Hệ thống pháp luật

                       ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/BC-UBDT

Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2016

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA ỦY BAN DÂN TỘC VÀ BỘ TƯ PHÁP NĂM 2015, PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2016

Thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 1249a/CTPH-UBDT-BTP ngày 13/11/2014 giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp (sau đây gọi là hai Bộ), Ủy ban Dân tộc báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp trong năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 như sau:

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

Ngay sau khi Lãnh đạo hai Bộ ký Chương trình phối hợp công tác, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 140/QĐ-UBDT ngày 18 tháng 3 năm 2015 và Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-BTP ngày 29/01/2015 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp công tác hai Bộ năm 2015. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Vụ, đơn vị của hai Bộ để phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện Chương trình phối hợp và công tác pháp chế.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

1. Công tác xây dựng pháp luật

1.1. Xây dựng hồ sơ đề nghị đưa Dự án Luật Dân tộc vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội

Năm 2015, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ đề nghị đưa Luật Dân tộc vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội, cụ thể:

Ủy ban Dân tộc đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam hỗ trợ xây dựng Dự án Luật Dân tộc (có đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp tham dự);

Hai Bộ đã phối hợp rà soát hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc; nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Dân tộc; giới thiệu kinh nghiệm, pháp luật về dân tộc của nước ngoài (Hunggari, Ba Lan,...); tổ chức 05 hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương vào dự thảo Báo cáo đánh giá tác động, Bản thuyết minh và đề cương chi Tiết của dự thảo Dự án Luật Dân tộc để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân tộc trình Quốc hội.

Hai Bộ đã phối hợp nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ “nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ xây dựng Luật Dân tộc”.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, xây dựng Đề án nghiên cứu vấn đề dân tộc trong pháp luật quốc tế và Điều ước quốc tế để phục vụ cho xây dựng dự án Luật Dân tộc, theo đó, Đề án tập trung vào việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng quy định pháp luật trong nước về chính sách dân tộc; làm rõ quy định về dân tộc, dân tộc thiểu số trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, tìm hiểu quy định pháp luật của một số nước về vấn đề dân tộc.

1.2. Về xây dựng các Đề án, Dự án, chính sách dân tộc

Hai Bộ đã phối hợp tích cực trong việc phối hợp xây dựng thể chế liên quan đến công tác dân tộc; thường xuyên cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự án, đề án liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc như: Đề án về rà soát pháp luật về chính sách dân tộc, Đề án về đổi tên Ủy ban dân tộc thành Bộ Dân tộc, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ công tác dân tộc, đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào vùng biên giới, hải đảo, vùng có Điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2017- 2021, Đề án tích hợp 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý và Quyết định 59/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2012 về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020; Đề án “đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2016- 2020”; Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc”.... Nội dung các ý kiến tham gia đặc biệt chú trọng đến tính hợp pháp, hợp lý, tính khả thi của các chính sách, tránh việc trùng lắp trong chính sách về dân tộc đối với vùng dân tộc, thiểu số, vùng có Điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp luôn chú trọng đến đối tượng là người dân tộc thiểu số trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, như: dự thảo Luật tiếp cận thông tin quy định tạo Điều kiện thuận lợi cho người dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin; quy định nguyên tắc nhà nước tạo Điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sống ở miền núi, hải đảo, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin; quy định công khai các thông tin thể hiện bằng tiếng dân tộc, công khai các bản dịch tài liệu, hồ sơ chính thức ra tiếng dân tộc; trong trường hợp người dân tộc thiểu số yêu cầu cung cấp thông tin nhưng không biết tiếng Việt thì cơ quan nhà nước tùy thuộc vào Điều kiện thực tế có thể giúp đỡ người dân trong việc hiểu các thông tin mà mình yêu cầu v..v...

1.3. Về việc góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dân tộc

Khi tổ chức thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dân tộc thiểu số, Bộ Tư pháp luôn mời đại diện của Ủy ban Dân tộc tham dự làm thành viên của Hội đồng tư vấn thẩm định như: Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật tổ chức Chính phủ 2015, dự thảo Nghị định về chính sách thu hút, bồi dưỡng, tuyển dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp vùng dân tộc thiểu số; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020,....

Bên cạnh đó, hai Bộ tích cực tham gia góp ý các dự thảo, đề án, chương trình có liên quan đến lĩnh vực dân tộc do hai Bộ và các cơ quan khác gửi góp ý đảm bảo đúng tiến độ, có chất lượng như: Dự thảo Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, dự thảo Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số thời kỳ mới; dự thảo Đề án “tăng cường vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc”, dự thảo Đề án “Liên kết với chính quyền địa phương mở lớp học tiếng dân tộc cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Bộ đội biên phòng công tác ở vùng dân tộc thiểu số khu vực biên giới”; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ số thanh niên dân tộc thiểu số đang tại ngũ cho các dân tộc thiểu số dưới 10.000 người, cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới đến năm 2020”,…

2. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật

2.1. Phối hợp kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc

Bộ Tư pháp đã thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền 03 Thông tư do Ủy ban Dân tộc ban hành và liên tịch ban hành, bao gồm:

- Thông tư số 06/2014/TT-UBDT ngày 10/12/2014 ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê công tác dân tộc;

- Thông tư liên tịch số 07/2014/TTLT-UBDT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

- Thông tư số 01/2015/TT-UBDT quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban dân tộc.

Qua kiểm tra, xác định nội dung các Thông tư đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi.

2.2. Phối hợp công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Phối hợp triển khai một số hoạt động về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:

Hai Bộ đã tổ chức rà soát, hệ thống lại các văn bản chính sách phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc miền núi còn hiệu lực đến ngày 31/7/2015 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2662/VPCP-VIII ngày 17/4/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp thu ý kiến của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, các Bộ, ngành khác phối hợp); thực hiện phân loại các văn bản, chính sách theo địa bàn áp dụng và đề xuất xây dựng văn bản về chính sách dân tộc và miền núi nhằm bảo đảm tính rõ ràng, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tổng số văn bản quy phạm pháp luật liên quan được rà soát là 09 văn bản; số văn bản quy phạm pháp luật được kiến nghị (đề xuất) xử lý là 02 văn bản.

2.3. Về báo cáo, kiểm tra, sơ kết công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Hai Bộ đã tích cực phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, như: Ủy ban Dân tộc đã ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, gửi Bộ Tư pháp; Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2452/BTP-KTrVB đề nghị các Bộ, ngành, địa phương (trong đó có Ủy ban Dân tộc); Ủy ban Dân tộc gửi Báo cáo số 762/UBDT-PC ngày 28/7/2015 và báo cáo 172/BC-UBDT ngày 18 tháng 12 năm 2015, kịp thời phục vụ việc sơ kết tình hình thực hiện Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, đảm bảo việc triển khai công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại Ủy ban Dân tộc ngày càng bài bản, nghiêm túc, thường xuyên; định kỳ công bố danh Mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần; rà soát văn bản theo chuyên đề,...

3. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính

3.1. Thực hiện kiểm soát chất lượng công bố, công khai thủ tục hành chính lĩnh vực dân tộc

Trong năm 2015, Thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015, Bộ Tư pháp đã tham gia góp ý Quyết định số 562/QĐ-UBDT ngày 02/10/2015 ban hành danh Mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc; Quyết định số 660/QĐ-UBDT ngày 27/11/2015 về việc công bố TTHC được chuẩn hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc và phối hợp thực hiện việc công khai, nhập dữ liệu thủ tục hành chính vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia. Nhìn chung, việc công bố, công khai TTHC đã thực hiện đúng các hướng dẫn tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP hướng dẫn công bố, niêm yết thủ tục hành chính và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính. Hiện nay, đã có 10 TTHC; lĩnh vực dân tộc được công khai trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC và 03 TTHC đang được sửa đổi, bổ sung theo văn bản QPPL mới để trình Chủ nhiệm, Ủy ban Dân tộc công bố làm cơ sở thực hiện.

3.2. Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, tiếp nhận phản ánh kiến nghị về quy định hành chính trong lĩnh vực dân tộc

Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-UBDT ngày 30/12/2014 về Kế hoạch hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2015 trong đó bao gồm kế hoạch rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính (trong quá trình xây dựng đã lấy ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp.

3.3. Rà soát thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư lĩnh vực công tác dân tộc

Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc trong việc thực hiện hệ thống hóa thủ tục hành chính, đáp ứng đúng tiến độ thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư năm 2015.

4. Công tác trợ giúp pháp lý

4.1. Xây dựng đề án, dự án, các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế phối hợp; cơ chế hoạt động, chính sách hỗ trợ, lồng ghép các chương trình thực hiện trợ giúp pháp lý; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và hỗ trợ trợ giúp viên pháp lý là người dân tộc thiểu số

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện Mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 20201 và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 20252 , Bộ Tư pháp (Cục TGPL) đã xây dựng dự thảo Quyết định tích hợp Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020. Dự thảo đang được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành (trong đó có Ủy ban Dân tộc), địa phương để hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định.

Ủy ban Dân tộc xây dựng báo cáo Kết quả 08 năm triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp; ban hành Công văn số 77/UBDT-PC ngày 23 tháng 01 năm 2015 hướng dẫn một số hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế đối với cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, trong đó, tập trung vào các nội dung phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp để thực hiện trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT.

4.2. Kết quả thực hiện TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện chính sách TGPL theo Luật TGPL cho người yếu thế nói chung và chính sách TGPL cho người dân tộc thiểu số nói riêng, các Trung tâm TGPL nhà nước trên toàn quốc đã có nhiều nỗ lực để cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tổ chức các đợt truyền thông về pháp luật TGPL, các đợt TGPL lưu động... qua đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số giải quyết các vướng mắc pháp luật trong các lĩnh vực pháp luật: hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân - gia đình, hành chính - khiếu nại, tố cáo...

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2015 các Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện TGPL được 86.484 vụ việc cho 88.386 đối tượng, trong đó có 23.989 người dân tộc thiểu số. Thông qua việc thực hiện các vụ việc cụ thể đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật, trên cơ sở đó để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo, hướng dẫn Sở Tư pháp tại 33 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đại diện cho các vùng, miền, khu vực thực hiện khảo sát nhu cầu TGPL của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn (bằng hình thức phỏng vấn sâu và khảo sát bằng phiếu) nhằm phục vụ xây dựng Luật TGPL (sửa đổi).

5. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)

5.1. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 4080/QĐ-BTP ngày 31/12/2014 ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2015 để chỉ đạo, hướng dẫn Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố, Tổ chức pháp chế các bộ, ngành, đoàn thể, trong đó xác định một trong các đối tượng cần tập trung phổ biến là người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vừng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm “Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù - Thực trạng và giải pháp”. Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá về thực trạng công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng để xây dựng dự thảo Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, hiện nay đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.

5.2. Biên soạn tài liệu PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bộ Tư pháp đã biên soạn 06 tờ gấp phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số3; cuốn sách “Nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù” để đăng tải trên Trang Thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp để Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc thiểu số và hòa giải viên là người dân tộc làm tài liệu để tuyên truyền và nhân bản phát hành tại địa phương.

5.3. Kết quả PBGDPL cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp 2013 và các quy định của pháp luật liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống cơ quan làm công tác Dân tộc và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Dân tộc. Cuộc thi đã thu hút 3.900 lượt người tham dự.

Ủy ban Dân tộc xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số năm 2015, trong đó, mời Bộ Tư pháp tham gia báo cáo viên tại Hội nghị Yên Bái (hơn 120 cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, cán bộ thôn, bản, người có uy tín, nông dân sản xuất giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số).

Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hơn 70 cán bộ tuyên truyền viên, hòa giải viên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Bắc Giang (theo đề án của Bộ Tư pháp).

Bộ Tư pháp đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác PBGDPL trong cả nước trên Trang Thông tin Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng Thông tin điện tử của Bộ bằng các chuyên Mục như: Hỏi đáp pháp luật, câu chuyện pháp luật, chuyên đề truyền thanh, giới thiệu văn bản pháp luật mới ban hành. Nội dung tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số là nội dung pháp luật liên quan đến đời sống, sinh hoạt của đối tượng như: pháp luật đất đai, hôn nhân và gia đình, các chính sách vay vốn, chính sách trợ cấp, chế độ có liên quan trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp đài Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng chương trình, chuyên Mục, tin bài, phóng sự, clips... với nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn trong cả nước, đặc biệt là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số.

5.4. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức của Ủy ban Dân tộc

Ủy ban Dân tộc đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi). Tổ chức Hội nghị tuyên truyền, quán triệt các nội dung trọng tâm của hai Bộ luật trên (mời Bộ Tư pháp làm báo cáo viên) để triển khai lấy ý kiến; phối hợp với các đơn vị của Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban Dân tộc và các chuyên gia, nhà khoa học về các nội dung trọng tâm, các nội dung liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc của hai Bộ luật; xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp.

6. Công tác hòa giải ở cơ sở    

6.1. Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Tư pháp thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hòa giải ở cơ sở và hỗ trợ tài liệu, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên

Ngày 05/3/2015, Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 638/BTP - PBGDPL hướng dẫn thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở năm 2015, trong đó chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp, các Sở, ngành ở địa phương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tăng cường phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân ở cơ sở về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng; củng cố, kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở, bảo đảm cơ cấu tổ hòa giải về nữ, về hòa giải là người dân tộc thiểu số theo đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, Công văn đã chỉ đạo Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo quy định tại Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; biên soạn, hỗ trợ các tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở sát hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, nhất là các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số....

6.2. Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan (trong đó có Ủy ban dân tộc) thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở tại 6 tỉnh, thành phố (Hòa Bình, Sơn La, Phú Yên, Gia Lai, Cần Thơ, Sóc Trăng); theo đó, Đoàn đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại một số địa bàn xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La; xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên; xã Hòa Phú, huyện Chưa Păh, tỉnh Gia Lai; xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

Qua kiểm tra cho thấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền hoàn thành việc củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn, đáp ứng được nhu cầu của người dân, 100% thôn, bản, ấp ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được kiểm tra đều có tổ hòa giải. Tiêu chuẩn, số lượng hòa giải viên và thành phần của tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải đều có hòa giải nữ và hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn các xã được kiểm tra có sự quan tâm lãnh đạo của đảng ủy, chính quyền và đạt kết quả khá tốt (tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 75%). Hòa giải viên là người dân tộc thiểu số chủ yếu vận dụng phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào trong hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, đem lại hiệu quả thiết thực.

6.3. Tổ chức biên soạn tài liệu truyền thông về hòa giải ở cơ sở

Trong năm 2015, Bộ Tư pháp đã tổ chức biên soạn Tài liệu phục vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Thông qua đó, giúp các địa phương nhất là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - nơi Điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật còn nhiều khó khăn tổ chức hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải tới người dân ở cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, nội dung chủ yếu của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn phương thức hòa giải ở cơ sở trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; hỗ trợ thiết thực cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa bàn; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở.

6.4. Tổ chức tập huấn Điểm cho hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng tham gia hòa giải tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở, khiếu nại, tố cáo, kỹ năng hòa giải tranh chấp đất đai cho hơn 200 hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng tham gia hòa giải tại 02 huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (huyện Phú Hòa, Phú Yên và huyện Trần Đề, Sóc Trăng). Nội dung các lớp bồi dưỡng kết hợp giữa lý thuyết và tình huống, giải đáp thắc mắc, đã giúp hòa giải viên nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải để vận dụng trong hoạt động thực tiễn.

7. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực

7.1. Về đề xuất các giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực ngành Tư pháp, trong đó chú trọng việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các cán bộ là người dân tộc thiểu số

Thực hiện Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2013 (tại Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 28/1/2013), Bộ Tư pháp đã triển khai các hoạt động xây dựng Đề án về các giải pháp tổng thể kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực Ngành Tư pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc nâng cao năng lực đội ngũ người làm công tác pháp chế, cán bộ tư pháp tại các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở việc đánh giá về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành Tư pháp, việc xây dựng vị trí việc làm và Chiến lược phát triển Ngành Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ đã xây dựng dự thảo Đề án về các giải pháp tổng thể kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực ngành Tư pháp, trong đó có đánh giá tổng thể thực trạng tổ chức bộ máy và số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Ngành Tư pháp. Ngày 24/6/2015, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của Bộ Nội vụ, các thành viên Ban soạn thảo, các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương đối với các nội dung cơ bản của dự thảo Đề án. Theo Kế hoạch, dự thảo Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11/2016.

7.2. Về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

a. Kết quả thực hiện

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2015 đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, trong đó có nhiệm vụ “Tổ chức mở các lớp bồi dưỡng cho công chức, viên chức Bộ Tư pháp và công chức tư pháp địa phương ở trong nước”, theo đó, trong năm 2015, Bộ đã tổ chức được các lớp bồi dưỡng cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã nói chung và cho cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số nói riêng theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP. Kết quả cụ thể như sau:

STT

ĐỊA PHƯƠNG

ĐỐI TƯỢNG

THỜI GIAN

SỐ LƯỢNG

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ

1

Lào Cai

Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP

Tháng 7

70

Trường TCL Thái Nguyên

2

Bắc Kạn

Công chức tư pháp - hộ tịch xã theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP

Tháng 9

45

Trường TCL Thái Nguyên

3

Bắc Giang

Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP

Tháng 9

104

Trường TCL Thái Nguyên

4

Nghệ An

Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP

Tháng 7

99

Trường TCL Đồng Hới

5

Ninh Thuận

Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP

Tháng 7

10

Vụ Tổ chức cán bộ

6

Quảng Ngãi

Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP

Tháng 9

95

Vụ Tổ chức cán bộ

Tổng cộng

 

413

 

III. ĐÁNH GIÁ VỀ CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA HAI BỘ TRONG NĂM 2015

1. Đánh giá về công tác phối hợp giữa hai cơ quan

Sau một năm triển khai thực hiện Quyết định số 140/QĐ-UBDT và Quyết định số 173/2015/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ năm 2015, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp đã được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, thực chất, có trọng tâm, trọng Điểm. Các đơn vị của hai cơ quan đã chủ động, tích cực trao đổi thông tin, tham dự các cuộc họp thảo luận, góp ý về những vấn đề liên quan giữa hai bên; chủ động phối hợp về nghiệp vụ, cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án luật và các văn bản hướng dẫn.

Tuy nhiên, bên cạnh những nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc, hoạt động giữa hai bên chưa thật sự đi vào chiều sâu, việc phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện phối hợp công tác giữa hai cơ quan chưa được thường xuyên, một số nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 140/QĐ-UBDT và Quyết định số 173/2015/QĐ-BTP chưa được triển khai hoặc triển khai chậm so với Kế hoạch đề ra; một số hoạt động còn diễn ra hình thức, chưa thật sự được quan tâm, chú trọng, cụ thể:

1) Chưa được triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: i) Nhiệm vụ phối hợp rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến pháp luật dân sự và hôn nhân gia đình, tiếp tục hoàn thiện theo hướng lồng ghép vấn đề dân tộc trong quy định của Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (Điểm c Mục 2 Phần II); ii) Nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế của Ủy ban dân tộc trên phạm vụ toàn quốc (Điểm c Mục 7 Phần II) của Quyết định số 173/2015/QĐ-BTP;

2) Nhiệm vụ phối hợp kiểm tra hoạt động pháp chế của các Ban Dân tộc trên phạm vi toàn quốc (Điểm a Mục 8 Phần II) của Quyết định số 173/2015/QĐ-BT; nhiệm vụ tổ chức các hoạt động lồng ghép việc kiểm tra tình hình ban hành văn bản về chính sách dân tộc, thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tại 03 địa phương của 03 khu vực Bắc, Trung, Nam tại Mục 6 phần II của Quyết định số 140/QĐ-UBDT.

2. Những nguyên nhân của các tồn tại hạn chế

2.1. Công tác phối hợp trong triển khai các hoạt động giữa các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc chưa thực hiện thường xuyên, chưa đảm bảo tính gắn kết, chưa có hệ thống và tính tiếp nối. Một số đơn vị của hai cơ quan còn có thiếu tính chủ động, chưa đề xuất hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ.

2.2. Số lượng các nội dung phối hợp công tác giữa 02 Cơ quan nhiều, trong khi thời gian còn hạn chế nên đôi khi phối hợp còn chưa kịp thời, chưa chuyên sâu.

2.3. Ở địa phương, hoạt động phối hợp giữa Sở Tư pháp và cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chưa đồng đều dẫn đến tình trạng triển khai thực hiện một số công tác còn hạn chế. Chẳng hạn như, công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương chưa triển khai rộng khắp; hoạt động trợ giúp pháp lý tại một số địa phương chưa đầy đủ, kịp thời và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; một số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa biết về quyền được TGPL.

2.4. Các Điều kiện đảm bảo còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực và kinh phí dành cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2.5. Năng lực tổ chức bộ máy cán bộ để triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế: Thiếu tuyên truyền viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý, hòa giải viên biết tiếng dân tộc thiểu số (những người có kiến thức pháp luật nhưng không biết nói tiếng dân tộc thiểu số, chưa am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào nên gặp khó khăn trong tuyên truyền, phổ biến, trợ giúp pháp lý, hòa giải cho các bên là người dân tộc thiểu số. Ngược lại, những người dân tộc thiểu số, già làng, người có uy tín trong làng, bảo thì chưa có kiến thức pháp luật (thậm chí không biết chữ) nên hòa giải chủ yếu bằng kinh nghiệm, phong tục, tập quán của địa phương). Trong khi đó, thiếu cán bộ là người dân tộc thiểu số và những người có thể thực hiện việc phiên dịch để hỗ trợ cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý, hòa giải viên.

2.6. Đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết pháp luật không đồng đều, sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn nên đã phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động hỗ trợ cho đối tượng này.

III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG NĂM 2016

1. Công tác xây dựng pháp luật

- Hai Bộ tiếp tục phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân tộc trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Trong đó, tập trung vào việc rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên liên quan đến công tác dân tộc; tổ chức thực hiện tốt việc nghiên cứu, nghiệm thu đề tài “nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ xây dựng Luật Dân tộc”;

- Hai Bộ tiếp tục tham gia góp ý, thẩm định các văn bản QPPL, các đề án, dự án liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về dân tộc; cử cán bộ cấp Vụ, chuyên viên tham gia vào Ban soạn thảo, Tổ biên tập, góp phần cho việc xây dựng các văn bản bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ.

2. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

- Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Ủy ban Dân tộc tiếp tục tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo đối với các hoạt động phối hợp giữa 02 Cơ quan (trong đó có công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật) trong năm 2016 và các năm tiếp theo;

- Ủy ban Dân tộc thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong triển khai công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời có thông tin, báo cáo đầy đủ về Bộ Tư pháp theo quy định (hoặc theo đề nghị) và ngược lại. Trong quá trình triển khai công tác nếu có vướng mắc, khó khăn về nghiệp vụ, kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn, giải đáp;

- Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành (Bộ Tư pháp chủ trì) về kiểm tra việc thực hiện một số lĩnh vực công tác pháp chế tại Ủy ban Dân tộc (trong đó có công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật);

- Thường xuyên (định kỳ) tổ chức các cuộc họp, trao đổi, phối hợp về nghiệp vụ trong quá trình triển khai các mặt công tác của 02 Cơ quan.

3. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính

- Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chủ trương, định hướng lớn về cải cách thủ tục hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra trong các nghị quyết, quyết định; lựa chọn những vấn đề, thủ tục hành chính cần tiếp tục đơn giản hóa và tiếp tục cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính ngay từ khâu dự thảo để bảo đảm nguyên tắc chỉ duy trì và ban hành những thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh;

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ những nhiệm vụ được giao của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính theo đúng Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ;

- Triển khai thực hiện có Đề án thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền;

- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

4. Công tác trợ giúp pháp lý

- Nghiên cứu để xây dựng đề án, dự án, các văn bản quy phạm pháp luật,... nhằm hoàn thiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về pháp luật TGPL; thực hiện TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác PBGDPL cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Phối hợp hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng biên giới, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2021”;

- Biền soạn các tờ gấp phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số;

- Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Công văn hướng dẫn tổ chức Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2016 với nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn;

- PBGDPL và thông tin về thực tiễn công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng của Ủy ban Dân tộc;

- Tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho Báo cáo viên pháp luật một số tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

6. Công tác hòa giải ở cơ sở

- Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc và một số Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc năm 2016.

- Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc Biên soạn tài liệu pháp luật dành cho hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.

7. Cộng tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực

- Tổ chức mở các lớp bồi dưỡng cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xác từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nghị định số 3072008/NQ-CP;

- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ Hộ tịch cho công chức làm công tác Hộ tịch theo Kế hoạch triển khai Luật Hộ tịch đã được Bộ Tư pháp ban hành.

- Xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho công chức tư pháp địa phương.

8. Về công tác pháp chế

Vụ Pháp chế - Ủy ban Dân tộc chủ động tham mưu, phối hợp các mặt hoạt động công tác pháp chế với các Vụ, đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp.

- Triển khai Nghị định 55/2011/NĐ-CP có hiệu quả, kiện toàn về tổ chức pháp chế của Bộ, tăng biên chế cho tổ chức này để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay; hướng dẫn kịp thời cho các pháp chế của Ban Dân tộc ở địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ.

Trên đây là báo cáo kết quả phối hợp công tác giữa Ủy ban dân tộc Bộ và Tư pháp năm 2015 và phương hướng phối hợp hoạt động năm 2016./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (để phối hợp);
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT (để b/c);
- Các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT;
- Các Vụ, đơn vị của Ủy ban Dân tộc;
- Cổng thông tin điện tử UBDT;
- Lưu: VT, PC (04 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM




Đỗ Văn Chiến

 



1 Bộ Tư pháp có nhiệm vụ: “Tích hợp 02 Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013-2020”.

2 Mục III Điều 1 Quyết định 749/QĐ-TTg quy định: giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật TGPL (sửa đổi) có hiệu lực thì “Hàng năm, Bộ Tư pháp lập dự toán kinh phí theo các hoạt động, nhiệm vụ nêu trong Đề án gửi Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí cho việc triển khai Đề án trong đó có kinh phí để thực hiện các hoạt động TGPL tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo các chính sách về TGPL quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và Nghị quyết số 80/NQ-CP (kinh phí theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg)”.

3 Tờ gấp về bồi thường cho người sử dụng đất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi đất; Tờ gấp về miễn, giảm tiền sử dụng đất; Tờ gấp về quy định đối với sử dụng đất trồng lúa; Tờ gấp về chính sách hỗ trợ học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học; Tờ gấp về chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia bảo vệ và phát triển rừng; Tờ gấp về chính sách hỗ trợ để nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 39/BC-UBDT kết quả thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 do Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 39/BC-UBDT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/03/2016
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Người ký: Đỗ Văn Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản