Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 805/CĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2022

 

CÔNG ĐIỆN

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT; HOÀN THIỆN CÁC DỰ ÁN LUẬT TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 4 QUỐC HỘI KHÓA XV

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ điện:

 

- Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Trong thời gian qua các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều nỗ lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, tạo chuyển biến tích cực, được Chính phủ đánh giá cao trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khắc phục những mâu thuẫn, bất hợp lý trong hệ thống pháp luật. Để tiếp tục tăng cường công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các công việc sau đây:

1. Về tăng cường công tác xây dựng pháp luật:

Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật của Bộ, cơ quan ngang bộ, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện, góp ý các dự án luật, đề nghị xây dựng luật theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội; thực hiện nghiêm túc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; chấp hành nghiêm các nghị quyết của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, các kết luận, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ[1] về công tác xây dựng pháp luật.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật, thực hiện nghiêm túc quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung và tiến độ trình các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Các cơ quan chủ trì soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội và các bộ, cơ quan liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham vấn rộng rãi ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động của chính sách; chủ động truyền thông trên các phương tiện thông tin về các đề xuất chính sách, tạo sự đồng thuận của xã hội, của Nhân dân trong quá trình xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến, hoàn thiện dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan để nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng; trường hợp còn ý kiến khác nhau, các Bộ trưởng trực tiếp trao đổi để thống nhất trước khi báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại điểm d Khoản 3 Điều 8 của Quy chế làm việc của Chính phủ.

Các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát các nhiệm vụ xây dựng các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao trong năm 2022, chủ động đề xuất các nội dung cần báo cáo Chính phủ để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa vào chương trình phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật hằng tháng từ nay đến hết năm 2022, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 9 năm 2022.

2. Về việc chuẩn bị và trình các dự án Luật tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV:

- Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan liên quan để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, gồm: dự án Luật đất đai (sửa đổi), dự án Luật đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi), dự án Luật giá (sửa đổi), dự án Luật phòng thủ dân sự, dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp) và các dự án Luật khác (nếu có).

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các Đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan liên quan, nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, gồm: dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

- Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện các dự án Luật sau khi được cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo.

- Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ chủ động theo dõi, đôn đốc quá trình hoàn thiện các dự án Luật, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng được Thủ tướng Chính phủ giao; theo dõi nội dung các dự án Luật, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh.

- Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 là các dự án Luật quan trọng, có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi rộng, tác động lớn, được dư luận Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm, do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì các dự án Luật này và các bộ, cơ quan liên quan hết sức quan tâm, chỉ đạo việc hoàn thiện các dự án Luật, bảo đảm gửi hồ sơ dự án Luật đúng quy định; chủ động trao đổi, làm việc với các cơ quan của Quốc hội để tạo sự đồng thuận; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh, bảo đảm đúng Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo này và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng CP, các Phó Thủ tướng CP;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý, Thư ký của TTg và các PTTg Các Vụ: QHĐP, TH, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, PL (2).

THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

 



[1] Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 30/01/2022, số 22/NQ-CP ngày 28/02/2022, số 37/NQ-CP ngày 16/3/2022, số 95/NQ-CP ngày 01/8/2022; số 111/NQ-CP ngày 30/8/2022); các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 301/TTg-PL ngày 06/4/2022, Thông báo số 273/TB-VPCP ngày 22/10/2021; Thông báo số 239/TB-VPCP ngày 09/8/2022).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công điện 805/CĐ-TTg năm 2022 về tăng cường công tác xây dựng pháp luật; hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV do Thủ tướng Chính phủ điện

  • Số hiệu: 805/CĐ-TTg
  • Loại văn bản: Công điện
  • Ngày ban hành: 11/09/2022
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Minh Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản