Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 3154/BGDĐT-VP
V/v Báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII

Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2008

 

Kính gửi: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Thực hiện yêu cầu của Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Công văn số 30/BDN ngày 04/01/2008 về việc xem xét, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII và báo cáo kết quả tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu, xem xét và giải quyết theo thẩm quyền 42 câu hỏi, bao gồm 8 nhóm vấn đề do Ban Dân nguyện chuyển đến. Bộ Giáo dục và Đào tạo xin báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của cử tri, cụ thể như sau:

I. VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC, PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY, SÁCH GIÁO KHOA

1. Cử tri các tỉnh: Đồng Nai, Đắk Nông, Phú Yên, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh cho rằng: Để thực hiện có kết quả nội dung cải cách và nâng cao chất lượng giáo dục, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển giáo dục cả về nội dung chương trình của từng cấp học và hoàn thiện nội dung sách giáo khoa. Nhằm tránh tình trạng phải thay đổi nhiều lần chỉ làm trong một thời gian ngắn, gây lãng phí về công sức, tiền của của ngân sách nhà nước và của nhân dân.

Trả lời:

Thực hiện Nghị quyết số 40/2000/NQ-QH10 của Quốc hội khoá X về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai việc đổi mới Chương trình và sách giáo khoa ở phổ thông theo cách “cuốn chiếu”. Bắt đầu từ năm học 2002-2003, Bộ đã triển khai trong cả nước chương trình và sách giáo khoa mới lớp 1 cấp Tiểu học và lớp 6 cấp Trung học cơ sở; Năm học 2003-2004, lớp 2 và lớp 7; Năm học 2004-2005, lớp 3 và lớp 8; Năm học 2005-2006, lớp 4 và lớp 9; Năm học 2006-2007, lớp 5 và lớp 10; Năm học 2007-2008, lớp 11; trong năm học tới sẽ tiếp tục thay sách giáo khoa mới lớp 12. Như vậy, để thực hiện Chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức triển khai đổi mới từ năm học 2002-2003 đến năm học 2008-2009. Bộ Chương trình và sách giáo khoa này sẽ được sử dụng ổn định khoảng 10 năm.

Ngày 04/3/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 1678/BGDĐT-VP về việc Hướng dẫn tổ chức đánh giá sự phù hợp của sách giáo khoa phổ thông trên cả nước. Theo đó, sau khi đã đánh giá sách giáo khoa ở tất cả các tỉnh thành, cuối tháng 5/2008, Bộ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về sách giáo khoa năm 2008. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những hướng dẫn mới về việc sử dụng sách giáo khoa và tổ chức giảng dạy.

2. Cử tri tỉnh Bắc Giang phản ánh: Chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ ở các trường phổ thông thấp, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp thích hợp khắc phục tình trạng trên.

Trả lời:

* Thực trạng dạy và học môn ngoại ngữ:

Hiện nay, ở các trường phổ thông đang thực hiện hai chương trình học ngoại ngữ: chương trình 7 năm (bắt đầu từ lớp 6 và nối tiếp đến lớp 12) và chương trình học 3 năm (bắt đầu học từ lớp 10 và nối tiếp đến lớp 12). Theo kế hoạch đổi mới chương trình và sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2008-2009, môn ngoại ngữ trong cả nước sẽ thực hiện một chương trình học 7 năm. Tuy nhiên, tại một số địa phương do còn thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ ở trung học cơ sở, một số giáo viên ngoại ngữ yếu về chuyên môn, nên sẽ có một số học sinh chưa được học hết chương trình môn ngoại ngữ ở cấp trung học cơ sở. Số học sinh này sẽ khó có khả năng theo học chương trình nối tiếp ở cấp trung học phổ thông.

* Một số giải pháp khắc phục:

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 9893/BGDĐT-GDTrH ngày 06/9/2006 về việc Hướng dẫn dạy học ngoại ngữ, trong đó có nêu rõ: Những địa phương mà học sinh chưa có điều kiện học ngoại ngữ ở trung học cơ sở thì được học chương trình 3 n¨m ở trung học phổ thông; đề nghị các địa phương rà soát và có kế hoạch cụ thể để dạy cho số đối tượng này;

- Tăng cường bồi dưỡng giáo viên thường xuyên; rà soát đội ngũ giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên; tăng cường đầu tư trang thiết bị, tài liệu dạy học và môi trường học ngoại ngữ;

- Từng bước đưa môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển học sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (đối với những địa phương tổ chức thi) và trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Tạo điều kiện cho các địa phương ở các vùng phát triển có thể liên kết, kết nghĩa với các trường học ở các nước trong khu vực nhằm trao đổi giáo viên và giao lưu giữa học sinh;

- Mở rộng hợp tác quốc tế với các nước nói tiếng Anh, cử các đoàn khảo sát, thực tập đi nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo dạy tiếng Anh;

- Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện Đề án nâng cao hiệu quả dạy và sử dụng tiếng Anh giai đoạn 2008-2020 để trình Chính phủ nhằm tạo một sự chuyển biến đồng bộ về chất trong việc giảng dạy và sử dụng Tiếng Anh trong cả nước.

3. Cử tri tỉnh Điện Biên đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm triển khai chương trình dạy tiếng dân tộc Thái và HMông ở các trường phổ thông theo tinh thần Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời:

Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức đang công tác ở vùng dân tộc, miền núi có xác định: Đối tượng thực hiện Chỉ thị là cán bộ, công chức đang công tác ở vùng dân tộc, miền núi.

Thực hiện Chỉ thị trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Chương trình khung dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số (được ban hành tại Quyết định số 02/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/01/2006): Đối tượng tiếp nhận Chương trình là những cán bộ, công chức công tác ở các vùng dân tộc thiểu số, chưa biết tiếng nói, chữ viết của đồng bào, có nhu cầu học một chương trình ngắn hạn về tiếng dân tộc như một ngôn ngữ thứ hai.

Theo tinh thần Chỉ thị 38/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ, không có đối tượng là học sinh phổ thông, do đó Bộ chưa thể triển khai dạy tiếng dân tộc Thái và HMông ở trường phổ thông được.

II. VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN

4. Cử tri các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Hà Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Phú Thọ, Bình Định, Hưng Yên, Hòa Bình kiến nghị: Bậc học mầm non là khởi đầu nền tảng để phát triển các bậc học khác. Đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn nữa đến cơ sở vật chất, biên chế, chính sách đào tạo, chế độ lương cho giáo viên và khởi động triển khai đề án bậc học mầm non của cả nước. Hiện nay việc phân cấp quản lý giáo viên mầm non chưa thống nhất, đề nghị xem xét để đưa giáo dục mầm non vào là một cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta.

Trả lời:

* Về cơ sở vật chất của giáo dục mầm non:

Đầu tư cho cấp học mầm non là thực sự cần thiết, khởi đầu nền tảng để phát triển các cấp học khác. Do khả năng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục những năm qua còn có hạn, dù đã tăng hàng năm và hiện nay đạt 20% ngân sách nhà nước nên chúng ta chưa thể đặt mục tiêu phổ cập giáo dục bậc mầm non mà đang tập trung thực hiện mục tiêu phổ cập THCS vào năm 2010. Tuy nhiên để chuẩn bị cho các em bước vào lớp 1 có chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng và thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

Trong Đề án phát triển giáo dục mầm non theo Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ không có duyệt tổng kinh phí thực hiện. Vì vậy, trong khi xây dựng kế hoạch và tìm nguồn tài chính trung hạn cho Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lồng ghép nội dung Đề án trong năm 2008 vào Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và các chương trình mục tiêu giáo dục 2008.

Ngày 01/02/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 với tổng số vốn đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng, trong đó tổng số phòng học đầu tư xây dựng khoảng 141.000 phòng (cho các cấp học). Các tỉnh đã lên kế hoạch xây dựng 35.000 phòng học cho bậc học mầm non trong chương trình, với tổng kinh phí là 7.900 tỷ đồng.

* Về biên chế, chính sách đào tạo, chế độ lương cho giáo viên mầm non:

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non; Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính đã có Thông tư liên tịch số 05/2003/TTLT/BGDĐT-BNV-BTC ngày 24/02/2003 hướng dẫn Nghị định trên. Trong Thông tư quy định rõ về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, biên chế, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ chính sách đối với giáo viên, nguồn tài chính….

Để xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng nhu cầu phát triển, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 02/2008/QĐ-BGDĐT ngày 22/01/2008 về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non làm căn cứ tuyển dụng, quản lý và đề xuất chế độ lương, bảo hiểm, đãi ngộ, giúp giáo viên yên tâm với nghề nghiệp, tạo sự bình đẳng giữa giáo viên công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập. Từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non riêng cho các trường cao đẳng sư phạm trực thuộc Bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục mầm non của các tỉnh.

* Về việc đưa giáo dục mầm non vào là một cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta:

Theo Khoản 2, Điều 4, Luật Giáo dục năm 2005: Giáo dục mầm non là một cấp học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và đã thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nên cấp học này chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục. Theo quy định hiện hành, cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về giáo dục mầm non ở cơ sở là Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện hoặc thị xã.

* Về khởi động triển khai đề án giáo dục mầm non của cả nước:

Ngày 23/6/2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chương trình, đề án chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của đề án. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình đầu tư theo các mục tiêu phát triển giáo dục mầm non theo chiến lược quốc gia phát triển giáo dục giai đoạn 2006-2010.

Đối với địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các cấp 4 nhiệm vụ triển khai thực hiện, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là: Xây dựng các chương trình, đề án, cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp của đề án để chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn.

Từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành điều tra tại 53 tỉnh có các xã đặc biệt khó khăn, các xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ và đã tổng hợp được 2.588 xã thuộc diện nói trên chưa có trường mầm non. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị đưa thành mục tiêu riêng thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non trong Chương trình mục tiêu về giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006-2010.

Ngày 10/01/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010 với tổng kinh phí là 20.270 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được phân bổ hàng năm tới địa phương để thực hiện các mục tiêu giáo dục và đào tạo, trong đó có mục tiêu thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non.

5. Cử tri các tỉnh: Tuyên Quang, Hải Phòng, Hòa Bình, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Tây, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Quảng Bình, Hưng Yên, Lào Cai đề nghị: Chính phủ sửa đổi hoặc bổ sung Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 để đảm bảo cho giáo viên mầm non công tác tại các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn ở miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa được tuyển dụng vào biên chế nhà nước, tất cả giáo viên mầm non ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cần phải là giáo viên công lập thì đồng bào mới có điều kiện cho con cháu đi học ở bậc mầm mon, vì những vùng này đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn không có điều kiện đóng góp tiền để nuôi cô giáo theo hình thức dân lập. Mặt khác, đối với giáo dục mầm non có đặc điểm là giáo viên cao tuổi rất khó đáp ứng nhu cầu và thời gian đóng bảo hiểm xã hội chỉ giới hạn trong 12 năm, do đó đề nghị Chính phủ có chính sách về độ tuổi nghỉ hưu trước 50 tuổi hoặc có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện chuyển làm việc khác cho giáo viên mầm non từ 45 tuổi trở lên, cho đóng bảo hiểm đủ số năm như quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Trả lời:

Trong quá trình xây dựng Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến cử tri các địa phương, đề nghị Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp.

6. Cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị: Xem xét thời gian nghỉ hè của giáo viên phải được ít nhất một tháng.

Trả lời:

Khoản 5, Điều 73, Luật Giáo dục năm 2005 quy định: Nhà giáo có quyền được nghỉ hè, nghỉ Tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật lao động.

- Đối với giáo viên mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, Khoản 10, Điều 3, Quyết định số 38/2007/QĐ-BGDĐT ngày 31/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: "Tổng thời gian nghỉ hè đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên là 2 tháng".

- Đối với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, Khoản 2, Điều 5, Quyết định số 18/2007/QĐ-BGDĐT ngày 24/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ công tác giáo viên giảng dạy trung cấp chuyên nghiệp quy định: "Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên là 08 tuần bao gồm: nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ, nghỉ hè". (Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm, được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có)).

7. Cử tri tỉnh Quảng Nam cho rằng: Chủ trương phân cấp quản lý giáo dục cho cấp huyện làm cho việc luân chuyển giáo viên giữa các vùng, các địa phương rất khó khăn, thậm chí không thực hiện được nhất là giáo viên công tác lâu năm ở miền núi không về được đồng bằng theo quy định của Luật giáo dục. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, xử lý.

Trả lời:

* Về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thực hiện chính sách luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thời gian qua, trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tiễn địa phương, đặc biệt các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu với Chính phủ có những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác. Điều 3, Quyết định số 47/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/02/1980 về chế độ công tác của giáo viên miền xuôi được điều động đến công tác ở vùng núi, hải đảo và vùng xa xôi hẻo lánh khác quy định: thời hạn phục vụ của những giáo viên được điều động đi công tác ở vùng núi, hải đảo và vùng xa xôi hẻo lánh khác là 5 năm (đối với nam) hoặc 4 năm (đối với nữ)... Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, hướng dẫn thời hạn luân chuyển và chế độ được hưởng: Thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 5 năm đối với nam và 3 năm đối với nữ… Sau khi hoàn thành thời hạn phục vụ nêu trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được điều động, luân chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được luân chuyển trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi được điều động đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc về vùng không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thành lập tổ công tác để phối hợp, triển khai thực hiện kế hoạch, kiểm tra và yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo báo cáo việc thực hiện chính sách cũng như nêu những đề xuất, kiến nghị về chính sách luân chuyển đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được điều động đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội - đặc biệt khó khăn.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn việc thực hiện luân chuyển nhà giáo trước tháng 09/2008.

* Những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong việc thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên miền núi

- Thuận lợi:

Theo báo cáo của các sở giáo dục và đào tạo, thời gian qua nhiều địa phương đã thực hiện khá tốt các chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từ miền xuôi đến những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, hải đảo và vùng xa xôi hẻo lánh. Việc thực hiện này đã giúp đời sống nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước được cải thiện, góp phần khuyến khích, động viên họ yên tâm công tác, tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều động, bố trí, luân chuyển cán bộ quản lý thuận lợi hơn.

- Khó khăn:

Chủ trương, chính sách luân chuyển nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đến vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được các cơ sở giáo dục và đào tạo hoàn toàn ủng hộ, nhưng khi thực hiện lại động chạm đến quyền lợi, đời sống, công tác của mỗi cá nhân giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, vì vậy việc điều động gặp nhiều khó khăn vì đại đa số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã có đời sống ổn định, không muốn phải đến công tác lâu ở một nơi khác, đặc biệt là ở những vùng có điều kinh tế – xã hội khó khăn.

Tuy Chính phủ đã có quy định và chính sách về thời hạn và điều kiện luân chuyển, nhưng khi hết thời hạn công tác, nhiều nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được điều động không trở về được nơi công tác trước đây do cơ quan quản lý, giáo dục địa phương nơi nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã từng công tác trước đó không tiếp nhận, sắp xếp và bố trí việc làm với lý do vì đã đủ biên chế hoặc do nhiều nguyên nhân khác.

Do phân cấp quản lý giáo dục hiện nay, các Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý về mặt chuyên môn còn việc điều động giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục lại do Sở, Phòng Nội vụ và UBND tỉnh, UBND huyện quản lý. Vì vậy, các Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo khó thực hiện việc luân chuyển theo yêu cầu chuyên môn và yêu cầu quản lý. Tại nhiều xã ở vùng khó khăn chưa có nhà công vụ cho giáo viên nên việc điều chuyển giáo viên khó thực hiện được.

 - Giải pháp:

Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (thay thế Thông tư 21). Tại Thông tư này, ngoài quản lý chuyên môn các Sở, Phòng được giao quyền chủ động trong quản lý ngân sách giáo dục và công tác tổ chức cán bộ, tạo điều kiện để ngành chủ động điều động và tiếp nhận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo quy định.

Xây dựng khoảng 1,6 triệu m2 nhà công vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, với tổng kinh phí đã được duyệt khoảng 2.800 tỷ đồng cho giai đoạn 2008-2012 (trong nội dung Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên) nhằm tháo gỡ những khó khăn trong đời sống đội ngũ nhà giáo.

Xây dựng các trung tâm dự báo nguồn nhân lực ở các vùng, miền trong đó có dự báo về đào tạo nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng và mở rộng các khoa sư phạm ở các tỉnh miền núi để đào tạo giáo viên cho các tỉnh miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng chỉ tiêu cử tuyển, đào tạo giáo viên theo địa chỉ, mở rộng các trường dự bị dân tộc để tạo nguồn cho việc đào tạo giáo viên miền núi.

8. Cử tri tỉnh Hải Dương cho rằng: Với đặc thù của ngành giáo dục, đề nghị tuổi nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội cần giảm xuống vì tuổi càng cao thì sự nhanh nhạy trong giảng dạy sẽ giảm đi.

Trả lời:

Theo Luật Bảo hiểm xã hội do Chủ tịch nước công bố ngày 22/7/2006: "Nam đủ 50 tuổi, nữ từ đủ 45 tuổi đến 50 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc những người có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên" thì đủ điều kiện hưởng lương hưu. Công việc của giáo viên không thuộc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cho nên tuổi nghỉ hưu của giáo viên chưa được giảm như đề nghị. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu cụ thể khi xây dựng Luật Giáo viên trong thời gian tới.

Trước mắt, các sở giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện Công văn số 12865/BGDĐT-NG ngày 07/12/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (Công văn này đã được đưa lên mạng www.moet.gov.vn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để mọi người tham khảo).

9. Cử tri tỉnh Bắc Kạn đề nghị: Chính phủ cần xem xét lại chế độ phụ cấp thu hút đối với giáo viên từ khu vực 135 được điều động đến công tác tại khu vực 135 khác. Vì hiện tại các đối tượng này không được hưởng chế độ thu hút như những đối tượng được điều chuyển từ khu vực không thuộc vùng 135 đến công tác tại khu vực 135.

Trả lời:

Căn cứ Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 06/TTLT/BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ khu vực thuộc chương trình 135 được điều động đến công tác tại khu vực thuộc chương trình 135 khác thuộc đối tượng hưởng phụ cấp thu hút với tổng thời gian hưởng không quá 5 năm. Như vậy, đối tượng mà cử tri tỉnh Bắc Kạn đề nghị đã thuộc đối tượng được hưởng.

10. Cử tri tỉnh Lai Châu và Điện Biên đề nghị: Xem xét sửa đổi Điều 8 của Nghị định 61 ngày 20/6/2006 của Chính phủ, theo quy định tại Điều 8 thời gian được hưởng phụ cấp thu hút đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được điều động đến công tác hoặc hiện đang công tác tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn là 05 năm. Vì Lai Châu là tỉnh đặc biệt khó khăn, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở các xã, bản hiện nay đời sống gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã công tác ở vùng đặc biệt khó khăn trên 5 năm xong vẫn chưa thuyên chuyển công tác. Vì vậy đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi thời gian hưởng phụ cấp thu hút cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 05 năm lên 10 năm.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Lai Châu và Điện Biên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các Bộ có liên quan nghiên cứu và đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi thời gian hưởng phụ cấp thu hút cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

11. Cử tri tỉnh Bắc Giang đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc cho giáo viên về nghỉ hưu trước tuổi theo tinh thần của Chính phủ để cở sở tổ chức thực hiện.

Trả lời:

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 12865/BGDĐT-NG ngày 07/12/2007 chỉ đạo thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, trong đó có chính sách đối với những người về hưu trước tuổi (Công văn này đã được đưa lên mạng www.moet.gov.vn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để mọi người tham khảo).

12. Cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị: Sửa đổi Thông tư liên tịch số 05/2003/TTLT/BGDĐT-BNV-BTC của Bộ Giáo dục và Đào taọ - Bộ Tài chính – Bộ Nội vụ, bởi vì:

+ Quy định giáo viên mầm non ở vùng 3 không được chuyển về vùng 1, giáo viên vùng 1 theo chế độ hợp đồng 9 tháng nên họ không an tâm giảng dạy, do vậy không có sinh viên học hệ đào tạo giáo viên mầm non;

+ Thông tư này trái với Nghị định 61/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định giáo viên ở vùng khó khăn được luân chuyển về vùng 1.

Trả lời:

Thông tư liên tịch số 05/2003/TTLT/BGDĐT-BNV-BTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ ngày 24/02/2003 không quy định về việc chuyển vùng, thời gian hợp đồng của giáo viên như phản ánh của cử tri.

III. VỀ CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC, MIỀN NÚI

13. Cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng quy mô cho các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện lên bậc phổ thông trung học và 400 học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực cho cơ sở.

Trả lời:

Theo Quyết định 2590/GD-ĐT ngày 14/8/1997 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú. Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện chỉ mở cấp trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh chỉ mở cấp trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú ở các khu vực của Trung ương chỉ mở dự bị đại học và một số lớp thuộc hệ năng khiếu đặc biệt theo yêu cầu của các Bộ. Quyết định này cũng quy định: trường Trung ương có quy mô từ 500 đến 600 học sinh, trường tỉnh từ 300 đến 400 học sinh, trường huyện từ 150 đến 250 học sinh và trường cụm xã từ 50 đến 100 học sinh.

Do nhu cầu thực tiễn, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng và hoàn thiện Quy chế về tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú (thay thế Quyết định 2590/GD-ĐT nói trên) và đã tổ chức 3 hội thảo để xin ý kiến các nhà quản lý giáo dục, các giáo viên công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú. Tại Hội nghị Tổng kết trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 1997-2007 và phương hướng phát triển giai đoạn 2008-2020 (tổ chức ngày 22/01/2008), Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xin ý kiến các đại biểu về dự thảo Quy chế này. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục xử lý thông tin phản hồi để hoàn thiện Quy chế nói trên. Theo đó, quy mô đào tạo của trường phổ thông dân tộc nội trú được xác định trên cơ sở phù hợp với quy mô dân số dân tộc, nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, khả năng đầu tư ngân sách, đội ngũ cán bộ giáo viên và cơ sở vật chất của trường.

14. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi và Yên Bái đề nghị: Chính phủ nghiên cứu có chính sách đầu tư xây dựng trường học cho con em các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi theo hướng xây dựng Trường phổ thông cơ sở nội trú (hoặc bán trú) tại cấp xã, liên xã và xây dựng Trường phổ thông cơ sở nội trú cấp huyện nhằm tạo điều kiện cho con em vùng dân tộc thiểu số có cơ hội đến trường học tập. Hiện nay, do điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá xa xôi là nguyên nhân chính làm cho tình trạng bỏ học của con em các dân tộc thiểu số còn ở mức cao.

Trả lời:

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và có chính sách ưu tiên đối với vùng miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt quan tâm tới vùng dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt để Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo giai đoạn 2001-2005, trong đó có Dự án Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc ít người và vùng có nhiều khó khăn. Dự án này cùng với nguồn kinh phí xây dựng cơ bản tập trung trong những năm qua đã xây dựng được hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ở các tỉnh. Hiện nay, đã có 49 tỉnh, thành phố có trường phổ thông dân tộc nội trú với 279 trường, hơn 86.000 học sinh đang học tập tại các trường này.

Ngoài chương trình mục tiêu quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo đã quan tâm đầu tư cho các tỉnh miền núi, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số bằng các nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) như: Dự án xây dựng các trường Tiểu học miền núi phía Bắc (ODA Nhật bản); Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Vốn vay ngân hàng thế giới); Viện trợ của UNICEF....

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg ngày 10/01/2008 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010, trong đó dành một phần kinh phí đáng kể để thực hiện Dự án Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc ít người và vùng có nhiều khó khăn. Dự án sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh theo hướng chuẩn hóa, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc bán trú nhằm tạo điều kiện để thực hiện phổ cập vững chắc tiểu học và trung học cơ sở. Ngoài ra, dự án sẽ cung cấp trang thiết bị, tài liệu, phương tiện nghe nhìn, đồ dùng dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm thực hiện đổi mới nội dung chương trình giáo dục, thực hiện giáo dục hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày 22/01/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tổng kết trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 1997 - 2007 và ngày 18/04/2008 Bộ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về Giáo dục dân tộc. Sau 2 hội nghị này Bộ sẽ xây dựng chương trình phát triển Giáo dục dân tộc giai đoạn 2008-2020, trong đó có việc phát triển hệ thống trường cho học sinh vùng đồng bào dân tộc miền núi.

15. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi và Yên Bái đề nghị: Trung ương tăng ngân sách đầu tư xây dựng kiên cố trường học, nhà công vụ cho giáo viên ở nông thôn, miền núi, vùng cao. Đồng thời quan tâm, tăng chế độ trợ cấp cho học sinh dân tộc thiểu số ở các trường nội trú của tỉnh, của huyện và giải quyết trợ cấp cho học sinh các trung tâm cụm xã miền núi.

Trả lời:

* Về việc tăng ngân sách đầu tư xây dựng kiên cố trường học, nhà công vụ cho giáo viên ở nông thôn, miền núi, vùng cao:

Chương trình Kiên cố hoá trường, lớp học theo Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến cuối tháng 8/2007, các tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng được 74.216 phòng học kiên cố (trong đó có 48.595/59.572 phòng học đúng với danh mục các địa phương đã báo cáo tháng 8/2002, đạt tỷ lệ 81,6 % kế hoạch) để thực hiện mục tiêu xoá phòng học 3 ca, phòng học tạm thời tranh tre nứa lá.

Ngày 01/02/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 với tổng kinh phí khoảng 25.000 tỷ đồng nhằm thực hiện mục tiêu: tiếp tục xóa bỏ các phòng học 3 ca, phòng học tạm thời các loại, giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.... Theo đó sẽ xây dựng khoảng 141.000 phòng học và 1,6 triệu m2 nhà công vụ cho giáo viên.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương được ưu tiên đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện miền núi của các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng hay bị ảnh hưởng của bão lụt, vùng có nhiều đồng bào dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương khác.

* Về tăng chế độ trợ cấp cho học sinh dân tộc thiểu số ở các trường nội trú của tỉnh, của huyện và giải quyết trợ cấp cho học sinh các trung tâm cụm xã miền núi:

Về chế độ trợ cấp cho học sinh dân tộc thiểu số ở các trường dân tộc nội trú của tỉnh, của huyện: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 về điều chỉnh mức học bổng chính sách từ 160.000 đồng/tháng lên 280.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/01/2006. Hiện nay, học sinh phổ thông dân tộc nội trú đang được hưởng mức học bổng 360.000đ/tháng/HS theo Thông tư liên tịch số 43/2007/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 02/5/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mức học bổng sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng cùng với mức lương tối thiểu theo lộ trình cải cách tiền lương của Nhà nước.

Về giải quyết trợ cấp cho học sinh các trung tâm cụm xã miền núi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng định mức và chính sách trợ cấp cho học sinh ở các trung tâm cụm xã miền núi với cơ chế phù hợp với phân cấp Ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách.

16. Cử tri các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Gia Lai đề nghị: Bộ nghiên cứu đề ra chương trình học tập, chế độ thi cử bậc phổ thông cho phù hợp với từng vùng, từng đối tượng. Theo đó, cần có chương trình giáo dục và đề thi riêng cho phù hợp với đối tượng học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.

Trả lời:

Thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội khoá X về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, đến năm học 2008-2009, học sinh cấp trung học phổ thông sẽ thống nhất học phân ban với chương trình và sách giáo khoa mới. Do vậy, để được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, tất cả các đối tượng thí sinh đều thi chung một đề, đảm bảo thí sinh học chương trình nào sẽ được thi theo chương trình đó.

Trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước đây, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo và một số đối tượng khác được ưu tiên xét tốt nghiệp theo quy định của Quy chế thi hiện hành với các mức điểm xét tốt nghiệp thấp hơn so với học sinh bình thường. Quy định này sẽ tiếp tục được áp dụng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông trong thời gian tới để đảm bảo thực hiện chính sách ưu tiên trong thi và tuyển sinh. Cụ thể, Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành tại Quyết định số 08/2008/QĐ-BGDĐT ngày 06/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Điều 31:

Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, không có bài thi nào bị điểm liệt và có điểm xét tốt nghiệp quy định cho từng diện dưới đây được công nhận tốt nghiệp:

- Diện 1: từ 5,0 điểm trở lên đối với những thí sinh bình thường.

- Diện 2: từ 4,75 điểm trở lên đối với thí sinh thuộc một trong những đối tượng sau: Con của thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; con của Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; Người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hộ khẩu thường trú và học tập từ 3 năm trở lên ở vùng cao, vùng sâu, hải đảo, khu kinh tế mới, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn II theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ; Người bị nhiễm chất độc màu da cam, con của người bị nhiễm chất độc màu da cam; người được cơ quan có thẩm quyền công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động do hậu quả của chất độc hoá học.

- Diện 3: từ 4,5 điểm trở lên đối với thí sinh thuộc một trong những đối tượng sau: Có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số, bản thân có hộ khẩu thường trú ở vùng cao, vùng sâu, hải đảo, khu kinh tế mới, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn II theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ, đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, thành phố (trừ các thành phố trực thuộc trung ương); Con của liệt sĩ; con của thương binh, bệnh binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh mất sức lao động từ 81% trở lên.

- Thí sinh có nhiều tiêu chuẩn ưu tiên chỉ được hưởng theo tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất.

Riêng đối với giáo dục thường xuyên có quy định tương tự tại Khoản 2, Điều 35, trong đó diện 2 có thêm đối tượng thí sinh là con của người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 và có tuổi đời từ 35 tuổi trở lên tính đến ngày thi.

17. Cử tri tỉnh Yên Bái đề nghị: Có chính sách đầu tư phát triển ngành học mầm non, mẫu giáo 5 tuổi đối với tỉnh miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo tất cả trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo, được làm quen với tiếng Việt trước khi vào lớp 1.

Trả lời:

Hiện nay, chúng ta chưa đặt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non do chưa đủ điều kiện vật chất. Tuy nhiên để chuẩn bị cho trẻ vào học lớp một, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc, theo Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2015”, mục tiêu phấn đấu của ngành trong những năm tới là: Tăng tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo để chuẩn bị vào lớp 1 từ 92% (năm 2005) lên 95% (năm 2010) và đạt 99% (năm 2015).

Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương trong năm học 2007-2008 đối với Giáo dục mầm non cần tập trung cho trẻ 5 tuổi đến lớp, đối với vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đảm bảo trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo công lập, các vùng còn lại tăng cường huy động để tiến tới phổ cập mẫu giáo 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho những vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cần tập trung nguồn ngân sách nhà nước (vì đây là các trường công lập), các vùng khác sử dụng nhiều nguồn lực, trong đó có cả ngân sách nhà nước và huy động từ xã hội hoá giáo dục theo phân cấp quản lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng và hoàn chỉnh đề án đổi mới hoạt động cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo Việt Nam giai đoạn 2008-2012, trong đó đã đề xuất: Ngân sách Nhà nước đảm bảo chi chủ yếu cho các trường mầm non công lập để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, tạo điều kiện cho trẻ em được làm quen với tiếng Việt trước khi vào lớp 1.

18. Cử tri tỉnh Kiên Giang phản ánh: Việc tổ chức dạy và học chữ Khmer còn nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ có chủ trương cụ thể thời gian dạy, đào tạo giáo viên dân tộc, sách giáo khoa chữ dân tộc, cần sửa đổi chế độ chi tiêu các trường dân tộc nội trú (quy định hiện nay trên 15 năm chưa được sửa đổi).

Trả lời:

* Về đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer:

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình và giáo trình dạy tiếng Khmer đào tạo giáo viên trong các trường Cao đẳng sư phạm, áp dụng từ năm 1994-1995. Bộ chương trình và giáo trình này đã được sử dụng trong đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer ở Trường Cao đẳng sư phạm Sóc Trăng và Trường Cao đẳng sư phạm Trà Vinh nhiều năm nay. Số giáo sinh được đào tạo từ các trường này đã đáp ứng được nhu cầu dạy tiếng Khmer tại địa phương. Một số địa phương khác chưa đủ điều kiện đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer trong trường Cao đẳng sư phạm đã gửi đào tạo tại Trường Cao đẳng sư phạm Sóc Trăng, Trường Cao đẳng sư phạm Trà Vinh.

* Về sách giáo khoa chữ dân tộc Khmer:

Ngày 30/8/2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình tiếng Khmer ở trường tiểu học và trung học cơ sở. Từ năm học 2005-2006, học sinh dân tộc Khmer đã được học theo bộ sách mới (các trình độ A, B, C). Sách các trình độ E, G, H sẽ được in và triển khai dạy trong những năm học tới.

* Về đề nghị sửa đổi chế độ chi tiêu của các trường phổ thông dân tộc nội trú (quy định hiện nay đã ban hành trên 15 năm chưa được sửa đổi):

Hiện nay, học sinh phổ thông dân tộc nội trú đang được hưởng mức học bổng 360.000đ/tháng/HS theo Thông tư liên tịch số 43/2007/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 02/5/2007 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mức học bổng sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng cùng với mức lương tối thiểu theo lộ trình cải cách tiền lương của Nhà nước.

Ngoài học bổng, học sinh còn được hưởng các chế độ hỗ trợ khác như: miễn học phí và các loại lệ phí thi, tuyển sinh; tiền tàu xe nghỉ hè hoặc nghỉ Tết; hỗ trợ học phẩm; tiền điện nước, bảo hiểm y tế; ... (theo Thông tư liên tịch số 126/1998/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 09/9/1998 của Bộ Tài Chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo Hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học).

Tuy nhiên, một số chế độ được quy định trong Thông tư liên tịch số 126/1998/TTLT/BTC-BGDĐT như: định mức kinh phí chi cho các hoạt động tham quan, hoạt động ngoài giờ; trang cấp lần đầu; chế độ lễ, tết, khen thưởng cho học sinh không còn phù hợp với sự biến động của giá cả và mức lương tối thiểu (540.000đ).

Ngày 22/01/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tổng kết trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 1997 - 2007 và phương hướng phát triển giai đoạn 2008 – 2020. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị Chính phủ xây dựng và sửa đổi văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú.

19. Cử tri tỉnh Thái Nguyên: Yêu cầu tuyển sinh theo cơ chế đào tạo, tuyển dụng con em người dân tộc thiểu số phải nói và viết thành thạo tiếng dân tộc mình là bất cập vì nếu tập trung sử dụng tiếng dân tộc sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng tiếng Việt và việc học tập, tiếp thu kiến thức của các em. Đề nghị khi tuyển sinh theo cơ chế trên, nên giảm nhẹ yêu cầu viết và nói tiếng dân tộc thiểu số.

Trả lời:

Hiện nay, trong các văn bản về tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có điều nào quy định về việc thí sinh người dân tộc thiểu số phải nói và viết thành thạo tiếng dân tộc mình.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai việc dạy tiếng dân tộc cho 7 dân tộc (Chăm, Khmer, Hoa, HMông, Jrai, Bana, Êđê) tại một số tỉnh với mục đích góp phần giữ gìn tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa của các dân tộc. Việc giảng dạy này không ảnh đến lượng kiến thức mà các em cần lĩnh hội cũng như thời gian học tập của học sinh.

20. Cử tri tỉnh Sơn La và Quảng Nam đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm đối tượng được hưởng học bổng theo Quyết định 112/2001-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tại Quyết định này chỉ có các em học sinh thuộc hộ nghèo, ở bán trú mới được hưởng chế độ 140.000 đ/tháng. Thực tế, hiện nay các em học sinh thuộc hộ nghèo nhưng không ở bán trú rất lớn vì nhà ở thiếu, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Để kịp thời động viên các em, đề nghị bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ bao gồm cả các em học sinh thuộc hộ nghèo nhưng không ở bán trú.

Trả lời:

Về việc bổ sung thêm đối tượng được hưởng học bổng theo Quyết định số 112/1997/QĐ-TTg cho học sinh xã miền núi nghèo nhưng không ở bán trú được hưởng chế độ 140 000đ/tháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng định mức và chính sách trợ cấp cho học sinh thuộc hộ nghèo ở các xã miền núi không theo học tại các trường dân tộc nội trú, trường dự bị đại học.

21. Cử tri tỉnh Hà Giang đề nghị: Tăng mức học bổng của học viên trung tâm giáo dục thường xuyên. Hiện nay mức 140.000 đ/tháng/học viên là thấp, không đảm bảo sinh hoạt.

Trả lời:

Hiện nay chưa có văn bản nào quy định về học bổng cho học viên trung tâm giáo dục thường xuyên trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, việc đề nghị tăng học bổng là chưa thể thực hiện được.

22. Cử tri tỉnh Gia Lai cho rằng: Để đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực của tỉnh và phù hợp với tính chất đặc thù của địa phương (diện tích tự nhiên lớn thứ 2 của cả nước; dân số khoảng 1,2 triệu người; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 46% dân số, trong đó phần lớn dân tộc Jrai và Bahnar), đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng quy mô các trường dân tộc nội trú cấp huyện lên 300 học sinh. Đồng thời cho phép tỉnh thành lập thêm 2 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh tại thị xã An Khê (trung tâm khu vực 4 huyện phía đông của tỉnh, cách thành phố Pleiku 100 km) và thị xã AyunPa (trung tâm khu vực 4 huyện phía nam của tỉnh, cách thành phố Pleiku 100 km) tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số trong quá trình học tập, sinh hoạt.

Trả lời:

Theo quy định hiện hành, việc thành lập trường trung học phổ thông dân tộc nội trú và tăng quy mô học sinh trường dân tộc nội trú cấp huyện thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Về quan điểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ chủ trương trên để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số trong quá trình học tập, sinh hoạt. Ngày 22/01/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tổng kết trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 1997 - 2007 và trong tháng 04/2008 Bộ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về Giáo dục dân tộc. Sau 2 hội nghị này Bộ sẽ xây dựng chương trình phát triển Giáo dục dân tộc giai đoạn 2008-2020, trong đó có việc phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú theo yêu cầu mới.

23. Cử tri thành phố Đà Nẵng, Hà Nội và tỉnh Quảng Bình nhận thấy: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có đề án cải cách giáo dục, theo đó, sẽ bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học. Cử tri đề nghị Bộ cân nhắc thời điểm bỏ kỳ thi này, vì hiện nay việc đánh giá chất lượng học sinh còn chưa chính xác và cũng dễ xảy ra tiêu cực, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sau này.

Trả lời:

Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án đổi mới thi và tuyển sinh. Trong quá trình soạn thảo Đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều buổi thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của các địa phương, đơn vị liên quan và của các nhà khoa học. Trong tháng 12/2007, Tổ soạn thảo Đề án đã nhận được văn bản góp ý của 208 đơn vị được tổng hợp từ 9.721 ý kiến cá nhân của các cán bộ, giáo viên, giảng viên,… Nhìn chung, các ý kiến đều nhất trí với những nội dung đổi mới thi của Bộ, ngoài ra cũng có những ý kiến đề xuất khác rất có giá trị cho Đề án.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Đề án và báo cáo trước Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ngày 04/01/2008). Tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Dự thảo Đề án tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện; hiện nay đã được gửi xin ý kiến các bộ, ban, ngành liên quan.

Các yêu cầu đối với việc đổi mới thi và tuyển sinh nêu trong Đề án là: Tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đảm bảo thực sự nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất trình độ người học; kết quả thi đủ độ tin cậy vừa để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa làm một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; đảm bảo khách quan, công bằng; giảm áp lực nặng nề về thi cử; đảm bảo lợi ích của thí sinh, tiết kiệm tiền của, thời gian, sức lực của thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội.

Từ năm học 2006-2007 toàn ngành đã triển khai cuộc vận động hai không: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, qua gần 2 năm triển khai với sự tham gia của cấp Uỷ đảng, Chính quyền địa phương, Hội Cựu giáo chức, Hội khuyến học, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS HCM, tiêu cực trong thi cử đã giảm đáng kể. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2007 đã được thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ tốt nghiệp đã có sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương.

Trong thời gian trước mắt, khi còn tổ chức riêng rẽ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, để đảm bảo thi cử nghiêm túc, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác chất lượng thực tế, hạn chế tối đa tiêu cực làm cơ sở tiến tới tổ chức chỉ một kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương huy động các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tham gia các khâu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Việc tăng cường lực lượng cán bộ, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng tham gia các khâu tổ chức thi vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của các trường đại học, cao đẳng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần cho kỳ thi nghiêm túc. Thực tế năm 2007 đã chứng minh điều đó: Với sự hiện diện của các đoàn thanh tra đến từ các trường đại học, cao đẳng, kỳ thi đã nghiêm túc hơn, được dư luận xã hội đánh giá tốt. Điển hình là việc đoàn thanh tra tại Bắc Ninh đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời vụ tiêu cực nghiêm trọng tại Hội đồng coi thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Lương Tài.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo để từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2008 nghiêm túc hơn nữa, làm cơ sở cho kế hoạch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ là từ năm 2009 sẽ không tổ chức một kỳ thi đại học, cao đẳng toàn quốc mà các trường đại học, cao đẳng sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông cùng với kết quả học tập ở bậc phổ thông và các tiêu chí khác theo đặc thù của các ngành, trường mà tự tuyển sinh.

24. Cử tri tỉnh Bến Tre đề nghị: Ngành giáo dục cần có cuộc khảo sát, tổng kết, đánh giá lại trình độ của giáo viên và học sinh có phù hợp với chương trình cải cách giáo dục hiện nay hay không. Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp cụ thể đối với số lượng lớn học sinh thi trượt đại học để số đối tượng này không trở thành gánh nặng cho xã hội. Nên quy định trường cụ thể khi học sinh thi vào lớp 10 để bảo đảm tất cả học sinh đều học hết chương trình cấp 3. Không nên tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học lần 2, như vậy sẽ tốn kém và không đạt hiệu quả mà tổ chức cho các em học nghề, khi ra trường có việc làm, bảo đảm cuộc sống.

Trả lời:

* Về khảo sát, tổng kết, đánh giá lại trình độ của giáo viên và học sinh có phù hợp với chương trình cải cách giáo dục hiện nay hay không:

Thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội khóa X, từ năm học 2002-2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa mới theo cách “cuốn chiếu”. Trong quá trình triển khai đổi mới chương trình giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm tới việc đánh giá sự phù hợp của chương trình mới với trình độ giáo viên và học sinh nhằm đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ đã chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, các trường tổ chức tổng kết sau từng năm học, đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, thuận lợi khi triển khai chương trình mới; Bộ cũng đã tổ chức đánh giá 5 năm triển khai chương trình mới cấp tiểu học; tổ chức một số hoạt động nghiên cứu khảo sát như: Đề tài nghiên cứu đánh giá chất lượng và hiệu quả triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa mới (thực hiện năm 2004 – 2005, trong đó có sự tham gia của cơ quan, tổ chức ngoài ngành giáo dục là Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu dư luận thuộc Ban Văn hoá - Tư tưởng Trung ương) và Đề tài nghiên cứu đánh giá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí (năm 2005);… Trên cơ sở các kết quả đánh giá đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉnh lí nhất định về chương trình và sách giáo khoa và có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2008, để có đánh giá một cách tương đối toàn diện về chương trình và sách giáo khoa sau 5 năm thực hiện, có những giải pháp tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện chương trình và sách giáo khoa, đồng thời để có cơ sở khoa học xác đáng trả lời trước công luận và báo cáo Quốc hội về chất lượng chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo tất cả các tỉnh, thành trong cả nước tổ chức đánh giá chương trình và sách giáo khoa ở tất cả các môn học từ tiểu học đến trung học phổ thông. Sau đó Bộ sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá chương trình và sách giáo khoa vào giữa tháng 5/2008. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mời một số cơ quan, tổ chức ngoài ngành giáo dục (Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Liên hiệp các hội khoa học kĩ thuật Việt Nam; Hội Cựu giáo chức Việt Nam; Hội khuyến học Việt Nam) tham gia đánh giá chương trình và sách giáo khoa. Kết quả đánh giá sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII.

* Về giải pháp cụ thể đối với số lượng lớn học sinh thi trượt đại học để số đối tượng này không trở thành gánh nặng cho xã hội:

 Về nhu cầu lao động của một quốc gia, tỉ lệ người có trình độ đại học chỉ chiếm thiểu số (20-40%). Vì vậy nếu hầu hết học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đi thi đại học thì đa số không đỗ là hiện tượng có tính quy luật. Không thể đa số học sinh đi thi đều đỗ vào đại học, vì như vậy thì sẽ “thừa thầy, thiếu thợ” cho nền kinh tế. Để các em không học đại học không trở thành gánh nặng cho xã hội thì con đường tốt nhất là học một nghề ở trình độ không phải đại học.

Một số giải pháp đã và đang được thực hiện như: Tuyển số học sinh vào học trung cấp chuyên nghiệp theo chương trình điều chỉnh; phát triển các chương trình đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường trung cấp chuyên nghiệp, trường trung cấp nghề, ...) nhằm tạo cơ hội học tập cho các em; chú trọng giáo dục nghề trong chương trình giáo dục phổ thông; làm tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tâm lí xã hội cho rằng “vào đại học là con đường duy nhất” (tâm lí này là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới thực trạng nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở dạy nghề không tuyển đủ chỉ tiêu); tổ chức tốt công tác hướng nghiệp; chú trọng đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.

* Về quy định trường cụ thể khi học sinh thi vào lớp 10 để bảo đảm tất cả học sinh đều học hết chương trình cấp 3:

Việc tuyển sinh vào lớp 10 hiện được giao cho các sở giáo dục và đào tạo báo cáo UBND tỉnh để tổ chức thực hiện tùy vào thực tiễn địa phương và có thể theo các phương án: Xét tuyển (dựa vào kết quả học tập 4 năm ở trung học cơ sở); Thi tuyển; Kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Đối với những học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở mà không học tiếp ở trường trung học phổ thông, các em sẽ được định hướng học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, nghề, hoặc học theo chương trình giáo dục thường xuyên. Như vậy, các em có cơ hội đạt được học vấn tương đương trung học phổ thông bằng nhiều phương thức khác nhau.

* Về việc không nên tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học lần 2, như vậy sẽ tốn kém và không đạt hiệu quả mà tổ chức cho các em học nghề, khi ra trường có việc làm, bảo đảm cuộc sống:

Trong năm học 2006-2007 và năm học 2007-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần 2 trong năm. Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần 2 nhằm tạo cơ hội cho các em có học lực trung bình yếu, cận trung bình được củng cố, bồi dưỡng kiến thức và có cơ hội đỗ tốt nghiệp. Đây là một giải pháp tạm thời mang tính tình thế trong tiến trình thực hiện việc học nghiêm túc, thi nghiêm túc theo tinh thần Chỉ thị 33/2006/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ và cuộc vận động “Hai không” của ngành. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Đề án đổi mới công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này. Theo dự kiến phương thức thi mới sẽ được thực hiện từ năm 2009.

Để tạo thêm cơ hội cho những học sinh không đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, giúp các em trở thành người lao động được đào tạo nghề nghiệp và có thể học tiếp lên trong tương lai, năm 2007 Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có hướng dẫn về tuyển sinh và đào tạo những học sinh này nếu các em có nguyện vọng học trung cấp chuyên nghiệp. Theo đó, đối với học sinh đã dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc bổ túc trung học phổ thông) nhưng chưa được công nhận tốt nghiệp, có thể xem xét tiếp nhận vào học trung cấp chuyên nghiệp khoá đào tạo 2 năm cộng với từ 3 đến 6 tháng.

25. Cử tri thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên tổ chức thi trắc nghiệm tràn lan đặc biệt là các môn Văn, Sử Địa. Vì hình thức thi tự luận mới phát huy được sự sáng tạo của học sinh.

Trả lời:

* Lý do chọn giải pháp thi trắc nghiệm:

Trong thi cử, mỗi phương pháp đều có các ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tuỳ theo mục đích, yêu cầu đặt ra cho kỳ thi để lựa chọn phương pháp có nhiều ưu điểm hơn. Trong trường hợp kỳ thi đông thí sinh, thi trắc nghiệm có những ưu điểm vượt trội:

- Khách quan trong khâu làm đề: đề thi trắc nghiệm gồm mấy chục câu được lấy ra ngẫu nhiên, theo từng yêu cầu nhất định, từ ngân hàng câu trắc nghiệm;

- Chống quay cóp: phần mềm tin học cho phép xáo trộn từ một đề thi gốc thành rất nhiều phiên bản (nội dung giống nhau nhưng thứ tự câu hỏi, thứ tự phương án trả lời khác nhau); ngăn chặn việc thí sinh trong phòng thi quay cóp bài của nhau;

- Chấm thi bằng máy chấm với tốc độ cao và có sự giám sát trực tiếp, liên tục; do đó ngăn chặn được sự gian lận khi chấm thi;

- Đề thi trắc nghiệm đánh giá được một khả năng quan trọng mà người học ngày nay cần tích lũy; đó là năng lực giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng;

- Thi theo phương pháp trắc nghiệm cũng là yếu tố cho phép tổ chức thi tại địa phương, đảm bảo nghiêm túc, giảm bớt tốn kém, căng thẳng.

Về ý kiến cho rằng: thi trắc nghiệm không đánh giá được khả năng diễn đạt của thí sinh và dễ dẫn đến tình trạng đoán mò, có thể khẳng định: câu trắc nghiệm được soạn thảo tốt vẫn có thể thẩm định được kỹ năng diễn đạt, phát biểu và sẽ khắc phục được tình trạng đoán mò. Bên cạnh đó, những hạn chế khác của thi trắc nghiệm như: ra đề thi trắc nghiệm khá công phu, thường phải xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm quanh năm; khâu in sao đề trắc nghiệm tốn nhiều vật liệu, thời gian, công sức và đòi hỏi phương tiện, kỹ thuật cao có thể được khắc phục bằng việc tăng cường xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tăng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sao in đề thi ở cơ sở.

* Trong những năm vừa qua, áp dụng thi trắc nghiệm với các môn Ngoại ngữ, Vật lí, Hoá học, Sinh học đã cho kết quả tốt. Đối với môn Ngữ văn, do đặc trưng bộ môn, Bộ chủ trương thi tự luận. Còn đối với môn Lịch sử, Địa lí thì việc áp dụng trắc nghiệm là hoàn toàn thực hiện được (trong một số chương trình trên truyền hình, việc trắc nghiệm các kiến thức về Lịch sử, Địa lí thường xuyên được sử dụng).

26. Cử tri các tỉnh Hòa Bình, Đắk Nông, Bình Thuận, Cao Bằng, Lào Cai, Nam Định, Yên Bái, Gia Lai, Bến Tre nhận thấy: Trong những năm qua ngành giáo dục đã được nhà nước rất quan tâm đầu tư xây dựng, tuy nhiên chưa đầu tư đồng bộ, các trường học còn chưa có phòng chức năng, nhà công vụ cho giáo viên, nhà vệ sinh cho học sinh, các công trình xây dựng chất lượng chưa cao, thời gian đầu tư kéo dài... Đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng trường học và tăng đầu tư về cơ sở vật chất các trường, lớp học tạo điều kiện cho con em dân tộc vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với điều kiện học như các vùng khác. Đề nghị sớm triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp giai đoạn II.

Trả lời:

Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay từ năm 1991, ngành giáo dục và đào tạo đã được Chính phủ cho phép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia với một số mục tiêu ưu tiên đầu tư, trong đó có mục tiêu “Tăng cường giáo dục miền núi, vùng dân tộc ít người, vùng sâu đồng bằng sông Cửu Long” nhằm củng cố và hoàn thiện các trường, lớp học; tăng cường trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập...

Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 với tổng kinh phí khoảng 25.000 tỷ đồng nhằm thực hiện mục tiêu: Xóa bỏ các phòng học 3 ca, phòng học nhờ, phòng học mượn, phòng học tạm thời các loại, phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp nặng và từng bước giải quyết vấn đề nhà công vụ cho giáo viên. Ngày 02/4/2008, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc (qua mạng truyền hình) để triển khai Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012.

27. Cử tri tỉnh Lai Châu đề nghị: Hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên (hiện nay thiếu khoảng 500 phòng), nhà bán trú cho học sinh (hiện nay thiếu khoảng 800 phòng) và xây phòng thí nghiệm cho các trường (hiện nay các trường học ở tỉnh Lai Châu chưa có phòng thí nghiệm riêng mà đang phải bố trí phòng thí nghiệm cùng phòng thư viện hoặc phòng ở của giáo viên).

Trả lời:

Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 được thực hiện đối với các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông trong phạm vi cả nước, với tổng số phòng học được xây dựng là 141.000 phòng và 1,6 triệu m2 nhà công vụ cho giáo viên.

Ngoài các phòng học và nhà công vụ cho giáo viên được xây dựng thuộc Chương trình, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần huy động thêm các nguồn vốn của địa phương và có kế hoạch sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí của Nhà nước hàng năm đầu tư cho các Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo (Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi, biên giới, hải đảo và Chương trình tăng cường cơ sở vật chất các trường học) để xây dựng phòng thí nghiệm, thư viện, nhà ở bán trú cho học sinh, và các công trình phụ trợ khác theo quy định trong điều lệ trường học và trường chuẩn quốc gia.

28. Cử tri tỉnh Đăk Lắc đề nghị: Chương trình 159 đã hoàn thành giai đoạn 1 nhưng hiện vẫn còn 2.144 phòng học tạm chưa đủ tiêu chuẩn. Đề nghị trung ương tiếp tục hỗ trợ thực hiện giai đoạn 2 kinh phí khoảng 100 tỷ đồng.

Trả lời:

Sau gần 5 năm thực hiện, Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học theo Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng được 74.216 phòng học kiên cố (trong đó có 48.595/59.572 phòng học đúng với danh mục các địa phương đã báo cáo tháng 8/2002, đạt tỷ lệ 81,6 % kế hoạch) để thực hiện mục tiêu xoá phòng học 3 ca, phòng học tạm thời tranh tre nứa lá; Tổng số vốn công trái giáo dục các tỉnh, thành phố đã giải ngân được 4.882,226 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 93,5%; Đến cuối năm học 2006-2007, cả nước đã có 289.110 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ 52%) so với tổng số phòng học và 212.094 phòng bán kiên cố (chiếm tỷ lệ 38,2%). Như vậy, Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 1 đã thu được kết quả và đạt được những thành tích đáng kể, có ý nghĩa về các mặt xã hội - nhân văn và kinh tế, cơ sở vật chất các trường học được tăng cường.

Tuy vậy, cơ sở vật chất trường học của ngành giáo dục và đào tạo vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông và phổ cập trung học cơ sở theo Nghị quyết 40 và 41 của Quốc hội khóa X.

Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 được thực hiện đối với các cơ sở giáo dục từ cấp học mầm non đến các cấp học phổ thông trong phạm vi cả nước, với tổng kinh phí khoảng 25.000 tỷ đồng để xây dựng 141.000 phòng học và 1,6 triệu m2 nhà công vụ cho giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính đang hoàn chỉnh phương án phân bổ kinh phí cho mỗi địa phương. Dự kiến tỉnh Đăk Lắc sẽ được hỗ trợ 340 tỷ đồng từ chương trình này.

Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các Bộ liên quan tổ chức hội nghị với các địa phương để triển khai Đề án và phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2008 hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án.

29. Cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị: Sinh viên, học viên các trường Đại học Huế kiến nghị, hiện nay số luợng sinh viên của các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng nhưng Khu ký túc xá sinh viên của các trường chỉ đáp ứng được 10% số lượng sinh viên. Những sinh viên còn lại phải thuê nhà trọ của các hộ gia đình ngoài trường không bảo đảm điều kiện sinh hoạt và học tập, một số ít sinh viên bị ảnh hưởng của môi trường sinh hoạt không lành mạnh, kính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách hoặc hỗ trợ nguồn dự án để sớm đầu tư (theo kế hoạch được bộ duyệt 12 tỉnh trên toàn quốc).

Trả lời:

Hiện nay không chỉ riêng trường đại học Huế mà tình trạng chung của các trường đại học là khu ký túc xá còn đang thiếu, dẫn đến sinh viên phải đi thuê nhà trọ ở các hộ gia đình ngoài trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy được những khó khăn của các sinh viên phải đi thuê nhà trọ như: không đảm bảo điều kiện sinh hoạt và học tập, chi phí tốn kém, môi trường phức tạp, dẫn đến việc một số sinh viên đã mắc phải tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, ngoài việc xây dựng đủ phòng học theo quy định; xóa bỏ tình trạng đi thuê lớp học và hạn chế dần việc học vào buổi tối; Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề ra mục tiêu, phấn đấu từ nay đến 2012 đáp ứng 60% sinh viên được ở nhà ký túc xá.

Năm học 2007-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có Công điện số 9592/CĐ-BGDĐT ngày 09/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học, cao đẳng và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp xây dựng và triển khai các phương án hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên (ký túc xá hoặc thuê nhà trọ) đảm bảo trước ngày khai giảng tất cả các sinh viên đều có chỗ ở ổn định hoặc tạm thời trong ít nhất 2 tháng đầu năm học.

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2008-2020, trong đó có dự kiến sẽ triển khai chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên với nguồn đầu tư một phần từ ngân sách và một phần từ sự tham gia, hỗ trợ của xã hội theo tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm. Một số nơi như Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã có mô hình tốt xây dựng các ký túc xá do các tỉnh tài trợ.

Việc quản lý sinh viên nội trú đặt dưới sự chỉ đạo và quản lý thống nhất của Giám đốc hoặc Hiệu trưởng nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng). Hiệu trưởng có trách nhiệm chỉ đạo công tác học sinh, sinh viên nội trú theo đúng pháp luật hiện hành và theo đúng quy chế công tác học sinh, sinh viên nội trú theo Quyết định số 41/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 18/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

30. Cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí đủ vốn năm 2008 cho Đại học Huế để đầu tư theo quy hoạch đã được duyệt; sớm trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến quyết định thành lập Học viện Âm nhạc, Đại học mỹ thuật Huế (đã được Bộ thẩm định xong).

Trả lời:

* Về bố trí đủ vốn năm 2008 cho Đại học Huế để đầu tư theo quy hoạch đã được duyệt:

Năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Đại học Huế bước 2 - giai đoạn I (2006-2010) tại Quyết định số 7630/QĐ-BGDĐT ngày 25/12/2006 với tổng mức đầu tư là 349,614 tỷ đồng, Dự án được thực hiện bằng 02 nguồn vốn: 70% ngân sách nhà nước và 30% nguồn vốn tự cân đối của Đại học Huế.

Từ năm 2002 đến năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bố trí 152,89 tỷ đồng từ các nguồn vốn: xây dựng cơ bản tập trung, chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, nguồn vốn C/K (nguồn vốn đào tạo cho học sinh Lào và Campuchia), nguồn vốn tự cân đối của Đại học Huế để đầu tư xây dựng và trang thiết bị cho 36 hạng mục công trình của Đại học Huế theo quy hoạch đã được duyệt.

Năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tiếp tục bố trí tiếp 63,4 tỷ đồng từ các nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư phát triển khoa học công nghệ để đầu tư cơ sở vật chất cho Đại học Huế theo quy hoạch đã được duyệt, bao gồm: xây dựng cải tạo sửa chữa các hạng mục công trình trong thành nội, xây dựng mới các hạng mục công trình và hệ thống hạ tầng thuộc khu qui hoạch mới Đại học Huế (xã Thuỷ An, phường An Cựu), tiếp tục xây dựng các hạng mục công trình thuộc Trung tâm giáo dục quốc phòng Đại học Huế, xây dựng 01 hạng mục công trình của phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, đầu tư thiết bị phòng thí nghiệm công nghệ sinh học.

Dự án xây dựng Đại học Huế bước 2 - giai đoạn I (2006-2010) đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt quy hoạch chi tiết (diện tích đất là 120 ha), vị trí quy hoạch xây dựng gần với các cơ sở hiện có của Đại học Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng ý chủ trương cho Đại học Huế tiếp nhận khu đất có diện tích 30 ha để phục vụ cho công tác tái định cư.

Tại thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang tổ chức triển khai đền bù giải phóng mặt bằng, do có nhiều cơ quan, xí nghiệp và 280 hộ dân nằm trong khu quy hoạch xây dựng Đại học Huế, nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng tiến hành chậm và khó khăn.

* Về Quyết định thành lập Học viện Âm nhạc, Đại học Mỹ thuật Huế:

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 08/11/2007 về việc thành lập Học viện âm nhạc Huế trên cơ sở tổ chức lại các Khoa, Bộ môn ngành âm nhạc thuộc trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế; Khoa âm nhạc thuộc Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và một số đơn vị nghiên cứu, đào tạo, biểu diễn hiện có trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Việc thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Huế trên cơ sở bộ phận còn lại của Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế sẽ được xem xét theo quy định sau khi Đại học Huế hoàn tất hồ sơ chuyển về Bộ.

VI. VỀ CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC

31. Cử tri tỉnh Hoà Bình đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo có định hướng đào tạo cho sinh viên theo ngành nghề mà xã hội thiếu và cần, để sau khi tốt nghiệp ra trường các sinh viên đều có việc làm đúng ngành, nghề, phù hợp với nhu cầu việc làm của xã hội.

Trả lời:

Tăng cường mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là giải pháp đột phá nhằm thu hẹp khoảng cách cung cầu, để học sinh, sinh viên ra trường có việc làm phù hợp, doanh nghiệp có đủ nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội.

Tháng 2/2007, lần đầu tiên Hội thảo quốc gia về Đào tạo theo nhu cầu xã hội được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hội thảo này các thỏa thuận khung giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Tổng cục Du lịch, với VCCI và hàng loạt các thỏa thuận khác giữa các cơ sở đào tạo với các công ty đã được ký kết. Tháng 11/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo thứ 2 để triển khai các giải pháp cụ thể hơn trong việc đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp: Đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp đã được tổ chức ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong các Hội thảo này đã có 62 hợp đồng, thỏa thuận được ký kết giữa các cơ sở đào tạo với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Để xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đào tạo đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế, ngày 27/12/2007 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo Quốc gia đào tạo nhân lực tài chính ngân hàng đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong hội thảo này 46 thoả thuận và hợp đồng đã được ký kết. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, xây dựng trang thông tin giới thiệu về đào tạo và nghiên cứu khoa học và việc làm, xây dựng đề án đánh giá chương trình đào tạo và năng lực đào tạo của một số cơ sở đào tạo; các bộ ngành chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo cấp thông tin đánh giá nhu cầu và khả năng đào tạo. Các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp tài chính, ngân hàng ký kết các thoả thuận về tăng cường trao đổi thông tin về nhu cầu và khả năng đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp, đánh giá chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên được làm việc trong môi trường doanh nghiệp, tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Ngày 10/01/2008, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức Hội thảo Quốc gia đào tạo nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông đáp ứng nhu cầu xã hội. Hai Bộ đã ký kết hợp đồng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo và nghiên cứu khoa học, xây dựng đề án đánh giá chương trình đào tạo và năng lực đào tạo của một số cơ sở đào tạo. Đã có 30 hợp đồng đã được ký kết giữa các cơ sở đào tạo và tăng cường trao đổi thông tin về nhu cầu và khả năng đào tạo, xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp, đánh giá chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho sinh viên và giảng viên được làm việc trong môi trường doanh nghiệp, tiếp nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Ngày 24/01/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và Tập đoàn kinh tế Vinashin tổ chức hội thảo đào tạo nhân lực cho ngành đóng tàu. Trong hội thảo này Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, và Tập đoàn Vinashin đã ký kết văn bản thoả thuận khung theo đó các bên mở rộng hợp tác trao đổi thông tin, chỉ đạo và kiểm tra các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp triển khai các hợp đồng, thoả thuận. Trong Hội thảo này đã có 23 hợp đồng, thoả thuận giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã được ký kết.

Ngày 07/3/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo đào tạo nhân lực ngành du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự hội thảo có đại diện 70 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp có đào tạo du lịch, 55 khách sạn và công ty du lịch. Có 1 thỏa thuận cấp Bộ và 62 thỏa thuận giữa trường và doanh nghiệp đã được ký kết. Kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đã chỉ đạo về các vấn đề như: rà soát chuẩn đào tạo ngành du lịch, mạnh dạn ứng dụng chuẩn của Úc, của Châu Âu; phát huy yếu tố dân tộc, văn hóa trong đào tạo du lịch; tăng cường tiếng Anh; đánh giá chất lượng nhân lực; xây dựng các cơ sở đào tạo nâng cao tại các doanh nghiệp lớn; xây dựng trung tâm dự báo nhân lực ở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và ở Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; có chính sách đối với đào tạo theo nhu cầu (thuế, xây dựng cơ sở thực hành) và đào tạo cán bộ chủ chốt cho ngành du lịch.

Các hội thảo đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn còn được tiếp tục triển khai trong thời gian tới nhằm thu hẹp khoảng cách cung cầu, để học sinh, sinh viên ra trường có việc làm phù hợp, doanh nghiệp có đủ nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và xã hội. Trong tháng 4/2008 Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội sẽ được thành lập nhằm triển khai mạnh mẽ, đồng bộ về đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp trong 4 ngành trọng điểm (tài chính – ngân hàng, đóng tầu, du lịch và công nghệ thông tin) và tại 2 thành phố: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Đối với giáo dục đại học từ năm học 2007-2008 đã triển khai cuộc vận động: “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”.

32. Cử tri thành phố Hà Nội đề nghị: Nhà nước trước khi ban hành các chính sách về giáo dục, Nhà nước cần tiến hành điều tra xã hội học về tình hình trẻ em để xây dựng chính sách cho phù hợp.

Trả lời:

Nghiên cứu khoa học, tổ chức điều tra xã hội học về các vấn đề có liên quan trước khi xây dựng và ban hành các chính sách về giáo dục là một yêu cầu bắt buộc. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan tham mưu cho nhà nước về các chính sách giáo dục thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trên.

Chẳng hạn: Để hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục hoặc ban hành những Quy định về giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đều căn cứ vào số liệu thực tế trên cơ sở khảo sát, điều tra, đánh giá để đề ra những giải pháp khả thi; Khi xây dựng chính sách giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật, kết quả điều tra, khảo sát cho thấy nước ta có 1,2 triệu trẻ khuyết tật, chiếm 3% tổng số trẻ em của cả nước, trong đó có tới 35% là trẻ bị khuyết tật nặng; Trên cơ sở khảo sát, điều tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo về trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã cho thấy số lượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chiếm tỉ lệ không nhỏ, còn nhiều trẻ em lang thang cơ nhỡ; tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục, các trẻ em bị nhiễm HIV, nhiễm chất độc màu da cam đang là một thách thức của toàn xã hội... Từ đó, Bộ đã xây dựng Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhằm tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất để huy động trẻ em đi học; Xây dựng lớp học linh hoạt, lớp học tình thương; Phối kết hợp với Bộ Công an để giáo dục trẻ em phạm pháp, đồng thời đưa chuyên đề giáo dục Quyền và bổn phận trẻ em vào nhà trường các cấp....

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và ban hành các chính sách về giáo dục trẻ em, vẫn còn có một vài chính sách về giáo dục chưa thực sự phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tế. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng ghi nhận ý kiến của đại biểu và sẽ đầu tư tốt hơn nữa cho công tác này.

VII. VỀ VẤN ĐỀ HỌC PHÍ

33. Cử tri các tỉnh Phú Thọ, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Hưng Yên, Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Bến Tre, Hà Tây, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Hải Phòng, Cà Mau, Thái Bình hỏi về vấn đề học phí: Đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiên cứu để có quy định về mức học phí phù hợp với điều kiện kinh tế của từng vùng, từng đối tượng. Theo quy định hiện nay, mức thu học phí là quá cao, có nhiều gia đình không đủ điều kiện cho con em đến trường. Việc tăng học phí trong giai đoạn hiện nay là chưa hợp lý, cần có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên ở nông thôn.

Trả lời:

* Về ý kiến mức thu học phí hiện nay là quá cao, có nhiều gia đình không đủ điều kiện cho con em đến trường:

Khung học phí quy định từ năm 1998 đến nay không thay đổi, trong khi đó từ năm 1998 đến năm 2006, mức giá cả bình quân đã tăng 1,55 lần, thu nhập bình quân 1 người dân tăng 2,47 lần.

Từ năm 1998 đến nay, do nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lương tối thiểu (từ 290.000 đồng/người/tháng lên 450.000 đồng/người/tháng và đến nay là 540.000 đồng/người/tháng), nên tỷ trọng chi tiền lương giáo viên và cán bộ quản lý trong chi phí của giáo dục và đào tạo đã tăng lên tương ứng. Trong khi đó phần ngân sách nhà nước cấp bù tăng lương tối thiểu không đủ, các cơ sở giáo dục thiếu kinh phí chi cho các hoạt động giảng dạy học tập khác ngoài lương.

Việc duy trì mức học phí thấp là nguyên nhân của tình trạng các trường phổ thông đã thu thêm một số khoản khác ngoài học phí để phục vụ học sinh và hoạt động của nhà trường (như thu tiền nước uống, tiền học thêm, tiền vệ sinh và bảo vệ trường, tiền giữ xe đạp, xe máy, tiền điện, giấy thi, thi lại v.v...). Một số trường cao đẳng, đại học công lập cũng thu vượt khung học phí quy định.

Cho đến nay, đối với các học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn (gia đình ở vùng miền núi, vùng sâu, hải đảo, mồ côi cha mẹ, gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo (thu nhập đầu người quy đổi dưới 13 kg gạo/1tháng), chính sách hỗ trợ việc đi học là miễn phí. Tuy nhiên, ngoài học phí gia đình học sinh cũng phải chi thêm tiền quần áo, dép, sách vở, dụng cụ học tập… Như vậy với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chi phí này khoảng từ 420.000 đồng đến 550.000 đồng/năm. Nếu không mua bảo hiểm y tế và sách tham khảo thì chi phí này là 420.000 đồng/năm, hay 47.000 đồng/tháng. Nếu giả thiết là hộ có 4 người, trong đó có 2 trẻ đi học, khả năng chi cho học tập tối đa là 6% thu nhập gia đình, thì để chi được 47.000 đồng/1 tháng cho việc học của một em, thu nhập đầu người của hộ gia đình phải từ 389.000 đồng/1 tháng trở lên (389.000 đồng/tháng x 4 x 0,06/2 = 47.000 đồng/1 tháng). Như vậy, với các tỉnh có thu nhập bình quân dưới 390.000 đồng/tháng như: Hà Giang (329.000 đồng/tháng), Bắc Kạn (388.000 đồng/tháng), Lai Châu (273.000 đồng/tháng), Điện Biên (305.000 đồng/tháng), thì hầu hết các gia đình không đủ khả năng chi mỗi tháng 47.000 đồng để cho trẻ có đủ điều kiện tối thiểu đi học. Do đó, để tạo điều kiện cho trẻ đi học ở các địa phương thì miễn học phí vẫn chưa đủ mà phải hỗ trợ thêm kinh phí để trẻ đi học.

Theo chương trình 135, đối với các vùng khó khăn, Nhà nước đã dành kinh phí để hỗ trợ học sinh gia đình nghèo đi học, cụ thể như sau: Hỗ trợ cho con em hộ nghèo đi học các lớp mẫu giáo thôn, bản với mức hỗ trợ cho một học sinh là 70.000 đồng/tháng x 9 tháng/năm; Hỗ trợ cho học sinh bán trú là con em hộ nghèo đang học tại các trường phổ thông về tiền ăn, dụng cụ sinh hoạt và học tập với mức hỗ trợ cho một học sinh là 140.000 đồng/tháng x 9 tháng/năm.

* Việc tăng học phí trong giai đoạn hiện nay là chưa hợp lý, cần có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên ở nông thôn:

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án học phí mới phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội theo các quan điểm và nguyên tắc: Đối với bậc học phổ thông, Nhà nước là người chi chủ yếu cho giáo dục. Gia đình học sinh chỉ tham gia đóng góp chi phí giáo dục theo khả năng đóng góp của mình. Gia đình nghèo được giảm hoặc miễn học phí, diện rất nghèo còn được hỗ trợ kinh phí để đi học. Như vậy học phí bậc phổ thông và hỗ trợ học tập được thiết kế theo nguyên tắc không để học sinh phải nghỉ học vì nghèo. Mức học phí cụ thể do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định căn cứ vào trình độ phát triển giáo dục, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, thu nhập bình quân thực tế của các nhóm dân cư. Học phí đào tạo nghề các trình độ (sơ cấp tới đại học) được thiết kế tiến tới bù đắp chi phí thường xuyên của đào tạo. Đồng thời Chính phủ đã ban hành chính sách cho vay để học nghề và đại học tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, với mức cho vay tối đa 800 ngàn đồng/sinh viên/tháng (thay vì 300 ngàn đồng/tháng như trước đây). Doanh số cho vay từ 01/10/2007 đến 31/12/2007 đạt 2.504,6 tỷ đồng với 596.345 sinh viên vay. Như vậy tỉ lệ học sinh học nghề dài hạn và học đại học, cao đẳng được vay để học đạt khoảng 25%, trong khi tỉ lệ hộ nghèo của cả nước khoảng 15%.

34. Cử tri các tỉnh Bình Định, Lạng Sơn, TP. Hồ Chí Minh đề nghị: Có chính sách giảm học phí cho học sinh cấp II, III và có chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho sinh viên đại học khó khăn, chăm ngoan, học giỏi.

Trả lời:

Hiện nay chúng ta đã có các chính sách giảm và miễn học phí cho gia đình nghèo. Đối với bậc trung học, tỉ lệ được giảm, miễn học phí là 30%. Tuy nhiên, ở các tỉnh rất khó khăn, dù miễn học phí, gia đình vẫn không có đủ chi phí tối thiểu để mua sắm quần áo, dụng cụ học tập, ăn trưa. Vì vậy trong Đề án học phí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ đã đề xuất việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hộ rất nghèo để lo cho con em đi học, ngoài việc được miễn học phí.

- Đối với học sinh học nghề, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, Nhà nước đã có chính sách cho vay tín dụng (Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học, sinh sinh viên), Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận hoàn cảnh gia đình của học sinh, sinh viên để được vay tín dụng tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên gia đình nghèo được giáo dục nghề nghiệp, có công ăn việc làm ổn định.

- Đối với sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, ngoài chính sách nhà nước cho vay tín dụng nêu trên, nếu học giỏi nhà nước còn có chính sách học bổng khuyến khích học tập với mức học bổng tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức trần học phí hiện hành (Quyết định số 44/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

35. Cử tri tỉnh Long An đề nghị: Có chế độ miễn giảm học phí cho học sinh ở các trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc đối tượng chính sách xã hội giống như học sinh trường phổ thông.

Trả lời:

Trung tâm giáo dục thường xuyên với chức năng nhiệm vụ giáo dục bổ túc trung học cơ sở, trung học phổ thông đã được nhà nước hỗ trợ kinh phí, đây là loại hình giáo dục thường xuyên giúp mọi người vừa làm vừa học, do đó người học đóng một phần học phí, lệ phí góp phần cho hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên. Do đặc thù trung tâm giáo dục thường xuyên là hoạt động xã hội hóa, tạo môi trường học tập cho mọi người, do đó Nhà nước chỉ có khả năng hỗ trợ một phần kinh phí cho các trung tâm, nếu miễn học phí cho các đối tượng này, ngân sách Nhà nước không có khả năng đáp ứng nhu cầu học tập cho mọi người. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét để bổ sung đối tượng chính sách xã hội được vay đi học, để vừa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động cho các Trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo phân cấp hiện nay, việc quy định mức học phí, miễn giảm học phí đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, căn cứ vào trình độ phát triển giáo dục và điều kiện kinh tế – xã hội của các địa phương.

36. Cử tri các tỉnh Khánh Hòa, Vĩnh Long, An Giang đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét việc thu học phí của học sinh trường trung học cơ sở 8.000 đ/tháng, vì nhà nước ta đang có chủ trương phổ cập giáo dục trung học cơ sở nên cần động viên và tạo điều kiện cho các em học sinh đến trường (theo cử tri nên bỏ khoản thu này).

Trả lời:

Luật Giáo dục năm 2005 quy định: miễn học phí cho học sinh bậc tiểu học. Hiện nay, các tỉnh, thành phố cơ bản đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học và đang phấn đấu đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở trong cả nước vào năm 2010. Đến nay, 39 tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Mức học phí Trung học cơ sở 8.000 đ/tháng là không cao với gia đình thu nhập trung bình trở lên. Hộ nghèo đã có chính sách giảm, miễn học phí. Việc các hộ không nghèo đóng học phí ở mức chấp nhận được chính là một sự đóng góp nhỏ với nhà nước để có điều kiện miễn giảm học phí cho học sinh vùng núi, vùng rất khó khăn. Đối với các gia đình rất nghèo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị Chính phủ có hỗ trợ kinh phí để mua quần áo, đồ dùng học tập để các em vẫn đi học được.

VIII. VẤN ĐỀ KHÁC

37. Cử tri tỉnh Hải Dương đề nghị: Nâng thời gian thực tập, kiến tập của các giáo sinh tại các trường sư phạm để có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn.

Trả lời:

Thực tập sư phạm được thực hiện vào năm thứ hai và năm thứ ba đối với sinh viên cao đẳng sư phạm, năm thứ ba và năm thứ tư với sinh viên đại học sư phạm. Theo Quyết định số 28/2006/QĐ-BGDĐT ngày 28/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình khung của các trường đại học sư phạm, thời gian thực tế, thực tập của sinh viên gồm 10 tuần, việc xác định thời lượng này dựa trên cơ sở khoa học Tâm lí - Giáo dục học và thực tiễn, trên cơ sở phân bổ hợp lý quỹ thời gian cho các môn học trong chương trình giáo dục đại học ngành sư phạm, được chia thành 2 đợt.

1/ Đợt 1 (năm thứ Ba): 5 tuần, bao gồm:

- 01 tuần thực tập tại trường. Trong tuần này, sinh viên rèn kĩ năng viết bảng, thuyết trình, nghiên cứu phân phối chương trình chuyên môn, tập soạn giáo án, tập giảng và chuẩn bị kế hoạch thực tập.

- 04 tuần thực tập tại trường phổ thông với hai nhiệm vụ:

a) Thực tập giáo dục:

+ Sinh viên tìm hiểu tình hình giáo dục tại địa phương trường thực tập, cơ cấu tổ chức của một trường học, tình hình đội ngũ cán bộ giáo viên và truyền thống của trường;

+ Thực tập làm công tác giáo dục ở lớp chủ nhiệm: tìm hiểu học sinh trong lớp (học tập, đạo đức và các hoạt động ngoài giờ lên lớp,...), nghiên cứu quy chế đánh giá xếp loại hạnh kiểm học sinh.

b) Thực tập giảng dạy:

Mỗi sinh viên phải thực tập giảng dạy 2 tiết để giáo viên hướng dẫn cho điểm đánh giá. Đối với các khoa đào tạo 2 môn thì mỗi môn giảng 01 tiết.

2/ Đợt 2 (năm thứ Tư): 5 tuần

a) Thực tập giáo dục:

+ Củng cố thêm kiến thức về thực tế giáo dục tại địa phương trường thực tập, cơ cấu tổ chức của một trường học, tình hình đội ngũ cán bộ giáo viên và truyền thống của trường;

+ Thực tập làm công tác giáo dục ở lớp chủ nhiệm: tìm hiểu học sinh trong lớp (học tập, đạo đức và các hoạt động ngoài giờ lên lớp,...), thăm hỏi gia đình học sinh, tìm hiểu – giáo dục học sinh cá biệt (nếu có), tổ chức các hoạt động ngoại khoá (văn nghệ, thể thao, báo tường,...).

b) Thực tập giảng dạy:

+ Nghiên cứu Quy chế chuyên môn: kiểm tra, cho điểm, đánh giá xếp loại học sinh;

+ Mỗi sinh viên phải thực tập giảng dạy 6 đến 8 tiết để giáo viên hướng dẫn cho điểm đánh giá.

Để có thể tham gia thực tập sư phạm, sinh viên phải hoàn thành nhiệm vụ học tập các môn học theo đúng kế hoạch đào tạo, đặc biệt phải được được tích luỹ tri thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm thực tế liên quan đến lao động nghề nghiệp trong quá trình học tập các môn học nghiệp vụ như Tâm lý học, Giáo dục học (11 đơn vị học trình), Lý luận dạy học bộ môn (4 đến 5 đơn vị học trình), Hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên... Hơn nữa, các trường sư phạm đều có công tác chuẩn bị cho sinh viên trước khi đi thực tập. Trong chương trình nghiệp vụ của bộ môn Phương pháp giảng dạy bộ môn, sinh viên đã được dự giờ thăm lớp ở các trường thực hành sư phạm; các khoa và bộ môn cũng có các hoạt động thi nghiệp vụ (soạn giáo án, viết bảng, kể chuyện,...) do khoa hoặc khoa phối hợp với Đoàn TNCS HCM và Hội Sinh viên tổ chức.

Những hạn chế trong kinh nghiệm thực tế về giáo dục phổ thông là do việc tổ chức đào tạo ở các trường sư phạm hiện nay chưa thực sự gắn liền với những thay đổi hàng ngày, hàng giờ của nhà trường phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục triển khai nghiên cứu về mô hình đào tạo giáo viên. Trong nghiên cứu này, vấn đề tăng cường năng lực thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sư phạm là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm. Theo đó, thời lượng thực hành nghề nghiệp của sinh viên được tăng cường bằng việc lấy trường phổ thông làm môi trường đào tạo sinh viên sư phạm, gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo của trường sư phạm với hoạt động giáo dục ở trường phổ thông. Các vấn đề như: đưa sinh viên xuống trường phổ thông ngay từ năm thứ nhất; đảm bảo sinh viên phải được tham gia hoạt động giáo dục trong những điều kiện phát triển giáo dục khác nhau (miền núi, đồng bằng, thành thị.v.v.); tăng cường vai trò của giáo viên giỏi của trường phổ thông vào phát triển chương trình và tổ chức đào tạo ở trường sư phạm; giảng viên dạy môn “Phương pháp giảng dạy bộ môn” tham gia dạy học ở trường phổ thông để tổ chức cho sinh viên học tập môn học này tại trường phổ thông; phát triển mạng lưới trường thực hành của các trường sư phạm ... đã được đặt ra.

Khi những vấn đề nêu trên được thực hiện tốt thì thực tập sư phạm ở những năm cuối của sinh viên sẽ có ý nghĩa và giá trị cao hơn, cho dù thời lượng thực tập sư phạm vẫn như chương trình hiện hành.

38. Cử tri tỉnh Lạng Sơn phản ánh: Tình trạng một số sinh viên các trường chuyên nghiệp hiện nay có phong trào “sống thử” vi phạm đến đạo đức, lối sống đạo đức truyền thống của dân tộc. Hiện tượng thầy cô giáo xúc phạm học sinh còn xảy ra, cần có phương pháp và biện pháp giáo dục, ngăn chặn.

Trả lời:

* Về ý kiến phản ánh tình trạng một số sinh viên các trường chuyên nghiệp hiện nay có phong trào “sống thử” vi phạm đến đạo đức, lối sống đạo đức truyền thống của dân tộc:

Qua thực tiễn và phản ánh của cử tri và một số báo chí, ngày 01/3/2006 Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 1546/BGDĐT-HSSV yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên toàn quốc phải áp dụng một số biện pháp để chấn chỉnh hiện tượng “sống thử” trong học sinh, sinh viên. Đồng thời ban hành các Quyết định: số 50/2007/QĐ-BGDĐT ngày 29/8/2007 về việc Quy định về công tác giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; số 60/2007/QĐ-BGDĐT ngày 16/10/2007 về việc ban hành Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện, trong đó các phẩm chất đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên được cụ thể hóa, lượng hóa và được đánh giá thông qua điểm số. Kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên là điều kiện để đánh giá việc lên lớp, xét học bổng và kết quả tốt nghiệp của học sinh, sinh viên.

Việc thực hiện các biện pháp nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc hình thành ở học sinh, sinh viên những phẩm chất đạo đức cần thiết và lối sống lành mạnh, giản dị của hầu hết học sinh, sinh viên, đáp ứng đòi hỏi của xã hội, qua đó đẩy lùi hiện tượng “sống thử” trong học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là giáo dục thông qua các chương trình ở cấp học phổ thông và trong các trường chuyên nghiệp (Giáo dục đạo đức, công dân, pháp luật và các họat động ngoại khóa). Đồng thời cần có sự phối hợp của gia đình và xã hội, trong đó gia đình và chính quyền địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng.

 Trong thời gian tới, ngoài các giải pháp nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng Chỉ thị của Bộ trưởng về Tăng cường công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên, trong đó chính quyền địa phương, các tổ chức sẽ là đầu mối, hỗ trợ cho các nhà trường trong việc quản lý, đánh giá học sinh, sinh viên; phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên trong việc tổ chức, lôi cuốn học sinh, sinh viên tham gia tích cực các họat động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

* Về hiện tượng thầy cô giáo xúc phạm học sinh còn xảy ra, cần có phương pháp và biện pháp giáo dục, ngăn chặn:

- Về hiện tượng thầy cô giáo xúc phạm học sinh:

Từ đầu năm học 2007-2008 đến nay, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin và kịch liệt lên án hiện tượng một số giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học vi phạm đạo đức nhà giáo, chủ yếu là xâm phạm thân thể, sức khoẻ và tinh thần học sinh, đặc biệt có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo mà báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu, hoặc qua đơn thư khiếu nại, tố cáo đã có 15 sở giáo dục và đào tạo gửi báo cáo kết quả xử lý 22 vụ việc về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Các biện pháp giáo dục, ngăn chặn:

Tiếp tục thực Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 08/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, thực hiện cuộc vận động "Hai không" trong năm học 2007-2008 với 4 nội dung trong đó có nội dung nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 39/2007/CT-BGDĐT ngày 31/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và các trường, khoa sư phạm trong năm học 2007-2008; Công văn số 12838/BGDĐT-NG ngày 06/12/2007 về tăng cường thực hiện cuộc vận động "Hai không" trong đó có nội dung yêu cầu Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo phải có biện pháp giáo dục, nhắc nhở nhằm ngăn chặn những hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo, khi có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo xảy ra cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan hữu quan xử lý kịp thời, triệt để đúng các quy định pháp luật; Công văn số 13003/BGDĐT-GDMN ngày 11/12/2007 về tăng cường công tác quản lý chỉ đạo thực hiện chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có nội dung: nghiêm cấm những hành vi doạ nạt, quát mắng trẻ, thiếu trách nhiệm trong chăm sóc trẻ; Chỉ thị số 8077/CT-BGDĐT ngày 21/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tập trung kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo trong đó có những nội dung sau: xử lý kịp thời, triệt để và đúng quy định của pháp luật đối với các vi phạm đạo đức nhà giáo, nhanh chóng khắc phục hậu quả; rà soát các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, có biện pháp xử lý thích hợp các cơ sở không có giấy phép hoạt động; tập trung triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, kiên quyết không để giáo viên, nhân viên không qua đào tạo sư phạm trực tiếp làm công tác nuôi dạy trẻ; tăng cường sinh hoạt tư tưởng chính trị, kết hợp thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và cuộc vận động "Hai không".

39. Cử tri tỉnh Thái Nguyên phản ánh: Sĩ số học sinh bậc trung học cơ sở theo quy định hiện nay là quá đông, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định lại sĩ số học sinh một lớp chỉ có từ 30 đến 35 học sinh để đảm bảo chất lượng dạy và học.

Trả lời:

Tại Điều 15, Khoản 1, Điểm b, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/4/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định: “ Mỗi lớp ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có không quá 45 học sinh”.

Việc quy định như vậy là căn cứ vào khả năng đầu tư ngân sách, khả năng bố trí giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở trường trung học cơ sở. Căn cứ vào điều kiện cụ thể về giáo viên, phòng học,... các nhà trường có thể bố trí ít hơn 45 học sinh/lớp.

40. Cử tri tỉnh An Giang cho rằng: Các trường đại học Luật ở Việt Nam cấp rất nhiều văn bằng chứng chỉ như: cử nhân Luật, cử nhân Luật thương mại, quản trị kinh doanh... Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc cấp văn bằng cử nhân luật sao cho phù hợp hơn.

Trả lời:

Việc cấp văn bằng của các trường đại học Luật thực hiện theo quy định chung về việc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Luật Giáo dục năm 2005 quy định “Sinh viên học hết chương trình đại học, có đủ điều kiện thì được dự thi hoặc bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp và nếu đạt yêu cầu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Hiệu trưởng trường đại học cấp bằng tốt nghiệp đại học.

Bằng tốt nghiệp đại học của ngành kỹ thuật được gọi là bằng kỹ sư; của ngành kiến trúc là bằng kiến trúc sư; của ngành y, dược là bằng bác sĩ, bằng dược sĩ, bằng cử nhân; của các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế là bằng cử nhân; đối với các ngành còn lại là bằng tốt nghiệp đại học.” (Điều 43, Khoản 2).

Cùng với Luật Giáo dục, quy định về văn bằng đại học còn có ở các văn bản: Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục (Điều 12, 13, 14); Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Điều 10, Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, bằng tốt nghiệp đại học có thể ghi thêm ngành đào tạo. Như vậy, việc các trường đại học Luật cấp bằng cử nhân Luật trong đó có ghi ngành đào tạo là phù hợp với quy định của pháp luật.

41. Cử tri tỉnh Hà Giang đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại tiêu chí đào tạo nghề để đạt phổ cập trung học cơ sở là 15% đối với thành phố, thị xã, thị trấn; 10% đối với cấp xã là quá cao. Đề nghị Bộ xem xét lại tiêu chí này.

Trả lời:

Tiêu chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (phổ cập 9 năm học) không có tiêu chí mà cử tri đã nêu trong câu hỏi này. Tiêu chí đó là thuộc tiêu chuẩn phổ cập bậc trung học (nay gọi là phổ cập giáo dục trung học, phổ cập 12 năm học) được đề cập tại công văn số 3420/THPT ngày 23/4/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là quy định tạm thời trong khi chờ ban hành quy định về phổ cập giáo dục trung học của Chính phủ.

Về tiêu chí mà cử tri đã nêu, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành khảo sát ở một số địa phương đang thực hiện phổ cập giáo dục trung học, nhiều ý kiến cho rằng: Trong giai đoạn hiện nay, quy định phân luồng học sinh vào các trường nghề chiếm tỷ lệ 15% đối với thành phố, thị xã, thị trấn và 10% đối với cấp xã là quá cao, khó thực hiện.

42. Cử tri tỉnh Kiên Giang phản ánh: Quy chế thi học sinh giỏi của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn nhiều thiếu sót, chưa phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục, chưa có cơ chế để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện, theo kịp các nước có nền giáo dục tiên tiến, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo vì phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Trả lời:

Ngày 29/12/2007 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Quyết định số 52/2007/QĐ-BGDĐT ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi (gọi tắt là Quy chế 52); trong đó có nhiều đổi mới theo hướng khách quan, nghiêm túc, chặt chẽ và công bằng.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2007 đã được chỉ đạo theo đúng Quy chế 52 và có nhiều chuyển biến, tiến bộ, góp phần khắc phục những bất cập, yếu kém; các hiện tượng tiêu cực trong thi cử được hạn chế đến mức tối đa; chấm thi, duyệt giải nghiêm túc, khách quan, chính xác theo quy trình chặt chẽ, đảm bảo chọn đúng học sinh giỏi.

Trong những năm tới Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung chỉ đạo, cải tiến và hoàn thiện tất cả các khâu của kỳ thi theo yêu cầu tổ chức thi cử gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo nghiêm túc, chính xác, khách quan, công bằng, thực hiện mục tiêu đã được xác định trong Luật Giáo dục: khuyến khích việc học tập của người học và góp phần phát hiện để tiếp tục bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện, ngành giáo dục đào tạo và các địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ:

- Tổ chức tổng kết 42 năm hoạt động các trường chuyên, xác định các yêu cầu phát triển các trường chuyên ở các tỉnh, thành phố thành các trường bồi dưỡng nhân tài tuổi học sinh, trong đó vừa có yêu cầu bồi dưỡng về tri thức, kỹ năng, vừa rèn luyện nhân cách và sức khoẻ;

- Hình thành các đại học nghiên cứu và đại học có trình độ quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đại học Việt Đức, ...);

- Triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Qua đó huy động sự tham gia của các doanh nghiệp vào đào tạo và làm cho việc đào tạo bám sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.

 


Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Ban Dân nguyện;
- Các Đoàn ĐBQH (để báo cáo);
- Ủy ban Trung ương MTTQ VN (để báo cáo);
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ;
- Website Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Lưu: VT, TH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn số 3154/BGDĐT-VP về việc báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XII do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 3154/BGDĐT-VP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/04/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản