Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
TỔNG CỤC ĐƯỜNG BỘ
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8590/TCĐBVN-QLBTĐB
V/v nâng cao trách nhiệm và tăng cường chất lượng quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ để đảm bảo ATGT và chất lượng công trình

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Cục QLĐB, Ban QLDA thuộc Tổng cục ĐBVN;
- Các Sở GTVT được ủy quyền quản lý bảo trì quốc lộ;
- Các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ GTVT;
- Các Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án BOT quốc lộ;
- Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Công tác quản lý, bảo trì và bảo hành công trình đường bộ nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, hạn chế xuống cấp và hư hỏng công trình, kéo dài thời hạn khai thác sử dụng và giảm khấu hao tài sản KCHT đường bộ là nhiệm vụ thường xuyên và cần được thực hiện tốt, nhất là trong điều kiện khi trách nhiệm để xảy ra hư hỏng gây mất an toàn đã được quy định trong Bộ luật hình sự và các quy định của pháp luật, trách nhiệm trong việc duy trì hệ thống đường bộ đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Để làm tốt công tác này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam trân trọng đề nghị các Sở Giao thông vận tải (GTVT), Giao thông vận tải - Xây dựng (sau đây gọi chung là Sở GTVT), các Ban Quản lý dự án (Ban QLDA) thuộc Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), các Nhà đầu tư ký hợp đồng BOT, BT với Bộ GTVT, Tổng công ty VEC và yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ (Cục QLĐB), Ban QLDA và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) nghiên cứu triển khai các nội dung sau:

1. Đối với các tuyến quốc lộ, cao tốc và đường khác thuộc phạm vi sử dụng ngân sách trung ương để bảo trì, yêu cầu các Cục QLĐB, Sở GTVT ủy quyền quản lý quốc lộ, Ban QLDA và các cơ quan thuộc Tổng cục ĐBVN, các nhà thầu/tổ chức tư vấn về bảo trì bằng nguồn vốn này:

1.1- Nghiên cứu triển khai văn bản số 8484/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 17/11/2021 của Tổng cục ĐBVN đã gửi các cơ quan, đơn vị về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành các dự án đầu tư xây dựng và tăng cường chất lượng công tác quản lý, vận hành khai thác trên hệ thống quốc lộ. Đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện công việc; thực hiện các văn bản chỉ đạo khác của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN, đặc biệt thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, giá vv... trong quá trình chuẩn bị, lập dự án, thiết kế, dự toán, thực hiện và thanh toán, quyết toán các công việc bảo trì, quản lý vận hành khai thác công trình.

1.2- Ngoài các nội dung tại Điểm 1.1 Mục này, yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện bổ sung một số nội dung sau:

a) Đối với đoạn đường có các hư hỏng sứt, vỡ mặt đường (dạng ổ gà) sâu ≥ 3cm, hằn lún liên tục (quá 2,5cm) phải được sửa chữa kịp thời bằng nguồn vốn bảo dưỡng thường xuyên/BDTX (sử dụng vật liệu BTN nóng, BTN nguội, láng nhựa hoặc vật liệu thích hợp khác đảm bảo yêu cầu kỹ thuật).

Trường hợp trời mưa, ngập nước hoặc các trường hợp đặc biệt khác tạm thời chưa sửa chữa được thì phải có biện pháp cảnh báo, tổ chức giao thông phù hợp để đảm bảo an toàn cho các phương tiện đi lại.

b) Đối với các vị trí mặt đường thường xuyên bị ngập nước phải kịp thời kiểm tra, xác định nguyên nhân ngập để có giải pháp khắc phục phù hợp bảo vệ nền, mặt đường và đảm bảo giao thông thuận tiện, an toàn.

c) Đối với các cầu sử dụng cáp dự ứng lực ngoài, tăng cường cáp dự ứng lực ngoài cần thực hiện nghiêm túc các nội dung tại văn bản số 8390/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 12/11/2021 của Tổng cục ĐBVN về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các cầu có sử dụng cáp dự ứng lực ngoài đối với kết cấu chịu lực.

d) Đối với khe co giãn trên các cầu còn sử dụng bình thường (chưa phải thay thế): Cần kiểm tra vị trí đường tiếp giáp khe (gồm mặt cầu, đường đầu cầu ở vị trí đỉnh mố) nếu mặt cầu, mặt đường tại đó bị hư hỏng, lún võng, chênh lệch cao độ so với bề mặt khe có giãn thì phải yêu cầu nhà thầu BDTX sửa chữa ngay (bằng BTN nóng, BTN nguội và các vật liệu thích hợp khác đảm bảo yêu cầu kỹ thuật) để mặt đường êm thuận, nhằm đảm bảo ATGT và bảo vệ, phòng chống hư hỏng khe co giãn cầu. Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo.

đ) Tăng cường chất lượng trong khảo sát để đánh giá đúng tình trạng kỹ thuật công trình, thu thập đủ lịch sử bảo trì, các dữ liệu cần thiết vv... từ đó lập hồ sơ thiết kế an toàn, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm khi tiến hành lập dự án, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công công tác sửa chữa.

Đối chiếu kết quả khảo sát của tư vấn lập dự án, BCKTKT, thiết kế với các hệ thống dữ liệu cầu (VBMS), dữ liệu đường của dự án VRAMP theo quy định tại Điểm d, Tiết 1.3 Mục 1 văn bản này.

Tăng cường chất lượng trong lập dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công từ khâu lựa chọn yêu cầu trong hồ sơ thủ tục đấu thầu, chỉ định thầu để tuyển chọn kỹ tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm, có đầy đủ cơ sở pháp lý thực hiện hợp đồng tư vấn trước khi ký hợp đồng giao nhận thầu, đến các khâu nghiệm thu khảo sát, xem xét, đánh giá hồ sơ dự án, BCKTKT, hồ sơ TKBVTC, khi thẩm tra, thẩm định và trình duyệt.

e) Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật đồng thời phải tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các hoạt động bảo trì (kiểm tra, kiểm định, quan trắc, bảo dưỡng, sửa chữa), các hoạt động phòng chống khắc phục thiên tai, khắc phục điểm đen và các nội dung, chương trình về ATGT.

g) Các vật liệu được sử dụng trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên (đá, cát, xi măng, BTN, sắt thép, đất đắp, vật tư thiết bị do nhà sản xuất cung cấp vv…) phải đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật, đạt các chỉ tiêu thí nghiệm hoặc phải có chứng chỉ, tài liệu chứng minh chất lượng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Đồng thời phải coi trọng việc kiểm tra, giám sát khi nhà thầu thi công đối với nội dung này.

h) Đối với các dự án sửa chữa sử dụng vốn bảo trì hàng năm của các Ban QLDA thuộc Tổng cục ĐBVN, các Cục QLĐB thường xuyên tổ chức kiểm tra, trường hợp phát hiện công trình bị hư hỏng, khiếm khuyết phải kịp thời thông báo, nhắc nhở hoặc có văn bản gửi các Ban QLDA yêu cầu khắc phục.

Giám đốc các Ban QLDA 3, 4, 5, 8 chịu trách nhiệm tổ chức khắc phục các tồn tại, hư hỏng ở các dự án sửa chữa được giao.

1.3- Các yêu cầu khác đối với các cơ quan tại Mục 1 văn bản này:

a) Tăng cường kiểm tra nội bộ, kiểm tra tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế trong thực hiện giám sát tác giả (nhất là các công trình chịu lực, móng mố trụ cầu, tháp, móng tường chắn khi đào đến cao độ thiết kế và các trường hợp điều chỉnh thiết kế ban đầu và các trường hợp cần thiết khác), nhà thầu thi công để thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, quan trắc, khảo sát lập dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và đúng quy định của pháp luật; thực hiện tốt việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong công tác quản lý, bảo trì công trình.

b) Đối với các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, cử tri, Ban ATGT tỉnh, địa phương, cơ quan cảnh sát giao thông và lực lượng chức năng, dư luận báo chí vv…, các Cục QLĐB, Sở GTVT, Ban QLDA, VEC và các Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án BOT cần nghiêm túc nghiên cứu nội dung phản ánh, kiểm tra lại để kịp thời khắc phục nếu phản ánh đúng; trường hợp vượt thẩm quyền thì có báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Sau khi kiểm tra, xử lý phải kịp thời có phản hồi lại với cơ quan, tổ chức, cá nhân đã phản ánh và báo cáo lại Tổng cục ĐBVN và cấp có thẩm quyền khác để biết.

c) Thường xuyên nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, định mức và các quy định của Nhà nước để triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo trì công trình được hiệu quả và đúng quy định.

d) Quyết liệt triển khai việc khai báo, cập nhật cơ sở dữ liệu cầu (hệ thống VBMS), cơ sở dữ liệu dự án VRAMP đã đầu tư và các cơ sở dữ liệu khác (PMS); tăng cường kiểm tra việc cập nhật dữ liệu, khai thác sử dụng các cơ sở dữ liệu.

Đối chiếu kết quả khảo sát của tư vấn lập dự án, BCKTKT, thiết kế với các hệ thống dữ liệu cầu (VBMS), dữ liệu đường của dự án VRAMP và các hệ thống khác trước khi trình hoặc thẩm tra, thẩm định và phê duyệt.

2. Đối với các dự án đầu tư công xây dựng công trình trên quốc lộ và các đường khác sử dụng ngân sách trung ương của Bộ GTVT đang trong thời hạn bảo hành, yêu cầu các Cục QLĐB, Sở GTVT phải tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện và có văn bản yêu cầu các Ban QLDA thuộc Bộ GTVT hoặc chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công sửa chữa ngay các hư hỏng, khiếm khuyết của công trình trong quá trình bảo hành.

Văn bản gửi các Ban QLDA, nhà thầu thi công cần nêu rõ phạm vi, mức độ hư hỏng, thời gian phải sửa chữa xong và hậu quả có thể xảy ra nếu không được khắc phục kịp thời. Nếu quá thời hạn trong văn bản mà đơn vị chưa thực hiện việc khắc phục, các Cục QLĐB, Sở GTVT phải có văn bản thông báo, đề nghị Chủ đầu tư, Ban QLDA, nhà thầu thi công thực hiện việc bảo hành; đồng thời có báo cáo về Tổng cục ĐBVN.

3. Đối với các dự án BOT, BT quốc lộ, cao tốc, đường khác do Bộ GTVT là cơ quan ký hợp đồng dự án , yêu cầu các Nhà đầu tư, các Cục QLĐB, Sở GTVT và các đơn vị thuộc Tổng cục ĐBVN, các cơ quan có liên quan:

3.1- Căn cứ các quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đầu tư theo hình thức PPP, Nghị định 06/2021/BĐ-CP, Nghị định 35/2021/NĐ-CP, Thông tư số 50/2018/TT-BGTVT, Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT và quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các nội dung phân cấp, ủy quyền, giao nhiệm vụ của Tổng cục ĐBVN, các Cục QLĐB, Sở GTVT tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhở các Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án BOT thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục các hư hỏng của công trình để đảm bảo an toàn giao thông và chất lượng công trình.

3.2- Đối với các công trình (cầu, đường, nhà hạt, nhà trạm thu phí, đất đã đền bù GPMB và các tài sản, thiết bị khác) trước đây được Nhà nước đầu tư, nhưng bàn giao cho Nhà đầu tư để thực hiện trong dự án BOT, BT (ví dụ cầu Hồ trên QL.38, cầu Phả Lại trên QL.18, quốc lộ 5 và nhiều công trình khác) yêu cầu đối với các cơ quan, đơn vị như sau:

a) Yêu cầu Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án BOT phải bảo vệ, bảo quản, khai thác sử dụng, bảo trì công trình đúng quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 và pháp luật về xây dựng, bảo trì, quản lý tài sản khác có liên quan nhằm bảo đảm công năng khai thác, sử dụng, chống hư hỏng, xuống cấp các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ này.

Việc cải tạo, sửa chữa, thay thế, tăng giảm quy mô, giá trị tài sản phải báo cáo Tổng cục ĐBVN có ý kiến trước khi thực hiện.

b) Yêu cầu các Cục QLĐB, Sở GTVT căn cứ theo địa bàn quản lý (kể cả ủy quyền) để thực hiện các công việc sau:

- Theo dõi, kiểm tra tình hình quản lý, bảo quản, bảo vệ, sử dụng, khai thác và bảo trì tài sản KCHTGTĐB của các Nhà đầu tư/ Doanh nghiệp dự án BOT;

- Theo dõi tài sản, biến động giá trị của tài sản KCHTGT đường bộ theo đúng các quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 (Luật QLSD tài sản công 2017), Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật QLSD tài sản công 2017; Nghị định số 33/2019/NĐ-CP về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KCHT GT đường bộ.

Có báo cáo kịp thời các nội dung cần thiết liên quan đến tình hình quản lý, sử dụng, khai thác, bảo trì và giá trị tài sản công nêu trên.

4. Đối với các tuyến cao tốc do VEC quản lý: Các Cục QLĐB căn cứ theo địa bàn quản lý của mình để tổ chức kiểm tra định kỳ (ít nhất 01 lần mỗi tháng), kiểm tra đột xuất (khi có phản ánh của tổ chức, cá nhân hoặc các thông tin trên mạng xã hội, internet…) để kịp thời phát hiện và có văn bản yêu cầu VEC khắc phục các hư hỏng, khiếm khuyết của công trình.

Trường hợp VEC không khắc phục hoặc khắc phục không đảm bảo yêu cầu gây mất ATGT thì kịp thời báo cáo Tổng cục ĐBVN để có biện pháp xử lý.

5. Công tác quản lý, bảo trì, bảo hành công trình trên đường tỉnh, đường địa phương, đường giao thông nông thôn: Đề nghị các Sở GTVT, GTVT-XD nghiên cứu, tổ chức thực hiện đối với tuyến đường thuộc phạm vi quản lý; hướng dẫn UBND cấp huyện và cấp xã thực hiện. Trường hợp cần thiết, tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND cấp huyện, cơ quan, đơn vị đầu tư xây dựng, quản lý bảo trì đường địa phương thực hiện tốt công tác bảo trì, bảo hành công trình đường bộ.

Các cơ quan, đơn vị căn cứ nội dung trên khẩn trương triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Thứ trưởng Lê Đình Thọ (thay báo cáo);
- Vụ KCHTGT -Bộ GTVT;
- Các Phó Tổng Cục trưởng;
- Các đơn vị thuộc Tổng cục:
Các vụ: ATGT, KHĐT, Tài chính,
KHCN-MT-HTQT, PC-TTr;
Cục QLXD đường bộ;
Trung tâm truyền thông và thông tin ĐB;
- Lưu: VT, QLBTĐB (LHgĐp, NVNg).

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Huyện

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 8590/TCĐBVN-QLBTĐB năm 2021 về nâng cao trách nhiệm và tăng cường chất lượng quản lý, bảo trì các tuyến đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông và chất lượng công trình do Tổng cục đường bộ Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 8590/TCĐBVN-QLBTĐB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 19/11/2021
  • Nơi ban hành: Tổng cục đường bộ Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản