Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1363/BHXH-QLT | Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2025 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các khu vực
Để kịp thời triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 41/2024/QH15 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29/6/2024 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27/11/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Trong khi chờ Chính phủ và các Bộ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành; để các quy định mới đi vào thực tiễn đời sống ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành, BHXH Việt Nam tổng hợp những nội dung mới của Luật BHXH, Luật BHYT, BHXH địa phương cần phải triển khai:
1. Những điểm mới về đối tượng, mức đóng, phương thức đóng BHXH, BHYT
1.1. Về Bảo hiểm xã hội bắt buộc
1.1.1. Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:
a) Đối với người lao động là người Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm 13 nhóm; trong đó vừa quy định mở rộng và vừa làm rõ hơn 06 nhóm đối tượng tham gia, gồm:
(1) Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác (không sử dụng tên gọi là HĐLĐ) nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên (làm rõ - đồng bộ với quy định về HĐLĐ tại Bộ luật Lao động năm 2019);
(2) Dân quân thường trực (chỉ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất và do người sử dụng lao động (NSNN)[1]);
(3) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố;
(4) Người lao động làm việc theo HĐLĐ làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất (bằng mức tham chiếu[2]);
(5) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ[3];
(6) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương;
b) Đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam:
Kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp như sau:
(1) Bãi bỏ quy định: Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề;
(2) Bổ sung quy định đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc: Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;
(3) Sửa đổi quy định: Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động.
1.1.2. Xác định đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tại Điều 30, Luật BHXH năm 2024 bổ sung quy định:
(1) Cơ quan BHXH chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác định và theo dõi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; đôn đốc và hướng dẫn việc lập hồ sơ đăng ký tham gia BHXH bắt buộc.
(2) Cơ quan BHXH chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan vận động để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
(3) Các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành về lao động, dân cư, thuế, đăng ký doanh nghiệp có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến người tham gia và người thuộc diện tham gia BHXH với cơ quan BHXH theo quy định của Chính phủ.
1.1.3. Căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc
(1) Luật BHXH năm 2024 cơ bản kế thừa các quy định hiện hành và có sửa đổi, bổ sung quy định việc thay mức lương cơ sở bằng mức tham chiếu; mức tham chiếu hiện hành bằng mức lương cơ sở.
(2) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
1.1.4. Về mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
(1) Luật BHXH năm 2024 quy định mức đóng BHXH đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn bao gồm cả đóng vào quỹ ốm đau, thai sản.
(2) Dân quân thường trực chi đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất và do người sử dụng lao động (NSNN) đóng toàn bộ.
1.1.5. Thời hạn đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Cơ bản kế thừa quy định hiện hành, bổ sung quy định về thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất (ngày cuối cùng của tháng sau liền kề).
1.2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện
a) Về đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành và có làm rõ: Người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng BHXH bắt buộc trong thời gian này.
b) Về chế độ đối với Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bổ sung chính sách khuyến khích nhằm phát triển người tham gia BHXH tự nguyện: Người mẹ tham gia BHXH tự nguyện sinh con, hoặc người cha tham gia BHXH tự nguyện có vợ sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH thì được hưởng trợ cấp thai sản với mức 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra.
c) Về mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo quy định tại khoản 1 điều 36 Luật BHXH năm 2024: Người tham gia BHXH tự nguyện, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Mức tham chiếu[4] là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định trong Luật.
d) Về căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo quy định tại khoản 2 điều 31 Luật BHXH năm 2024: Thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
e) Quy định chuyển tiếp đối với người tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 01/01/2021
Người tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 01/01/2021 và đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, trừ trường hợp người lao động có nguyện vọng hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật BHXH năm 2024.
1.3. Về Bảo hiểm y tế
1.3.1. Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, theo quy định gồm 05 nhóm:
a) Nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng
- Đối với người lao động là người Việt Nam, quy định mở rộng 4 nhóm đối tượng tham gia đảm bảo đồng bộ với đối tượng tham gia được quy định trong Luật BHXH:
(1) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
(2) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương;
(3) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
(4) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, bổ sung quy định đảm bảo đồng bộ với đối tượng tham gia được quy định trong Luật BHXH.
b) Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng, bổ sung 02 đối tượng tham gia phải đóng BHYT theo mức quy định mà Luật BHYT năm 2008 và Luật BHYT năm 2014 quy định không phải đóng nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
- Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
- Người nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
c) Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bổ sung 03 nhóm đối tượng tham gia đồng bộ với quy định của Luật BHXH; quy định cụ thể hơn đối với 01 nhóm đối tượng hưởng tuất hàng tháng.
(1) Người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
(2) Người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;
(3) Người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đang trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
(4) Người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.
d) Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bổ sung 05 nhóm đối tượng đồng bộ với quy định của các Luật có liên quan, mở rộng đối tượng nhân viên y tế.
(1) Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
(2) Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản;
(3) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật;
(4) Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ;
(5) Người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa;
(6) Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
e) Nhóm tự đóng bảo hiểm y tế, mở rộng và bổ sung 02 nhóm đối tượng tham gia:
(1) Người sinh sống và làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo;
(2) Người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
1.3.2. Về căn cứ đóng
- Luật BHYT năm 2024 cơ bản kế thừa các quy định hiện hành và có sửa đổi, bổ sung quy định về mức lương cơ sở bằng mức tham chiếu.
- Đối với một số đối tượng tham gia thuộc nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng, mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH.
1.3.3. Về mức đóng, trách nhiệm đóng, mức hỗ trợ đóng (theo phụ lục 01 đính kèm)
1.3.4. Về phương thức đóng
Luật BHYT năm 2024 cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành; quy định bổ sung phương thức đóng của người sử dụng lao động và đối tượng chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đóng qua hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia quản lý theo phương thức đóng hàng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Thời hạn đóng bảo hiểm y tế chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định đồng bộ với quy định của Luật BHXH.
1.3.5. Về xác định thứ tự đóng bảo hiểm y tế đối với trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau
Người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, quy định bổ sung một số trường hợp cụ thể:
(1) Người tham gia thuộc đối tượng quy định tại nhóm do NSNN hỗ trợ mức đóng (trừ học sinh, sinh viên) đồng thời thuộc đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình thì được lựa chọn đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
(2) Người tham gia thuộc nhiều đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì được lựa chọn tham gia theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
2. Quy định về chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT
2.1. Quy định về đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 35 - Luật BHXH)
- Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm phát hiện và đôn đốc bằng văn bản đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Cơ quan bảo hiểm xã hội công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Cơ quan bảo hiểm xã hội gửi thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và cơ quan thanh tra có liên quan để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
2.2. Quy định về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 38 - Luật BHXH)
Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đã đăng ký kể từ sau ngày đóng bảo hiểm xã hội chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật BHXH năm 2024 hoặc kể từ sau ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 39 của Luật BHXH năm 2024;
- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật BHXH năm 2024;
- Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
2.3. Quy định về chậm đóng bảo hiểm y tế (Điều 48a - Luật BHYT)
Chậm đóng bảo hiểm y tế là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng bảo hiểm y tế kể từ sau ngày đóng bảo hiểm y tế chậm nhất quy định tại khoản 8 Điều 15 của Luật BHYT năm 2024, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 48b của Luật này;
- Không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm y tế trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Luật BHYT năm 2024;
2.4. Quy định về trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 39 - Luật BHXH)
Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật BHXH năm 2024 mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp;
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật BHXH năm 2024;
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật BHXH năm 2024 và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này;
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm thất nghiệp sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật BHXH năm 2024;
2.5. Quy định về trốn đóng bảo hiểm y tế (Điều 48b - Luật BHYT)
Trốn đóng bảo hiểm y tế là hành vi của người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Luật BHYT năm 2024 mà người sử dụng lao động không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm y tế;
- Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế thấp hơn tiền lương quy định tại Điều 14 của Luật BHYT năm 2024;
- Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký bảo hiểm y tế sau 60 ngày kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế chậm nhất theo quy định tại khoản 8 Điều 15 của Luật BHYT năm 2024 và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định của Chính phủ;
2.6. Biện pháp xử lý hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 40 - Luật BHXH, khoản 2 Điều 49 - Luật BHYT)
- Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế.
- Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
2.7. Biện pháp xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 41 - Luật BHXH; khoản 3, 4 Điều 49 - Luật BHYT)
- Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế.
- Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
- Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế do chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế.
2.8. Quy định chuyển tiếp (Khoản 12 Điều 141- Luật BHXH; điểm d khoản 5 Điều 3 - Luật BHYT)
Đối với số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế mà người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng theo quy định của Luật số 58/2014/QH13, Luật Việc làm số 38/2013/QH13, Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 46/2014/QH13, Luật số 97/2015/QH13, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 68/2020/QH14 và Luật số 30/2023/QH15 nhưng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2025 mà không đóng hoặc không đóng đầy đủ thì được xử lý theo quy định về chậm đóng, trốn đóng của Luật BHXH số 41 và Luật BHYT số 51.
3. Những điểm mới liên quan đến sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế
3.1. Về sổ BHXH
3.1.1. Quy định về giải quyết đăng ký tham gia và cấp sổ BHXH đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện theo Điều 16 Nghị định số 143/2024/NĐ-CP ngày 01/11/2024 của Chính phủ quy định về hiệu lực thi hành từ 01/01/2025:
“Cơ quan BHXH có trách nhiệm cấp sổ BHXH trong thời hạn sau đây:
a) 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lần đầu;
b) 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội; trường hợp quá trình xác minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phức tạp thì không quá 45 ngày. Trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
c) 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”
3.1.2. Luật BHXH 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025
- Khoản 2 Điều 25 Luật BHXH 2024 quy định: “Chậm nhất là ngày 01/01/2026 thực hiện cấp sổ BHXH bằng bản điện tử, sổ BHXH bằng bản giấy được cấp khi người tham gia BHXH yêu cầu”.
- Điểm c, Khoản 1, Điều 10 Luật BHXH thì người tham gia BHXH có quyền: “Được cơ quan BHXH định kỳ hằng tháng cung cấp thông tin về việc đóng BHXH thông qua phương tiện điện tử; được cơ quan BHXH xác nhận thông tin về đóng BHXH khi có yêu cầu”.
- Điểm e, Khoản 2, Điều 10 Luật BHXH thì người thụ hưởng chế độ BHXH có quyền: “Được cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ hằng tháng cung cấp thông tin về việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thông qua phương tiện điện tử; được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thông tin về hưởng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu”.
3.2. Về thẻ BHYT
3.2.1. Bổ sung thêm các mã đối tượng tham gia BHYT như sau:
- LN : Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
- CD: Chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
- VQ: Công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong quân đội
- VA: Công nhân công an công tác trong công an nhân dân
- VY: người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu
- HY: Học viên quân đội, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài.
- HA: Học viên công an hưởng sinh hoạt phí là người nước ngoài.
- QD: Dân quân thường trực
- LH: Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng
- LT: Người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đang trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng.
- YT: Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản.
- KT: Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
- NM: Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
- NB: Nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 của Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ.
- LK: Người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
3.2.2. Về hồ sơ cấp thẻ BHYT
Theo Khoản 1 Điều 17 Luật BHYT số 51/2024/QH15:
a) Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, hộ gia đình đối với người tham gia bảo hiểm y tế lần đầu;
b) Danh sách tham gia bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này do người sử dụng lao động lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 12 của Luật này tự nộp, hồ sơ là tờ khai quy định tại điểm a khoản này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được xác định thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế;
c) Danh sách tham gia bảo hiểm y tế của các đối tượng quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 12 của Luật này do Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo hộ gia đình, trừ đối tượng thuộc danh sách quy định tại điểm d và điểm đ khoản này;
d) Danh sách tham gia bảo hiểm y tế của các đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành khác quản lý quy định tại điểm n khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 12 của Luật này do các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp lập;
đ) Danh sách tham gia bảo hiểm y tế của các đối tượng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý quy định tại các điểm a, c, e và h khoản 1, các điểm a, b, c, d, l và n khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 12 của Luật này và danh sách của đối tượng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 12 của Luật này do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an lập.
3.3.3. Tại Khoản 3 Điều 17 Luật BHYT năm 2024 quy định:
“Chính phủ quy định việc cấp thẻ bảo hiểm y tế bằng bản giấy và bằng bản điện tử”.
3.3.4. Tại Khoản 1 Điều 26 Luật BHYT năm 2024 quy định: Người tham gia BHYT có quyền thay đổi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu trong 15 ngày đầu của mỗi quý.
3.4.5. Thời hạn cấp và trả thẻ BHYT
Theo Khoản 2 Điều 17 Luật BHYT năm 2024: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội phải cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế và thông báo hoặc giao thẻ cho cơ quan, tổ chức quản lý, lập danh sách đối tượng.
Theo Khoản 3 Điều 39 Luật BHYT năm 2024: Tổ chức, cá nhân đóng bảo hiểm y tế có trách nhiệm giao thẻ hoặc thông báo về kết quả cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thẻ hoặc nhận được thông báo về kết quả cấp thẻ bảo hiểm y tế từ cơ quan bảo hiểm xã hội.
4. Nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam
4.1. Ban Quản lý thu và phát triển người tham gia
- Tập huấn, triển khai những quy định mới của Luật BHXH, BHYT năm 2024.
- Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của BHXH các địa phương trong triển khai thực hiện, đề xuất phương án giải quyết.
-Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại BHXH các địa phương.
4.2. Ban Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia
- Tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giải đáp những nội dung mới của Luật BHXH, BHYT năm 2024 đảm bảo thường xuyên, liên tục; đồng thời, tăng cường hướng dẫn BHXH các khu vực triển khai linh hoạt các hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện thực tế tại địa phương.
- Xây dựng video ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu để tuyên truyền và tổ chức thực hiện.
- Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin điện tử và các nền tảng xã hội (Facebook, Zalo,...).
- Theo dõi, nắm bắt thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet và dư luận xã hội, người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, tham mưu Lãnh đạo BHXH Việt Nam các phương án xử lý thông tin khi cần thiết.
Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị và Giám đốc BHXH các khu vực tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo về BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết./.
| KT. GIÁM ĐỐC |
PHỤ LỤC
DANH MỤC ĐỐI TƯỢNG, MỨC ĐÓNG, TRÁCH NHIỆM ĐÓNG, MỨC HỖ TRỢ VÀ PHƯƠNG THỨC ĐÓNG
STT | Đối tượng | Mức đóng, trách nhiệm đóng, mức hỗ trợ đóng và phương thức đóng |
I | Nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng |
|
1 | Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên; | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba |
2 | Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương; | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và do đối tượng đóng |
3 | Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba |
4 | Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và do đối tượng đóng |
5 | Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ trường hợp là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hoặc tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác; | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba |
II | Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng |
|
1 | Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do cơ quan BHXH đóng |
2 | Người nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do cơ quan BHXH đóng |
III | Nhóm do ngân sách nhà nước đóng |
|
1 | Người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do NSNN đóng |
2 | Người tử đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do NSNN đóng |
3 | Người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đang trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do NSNN đóng |
4 | Người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội. | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do NSNN đóng |
5 | Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng |
|
6 | Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT |
7 | Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản; | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT |
8 | Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật; | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động đóng hai phần ba và người lao động đóng một phần ba |
9 | Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ; | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT |
10 | Người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa; | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT |
11 | Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người. | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT |
V | Nhóm tự đóng bảo hiểm y tế |
|
1 | Người sinh sống và làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo; | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình hoặc tự đóng theo cá nhân tham gia |
2 | Người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động. | Mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình hoặc tự đóng theo cá nhân tham gia |
[1] Đã thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTNLĐ, BNN bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.
[2] Mức tham chiếu hiện hành bằng mức lương cơ sở.
[3] Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì (i) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 01/7/2025 và (ii) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh còn lại thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 01/7/2029.
[4] Khoản 13, Điều 141 Luật BHXH năm 2024.
- 1Nghị định 159/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện
- 2Nghị định 158/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
- 3Nghị định 157/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân, dân quân thường trực và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân
Công văn 1363/BHXH-QLT năm 2025 hướng dẫn triển khai những nội dung mới của Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế năm 2024 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 1363/BHXH-QLT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 27/06/2025
- Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Người ký: Trần Đình Liệu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/06/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra