Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/BC-HĐND | Bắc Kạn, ngày 31 tháng 05 năm 2013 |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ GIÁM SÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI GIAI ĐOẠN 2011-2015
Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-HĐND ngày 09/5/2013 về giám sát việc thực hiện Luật bình đẳng giới và kết quả thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; trong 02 ngày 16, 17/5/2013, Đoàn giám sát đã trực tiếp làm việc tại UBND thị xã Bắc Kạn, UBND huyện Chợ Đồn và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ) tỉnh; giám sát gián tiếp thông qua việc xem xét báo cáo bằng văn bản đối với UBND 06 huyện còn lại.
Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh báo cáo kết quả như sau:
A- VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI
I. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật bình đẳng giới
Luật bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Tuy nhiên, đến tháng 4/2008, Chính Phủ mới ban hành Nghị định số 70/2008/NĐ-CP quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới và phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
Trên cơ sở chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ; ngày 16/4/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1000/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Đồng thời, ban hành các văn bản về việc thành lập, kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp; các Sở, ban, ngành đoàn thể thuộc tỉnh; ban hành kế hoạch hoạt động hàng năm về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Công tác phụ nữ, vấn đề bình đẳng giới đã có chuyển biến tích cực, tư tưởng trọng nam hơn nữ trong xã hội bước đầu được khắc phục.
II. Công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện Luật
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật bình đẳng giới được các cơ quan tổ chức quan tâm quán triệt đến cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiến hành tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phong phú như: tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới, tổ chức các buổi Hội thảo, tọa đàm, gặp mặt, nói chuyện, tổ chức các cuộc thi, cấp phát sổ tay hỏi đáp, áp phích, tờ rơi, tổ chức triển khai mô hình “Giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”. Tính đến thời điểm giám sát đã phát hành hơn 3.000 sổ tay, 100 tờ áp phích và 20.000 tờ rơi, tổ chức tuyên truyền được hơn 40.000 lượt người nghe về công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng mở chuyên mục tuyên truyền về bình đẳng giới như: chuyên mục “Phụ nữ và cuộc sống”, “Thông điệp phụ nữ”...
Công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực nhận thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ được quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới cũng cho thấy có một số tồn tại như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số còn có những hạn chế, định kiến giới còn nhiều; bản thân một bộ phận phụ nữ còn có tư tưởng an phận, chưa tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và sự nghiệp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tại một số địa phương, sở, ngành còn mang tính hình thức. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp vẫn là đơn vị chủ lực chính trong việc tuyên truyền, thực hiện Luật bình đẳng giới. Một số cơ quan quản lý nhà nước chưa thật sự quan tâm vào cuộc đối với công tác này.
Việc theo dõi tổng hợp các số liệu trong một số ngành và lĩnh vực còn chưa được cập nhật ví dụ: số liệu về tỷ lệ nam, nữ trong các lĩnh vực; tỷ lệ nữ là chủ doanh nghiệp...
III. Việc bố trí tổ chức bộ máy, cán bộ thực hiện công tác bình đẳng giới tại địa phương
Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) tỉnh được thành lập năm 2007. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 40 Ban VSTBPN các sở, ban, ngành đoàn thể và 8/8 các huyện, thị xã. Việc bố trí kinh phí, cơ sở vật chất cho thi hành Luật Bình đẳng giới cơ bản được đảm bảo.
Đối với cấp tỉnh và cấp huyện ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ và đã giao cho 01 công chức kiêm nhiệm công tác này.
Đối với cấp xã, công tác bình đẳng giới được giao cho 01 công chức kiêm nhiệm, tuy nhiên việc kiêm nhiệm này chưa thống nhất giữa các xã trên địa bàn tỉnh, có xã bố trí cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội phụ trách; có xã bố trí cán bộ văn hóa xã phụ trách, có xã bố trí cán bộ Ủy ban MTTQVN cấp xã phụ trách do đó, khó khăn trong quá trình triển khai và thống kê kết quả thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực.
Nhìn chung, việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bình đẳng giới còn thiếu (chủ yếu là kiêm nhiệm); chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn về giới, bình đẳng giới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cấp huyện, cấp xã ở một số địa phương chưa thật sự hiệu quả. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở một số nơi còn mang tính hình thức và chủ yếu do Hội phụ nữ thực hiện.
IV. Công tác kiểm tra, giám sát
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bình đẳng giới đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên và thường thực hiện lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn, số liệu đánh giá các mục tiêu chủ yếu dựa trên báo cáo của các đơn vị. Thậm chí có huyện chưa tiến hành kiểm tra công tác này tại cơ sở (Pác Nặm, Chợ Đồn).
1. Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ đã bước đầu được các cấp, ngành quan tâm thực hiện như: đào tạo, sắp xếp, sử dụng, đề bạt bổ nhiệm cán bộ nữ đáp ứng từng giai đoạn phát triển, trong đó cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh như Trưởng, Phó phòng thuộc các sở, ban ngành đoàn thể cấp tỉnh giai đoạn 2007 - 2015 là 639 đồng chí (chiếm 27,84%); thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể (giám đốc và tương đương) là 21 đồng chí (chiếm 11,5%), cấp phó 46 đồng chí (chiếm 17,9%). Số cán bộ nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp huyện: Ban chấp hành Đảng bộ huyện đạt 19,8%, Ban Thường vụ đạt 16,2%, lãnh đạo chủ chốt đạt 12,7%, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, phó phòng đạt 18,7%; cấp xã: Ban Chấp hành Đảng bộ xã đạt 6,7%, Ban Thường vụ 2,3%, lãnh đạo chủ chốt đạt 1,7%.
Về cơ bản, phụ nữ bình đẳng trong tham gia công tác quản lý, tham gia các hoạt động xã hội, tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; quy chế hoạt động của cơ quan, tổ chức. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy 3 cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đều tăng so với nhiệm kỳ trước, cụ thể: nữ tham gia cấp ủy: Cấp tỉnh 9 đồng chí (chiếm 16,98%, tăng 2,9%); cấp huyện, thị 57 đồng chí (chiếm 19%, tăng 2,15%); cấp xã, phường 195 đồng chí (chiếm 16,3%, tăng 2,22% so với nhiệm kỳ trước).
Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016: Đại biểu Quốc hội 2 đồng chí (chiếm 33,33%); đại biểu HĐND tỉnh 18 đồng chí (chiếm 36,73%, tăng 16,7%); đại biểu HĐND huyện 66 đồng chí (chiếm 27,39%, tăng 3,43%); đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn 572 (chiếm 21,93%, tăng 3,99% so với nhiệm kỳ trước).
Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ chủ chốt và tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND càng về cơ sở càng giảm, cụ thể: tỷ lệ nữ là bí thư (cấp huyện chiếm 12,5%, cấp xã chiếm 4,91%), tỷ lệ nữ là Chủ tịch UBND (cấp huyện chiếm 25%; cấp xã chiếm 2,45%); tỷ lệ nữ đại biểu HĐND (cấp tỉnh 36,73%, cấp huyện 27,39%, cấp xã 21,39%); điều này cho thấy ở cơ sở, vùng sâu vùng xa, phụ nữ ít có điều kiện tham gia các hoạt động quản lý nhà nước; đa số lãnh đạo nữ đều giữ các vị trí cấp phó, tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí cấp trưởng còn ít.
Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo (cấp trưởng) ở các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh còn thấp (chiếm 12,24%). Đối với các cơ quan Đảng, nhà nước tổ chức chính trị xã hội có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ chưa cao (chiếm 39%). Tính đến hết năm 2011, tổng số đảng viên nữ trong toàn đảng bộ là 8.102 đồng chí (chiếm 33,41%).
Nhìn chung, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, tỷ lệ nữ là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở còn thấp và không đồng đều giữa các địa phương, các lĩnh vực, chưa tương xứng với lực lượng lao động nữ trong xã hội (tỷ lệ này cao ở thị xã Bắc Kạn; thấp ở các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Na Rỳ, Pác Nặm).
Nhận thức về cán bộ nữ và bình đẳng giới ở một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, việc đánh giá cán bộ nữ còn khắt khe; thiếu những chính sách và biện pháp cụ thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ nữ. Bản thân một số cán bộ nữ còn có tư tưởng an phận; chưa tự khắc phục khó khăn, hạn chế như: con nhỏ, phụ thuộc gia đình, chưa dành thời gian tham gia công tác xã hội.
2. Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm
Nhìn chung, vị thế việc làm của lao động nữ có sự thay đổi tích cực. Tính đến hết năm 2011, tổng số nữ cán bộ công chức viên chức toàn tỉnh chiếm 66,5%. Tổng số lao động nữ được tạo việc làm mới trong năm 2012 là 44%. Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 80%. Tuy nhiên, việc phân bố cơ cấu nam, nữ trong các ngành nghề chưa cân bằng, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn ở những nhóm việc như công nhân, lãnh đạo, chuyên môn kỹ thuật và lực lượng vũ trang. Phụ nữ thường chiếm tỷ lệ cao ở một số nhóm nghề khác như nông nghiệp, buôn bán nhỏ, nhân viên văn phòng.
Nữ lao động thất nghiệp còn cao, toàn tỉnh có 334 trường hợp, chiếm 45,4%. Tỷ lệ lao động nữ ở nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ thấp (20%).
3. Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo
Công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục đã đạt được một số kết quả bước đầu. Kết quả này thể hiện ở tỷ lệ biết chữ cả nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn (đạt 90%), số học sinh nhập học không có sự khác biệt nhiều về nhận thức giữa bé trai và bé gái đặc biệt là trong các cấp học giáo dục cơ bản (Tiểu học, THCS và THPT). Tổng số người mù chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 chiếm 1,38%; trong độ tuổi từ 36 - 60 chiếm 5,03%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo cũng có những hạn chế như: việc tiếp cận với giáo dục của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn và trở ngại hơn so với các em trai và nam giới. Số trẻ em gái đến trường ở các huyện miền núi còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu do các em phải lao động giúp đỡ gia đình, trường nội trú ở xa nhà và ở một số nơi vẫn còn có tập quán lấy chồng sớm. Vì vậy, khoảng cách giới còn tồn tại về cơ hội đi học ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế khó khăn.
Khoảng cách bất bình đẳng giới giữa nam và nữ đang dãn rộng hơn ở các bậc học sau đại học; càng ở trình độ học vấn cao thì mức độ bất bình đẳng giới lại càng lớn. Điều này được phản ánh ở tỷ lệ nữ thạc sỹ chiếm 39% trong tổng số cán bộ có trình độ thạc sỹ. Số cán bộ nữ trong quy hoạch được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, đào tạo sau đại học giai đoạn 2010 - 2015 là 102 đồng chí (chiếm 28%). Điều này cũng ảnh hưởng lớn tới khả năng phát triển và đóng góp của phụ nữ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc vươn lên trở thành những người đứng đầu trong bộ máy quản lý của địa phương.
4. Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế
Công tác phối hợp thực hiện các chiến dịch tuyên truyền vận động, lồng ghép đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân có mức sinh cao được quan tâm thực hiện thông qua các câu lạc bộ như: Câu lạc bộ không sinh con thứ 3, Câu lạc bộ sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình, phòng chống sốt rét, bướu cổ, HIV/AlDS.
Phụ nữ mang thai được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, như: Số phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV là 6.136 lượt người, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tự nguyện là 5.767 lượt người
Tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng mất cân bằng, năm 2012 tỷ số này là 113,8/100; tỷ lệ này cao ở thị xã Bắc Kạn (116/102).
Ngoài ra, tư tưởng lạc hậu, trọng nam hơn nữ còn khá phổ biến, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, dẫn tới tỷ số giới tính khi sinh vượt qua giới hạn chỉ số cân bằng sinh học bình thường (103-106).
5. Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa thông tin
Tỷ lệ nữ được tiếp cận, tham gia lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thông qua các loại hình cơ bản được đảm bảo; tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho phụ nữ. Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh và 80% Đài Truyền hình các huyện, thị xã có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về giới. Các ấn phẩm thông tin mang định kiến về giới giảm đáng kể; thời lượng phát sóng các chương trình, chuyên mục và số lượng các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới tăng 60%.
6. Bình đẳng giới trong gia đình
Vấn đề định kiến giới và tư tưởng trọng nam giới hơn phụ nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội với các biểu hiện như thích sinh con trai hơn con gái, coi việc nội trợ, chăm sóc con cái là công việc của phụ nữ, ưu tiên quan tâm đến con trai nhiều hơn, quan niệm nam giới là người trụ cột, quyết định chính trong gia đình và đóng vai trò chính trong các quan hệ xã hội.
Thời gian làm việc của phụ nữ thường dài hơn nam giới: Tính chất bảo thủ của sự phân công lao động truyền thống theo giới ở các mức độ khác nhau vẫn còn được bảo lưu trong một bộ phận gia đình đã làm hạn chế các cơ hội học hành của trẻ em gái, cản trở phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội và có địa vị, thu nhập bình đẳng như nam giới. Kết quả thống kê cho thấy, trung bình thời gian làm việc một ngày của phụ nữ là 13 giờ, trong khi của nam giới khoảng 9 giờ. Sự chênh lệch này chủ yếu do phụ nữ còn đảm nhiệm công việc nội trợ, chăm sóc con cái... ngoài vai trò sản xuất và công tác như nam giới. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung phụ nữ ít được quyền quyết định công việc gia đình so với nam giới.
Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” được 100% cơ sở hội hưởng ứng tham gia và thực hiện tốt. Hiện nay, 8/8 huyện, thị xã đã xây dựng được 146 mô hình tại xã, phường, nhiều chi hội phụ nữ đã tổ chức tốt mô hình “đoạn đường phụ nữ tự quản” bước đầu đạt kết quả tốt.
7. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới
Trên địa bàn tỉnh và các huyện, thị xã đã tổ chức bồi dưỡng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới và một số tổ chức hội, đoàn thể. Ban vì sự tiến bộ phụ nữ đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới cho nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; cán bộ phụ trách công đoàn các cấp. Hưởng ứng cuộc vận động Quỹ xây dựng, sửa chữa “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, tỉnh Bắc Kạn đã vận động Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các huyện, thị xã, các sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh ủng hộ 339.035.000 đồng.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp thì có khoảng 80% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan tới bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được phép lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Tuy nhiên, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu tích cực, chủ động trong việc thực hiện quy trình, thủ tục lồng ghép giới nên hiệu quả lồng ghép giới chưa cao.
Toàn tỉnh có 07 trung tâm trợ giúp pháp lý (06 cơ sở tại huyện, 01 cơ sở tại tỉnh). Các trung tâm trợ giúp pháp lý đã tư vấn trợ giúp pháp lý cho người dân được 460 vụ, việc, trong đó có 208 vụ, việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của phụ nữ. Từ năm 2007 đến nay, đã phối hợp giải quyết được 288 đơn thư liên quan đến bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình; tham gia hòa giải 875 vụ việc. Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Bể đã tham gia can thiệp thành công vụ việc ép tảo hôn đối với 01 học sinh nữ, giúp em hoàn thiện hồ sơ để được đi học tại trường nội trú huyện.
Tình trạng bạo lực gia đình của tỉnh còn phức tạp, xảy ra 262 vụ bạo lực gia đình, trong đó số nạn nhân nữ là 247 vụ, chiếm 94,2%, tình trạng này tập trung ở một số huyện như Ngân Sơn (năm 2012 xảy ra 11 vụ, người gây bạo lực là nam giới), huyện Chợ Đồn, huyện Pác Nặm (trong 02 năm có 27 vụ)....
B- TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 11/NQ-TW NGÀY 27/4/2007 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
Sau khi có Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 51-KH/TU về quán triệt, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết ở các cấp; Chương trình hành động số 05-CTr/TU để cụ thể hóa việc thực hiện nghị quyết. Các huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc chỉ đạo các chi, đảng bộ trên cơ sở kế hoạch của Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch hoặc chương trình hành động thực hiện nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.
Các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc phổ biến, tuyên truyền thực hiện nghị quyết và xây dựng kế hoạch hoặc chương trình hành động phù hợp. Một số đơn vị, địa phương đã chủ động, linh hoạt lồng ghép các chỉ tiêu của nghị quyết vào kế hoạch, nhiệm vụ công tác năm để chỉ đạo thực hiện.
Nhìn chung, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhận thức của cấp ủy, chính quyền về phụ nữ và công tác hội đã từng bước được nâng lên. Cán bộ, hội viên phụ nữ đã có nhiều nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ ở mọi lĩnh vực công tác, từng bước nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ. Xác định công tác phụ nữ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhưng vẫn còn một số địa phương, cơ sở “khoán trắng” công tác phụ nữ cho tổ chức Hội. Hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tại một số ngành, địa phương, nhất là ở cơ sở còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Một số cấp Hội phụ nữ chưa tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ. Trình độ năng lực của một số cán bộ nữ chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay...
C- MỘT SỐ HẠN CHẾ TRONG VIỆC THỰC HIỆN LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI
- Tư tưởng gia trưởng, trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Mặt khác, nhận thức về vấn đề bình đẳng giới tuy đã có chuyển biến, nhưng chưa cao, do vậy, việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội còn có những hạn chế. Các cấp, các ngành chưa tích cực, chủ động triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, nhiều hoạt động thực hiện còn mang tính hình thức.
- Một số quy định trong các lĩnh vực có liên quan đến bình đẳng giới còn chưa phù hợp dẫn tới những hạn chế điều kiện và cơ hội tham gia bình đẳng của phụ nữ như vấn đề tuổi nghỉ hưu; tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm... của cán bộ, công chức nữ. Thiếu chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới.
- Số cán bộ nữ lãnh đạo ở sở, ban, ngành đoàn thể và địa phương còn ít về số lượng và một số nữ cán bộ hạn chế về chất lượng.
- Việc lồng ghép giới và bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội chưa được quan tâm đúng mức nên việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật đảm bảo lồng ghép giới cũng còn lúng túng và có hạn chế nhất định.
- Công tác thống kê số liệu có tách biệt giới chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm đúng mức, kể cả đối với cơ quan thống kê. Điều này đã hạn chế việc phân tích giới và lồng ghép giới vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật cũng như các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.
- Chưa bố trí được biên chế chuyên trách cho công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nên hạn chế chất lượng công tác tham mưu và triển khai thực hiện các hoạt động liên quan.
D- NHỮNG KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT
- Chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương có văn bản chỉ đạo thống nhất về xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới để các sở, ngành cấp tỉnh lồng ghép trong hoạt động chuyên môn được thuận lợi.
- Có văn bản chỉ đạo hướng dẫn thành lập Ban VSTBPN các Sở, ban, ngành của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai nhiệm vụ ở cơ sở.
- Tổ chức các lớp tập huấn cho báo cáo viên cấp tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới.
- Hỗ trợ các chương trình dự án lồng ghép giới cho cơ sở góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực.
- Xây dựng và ban hành văn bản quy định chính sách tạo điều kiện đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ trong công tác bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhất là, việc hỗ trợ kinh phí trong công tác cử tuyển, đào tạo nghề đối với phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
- Có chính sách bồi dưỡng kiến thức, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho đối tượng xuất khẩu lao động là nữ để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của nước ngoài.
2. Đối với UBND tỉnh:
- Chỉ đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới; Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2011 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia bình đẳng giới tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.
- Chỉ đạo các đơn vị được giao chủ trì thực hiện các chỉ tiêu trong Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2011 cần chủ động tham mưu trong thực hiện và báo cáo cho cơ quan thường trực về kết quả thực hiện.
- Xem xét, rà soát các chỉ tiêu trong Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2011 để điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.
- Quan tâm chỉ đạo thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ về việc quy trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước.
- Xem xét, bố trí biên chế chuyên trách Bình đẳng giới cho cấp tỉnh và huyện.
- Quan tâm, chỉ đạo thống nhất việc cấp kinh phí về công tác BĐG và VSTBPN của cấp huyện để công tác này hoạt động đạt hiệu quả.
- Chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp trong thực hiện công tác BĐG, VSTBPN.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Luật bình đẳng giới gắn với công tác thi đua khen thưởng hàng năm.
3. Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh
- Tích cực chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng xây dựng các chính sách tạo điều kiện đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ.
- Quan tâm công tác phát triển, bồi dưỡng cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn để giới thiệu cho cấp ủy.
4. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp
Phối hợp với Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phụ nữ và vấn đề bình đẳng giới.
5. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh
- Tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bình đẳng giới.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Luật bình đẳng giới và hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp.
- Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quy hoạch cán bộ nữ ở các cấp, các ngành, các địa phương.
- Xây dựng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng với tình hình mới.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác vì sự tiến bộ phụ nữ ở cơ sở.
- Chỉ đạo UBND cấp xã thống nhất giao công tác VSTBPN cho cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp phụ trách.
Nơi nhận: | TM. THƯỜNG TRỰC HĐND |
- 1Chỉ thị 11/2009/CT-UBND thực hiện Nghị định 70/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Chỉ thị 31/2008/CT-UBND tổ chức thực hiện Luật Bình đẳng giới của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 3Nghị quyết 94/NQ-HĐND năm 2013 về kết quả giám sát công tác thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 4Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2012 thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2015 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 5Quyết định 829/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Vĩnh Long năm 2012
- 6Quyết định 288/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long
- 7Kế hoạch 97/KH-UBND năm 2017 triển khai tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 1Luật Bình đẳng giới 2006
- 2Nghị định 70/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật bình đẳng giới
- 3Chỉ thị 11/2009/CT-UBND thực hiện Nghị định 70/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4Nghị quyết 11-NQ/TW năm 2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Bộ Chính trị ban hành
- 5Nghị định 56/2012/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước
- 6Chỉ thị 31/2008/CT-UBND tổ chức thực hiện Luật Bình đẳng giới của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 7Kế hoạch 12/KH-HĐND năm 2013 về Giám sát tình hình thực hiện Luật bình đẳng giới và kết quả thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 8Quyết định 1000/QĐ-UBND năm 2011 Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020
- 9Nghị quyết 94/NQ-HĐND năm 2013 về kết quả giám sát công tác thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 10Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2012 thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2015 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 11Quyết định 829/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Vĩnh Long năm 2012
- 12Quyết định 288/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long
- 13Kế hoạch 97/KH-UBND năm 2017 triển khai tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Báo cáo 25/BC-HĐND năm 2013 kết quả giám sát tình hình thực hiện Luật bình đẳng giới và kết quả thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- Số hiệu: 25/BC-HĐND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 31/05/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
- Người ký: Lý Thái Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra