Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2005/CT-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 02 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG KHẢO SÁT, THIẾT KẾ VÀ LẬP DỰ TOÁN CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Qua hơn hai năm thực hiện Quyết định số 85/2002/QĐ-UB ngày 25 tháng 7 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác kiểm tra tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình sử dụng vốn Nhà nước do thành phố quản lý, kết quả đã đạt được một số tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng hoạt động khảo sát, thiết kế và lập dự toán các dự án, công trình theo quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng của Nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết, việc xử lý các trường hợp vi phạm chưa nghiêm minh, chưa kịp thời làm ảnh hưởng xấu đến tiến độ và chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn thành phố.

Để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý chất lượng hoạt động khảo sát, thiết kế và lập dự toán theo Luật Xây dựng 2003, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 29/2003/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2003 về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các tổ chức, cá nhân quản lý và thực hiện các hoạt động khảo sát, thiết kế và lập dự toán các công trình xây dựng có sử dụng vốn ngân sách, vốn có nguồn gốc ngân sách hoặc công trình có tác động đến vốn ngân sách và có ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội trên địa bàn thành phố cần thực hiện những yêu cầu sau :

1. Yêu cầu chung :

1.1. Cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng có nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu các sản phẩm khảo sát, thiết kế và dự toán phải xem xét về điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân làm ra sản phẩm đó; trường hợp không đảm bảo điều kiện năng lực (theo Luật Xây dựng 2003, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ và Quyết định số 19/2003/QĐ-BXD ngày 03 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hoặc quy định khác thay thế), các chủ thể nói trên được quyền và có nghĩa vụ có văn bản từ chối thực hiện các nhiệm vụ trên. 

1.2. Người đứng đầu tổ chức tư vấn xây dựng, Thủ trưởng các cơ quan làm chủ đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan căn cứ kết quả Hội nghị của thành phố vào ngày 30 tháng 3 năm 2004 về “Chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý chất lượng hoạt động khảo sát, thiết kế và lập dự toán các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố” cùng các Thông báo kết quả kiểm tra thường kỳ của Sở Xây dựng và các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành, sớm khắc phục các khiếm khuyết cụ thể về quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng.

1.3. Các chủ thể quản lý chất lượng hoạt động khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng phải áp dụng hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn xây dựng, Tiêu chuẩn ngành của Nhà nước hiện hành để đảm bảo chất lượng toàn diện thiết kế kỹ thuật, mỹ quan công trình và hiệu quả sử dụng, đặc biệt cho người khiếm thị, người khuyết tật được tiếp cận sử dụng thuận tiện, an toàn. Riêng việc lập dự toán các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước phải áp dụng Bộ đơn giá, định mức do các Bộ-ngành và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

1.4. Việc áp dụng Tiêu chuẩn và quy trình quy phạm kỹ thuật thiết kế xây dựng của nước ngoài phải thực hiện theo Điều 6 của Luật Xây dựng 2003, Điều 2 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ và Thông tư số 07/1999/TT-BXD ngày 23 tháng 9 năm 1999 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý và áp dụng các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật xây dựng (hoặc quy định khác thay thế).

1.5- Các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, khảo sát xây dựng có trách nhiệm quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế xây dựng theo quy định tại Chương III, IV của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Yêu cầu cụ thể :

2.1. Đối với chủ đầu tư (hay Ban Quản lý dự án được ủy quyền làm chủ đầu tư) :

a) Thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng công trình trong việc khảo sát, thiết kế xây dựng theo quy định tại Điều 50 và Điều 57-Chương IV-Luật Xây dựng năm 2003; thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm trong việc chọn tư vấn khảo sát, thiết kế có tư cách pháp nhân và đủ năng lực chuyên môn (có đăng ký kinh doanh phù hợp, còn thời hạn hiệu lực pháp luật, cá nhân chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm thiết kế, chủ trì thiết kế phải có chứng chỉ hành nghề và có đủ năng lực hành nghề phù hợp với công việc được giao, với nhiệm vụ thiết kế, yêu cầu của loại, cấp công trình theo quy định tại Điều 49 và Điều 56-Chương IV-Luật Xây dựng năm 2003).

b) Có hợp đồng và văn bản giao nhiệm vụ khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng; phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng.

c) Phải tổ chức kiểm tra, thẩm định chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế cơ sở và các bước thiết kế tiếp theo trước khi nghiệm thu và thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả kiểm tra kịp thời cho cơ quan quản lý Nhà nước theo chức năng đối với các vi phạm hợp đồng về tiến độ và chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng, việc chậm khắc phục của tư vấn theo quy định pháp luật.

d) Tùy theo tính chất, quy mô và yêu cầu của công trình xây dựng, chủ đầu tư được thuê tư vấn giám sát công tác khảo sát xây dựng, tư vấn thẩm tra thiết kế. Các đơn vị tư vấn phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định pháp luật (Điều 11 và Điều 16 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP).

đ) Tổ chức quản lý, lưu trữ các hồ sơ nêu trên theo quy định pháp luật.

2.2. Đối với người đứng đầu tổ chức tư vấn khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng:

a) Thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của nhà thầu khảo sát, nhà thầu thiết kế xây dựng theo quy định tại Điều 51 và Điều 58-Chương IV-Luật Xây dựng năm 2003; phải tổ chức hệ thống quản lý chất lượng, khắc phục các thiếu sót trong hoạt động khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng theo Luật Xây dựng 2003 và các quy định pháp lý - kỹ thuật hiện hành.

b) Giao việc chủ trì khảo sát, thiết kế và lập dự toán cho cán bộ của tổ chức mình phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với quy định pháp luật, phải tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm của từng bộ môn cụ thể, đảm bảo chất lượng theo quy định Nhà nước hiện hành, phù hợp các văn kiện hợp đồng đã ký với chủ đầu tư trước khi bàn giao cho chủ đầu tư.

c) Mua bảo hiểm tư vấn theo quy định pháp luật (Quyết định số 12 và 15/2001/QĐ-BXD cùng ngày 20 tháng 7 năm 2001 của Bộ Xây dựng và Thông tư số 76/2003/TT-BTC ngày 04 tháng 8 năm 2003 Bộ Tài chánh, hoặc quy định khác thay thế).

d) Nhiệm vụ khảo sát xây dựng công trình phải được tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu khảo sát xây dựng lập và được chủ đầu tư ra quyết định phê duyệt. Trên cơ sở này, nhà thầu khảo sát lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng và được chủ đầu tư phê duyệt (Điều 6 và Điều 7 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP).

đ) Trường hợp nhà thầu khảo sát, tư vấn thiết kế thực hiện không đảm bảo yêu cầu theo hợp đồng; không đúng nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; phát sinh khối lượng thi công thực tế do khảo sát, thiết kế sai; sử dụng các thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn về khảo sát, thiết kế xây dựng không phù hợp và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật, đồng thời bồi thường thiệt hại như sau: khảo sát lại và chịu mọi chi phí có liên quan khác, kể cả chi phí giám sát công tác khảo sát xây dựng (đối với nhà thầu khảo sát); thiết kế lại và chịu mọi chi phí, kể cả chi phí thẩm tra thiết kế (đối với tư vấn thiết kế) (Điều 8 và Điều 16 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP) và thiệt hại do thời gian công trình bị kéo dài vì chất lượng khảo sát kém, thiết kế sai gây ra.

2.3. Cơ quan quản lý Nhà nước được phân công quản lý xây dựng theo phân cấp và ủy quyền của Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố:

a) Khi thẩm định dự án và trình cấp có thẩm quyền ký quyết định đầu tư cần đóng dấu vào hồ sơ thiết kế cơ sở được kèm theo dự án đầu tư được duyệt để làm cơ sở pháp lý quản lý chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế và dự toán công trình xây dựng của các bước tiếp theo (theo Điều 59 Luật Xây dựng 2003, Điều 9 của Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng hoặc quy định khác thay thế).

b) Cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định khảo sát, thiết kế cơ sở và tổng dự toán phải có văn bản thẩm định của bộ phận chức năng của mình, và việc thẩm định căn cứ các yêu cầu quy định đã nêu trên (phần 1.3).

c) Các cơ quan quản lý xây dựng được phân công phê duyệt dự toán khảo sát xây dựng theo quy định, khi xem xét phê duyệt dự toán phải phù hợp với nhiệm vụ khảo sát xây dựng được duyệt. Trường hợp phát hiện nhiệm vụ khảo sát chưa phù hợp với Quy chuẩn - Tiêu chuẩn xây dựng và Tiêu chuẩn ngành hiện hành thì thông báo (một lần) đến chủ đầu tư để có sự điều chỉnh kịp thời trong vòng 03 (ba) ngày làm việc.

d) Thời hạn phê duyệt dự toán khảo sát xây dựng là 10 (mười) ngày làm việc khi hội đủ các điều kiện nêu trên.

d) Tiếp nhận báo cáo của chủ đầu tư về vi phạm của tư vấn, kết hợp việc tổ chức kiểm tra thường xuyên hay định kỳ để phát hiện và xử lý kịp thời đối với tư vấn khảo sát, thiết kế vi phạm quản lý hoạt động chất lượng khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 và các quy định pháp luật có liên quan.

3. Một số biện pháp tăng cường chất lượng khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng trên địa bàn thành phố:

3.1. Chủ đầu tư phải tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 của Điều 55, Luật Xây dựng 2003 và các quy định pháp luật có liên quan.

3.2. Khuyến khích chủ đầu tư sử dụng các chuyên gia, các đơn vị tư vấn giỏi trong nước, ngoài nước để tư vấn xây dựng các công trình xây dựng trọng điểm của thành phố sử dụng nguồn vốn ngân sách, trong đó có lực lượng khảo sát, thiết kế và lập dự toán.

3.3. Khuyến khích chủ đầu tư sử dụng tư vấn phản biện, giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố, các tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp để phản biện, tham gia thẩm định dự án, thiết kế cơ sở và các bước thiết kế tiếp theo, tổng dự toán công trình quan trọng theo quy định pháp luật.

3.4. Khuyến khích chủ đầu tư sử dụng các đơn vị tư vấn giám sát giỏi, có uy tín, kinh nghiệm trong nước, ngoài nước để giám sát các công trình xây dựng trọng điểm của thành phố sử dụng nguồn vốn ngân sách nhằm đảm bảo thực hiện đúng thiết kế được duyệt và đảm bảo chất lượng công trình.

3.5. Phương pháp tính, định mức chi phí thiết kế, giám sát đối với các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước (phần 3.2, 3.3 và 3.4) phù hợp với chức danh lao động, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm dịch vụ của đơn vị tư vấn và thời gian giao nộp sản phẩm, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

3.6. Chủ đầu tư lựa chọn các tổ chức tư vấn khảo sát, thiết kế, lập dự toán và giám sát theo các nội dung khuyến khích nêu trên phải áp dụng Quy chế đấu thầu hiện hành. Riêng đối với các công trình đặc thù mà công nghệ ứng dụng có tính chất độc quyền, bí quyết riêng, bản quyền sở hữu trí tuệ có thể được xem xét cho phép chỉ định thầu. Trong trường hợp này, chủ đầu tư đề xuất và được cơ quan chức năng thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo quy định pháp luật.

3.7. Chủ đầu tư phải báo cáo công tác giám định đầu tư và quản lý chất lượng công trình xây dựng đúng hạn theo Quyết định số 85/2002/QĐ-UB (hoặc quy định khác thay thế) và các quy định pháp luật có liên quan.

4. Phân công trách nhiệm :

4.1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Thanh tra thành phố, Sở Tư pháp và các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành nghiên cứu Quy định về nâng cao trách nhiệm và tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn thành phố, chậm nhất đến đầu tháng 3
năm 2005 trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành làm cơ sở để xử lý, áp dụng biện pháp chế tài đối với các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng có vi phạm.

4.2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các Sở-ngành có liên quan nghiên cứu, chậm nhất đến cuối tháng 3 năm 2005 đề xuất cơ chế giao quyền đi đôi với trách nhiệm để Chủ đầu tư có thể chủ động giải quyết các thay đổi trong quá trình thực hiện dự án theo hướng tích cực, mang lại hiệu quả.

4.3. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành nghiên cứu, chậm nhất đến cuối tháng 3 năm 2005 đề xuất văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán và các bước thiết kế tiếp theo đối với các công trình chuyên ngành sử dụng các loại nguồn vốn để chủ đầu tư có cơ sở thực hiện.

4.4. Giao Sở Xây dựng và các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành trong quý I năm 2005 hướng dẫn quy trình, thủ tục và nội dung quản lý để đảm bảo chất lượng đối với công tác khảo sát xây dựng cho từng loại công trình chuyên ngành phù hợp với Tiêu chuẩn ngành của Nhà nước hiện hành.

4.5. Giao Sở Xây dựng và các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành rà soát hướng dẫn và chậm nhất đến ngày 28 tháng 02 năm 2005 niêm yết công khai quy trình, thủ tục kiểm tra định kỳ và hướng dẫn các chủ thể hoạt động khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng (kèm các biểu mẫu) cho các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các tổ chức tư vấn xây dựng có liên quan áp dụng; tổ chức kiểm tra xử lý vi phạm quản lý chất lượng các hoạt động này theo quy định pháp luật.

4.6. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành và Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương pháp tính, định mức chi phí tư vấn thiết kế, giám sát đối với các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, chi phí tư vấn phản biện, chậm nhất đến cuối tháng 3 năm 2005 trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo thẩm quyền hoặc đề nghị Bộ Xây dựng xem xét ban hành.

4.7. Giao Sở Xây dựng và Sở Giao thông công chánh nghiên cứu, đề xuất một số công trình trọng điểm chuyên ngành cần sử dụng tổ chức tư vấn giỏi nước ngoài đảm nhận công tác khảo sát, thiết kế, giám sát để đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình, trong tháng 02 năm 2005 trình Ủy ban nhân dân thành phố cho phép áp dụng thí diểm.

4.8. Ban Quản lý Khu đô thị mới, Ban Quản lý Khu công nghiệp - Khu chế xuất, Ủy ban nhân dân các quận - huyện ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ như Điều 4.5 trên còn có trách nhiệm thường xuyên rà soát, tổng kết danh sách các Công ty tư vấn xây dựng có năng lực và uy tín trong công tác khảo sát, thiết kế và thẩm định trên địa bàn quản lý của mình, gửi về Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành, báo cáo tổng hợp cho cấp thẩm quyền, cập nhật định kỳ, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để các chủ đầu tư (và người dân) có cơ sở chọn lựa tư vấn khảo sát, thiết kế và lập dự toán công trình xây dựng phù hợp yêu cầu của mình.

4.9. Giao Sở Nội vụ chậm nhất trong tháng 02 năm 2005 tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự nhằm tăng cường năng lực, nâng cao trách nhiệm và xử lý kịp thời các vi phạm của các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nhất là các Ban Quản lý dự án kiêm nhiệm chủ đầu tư; phối hợp với các Sở quản lý đầu tư và xây dựng của thành phố có kế hoạch đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo cán bộ quản lý dự án và quản lý chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế và lập dự toán cho các cán bộ Ban Quản lý dự án có liên quan đến trách nhiệm theo Thông tư liên tịch Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ số 01/2004/TTLT/BXD-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 (hoặc quy định khác thay thế). 

5. Hiệu lực thi hành :

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước, lãnh đạo tổ chức và cá nhân tư vấn lập hồ sơ khảo sát, thiết kế và dự toán, các chủ đầu tư và các Ban Quản lý dự án tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, cá nhân và tổ chức liên quan phản ảnh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp và trình Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết hoặc xin ý kiến Bộ Xây dựng.Khi các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng 2003 của Chính phủ và các Bộ-ngành được ban hành mà có khoản mục nào của Chỉ thị này không phù hợp, Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh, bổ sung kịp thời./.

 

 

Nơi nhận :
- Văn phòng Chính phủ.
- Bộ Xây dựng.
- Bộ Nội vụ.
- Thường trực Thành ủy.
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP
- Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.
- Ban Cải cách hành chánh thành phố.
- Các sở, ngành thành phố.
- Liên hiệp các Hội KHKT thành phố.
- Ủy ban nhân dân các quận-huyện.
- Các Tổng Công ty của thành phố.
- VPHĐ-UB: CPVP
- Các Tổ NCTH
- Lưu (ĐT-Th)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đua

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 05/2005/CT-UB về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý chất lượng khảo sát, thiết kế và lập dự toán các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 05/2005/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 04/02/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Đua
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/02/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản