Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 535/BCT-ATMT
V/v tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du đập, hồ chứa thủy điện

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh có công trình thủy điện

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước (Nghị định số 114/2018/NĐ-CP); Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 08 tháng 7 năm 2019 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện, để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy điện và nhân dân trong khu vực hạ du đập tại thời điểm các hồ chứa thủy điện đã hoàn thành việc tích nước, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan và các chủ hồ trên địa bàn tỉnh thực hiện các nội dung sau:

1. Giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn yêu cầu các chủ đầu tư dự án thủy điện, chủ đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

2. Triển khai tổ chức thực hiện công tác quản lý an toàn các đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 32 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP. Tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn.

3. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành đôn đốc các chủ hồ chứa thủy điện, các chủ đầu tư dự án thủy điện đang xây dựng trên địa bàn tỉnh:

- Rà soát, lắp đặt hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu cho các cơ quan chức năng theo quy định; thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn cho vùng hạ du khi xả lũ.

- Thường xuyên giám sát công tác vận hành công trình tuân thủ quy trình vận hành, phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn cho đập và vùng hạ du đập, hồ chứa nước. Đặc biệt là công tác phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chính quyền địa phương các cấp trong khu vực chịu ảnh hưởng của công trình, trong đó có công tác thông tin về điều tiết lũ, cảnh báo xả lũ tránh để thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

- Chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan, bất thường trong mùa kiệt khi các hồ đã tích đầy nước

4. Xây dựng và phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du để cung cấp cho chủ đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP. Hoàn thành việc rà soát, thẩm định và phê duyệt phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp do các chủ đập, hồ chứa thủy định trình phê duyệt hàng năm theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP.

5. Chủ động thực hiện tốt phương châm phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ + 5K + Vắc xin”. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo, đài để cung cấp, đăng tải thông tin đầy đủ, chính xác khi có yêu cầu.

Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, phối hợp tổ chức thực hiện để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và nhân dân vùng hạ du đập./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, ATMT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Sinh Nhật Tân

 

DANH SÁCH

CÁC TỈNH CÓ ĐẬP, HỒ CHỨA THỦY ĐIỆN

1. Lai Châu

2. Sơn La

3. Điện Biên

4. Hòa Bình

5. Yên Bái

6. Tuyên Quang

7. Hà Giang

8. Cao Bằng

9. Bắc Cạn

10. Lào Cai

11. Lạng Sơn

12. Quảng Ninh

13. Thanh Hóa

14. Nghệ An

15. Hà Tĩnh

16. Quảng Bình

17. Thừa Thiên Huế

18. Quảng Ngãi

19. Quảng Trị

20. Quảng Nam

21. Phú Yên

22. Khánh Hòa

23. Bình Định

24. Ninh Thuận

25. Bình Thuận

26. Đắk Nông

27. Đắk Lắk

28. Gia Lai

29. Kon Tum

30. Lâm Đồng

31. Bình Phước

32. Đồng Nai