Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2005/CT-UBND

Bến Tre, ngày 22 tháng 12 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC KHẢO SÁT, LẬP DỰ ÁN ĐẦU TƯ, LẬP THIẾT KẾ - TỔNG DỰ TOÁN CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Trong thời gian qua, các tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng công việc ở các khâu được nâng lên đáng kể, nhiều chuyển biến tích cực trong việc kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực chuyên môn, đầu tư nghiên cứu chiều sâu nhằm tạo ra những công trình xây dựng có kiến trúc đẹp, chất lượng tốt, giá thành phù hợp, đã góp phần phát huy hiệu quả công trình tạo nên nét khang trang cho đô thị và nông thôn tỉnh nhà.

Trong tiến trình đó, cũng còn không ít những công trình không phù hợp mỹ quan, thiết kế - dự toán thay đổi liên tục làm kéo dài thời gian thi công, dẫn đến giá thành tăng cao, chậm đưa vào sử dụng và hiệu quả đầu tư giảm đáng kể. Tất cả những ưu điểm và tồn tại trên, trước tiên tùy thuộc vào chất lượng của công tác tư vấn khảo sát lập dự án, khảo sát lập thiết kế -t ổng dự toán của các tổ chức, cá nhân tham gia công tác này.

Để phát huy những mặt tích cực, khắc phục kịp thời những hạn chế trong công tác này, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, các doanh nghiệp, đơn vị và các cá nhân có tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc nội dung quy định của Luật Xây dựng, các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng. Đồng thời tập trung thực hiện ngay một số công việc cấp bách sau đây:

1. Về tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng:

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn: Đẩy mạnh công tác lập, rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng phục vụ cho việc lập dự án đầu tư đúng định hướng quy hoạch, đạt hiệu quả dự án tránh lãng phí thất thoát trong việc đầu tư không đúng quy hoạch. Gắn quy hoạch xây dựng với quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; gắn quy hoạch với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, đảm bảo tính liên ngành, liên vùng, xoá bỏ tình trạng quy hoạch cục bộ, khép kín. Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối bố trí đủ vốn công tác quy hoạch xây dựng cho các ngành và địa phương để phấn đấu đạt trên 80% khối lượng quy hoạch xây dựng chi tiết các đô thị và điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh vào năm 2010. Tập trung rà soát các dự án đang triển khai về sự phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kiến nghị xử lý những dự án đầu tư không còn phù hợp quy hoạch xây dựng. Kiên quyết không triển khai các dự án đầu tư xây dựng không còn phù hợp với quy hoạch, không có hiệu quả hoặc không sát với yêu cầu thiết thực của ngành, địa phương nhằm tập trung vốn đầu tư các công trình trọng điểm.

2. Về tăng cường quản lý công tác khảo sát xây dựng:

Công tác khảo sát xây dựng bao gồm: khảo sát địa hình, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa chất thủy văn, khảo sát hiện trạng công trình và các công việc khảo sát phục vụ cho hoạt động xây dựng (gọi chung là khảo sát xây dựng) là một trong những công tác quan trọng làm tiền đề trong việc đảm bảo công trình đạt yêu cầu về chất lượng, có giá thành hợp lý, đạt hiệu quả trong đầu tư xây dựng. Để chấn chỉnh công tác này, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

a- Đối với chủ đầu tư:

Chỉ được phép giao thầu cho nhà thầu khảo sát xây dựng khi có đăng ký kinh doanh và năng lực phù hợp với công việc thực hiện; phê duyệt nhiệm vụ, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng (khi cần thiết chủ đầu tư có thể thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện về năng lực khảo sát xây dựng thẩm tra trước khi phê duyệt). Thực hiện giám sát công tác khảo sát xây dựng thường xuyên, có hệ thống từ khi bắt đầu khảo sát đến khi hoàn thành công việc (trường hợp không có đủ điều kiện năng lực chủ đầu tư phải thuê tư vấn giám sát công tác khảo sát xây dựng, nội dung giám sát công tác khảo sát thực hiện theo Điều 11 - Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ). Tổ chức nghiệm thu, đánh giá chất lượng công tác khảo sát xây dựng theo hợp đồng khảo sát, nhiệm vụ và phương án kỹ thuật, tiêu chuẩn khảo sát xây dựng, báo cáo kết quả khảo sát; kết quả nghiệm thu phải lập thành biên bản theo đúng quy định Điều 12 Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; bồi thường thiệt hại khi chủ đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu không phù hợp, xác định sai nhiệm vụ khảo sát và các sai phạm khác gây thiệt hại do lỗi mình gây ra.

b- Đối với nhà thầu tư vấn khảo sát:

Chỉ được phép tiến hành theo nhiệm vụ, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng đã được chủ đầu tư phê duyệt; nhiệm vụ, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng do tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu khảo sát xây dựng lập phải phù hợp với yêu cầu từng loại công việc khảo sát, từng bước thiết kế, tuân thủ quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ; các cá nhân tham gia từng công việc khảo sát xây dựng phải có chuyên môn phù hợp với công việc được giao; chủ nhiệm, chủ trì khảo sát xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy chế cấp chứng chỉ hành nghề của Bộ Xây dựng; phải có bộ phận chuyên trách tự giám sát công tác khảo sát xây dựng; máy móc, thiết bị phục vụ khảo sát xây dựng phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bảo đảm an toàn cho công tác khảo sát và bảo vệ môi trường, phòng thí nghiệm phục vụ khảo sát phải đủ chuẩn theo quy định và được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng công nhận; chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và pháp luật về tính trung thực và tính chính xác của kết quả khảo sát; bồi thường thiệt hại khi thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát hoặc vi phạm hợp đồng khảo sát.

3. Về tăng cường quản lý công tác lập dự án:

Nội dung lập, thẩm định và phê duyệt dự án được thực hiện theo Thông tư số 08/2005/TT-BXD ngày 06/5/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và xử lý chuyển tiếp thực hiện theo Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ. Để quản lý tốt công tác trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

a. Đối với các tổ chức, cá nhân lập dự án:

Phải có đăng ký hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng công trình và đủ điều kiện năng lực phù hợp với từng loại dự án công trình, cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm lập dự án phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 53 - Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Được từ chối các yêu cầu trái pháp luật của chủ đầu tư; chỉ nhận lập dự án phù hợp với năng lực của mình, thực hiện đúng công việc theo hợp đồng đã ký kết, chịu trách nhiệm về chất lượng của dự án; bồi thường thiệt hại khi sử dụng thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, các giải pháp kỹ thuật không phù hợp và các hành vi vi phạm khác gây thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

b. Đối với tổ chức, cá nhân thẩm định dự án:

Dự án đầu tư xây dựng công trình trước khi quyết định đầu tư phải được tổ chức lập và thẩm định dự án. Tổ chức, cá nhân thẩm định dự án phải có năng lực phù hợp với quy mô dự án và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định của mình. Trường hợp không đủ năng lực thẩm định dự án thì thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn có năng lực phù hợp tham gia thẩm định.

c. Đối với người quyết định đầu tư xây dựng công trình:

Không được phê duyệt dự án khi dự án không đáp ứng được mục tiêu và hiệu quả đầu tư. Quyết định phê duyệt dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình phải nêu rõ loại, nhóm, cấp công trình, chủ đầu tư, hình thức quản lý dự án, nguồn vốn và kế hoạch vốn đầu tư, các bước thiết kế, phương thức giao thầu, thời gian khởi công và hoàn thành công trình làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư, quyết định đình chỉ thực hiện dự án và các quyết định khác thuộc thẩm quyền của mình.

d. Đối với chủ đầu tư:

Căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương để đề xuất kế hoạch đầu tư xây dựng dự án công trình trong nhiệm kỳ 5 năm và phân kỳ từng năm phù hợp nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và tranh thủ tối đa các nguồn lực huy động khác. Tất cả các dự án sử dụng nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trước khi lập dự án chủ đầu tư phải trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt về chủ trương đầu tư xây dựng công trình. Trong đó nêu rõ: chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư và nguồn vốn trong năm kế hoạch, sự phù hợp quy hoạch, thời gian thực hiện toàn bộ dự án, phương thức thực hiện dự án trong từng giai đoạn khảo sát lập dự án, khảo sát lập thiết kế - dự toán.

Chủ đầu tư phải thuê tư vấn lập dự án trừ trường hợp được tự thực hiện lập dự án khi có đủ điều kiện năng lực lập dự án; có nghĩa vụ xác định nội dung, nhiệm vụ của dự án; bồi thường thiệt hại do sử dụng tư vấn không phù hợp với điều kiện năng lực lập dự án, cung cấp thông tin sai lệch, tổ chức thẩm định, nghiệm thu không theo đúng quy định và những hành vi vi phạm khác gây thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Chủ dự án đầu tư xây dựng công trình phải tổ chức xem xét, cân nhắc trước khi trình thẩm định, phê duyệt dự án và chịu trách nhiệm về: sự phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng; sự phù hợp phương án thiết kế xây dựng và phương án công nghệ; an toàn trong xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng công trình, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường và hiệu quả đầu tư của dự án. Dự án đã được phê duyệt chỉ được phép trình cấp quyết định đầu tư điều chỉnh khi: do thiên tai, địch họa hoặc các yếu tố bất khả kháng; xuất hiện các yếu tố đem lại hiệu quả cao hơn hoặc chỉ khi quy hoạch xây dựng thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp đến dự án; do biến động bất thường của giá nguyên vật liệu, do thay đổi tỷ giá hối đoái đối với phần vốn có sử dụng ngoại tệ hoặc do Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách mới có quy định được thay đổi mặt bằng giá đầu tư xây dựng công trình.

4. Về tăng cường quản lý công tác lập thiết kế xây dựng:

Thiết kế xây dựng công trình phải đảm bảo các yêu cầu: phù hợp với quy hoạch xây dựng, cảnh quan, điều kiện tự nhiên và các quy định về kiến trúc, dự án đã được phê duyệt; phù hợp với thiết kế công nghệ; nền móng công trình phải đảm bảo bền vững, không bị lún nứt, biến dạng quá giới hạn cho phép; nội dung thiết kế xây dựng phải phù hợp với từng bước thiết kế, thoả mãn yêu cầu về chức năng, mỹ quan, giá thành hợp lý, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định về quản lý đầu tư xây dựng.

Đối với công trình có kỹ thuật đơn giản, không yêu cầu cao về kiến trúc khuyến khích sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do cấp có thẩm quyền ban hành; giao nhiệm vụ cho các sở quản lý xây dựng chuyên ngành xây dựng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình và quy định các trường hợp sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt áp dụng.

 Nhằm chọn được phương án kiến trúc tốt nhất để làm cơ sở lập dự án và thiết kế xây dựng công trình, khuyến khích thi tuyển kiến trúc công trình xây dựng. Riêng các công trình sau đây không phân biệt nguồn vốn, hình thức sở hữu yêu cầu chủ đầu tư phải tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc trước khi lập dự án: trụ sở Uỷ ban nhân dân từ cấp huyện trở lên; công trình văn hóa, thể thao và các công trình công cộng khác có quy mô từ cấp I, cấp đặc biệt; các công trình xây dựng tại vị trí có ảnh hưởng quyết định đến cảnh quan kiến trúc đô thị, công trình là biểu tượng về truyền thống văn hóa và lịch sử địa phương. Việc tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc thực hiện nghiêm túc theo nội dung quy định tại Thông tư 05/2005/TT-BXD ngày 12/4/2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.

Thiết kế xây dựng công trình chỉ được phép thay đổi khi: dự án đầu tư xây dựng công trình được điều chỉnh có yêu cầu phải thay đổi thiết kế; trong quá trình thi công xây dựng phát hiện những yếu tố bất hợp lý nếu không thay đổi thiết kế sẽ ảnh hưởng chất lượng công trình, tiến độ, biện pháp thi công và hiệu quả dự án. Trường hợp thay đổi thiết kế bản vẽ thi công mà không làm thay đổi thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế cơ sở được duyệt và không làm vượt tổng dự toán công trình (bao gồm cả dự phòng phí) thì chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công của chủ đầu tư được thay đổi thiết kế và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Để thực hiện tốt các nội dung trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

a. Đối với chủ đầu tư:

Chủ đầu tư có trách nhiệm lập hoặc thuê tư vấn lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng. Nhiệm vụ thiết kế phải nêu rõ các yêu cầu và điều kiện để nhà thầu thiết kế triển khai tổ chức thực hiện. Trong các bước thiết kế, nhiệm vụ thiết kế có thể bổ sung phù hợp với thực tế nhằm đảm bảo hiệu quả cho dự án. Nhiệm vụ thiết kế do chủ đầu tư phê duyệt, riêng đối với công trình thi tuyển kiến trúc nhiệm vụ thiết kế do người quyết định đầu tư phê duyệt. Sản phẩm thiết kế trước khi đưa ra thi công phải được chủ đầu tư nghiệm thu, xác nhận bằng chữ ký và con dấu theo quy định, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về các bản vẽ thiết kế giao cho nhà thầu thi công xây dựng. Bồi thường thiệt hại khi đề ra nhiệm vụ thiết kế, cung cấp thông tin, tài liệu, nghiệm thu hồ sơ thiết kế không đúng quy định và các sai phạm khác gây thiệt hại do lỗi mình gây ra. Việc lựa chọn chủng loại, chất lượng vật tư, thiết bị sử dụng vào công trình trong quá trình thiết kế do chủ đầu tư quyết định, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán đối với những công trình phải lập dự án theo quy định tại Điều 16 Nghị định 16/2005/NĐ-CP. Trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực thẩm định được phép thuê tổ chức, cá nhân thẩm tra trước khi phê duyệt. Yêu cầu tổ chức tư vấn thẩm tra thiết kế phải có đủ điều kiện năng lực thiết kế đối với loại và cấp công trình nhận kiểm tra; người chủ trì thẩm tra thiết kế phải có điều kiện năng lực như người chủ trì thiết kế công trình. Nội dung thẩm tra, thẩm định thiết kế tuân thủ theo quy định tại Thông tư 08/2005/TT-BXD ngày 06/5/2005 của Bộ Xây dựng.

b. Đối với nhà thầu thiết kế xây dựng công trình:

 Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình được từ chối thực hiện các yêu cầu ngoài nhiệm vụ thiết kế, chỉ được nhận thầu thiết kế xây dựng công trình phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động thiết kế, năng lực hành nghề thiết kế, thực hiện đúng nhiệm vụ thiết kế, đảm bảo tiến độ theo hợp đồng và chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế, giám sát tác giả trong quá trình thi công; không được chỉ định nhà sản xuất vật liệu, vật tư và thiết bị xây dựng công trình; phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; bồi thường thiệt hại khi đề ra nhiệm vụ khảo sát, sử dụng thông tin tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, giải pháp kỹ thuật, công nghệ không phù hợp gây ảnh hưởng chất lượng công trình. Trường hợp thiết kế không đảm bảo theo hợp đồng thì nhà thầu thiết kế phải thiết kế lại và chịu mọi chi phí, kể cả chi phí thẩm tra thiết kế. Việc thẩm tra, thẩm định thiết kế không làm giảm nhẹ trách nhiệm nhà thầu thiết kế; nhà thầu thiết kế phải thực hiện nghiêm việc giám sát tác giả được quy định tại Điều 22 - Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ.

5. Tăng cường quản lý công tác lập tổng mức đầu tư và tổng dự toán công trình xây dựng:

a. Đối với chủ đầu tư:

 Các chủ đầu tư có trách nhiệm: lập tổng mức đầu tư trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ và Thông tư 08/2005/TT-BXD ngày 06/5/2005 của Bộ Xây dựng; lập, thẩm định và phê duyệt tổng dự toán, dự toán xây dựng công trình theo nội dung và phương pháp lập được quy định tại Thông tư 04/2005/TT-BXD ngày 01/4/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm việc xác lập đầy đủ toàn bộ các chi phí trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình. Tất cả mọi chi phí phát sinh nếu có chỉ được chấp nhận trong phạm vi dự phòng phí đã được xác định trước. Yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý chi phí xây dựng: tổng giá trị quyết toán không được vượt tổng dự toán, tổng dự toán không được vượt tổng mức đầu tư.

b. Đối với các nhà thầu tư vấn lập dự toán, thẩm tra dự toán:

Nhà thầu tư vấn lập dự toán, tổng dự toán; nhà thầu tư vấn thẩm tra dự toán, tổng dự toán chịu trách nhiệm về tính đúng, đủ và hợp lý của dự toán, tổng dự toán công trình xây dựng; nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu lập dự toán, tổng dự toán công trình tính thiếu hoặc tính thừa khối lượng thực hiện dẫn đến phát sinh trong thi công xây dựng, đơn vị đó chịu mức phạt 10% giá trị dự toán phát sinh thừa, thiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Về thoả thuận ký kết hợp đồng trong hoạt động xây dựng:

Chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn lập khảo sát xây dựng, nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng công trình, nhà thầu tư vấn lập thiết kế - tổng dự toán, dự toán, nhà thầu thẩm tra thiết kế - tổng dự toán, dự toán xây dựng công trình phải ký kết hợp đồng theo đúng nội dung quy định tại Thông tư số 02/2005/TT-BXD ngày 25/02/2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng, trong đó có quy định cụ thể điều khoản thưởng, phạt vi phạm hợp đồng về chất lượng và thời gian thực hiện theo nội dung công việc thực hiện. Nhà thầu chính được ký kết hợp đồng với nhà thầu phụ với khối lượng thực hiện không quá 30% khối lượng công việc của hợp đồng.

Yêu cầu chủ đầu tư phải quy định cụ thể trong hợp đồng kinh tế trước khi ký kết, mức phạt do việc lập và thẩm tra dự toán, tổng dự toán làm thừa hoặc thiếu khối lượng là 10% giá trị dự toán phát sinh thừa, thiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 12% giá trị hợp đồng ký kết.

Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; các Ban quản lý dự án; các tổ chức và cá nhân tham gia công tác tư vấn xây dựng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và xây dựng kế hoạch kiểm tra nhằm thực hiện tốt các nội dung nêu trên.

Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành chức năng theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng có báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về Sở Xây dựng để tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Cao Tấn Khổng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 30/2005/CT-UBND về tăng cường quản lý công tác khảo sát, lập dự án đầu tư, lập thiết kế - tổng dự toán các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 30/2005/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/12/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Cao Tấn Khổng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 19/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản