Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2003/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC

Hà Nội , ngày 24 tháng 02 năm 2003 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON

Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 5-11-2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Chỉ thị số 18/2001/CT-TTg ngày 27-8-2001 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách xây dựng đội ngũ nhà giáo của hệ thống giáo dục quốc dân;
Căn cứ Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28-12-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010;
Căn cứ Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg ngày 15-11-2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non;

Liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo-Bộ Nội vụ-Bộ Tài chính hướng dẫn một số chính sách phát triển giáo dục mầm non như sau:

1. Xây dựng đề án, quy hoạch mạng lưới phát triển giáo dục mầm non:

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chỉ đạo:

1.1. Xây dựng chương trình, đề án và định hướng phát triển sự nghiệp giáo dục mầm non trong tổng thể phát triển chung sự nghiệp giáo dục đào tạo của địa phương, trong đó ưu tiên phát triển mẫu giáo 5 tuổi trong những năm trước mắt.

1.2. Quy hoạch mạng lưới các trường mầm non công lập, ngoài công lập phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội địa phương và thực hiện xã hội hóa đối với sự nghiệp giáo dục mầm non trên địa bàn theo hướng:

1.2.1. Xây dựng trường, lớp mầm non công lập chủ yếu tại các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn ở miền núi, biên giới và vùng sâu vùng xa trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ quyết định; các xã vùng hải đảo, các xã thuộc địa bàn có mức phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên theo quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ "Quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang" và các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

1.2.2. Xây dựng trường, lớp mầm non bán công chủ yếu tại vùng nông thôn không thuộc diện nêu ở điểm 1.2.1 và địa bàn tại các thành phố, thị xã, thị trấn có điều kiện hạn chế phát triển về kinh tế-xã hội.

1.2.3. Khuyến khích việc thành lập trường, lớp mầm non dân lập, tư thục ở thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp và những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển. Các trường, lớp mầm non dân lập, tư thục được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Nghị định số 73-1999/NĐ-CP ngày 19-8-1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao;

Thông tư số 18-2000/TT-BTC ngày 01-3-2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73-1999/NĐ-CP ngày 19-8-1999; Thông tư liên tịch số 26-2000-TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 20-10-2000 của Liên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội-Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với lao động làm việc trong các cơ sở ngoài công lập thuộc các ngành giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao.

Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường mầm non công lập chuyển sang bán công. Lộ trình chuyển đổi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Quá trình thực hiện, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất để bảo đảm sự phát triển cho loại hình trường này.

1.2.4. Việc chuyển các trường mầm non công lập ở địa bàn kinh tế-xã hội phát triển, thành phố, thị xã, thị trấn và khu công nghiệp sang hoạt động theo mô hình trường bán công vận dụng theo quy chế tổ chức và hoạt động của các trường ngoài công lập (ban hành kèm theo Quyết định số 89-2001/QĐ-BGDĐT ngày 28-8-2001của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

1.3. Thực hiện kế hoạch xây dựng trường, lớp mầm non, tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các trường, lớp mầm non theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương.

2. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non:

2.1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên các trường sư phạm trực thuộc để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa giáo viên, cán bộ quản lý ngành học mầm non, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục mầm non.

2.2. Các trường Sư phạm Mầm non đại học, cao đẳng, trung học của Trung ương và địa phương đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, xây dựng kế hoạch và tìm giải pháp tối ưu để đào tạo giáo viên mới và bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên mầm non.

3. Biên chế giáo viên mầm non:

3.1. Số lượng cán bộ quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó) của các trường mầm non thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13/TT ngày 4-9-1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc phân hạng trường học và phụ cấp chức vụ lãnh đạo bổ nhiệm trong trường học:

Trường mầm non hạng I có 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó.

Trường mầm non hạng II có 1 hiệu trưởng và 1 hiệu phó.

3.2. Giáo viên mầm non ở các trường, lớp mầm non không phân biệt loại hình công lập, bán công, dân lập, tư thục phải đạt yêu cầu chuẩn đào tạo theo quy định tại Điều 32 Điều lệ trường mầm non (ban hành kèm theo Quyết định số 27-2000/QĐ-BGDĐT ngày 20-7-2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

3.3. Định mức giáo viên trong các trường, lớp mầm non công lập, trường, lớp mầm non bán công được thành lập do chuyển đổi loại hình thực hiện theo quy định tại Quyết định số 304/CP ngày  29-8-1979 của Hội đồng Chính phủ về tổ chức bộ máy, biên chế của nhà trẻ thuộc khu vực nhà nước; Nghị định số 17/HĐBT ngày 31-1-1984 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là chính phủ) về tổ chức bộ máy, biên chế trường mẫu giáo.

3.4. Tuyển dụng vào biên chế nhà nước đối với:

3.4.1. Hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non công lập, bán công.

3.4.2. Giáo viên mầm non ở các trường, lớp mầm non công lập (trường thành lập mới hoặc trường được củng cố, kiện toàn lại) thuộc các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn ở miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Riêng đối với giáo viên đã thực hiện chế độ hợp đồng không xác định thời gian trong chỉ tiêu biên chế ở các trường, lớp thuộc các xã nêu tại điểm này vẫn tiếp tục thực hiện chế độ hợp đồng.

3.4.3. Giáo viên nòng cốt về chuyên môn nghiệp vụ ở các trường, lớp mầm non công lập thuộc các xã vùng hải đảo, các xã thuộc địa bàn có mức phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên theo quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ "Quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang" và các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

Địa bàn chưa có trường mầm non nhưng có từ 1 đến 2 lớp mầm non ở trong trường tiểu học thì giáo viên phụ trách lớp mầm non được tuyển vào biên chế nhà nước.

Trường mầm non có 3 đến 4 nhóm, lớp được tuyển 1 biên chế là giáo viên nòng cốt.

Trường mầm non có 5 đến 6 nhóm, lớp được tuyển 2 biên chế là giáo viên nòng cốt.

3.4.5. Việc tuyển dụng vào biên chế nhà nước theo quy định hiện hành.

3.5. Đối với giáo viên mầm non thuộc biên chế nhà nước tại các trường, lớp mầm non bán công ở vùng nông thôn; các trường, lớp mầm non công lập ở thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp và những nơi có điều kiện kinh tế xã hội phát triển khi các trường, lớp này chuyển sang trường, lớp bán công thì vẫn được ở trong biên chế nhà nước cho tới khi nghỉ chế độ hoặc chuyển sang công tác khác.

Từ năm 2003 các trường, lớp này không tuyển bổ sung hoặc thay thế biên chế, nếu thiếu giáo viên so với định mức thì được tuyển đủ theo chế độ hợp đồng lao động. Việc ký hợp đồng lao động giao Hiệu trưởng chịu trách nhiệm sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo. Việc ký hợp đồng ngắn hạn giao cho Hiệu trưởng ký trực tiếp với người lao động.

4. Chế độ; chính sách đối với giáo viên mầm non:

4.1. Giáo viên mầm non (không phân biệt loại hình trường) được hưởng các chế độ ưu đãi:

4.1.1. Chế độ học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ;

4.1.2. Chế độ khen thưởng thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc theo quy định tại Nghị tinh số 56-1998/NĐ-CP ngày 30-7-1998 của Chính phủ, Thông tư số 25-2001/TT-BTC ngày 16-4-2001của Bộ Tài chính "Hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ khen thưởng thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và các văn bản hướng dẫn hiện hành;

4.1.3. Các danh hiệu tôn vinh nhà giáo (nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú):

Tiêu chuẩn xét tặng theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mức thưởng tiền kèm theo các danh hiệu tôn vinh nhà giáo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành bố trí phần kinh phí tặng thưởng nêu trên theo quy định tại Nghị định số 56-1998/NĐ-CP ngày 30-7-1998 của Chính phủ và Thông tư số 25-2001/TT BTC ngày 16-4-2001của Bộ Tài chính.

4.2. Về tiền lương, các khoản phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

4.2.1. Giáo viên mầm non trong biên chế và hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế ở các trường, lớp mầm non công lập hoặc giáo viên trong biên chế ở các trường, lớp công lập chuyển sang bán công từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực được hưởng chế độ tiền lương, các khoản phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo đúng các quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ "Quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang" và các văn bản hiện hành.

4.2.2. Giáo viên mầm non làm việc ở các trường, lớp mầm non bán công (trừ giáo viên ở trường, lớp bán công quy định tại điểm 4.2.1), dân lập, tư thục được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước và do nhà trường thỏa thuận với giáo viên về mức độ đóng góp.

5. Nguồn tài chính của các trường mầm non công lập, bán công:

5.1. Nguồn ngân sách nhà nước.

Các địa phương bố trí kinh phí hợp lý trong phạm vi ngân sách địa phương để đầu  tư cho giáo dục mầm non. Từ nay đến năm 2005 phấn đấu dành tối thiểu 10% tổng chi ngân sách nhà nước về giáo dục cho giáo dục mầm non; ưu tiên bố trí vốn xây dựng trường, lớp mầm non công lập ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn ở các xã miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5.2. Nguồn thu học phí, đóng góp xây dựng trường theo quy định hiện hành.

5.3. Các khoản tài trợ, viện trợ, quà tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

5.4. Vốn góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất.

5.5. Vốn vay của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi.

6. Các nguồn thu hợp pháp khác.

6. Thu học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường:

Căn cứ khung học phí do Chính phủ quy định và các văn bản hướng dẫn; Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng về các khoản đóng góp xây dựng trường; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức thu học phí; mức và các khoản đóng góp xây dựng trường cho từng bậc học (mẫu giáo, nhà trẻ) phù hợp từng loại hình (công lập, bán công) và phù hợp với điều kiện thực tế tại từng vùng, địa phương trên cơ sở phê chuẩn của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

7. Các trường mầm non công lập hoạt động theo cơ chế tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu được quy định tại Nghị định số 10-2002/NĐ-CP ngày 16-01-2002 của Chính phủ, Thông tư số 25-2002/TT-BTC ngày 21-3-2002 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn khác về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu. Việc sử dụng các khoản thu về học phí, thu đóng góp xây dựng trường, lớp và các khoản tài trợ, các khoản thu hợp pháp khác theo quy định chung về thu và sử dụng học phí, thu và sử dụng khoản đóng góp trong các trường công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

8. Việc quản lý tài chính của trường mầm non bán công (bao gồm: trường mầm non xây mới do Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất ban đầu; trường mầm non ở vùng nông thôn trước đây do hợp tác xã nông nghiệp đầu tư nay do Ủy ban nhân dân xã phường, thị trấn trực tiếp quản lý; trường mầm non bán công được thành lập do chuyển đổi loại hình) thực hiện như sau:

8.1. Trường mầm non bán công thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, được phép sử dụng toàn bộ khoản thu về học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường, các khoản tài trợ, vay, các khoản thu hợp pháp khác để chi cho các hoạt động thường xuyên của cơ sở, duy trì và phát triển cơ sở vật chất của đơn vị.

8.2. Trường mầm non bán công sử dụng đúng mục đích đối với các khoản thu về đóng tiền ăn của học sinh; thu đóng góp xây dựng trường; các khoản viện trợ, tài trợ có mục tiêu.

8.3. Đối với những trường, lớp mầm non bán công, nếu nguồn thu học phí và các khoản thu hợp pháp khác (không bao gồm các khoản thu đóng góp xây dựng trường; thu về đóng tiền ăn của học sinh; các khoản viện trợ, tài trợ có mục tiêu) không đủ để chi trả tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho giáo viên hợp đồng trong định biên của cơ sở thì phần còn thiếu được ngân sách nhà nước (theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành) chi hỗ trợ để bảo đảm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn và trả tiền lương của những giáo viên này không thấp hơn mức tối thiểu do Nhà nước quy định.

Phần kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ cho nhiệm vụ này được xác định như sau:

Kinh phí được ngân sách nhà nước cấp bù để thanh toán phần quỹ lương còn  thiếu đối với số giáo viên hợp đồng trong định biên

=

Tổng số giáo viên hợp đồng trong định biên

X

Mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định và các khoản trích theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn)

-

Tổng số học sinh có mặt

X

Mức học phí thực tế theo khung do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định cho hệ bán công

-

Nguồn thu hợp pháp khác (không bao gồm thu đóng góp xây dựng trường, tiền ăn của học sinh, viện trợ, tài trợ có mục tiêu)

Cơ quan tài chính cấp khoản kinh phí này cho các trường mầm non bán công theo chế độ hiện hành.

8.4. Học sinh thuộc diện chính sách theo học tại trường mầm non bán công đóng học phí theo quy định của trường mầm non, được Nhà nước thanh toán lại theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 23-2001/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 6-4-2001 của Liên Bộ Tài chính-Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội "Hướng dẫn thực hiện chính sách miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập".

8.5. Ngân sách nhà nước (theo phân cấp ngân sách hiện hành) bố trí cân đôi kinh phí để trường mầm non chi trả lương và các khoản trích theo lương bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn) cho đối tượng:

Cán bộ quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó) được tuyển vào biên chế nhà nước ở các trường mầm non bán công; giáo viên mầm non được tuyển vào biên chế thuộc các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ quyết định và giáo viên mầm non nòng cốt ở vùng núi cao, biên giới, hải đảo theo quy định tại Quyết định số 161-2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không phân biệt biên chế có trước hay sau ngày 01-12-2002-ngày có hiệu lực thi hành của Quyết định số 161-2002/QĐ-TTg).

Giáo viên ở trường mầm non bán công đã được tuyển vào biên chế trước ngày 01-12-2002. Các đối tượng này được hưởng chế độ về lương, phụ cấp lương từ ngân sách nhà nước cho đến khi nghỉ công tác theo chế độ.

8.6. Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương (theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành), các địa phương xem xét để hỗ trợ kinh phí cho các trưởng mầm non bán công để bảo đảm chất lượng giáo dục theo các nội dung:

Học tập, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quảnlý.

Tuyên truyền kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cho các bậc phụ huynh và cộng đồng, xã hội.

Tổ chức các hội thi giáo dục mầm non.

Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ (thiết bị-tài liệugiảngdạy,họctập;đồchơi).

Tham quan thực tế của học sinh ở trường mầm non.

8.7. Việc lập dự toán, cấp phát kinh phí, quyết toán khoản kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý tài chính.

9. Tổ chức thực hiện:

9.1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-12-2002.

9.2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan và cấp dưới thực hiện Quyết định số 161-2002/QĐ-TTg ngày 15-11-2002 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.

Căn cứ Đề án phát triển giáo dục mầm non đến năm 2010 của địa phương đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền, Sở Tài chính-Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ban, ngành ở dịa phương xây dựng kế hoạch đầu tư và chỉ đạo thực hiện.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Tổ chức chính quyền xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch về đội ngũ giáo viên mầm non ở địa phương.

Căn cứ mức học phí, mức đóng góp xây dựng trường, lớp mầm non bán công, công lập đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định, Sở Tài chính-Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện kế hoạch xây dựng trường, lớp theo quy hoạch; tăng cường trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho các trường, lớp mầm non; bảo đảm đủ kinh phí chi hoạt động thường xuyên, chi thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên mầm non, hỗ trợ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên mầm non.

Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xây dựng chương trình, đề án phát triển sự nghiệp giáo dục mầm non theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và xây dựng cơ bản các cơ sở giáo dục mầm non và tổ chức thực hiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm thực hiện các tiêu chuẩn về chế độ và chính sách cho giáo viên mầm non trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng trường, lớp mầm non công lập, bán công trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Trường mầm non có trách nhiệm bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, phản ánh kịp thời về liên Bộ để xem xét giải quyết

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ TRƯỞNG
 
 


 Nguyễn Minh Hiển

BỘ TÀI CHÍNH
BỘ TRƯỞNG


 
 
Nguyễn Sinh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 05/2003/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn một số chính sách phát triển giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và đào tạo-Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 05/2003/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/02/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản