và thu hút bác sĩ, dược sĩ đại học, nhân viên y tế có trình độ cao về chuyên môn. Khuyến khích các cán bộ y tế tại các đơn vị đi học sau đại học, đào tạo ở nước ngoài...

đ) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật y học tiên tiến, hiện đại, những thành tựu mới; tăng cường hợp tác ứng dụng công nghệ y học của các nước trong khu vực và trên thế giới. Ưu tiên phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn thuộc các lĩnh vực có tiềm năng thế mạnh của ngành Y tế thành phố như: Ngoại khoa, nhi khoa, sản phụ khoa, nội khoa, ung bướu, tim mạch, chấn thương, huyết học truyền máu... Duy trì bền vững các kỹ thuật lâm sàng cao, chuyên sâu đã triển khai trong ngành y tế như: Mổ tim kín, mổ tim hở, mổ cột sống, chụp mạch, nong, nối mạch vành, thụ tinh trong ống nghiệm.... Tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới: Ghép tạng, điều trị tế bào gốc... Tăng cường đầu tư các hệ thống, labo xét nghiệm hiện đại phục vụ chẩn đoán. Thành lập một số trung tâm chuyên sâu có đủ khả năng giải quyết tất cả các bệnh lý phức tạp. Ứng dụng công nghệ chẩn đoán, điều trị từ xa để hỗ trợ kỹ thuật cho y tế huyện đảo, vùng sâu, vùng xa.

e) Mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; gắn việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo khung giá quy định của nhà nước với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, lộ trình cải cách tiền lương; tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ, bảo đảm phù hợp với trình độ chuyên môn, chất lượng dịch vụ ở từng tuyến và khả năng chi trả của nhân dân; minh bạch giá dịch vụ y tế, phân định rõ phần chi từ ngân sách nhà nước và phần chi của người sử dụng dịch vụ y tế.

g) Đẩy mạnh phát triển bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi và các đối tượng dễ bị tổn thương. Mở rộng và nâng chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã.

h) Tăng cường quản lý chất lượng thuốc, giá thuốc, công tác đấu thầu thuốc, quy chế kê đơn, bán thuốc; bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng với giá cả phù hợp, ổn định. Nâng cao năng lực của các đơn vị kiểm nghiệm về thuốc. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất nguyên liệu hóa dược, thuốc, trang thiết bị y tế công nghệ cao.

i) Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, xã hội hóa lĩnh vực y tế theo quy định của Nhà nước và Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND ngày 25/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển y tế và thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hoá, tăng cường liên doanh, liên kết, áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để đầu tư phát triển lĩnh vực y tế. Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, xây dựng bệnh viện tư nhân có quy mô và trình độ ngang tầm khu vực, đủ năng lực khám, chữa bệnh cho người nước ngoài và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế quốc tế.

k) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng y tế phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cơ sở y tế.

IV. THỜI GIAN VÀ NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện

Giai đoạn 2020-2025.

2. Nguồn vốn thực hiện

Ngân sách nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch của cơ quan, đơn vị mình; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo nội dung, chất lượng và đúng tiến độ các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này.

2. Phân công nhiệm vụ cụ thể

- Các Sở, ngành, địa phương, đơn vị chủ trì tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch này trong phạm vi quản lý.

- Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ tại mục 2 phần III Kế hoạch này.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Tuyên truyền, phổ biến về Đề án của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này của Ủy ban nhân dân thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ tại mục 3 phần III Kế hoạch này.

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ tại mục 4 phần III Kế hoạch này; chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ tại tiết a1, a2, a4 điểm a mục 6 phần III Kế hoạch này trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.

- Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ tại mục 5 phần III Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

- Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ tại tiết a3, a5 điểm a mục 6 phần III Kế hoạch này trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025; triển khai nhiệm vụ tại điểm b mục 6 phần III Kế hoạch này.

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ tại mục 7 phần III Kế hoạch này.

- Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ tại mục 8 phần III Kế hoạch này.

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ tại mục 9 phần III Kế hoạch này.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành nêu trên tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư định kỳ hàng năm, bắt đầu từ năm 2021, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổng hợp, xây dựng Dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TTHĐNDTP;
- CT, các PCT UBNDTP;
- Các Sở, ngành, đơn vị trực thuộc;
- UBND các quận, huyện;
- CVP, các PCVP UBND TP;
- Các phòng CV;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thành

 



1 Hoạt động du lịch kết hợp hội họp, khen thưởng, sự kiện, triển lãm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 117/KH-UBND về triển khai cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 117/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 28/04/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/04/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản