ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3839/UB-KT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 9 năm 1999 |
BẢO VỆ TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT 1999-2002.
Công tác bảo vệ trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng đã và đang ngày càng được sự quan tâm của Đảng, Chính quyền và xã hội, điều đó được thể hiện ở các mục tiêu cụ thể trong chương trình Hành động vì trẻ hàng năm của Ủy ban nhân dân thành phố và các ngành các cấp.
Đến nay toàn thành phố với các loại hình đa dạng như mái ấm, nhà mở, nhà tình thương, trường vừa học vừa làm, với hơn 40 cơ sở đã chăm sóc thường xuyên cho trên 2000 trẻ em lang thang, không nơi nương tựa, trẻ em lao động sớm, có nguy cơ bị xâm hại. Ngoài ra việc quản lý giáo dục, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em chưa ngoan, có nguy cơ phạm pháp, nghiện hút (khoảng trên 4.000 em) cần được thực hiện ngay tại cộng đồng.
Hiện nay thành phố có khoảng 6.000 trẻ lang thang, trên 1.000 em kiếm sống trong môi trường độc hại, 619 em nghiện hút, 5.400 em làm trái pháp luật. Số trẻ em chưa ngoan làm trái pháp luật, hút chích heroin có xu hướng tăng.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói trên phần lớn bị nhiều thiệt thòi cần được các ngành, các cấp quan tâm, bảo vệ và chăm sóc nhằm kịp thời ngăn chặn những nguy cơ bị xâm hại và những ảnh hưởng đến môi trường.
Để thực hiện quyết định số 134/1999/QĐ-TTg ngày 31/5/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình Hành động Bảo vệ Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề ra các mục tiêu, các giải pháp và kế hoạch hành động cụ thể như sau:
I.- CÁC MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP:
1- Mục tiêu chung:
Tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ngăn ngừa, giảm dần và tiến tới giải quyết cơ bản vào năm 2002 tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc và độc hại, trẻ em bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự, trẻ em vi phạm pháp luận trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
2- Mục tiêu cụ thể từ năm 1999 đến năm 2002:
a) Đối với trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em dưới 15 làm việc trong điều kiện nặng nhọc và độc hại:
- Năm 1999: giảm ít nhất 20% (so với năm 1998) trẻ em thuộc đối tượng này.
- Tiến đến năm 2002 giải quyết cơ bản (giảm 80% so với năm 1999).
Biện pháp:
- Kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có sử dụng lao động trẻ em, yêu cầu áp dụng đúng luật pháp quy định.
- Hạn chế tình trạng trẻ em phải kiếm sống trong môi trường độc hại, nguy hiểm: kiếm sống ở bãi rác...
Phối hợp chặt chẽ các địa phương có trẻ em đối tượng này để vận động gia đình và trẻ em trở về quê sinh sống.
- Tập trung người sống lang thang lòng lề đường (trong đó có trẻ em) để xử lý ai có nơi nương tựa thì đưa về quê, ai không còn nơi nương tựa thì đưa vào các cơ sở xã hội.
- Tổ chức dạy nghề, hỗ trợ vốn tạo việc làm cho trẻ em lang thang hồi gia và trẻ em có nguy cơ lang thang.
- Mở rộng các loại hình trường lớp không chính quy (lớp tình thương, vừa học vừa làm...) để thu hút trẻ em thuộc đối tượng này.
b) Đối với trẻ em bị xâm phạm nhân phẩm, danh dự, bị xâm phạm tình dục, đặc biệt vì mục đích thương mại:
- Năm 1999: giảm ít nhất 20% (so với năm 1998) các vụ việc có liên quan đến trẻ em bị xâm phạm nhân phẩm, danh dự, bị xâm phạm tình dục, đặc biệt vì mục đích thương mại. Tiến tới năm 2002 giảm 80% (so với năm 1999).
Biện pháp:
- Phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức đường dây mua bán, ép buộc cưỡng bức lợi dụng trẻ em vào việc mua bán dâm.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan.
- Xử phạt nghiêm minh, kịp thời các vụ việc có liên quan đến việc xâm hại sức khỏe danh dự nhân phẩm trẻ em.
c) Đối với trẻ em sử dụng ma túy:
- Năm 1999: giảm ít nhất 30% trẻ em (so với năm 1998).
- Năm 2002: giảm 80% (so với năm 1999).
Biện pháp:
- Phát hiện, xử lý triệt để các đường dây mua bán ma túy có sử dụng và liên quan đến trẻ em.
- Mở rộng các cơ sở cai nghiện, có chế độ chính sách việc chữa trị trẻ em nghiện ma túy thuộc gia đình nghèo.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phổ biến chủ trương, biện pháp và những quy định của luật pháp có liên quan đến công tác đấu tranh ngăn ngừa, phòng chống ma túy trong cộng đồng khu dân cư, trường học và trong từng gia đình.
d) Đối với trẻ em là tội phạm:
- Năm 1999: giảm 20-30% so với năm 1998 các vụ có tội phạm là trẻ em.
- Đến năm 2002: giảm 80% (so với năm 1999).
Biện pháp:
- Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình giáo dục trẻ chưa ngoan trên địa bàn dân cư như: Câu lạc bộ Ông bà cháu, người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan.
- Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm, các nhóm đối tượng có trẻ em có nguy cơ.
- Đẩy mạnh sinh hoạt câu lạc bộ năng khiếu phong trào rèn luyện thân thể trong nhà trường và ở địa bàn dân cư.
- Đẩy mạnh sinh hoạt đoàn đội, các hình thức tập trung thanh thiếu niên.
II.- CÁC ĐỀ ÁN CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:
Đề án 1: Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống và bị lạm dụng sức lao động.
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em thành phố, Công an thành phố, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban nhân dân quận-huyện.
Đề án 2: Phòng ngừa tình trạng trẻ em bị xâm phạm nhân phẩm, danh dự, trẻ em bị xâm phạm tình dục, đặc biệt vì mục đích thương mại.
- Cơ quan chủ trì: Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố
- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, Công an thành phố, Sở Văn hóa và Thông tin, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em thành phố, Thành Đoàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ...
Đề án 3: Ngăn chặn, phòng chống tệ nạn ma túy trong trẻ em.
- Cơ quan chủ trì: Công an thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em thành phố, Sở Văn hóa và Thông tin, Sở Thể dục-Thể thao, Sở Giáo dục-Đào tạo, Sở Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện.
Đề án 4: Đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi trẻ em.
- Cơ quan chủ trì: Công an thành phố
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em thành phố, Sở
Văn hóa và Thông tin, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố,....Ủy ban nhân dân các quận-huyện.
Đề án 5: Tổ chức công tác truyền thông giáo dục, tư vấn với nhiều hình thức (như sử dụng hình thức trung tâm truyền thông, giáo dục, tư vấn...) cho gia đình và cộng đồng về bảo vệ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em thành phố.
- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp thành phố, Sở Văn hóa và Thông tin, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ ...
1- Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em thành phố:
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các đề án.
- Xây dựng, đề xuất các chính sách về bảo vệ trẻ em.
- Khảo sát thực trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
- Tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm việc với trẻ em.
2- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em thành phố điều tra nắm chắc số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
- Xây dựng quy chế quản lý và kiểm tra, giám sát củng cố các cơ sở chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
- Tham mưu chế độ chính sách hợp lý cho việc nuôi dạy trẻ diện này.
- Vận động sự giúp đỡ tài trợ của các cá nhân trong và ngoài nước.
3- Công an thành phố:
- Điều tra truy tố xử lý kịp thời các trường hợp xâm phạm quyền trẻ em.
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể giúp đỡ giáo dục chuyển hóa địa bàn và các gia đình không gương mẫu vi phạm quyền trẻ em, tăng cường quản lý giáo dục trẻ chưa ngoan, phạm pháp trên địa bàn dân cư cũng như trong các trường trại.
4- Sở Tài chánh-Vật giá thành phố:
Xem xét dành tỷ lệ kinh phí thỏa đáng cho việc thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
5- Sở Tư pháp thành phố:
- Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền các luật có liên quan đến trẻ em như: Luật Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em, Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, luật giao thông, Bộ luật lao động, Bộ luật Hình sự (chương về trẻ em).
6- Sở Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố và các báo thành phố:
- Tuyên truyền, lên án các hành vi xâm hại quyền trẻ em (bắt trẻ đi ăn xin, lạm dụng tình dục) và các thói hư, tật xấu đang tác động vào trẻ em như nạn hút hít, bỏ học, đua xe...
- Tuyên truyền Luật Bảo vệ Chăm sóc Giáo dục Trẻ em, các điển hình trong phong trào chăm sóc trẻ em, gương người tốt, việc tốt trong việc Bảo vệ Chăm sóc Giáo dục Trẻ em, phê phán việc làm có hại cho sự phát triển toàn diện trẻ em.
7- Sở Giáo dục-Đào tạo:
- Phối hợp Sở Tài chánh-Vật giá thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố xây dựng chính sách đối với trẻ em và cán bộ làm việc với trẻ em như: giáo dục viên, giáo viên các lớp phổ cập, lớp tình thương, trường khuyết tật...
- Đưa nội dung giáo dục luật pháp và phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm vào các chương trình chính khóa và ngoại khóa.
- Tổ chức hình thức giáo dục thích hợp để thu hút hầu hết trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt đến lớp.
- Có biện pháp nhằm thu hút học sinh lưu ban, bỏ học trở lại học tập.
8- Sở Thể dục-Thể thao:
- Đẩy mạnh tổ chức phong trào rèn luyện thân thể, các hoạt động thể dục thể thao cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
9- Đề nghị Viện sát nhân dân và Tòa án nhân dân thành phố:
- Tăng cường chỉ đạo công tác, giám sát, truy tố các vụ án xâm hại trẻ em, hình thành đội ngũ kiểm sát viên, thẩm phán, chuyên trách về trẻ em các cấp.
- Tổ chức tập huấn về Quyền trẻ em cho kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân chuyên xét xử các tội phạm có liên quan đến trẻ em.
10- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các đoàn thể và các Hội quần chúng:
a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc:
Đề nghị tham gia các hoạt động:
- Thông qua phong trào: “toàn dân đoàn kết, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” vận động các tầng lớp nhân dân quán triệt Luật Bảo vệ Chăm sóc Giáo dục Trẻ em, tham gia tích cực việc bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
- Phối hợp Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em tập hợp, giáo dục đối tượng trẻ em chưa ngoan tham gia phong trào “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan” phát triển mô hình “Câu lạc bộ ông bà cháu” trên địa bàn dân cư.
- Vận động các nguồn tài trợ để tài trợ để giúp các trung tâm, cơ sở nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh khó khăn, thăm viếng giúp đỡ trẻ khó khăn trên địa bàn.
b) Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
- Quản lý tổ chức sinh hoạt giáo dục trẻ em trên địa bàn dân cư, hạn chế tình trạng trẻ chưa ngoan, phạm pháp.
- Tham gia vận động trẻ em ra lớp, giúp trẻ bỏ học trở lại lớp.
- Chỉ đạo các nhà thiếu nhi, tổ chức các sinh hoạt cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
c) Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố:
- Phát huy vai trò người phụ nữ trong gia đình, gần gũi giáo dục con cái, phát hiện ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại trẻ em trong các gia đình trên địa bàn dân cư.
- Phát hiện và giáo dục phụ nữ, trẻ em mãi dâm, giáo dục các bà mẹ không gương mẫu đối với con cái.
- Vận động phong trào đóng góp giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, tạo điều kiện cho đối tượng này được tham gia sinh hoạt lành mạnh, hội nhập trong cộng đồng.
d- Liên đoàn Lao động thành phố:
- Phổ biến, tuyên truyền Luật Bảo vệ Chăm sóc Giáo dục Trẻ em trong công nhân lao động thành phố.
- Vận động cán bộ, công nhân viên chức, các đơn vị kinh tế tham gia tổ chức các hoạt động chăm sóc trẻ em, con em cán bộ công nhân viên chức và người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
- Kiểm tra, giám sát việc sử dụng lao động trẻ em tại các cơ sở.
e) Các tổ chức xã hội từ thiện khác (Hội chữ thập đỏ, Hội phụ nữ Từ thiện, Hội bảo trợ trẻ em...)
- Tham gia tuyên truyền giáo dục, vận động đóng góp vật chất, tinh thần cho việc Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em thuộc đối tượng nêu trên, phối hợp các ban, ngành chức năng triển khai thực hiện chương trình này.
11- Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã:
- Chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em xây dựng chương trình Hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của địa phương (1999-2002), đưa vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và kế hoạch kinh tế -xã hội của Ủy ban nhân dân cấp mình.
- Chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện chương trình phấn đấu hoàn thiện các chỉ tiêu cho địa phương theo định kỳ chương trình hành động của thành phố (1999-2002).
- Đầu tư ngân sách thỏa đáng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của địa phương.
IV.- KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:
- Vốn từ ngân sách thành phố được bố trí trong kế hoạch hàng năm của các Sở-Ngành chủ trì cho các đề án 1, 2, 3, 4, 5.
- Ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố cho phép các ban, ngành được huy động từ các nguồn vốn khác ở trong và ngoài nước cho các đề án của chương trình.
- Riêng năm 1999 các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân quận- huyện chủ động bố trí kinh phí cho các đề án thành phần trong dự toán ngân sách Nhà nước đã được giao.
V.- THỜI GIAN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:
Từ năm 1999-2002
1- Các cơ quan được phân công chủ trì các Đề án, căn cứ các mục tiêu tương ứng được nêu tại mục I của văn bản này để chủ động phối hợp các cơ quan có liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đề án trên địa bàn thành phố (chú ý các khu vực trọng điểm). Trong đề án cần nêu các chương trình, biện pháp cụ thể.
2- Ủy ban nhân dân các quận-huyện căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và 4 mục tiêu trên, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gắn với việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mình.
3- Đề nghị các đoàn thể, nhân dân tổ chức triển khai chương trình trong phạm vi hoạt động của mình, đồng thời tham gia giám sát việc thực hiện kế hoạch hành động của các cấp chính quyền có liên quan.
4- Giao Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em thành phố là cơ quan giúp Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp xây dựng kế hoạch, theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện chương trình cho các lãnh đạo Trung ương và thành phố. Tổ chức sơ kết vào cuối năm 1999, 2000, 2001 và tổng kết cuối năm 2002.
Vì sự nghiệp Bảo vệ Chăm sóc và giáo dục trẻ em nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu lãnh đạo các ban ngành, các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận- huyện tích cực thực hiện sự phân công nêu trên và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện (hàng quý, nửa năm, năm) cho Ủy ban nhân dân thành phố (đồng gửi Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em thành phố)./.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Quyết định 2431/QĐ-UBND năm 2007 công bố danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành do Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 1978/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch thực hiện “Chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 3Quyết định 419/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thực hiện Chương trình Bảo vệ trẻ em tỉnh Bắc Kạn
- 4Nghị quyết 102/2018/NQ-HĐND quy định về mức phụ cấp hàng tháng đối với cộng tác viên Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 1Bộ luật Hình sự 1985
- 2Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 1991
- 3Bộ luật Lao động 1994
- 4Quyết định 134/1999/QĐ-TTG phê duyệt Chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giai đoạn 1999-2002 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em
- 6Quyết định 1978/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch thực hiện “Chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 7Quyết định 419/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thực hiện Chương trình Bảo vệ trẻ em tỉnh Bắc Kạn
- 8Nghị quyết 102/2018/NQ-HĐND quy định về mức phụ cấp hàng tháng đối với cộng tác viên Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại các thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Chương trình hành động 3839/UB-KT năm 1999 về bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 1999 - 2000 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 3839/UB-KT
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 15/09/1999
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Phạm Phương Thảo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/09/1999
- Ngày hết hiệu lực: 01/06/2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực