Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9025/BGTVT-KHĐT | Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2021 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Ngày 12/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch). Đến ngày 18/8/2021, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nhận được Thông báo số 215/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp nêu trên. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay sau phiên họp ngày 12/7/2021, Bộ GTVT đã chỉ đạo đơn vị lập quy hoạch tiếp thu các ý kiến của Thường trực Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ và có Tờ trình số 7066/TTr-BGTVT ngày 20/7/2021 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ GTVT xin báo cáo nội dung tiếp thu kết luận của Thủ tướng Chính phủ cụ thể như sau:
1. Về sự phù hợp với Chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ
Nội dung quy hoạch đã cập nhật đầy đủ tất cả các mục tiêu, đột phá chiến lược, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cụ thể: đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (7.500 USD) và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông; đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc và các vùng khó khăn khác.
Dự kiến danh mục dự án đầu tư trong kỳ quy hoạch phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội bảo đảm tính khả thi thực hiện các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (các đoạn còn lại); vành đai đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; cao tốc trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc; các đoạn tuyến quốc lộ cấp bách, tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt, bảo đảm an toàn giao thông.
Đối với các chỉ đạo của Chính phủ, báo cáo quy hoạch đã tích hợp các quy hoạch liên quan theo Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 như Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 25/2/2013), Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/2/2013), Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010)…
2. Về bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu
Trong quá trình triển khai, Quy hoạch đã được lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hai lần với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng phải gắn liền với việc bảo đảm quốc phòng - an ninh, theo đó Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã thống nhất toàn bộ nội dung quy hoạch.
Quy hoạch đã xây dựng lộ trình đầu tư gắn với kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư (các dự án có nhu cầu vận tải cao trong vùng động lực), đồng thời quan tâm những khu vực khó khăn (vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc) để bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền.
3. Về nghiên cứu, cân đối hài hòa giữa các phương thức vận tải, xác định rõ phương thức vận tải trung tâm để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, trên cơ sở bảo đảm tính đồng bộ, kết nối liên thông trong từng phương thức vận tải, cũng như trong hệ thống các phương thức vận tải, đồng thời bảo đảm tính chiến lược và phân kỳ đầu tư, tập trung giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế
Thực hiện Luật Quy hoạch, lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức lập quy hoạch đồng thời tất cả các lĩnh vực giao thông vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không). Theo đó Quy hoạch được tích hợp với bốn quy hoạch còn lại để rà soát, điều chỉnh bảo đảm tính liên kết giữa các chuyên ngành, đồng thời quy hoạch đã dự báo phân bổ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách trên nguyên tắc phát huy tối đa lợi thế, vai trò của các phương thức vận tải[1] bảo đảm tối ưu hóa, tiết kiệm nhất về chi phí vận tải trên tổng thể mạng lưới giao thông vận tải.
Quy hoạch đã bảo đảm tầm nhìn dài hạn định hướng đến năm 2050, quy mô trong quy hoạch là quy mô tối đa, trong quá trình triển khai thực hiện từng dự án sẽ đánh giá cụ thể nhu cầu vận tải để xác định quy mô đầu tư phù hợp với khả năng nguồn lực. Danh mục dự án ưu tiên đầu tư là các dự án mang tính động lực lan tỏa, nếu được đầu tư sẽ tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn kết cấu hạ tầng.
4. Về cơ sở lựa chọn quy mô cao tốc, xác định hướng tuyến bảo đảm tối ưu việc lựa chọn ngắn nhất có thể, không đi qua khu đô thị, bám sát đường cũ mà phải gắn liền với không gian phát triển đô thị mới với các tuyến cao tốc
Quy mô tuyến đường được xác định dựa trên kết quả dự báo nhu cầu vận tải (có xem xét phân bổ nhu cầu vận tải giữa các phương thức vận tải, giữa các tuyến đường bộ theo hành lang vận tải) phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 5729:2012 (đường cao tốc) và TCVN 4054:2005 (đường ô tô thông thường). Quy mô quy hoạch bảo đảm tầm nhìn dài hạn đến năm 2050.
Hướng tuyến các tuyến đường bộ được hoạch định phù hợp định hướng phát triển không gian của từng vùng, được lựa chọn tối ưu có chiều dài ngắn nhất bảo đảm tính kinh tế - kỹ thuật. Các hướng tuyến cao tốc được hoạch định tránh tối đa khu vực dân cư, khu đô thị với khoảng cách đủ lớn để tạo ra không gian, dư địa phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực dự án đi qua.
5. Về bảo đảm tính mở, dễ thực hiện, có sự gắn kết với các quy hoạch chuyên ngành khác tạo thành hệ thống tổng thể, thống nhất, tránh manh mún chia cắt
Lộ trình đầu tư các dự án trong quy hoạch được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030, trong trường hợp huy động được nguồn lực có thể triển khai ngay. Đối với các tuyến đường bộ dự kiến triển khai sau năm 2030 có thể được sớm triển khai sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nếu các địa phương có nhu cầu phải đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội và tự thu xếp được nguồn lực. Với các định hướng trên đã bảo đảm quy hoạch có tính mở, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai các dự án.
Các quy hoạch chuyên ngành khác cũng đã được xem xét, tổng hợp và được thể hiện trong kết quả dự báo nhu cầu vận tải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
6. Về rà soát các quy định pháp luật có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai quy hoạch
Thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021, Bộ Giao thông vận tải đang rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật trong đó có liên quan đến công tác triển khai quy hoạch bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.
7. Về nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển trong việc lập quy hoạch. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện các quy hoạch có liên quan
Kinh nghiệm thế giới là bài học quan trọng để học hỏi, xem xét áp dụng trong công tác lập quy hoạch. Hồ sơ quy hoạch đã tổng hợp những bài học kinh nghiệm của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… để tìm ra những đặc điểm, định hướng phù hợp cho quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam bảo đảm tính hiện đại, tầm nhìn dài hạn, ngang tầm với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Quá trình lập quy hoạch Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đối với các quy hoạch vùng đặc biệt quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai, Bộ GTVT đã phối hợp, có góp ý bằng văn bản cũng như tham gia các hội thảo bảo đảm quy hoạch vùng phù hợp với định hướng phát triển ngành giao thông vận tải giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với những nội dung tiếp thu, giải trình như trên, Bộ Giao thông vận tải xin gửi theo dự thảo quyết định phê duyệt Quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Hàng không: vận tải hành khách, hàng hóa có giá trị lớn, thời gian vận tải ngắn; hàng hải: vận tải hàng hóa khối lượng lớn, chi phí thấp, cự ly trung bình đến dài; đường thủy nội địa: vận tải hàng hóa chi phí thấp, cự ly trung bình; đường bộ: vận tải hành khách, hàng hóa cự ly ngắn; đường sắt: vận tải hàng hóa, hành khách cự ly trung bình. Trong đó đường bộ là phương thức linh hoạt, đóng vai trò kết nối chính.
- 1Quyết định 45/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2036/QĐ-TTg năm 2020 về thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 56/QĐ-HĐTĐQH năm 2021 về kế hoạch và phân công nhiệm vụ thẩm định Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Hội đồng thẩm định quy hoạch mạng lưới đường bộ ban hành
- 4Quyết định 586/QĐ-TTg năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 711/QĐ-BGTVT năm 2023 công bố điều chỉnh, bổ sung Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
- 1Quyết định 129/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ ven biển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 356/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 326/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Quy hoạch 2017
- 5Nghị quyết 110/NQ-CP năm 2019 về Danh mục quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch do Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 45/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 2036/QĐ-TTg năm 2020 về thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 56/QĐ-HĐTĐQH năm 2021 về kế hoạch và phân công nhiệm vụ thẩm định Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Hội đồng thẩm định quy hoạch mạng lưới đường bộ ban hành
- 9Nghị quyết 66/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021 do Chính phủ ban hành
- 10Nghị quyết 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do Quốc hội ban hành
- 11Thông báo 215/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính buổi họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới đường bộ và Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 586/QĐ-TTg năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Quyết định 711/QĐ-BGTVT năm 2023 công bố điều chỉnh, bổ sung Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành
Công văn 9025/BGTVT-KHĐT năm 2021 về tiếp thu, giải trình kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 9025/BGTVT-KHĐT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 30/08/2021
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Lê Đình Thọ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra