Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 213/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 12 năm 2013

 

BÁO CÁO

HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ, TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI VÀ QUỐC PHÒNG - AN NINH THÀNH PHỐ THÁNG 11, MƯỜI MỘT THÁNG VÀ CÔNG TÁC TRỌNG TÂM THÁNG 12 NĂM 2013

I. Hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố

1. Các phiên họp, Hội nghị của Ủy ban nhân dân thành phố:

Trong tháng, Ủy ban nhân dân thành phố đã họp giao ban thường kỳ với các sở - ban - ngành, quận - huyện để đánh giá tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội tháng 11 và chỉ đạo công tác trọng tâm tháng 12 năm 2013; thông qua các nội dung chuẩn bị kỳ họp lần thứ 12 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII.

Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức 179 cuộc họp và trực tiếp đi cơ sở kiểm tra để giải quyết các công việc liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành như: họp về chuẩn bị tổ chức tổng kết 30 năm đổi mới phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nghe báo cáo về tiến độ việc lập danh sách di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và cơ sở nhà đất không phù hợp quy hoạch, về Chương trình quảng bá du lịch đường thủy, họp Ban chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng các dự án trọng điểm ngành y tế, về kế hoạch Lễ hội Đường Sách năm 2014; họp Hội đồng xét bổ nhiệm và chuyển ngạch thanh tra; về định mức chi ngân sách và tỷ lệ phân chia nguồn thu lệ phí trước bạ nhà đất cho ngân sách quận huyện năm 2014; về quy định quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách du lịch đường thủy; về cơ sở tính định mức trong các dự án xây dựng nhà ở xã hội; về kiểm tra thực tế công trình trụ sở Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật thành phố và trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố.

Họp Ủy ban nhân dân thành phố để góp ý hoàn chỉnh báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố năm 2013, 3 năm 2011 - 2013 và kế hoạch kinh tế - văn hóa - xã hội, dự toán ngân sách thành phố năm 2014, 2 năm 2014 - 2015; tổ chức kiểm tra tại các quận - huyện về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố giai đoạn 2011 - 2013 theo Kế hoạch số 5961/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố.

Thành phố đã tham dự Hội nghị trực tuyến với Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về quản lý hành nghề y dược ngoài công lập; hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương về chuẩn bị triển khai phương án ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 13; làm việc với Bộ Tài chính về những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2013, với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về tình hình trụ sở của Viện.

Tổ chức tổng kết công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2013 và phân bổ chỉ tiêu tuyển quân năm 2014; Dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư 2013 tại một số địa phương; lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 16; lễ kỷ niệm 31 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và tổng kết thi đua khen thưởng năm học 2012 - 2013; thăm các nhà giáo và gia đình nhà giáo tiêu biểu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam; tiếp xúc cử tri trước kỳ họp lần thứ 12, Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII.

2. Công tác ban hành các văn bản:

Trong tháng, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 02 Quyết định quy phạm pháp luật, 02 Chỉ thị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 455 quyết định cá biệt, 567 công văn, 21 báo cáo; Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 1.022 công văn, 107 thông báo truyền đạt kết luận chỉ đạo của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Trong đó, có các văn bản quan trọng như:

- Quyết định số 50/2013/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2013 về quy trình tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

- Quyết định số 6039/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2013 về phân công công tác các thành viên Ủy ban nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2011 - 2016.

- Chỉ thị số 17/2013/CT-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2013 về triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

II. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 năm 2013

1. Kết quả một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội thành phố trong tháng 11:

1.1. Về thương mại - dịch vụ:

- Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 11 ước đạt 54.904,9 tỷ đồng, tăng 4,3% so tháng trước và tăng 12,2% so cùng kỳ. Ước tính 11 tháng đạt 548.499,1 tỷ đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ. Loại trừ yếu tố biến động giá, mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 8,4% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,3%). Hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp và chuyển dịch theo hướng văn minh, hiện đại; từng bước nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng, mẫu mã, chất lượng mặt hàng và dịch vụ tiện ích; góp phần khẳng định thành phố là trung tâm giao thương của cả nước. Hiện trên địa bàn thành phố có 243 chợ (trong đó có 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm), 185 siêu thị, 30 trung tâm thương mại, 475 cửa hàng tiện lợi.

Chương trình bình ổn thị trường đã góp phần duy trì lượng cung dồi dào các mặt hàng thiết yếu với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; qua đó, góp phần hạn chế hiện tượng đầu cơ, găm hàng; tham gia cân đối cung cầu, giảm tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ và giá cả tăng đột biến nhất là vào các dịp Lễ Tết, góp phần ổn định thị trường. Đến nay, tổng số điểm bán của 4 Chương trình bình ổn thị trường là 7.579 điểm, tăng 646 điểm so với thời điểm tháng 4 năm 2013 khi bắt đầu Chương trình năm 2013 - 2014.

Tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ, cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ trị giá 7.581 tỷ đồng, tăng 40% so Tết Quý Tỵ (5.397 tỷ đồng); trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 4.900 tỷ đồng, tăng 62% so Tết Quý Tỵ (3.022 tỷ đồng). Riêng Sài Gòn Coop, Vissan và số doanh nghiệp trong Chương trình bình ổn có lượng hàng tăng cao do chuẩn bị hàng hóa phân phối đến các tỉnh. Nhìn chung, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp trong Chương trình đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Ngọ tăng từ 1,5 lần đến 2 lần so kế hoạch thành phố giao và tăng 70% so kết quả thực hiện Tết Quý Tỵ. Nhiều mặt hàng chi phối 30 - 60% nhu cầu thị trường có lượng tăng như dầu ăn (61,5%), thịt gia cầm (66%), trứng gia cầm (47,8%); thịt gia súc (32,2%), rau củ quả (150%). Nguồn vốn thực hiện từ kết quả hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, ngân hàng - doanh nghiệp trong Chương trình bình ổn thị trường, ngân hàng - tiểu thương (năm 2013 đạt 1.000 tỷ và dự kiến năm 2014 đạt 1.500 tỷ).

Việc triển khai Chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần nâng cao vị thế hàng Việt trong nhận thức và hành vi ưu tiên tiêu dùng của nhân dân thành phố; hiện nay, hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 80 - 90% trong một số hệ thống siêu thị lớn.

Hợp tác thương mại giữa thành phố và các tỉnh miền Đông Tây Nam bộ và Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa thực hiện hiệu quả. Đến nay, thành phố có 400 doanh nghiệp tham gia, tăng 200 doanh nghiệp so năm 2012 (trong đó có một số doanh nghiệp từ miền Bắc tham gia Chương trình) đã ký kết 229 hợp đồng; tăng 81 hợp đồng so năm 2012. Sản phẩm nông nghiệp các tỉnh là nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp thành phố, có mặt tại hệ thống bán lẻ và hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trong Chương trình bình ổn thị trường để cung ứng cho người tiêu dùng.

- Du lịch: các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng phong phú như Chương trình du lịch đường thủy, Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị, dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, các chương trình nghệ thuật đặc sắc và công tác quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước đã góp phần làm tăng lượng khách quốc tế đến thành phố. Trong tháng 11, khách quốc tế đến thành phố ước đạt 419.750 lượt, tăng 15% so cùng kỳ, doanh thu đạt 6.607 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ; trong đó, lượng khách đến bằng đường hàng không chiếm 80%, tăng 5% so cùng kỳ. Trong 11 tháng, lượng khách quốc tế đến thành phố ước 3.639.400 lượt, tăng 5% so cùng kỳ. Tính chung doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) 11 tháng đạt 76.024 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ.

- Doanh thu vận tải hàng hóa và hành khách tháng 11 ước đạt 5.283,3 tỷ đồng, tăng 17,8% so cùng kỳ là do doanh thu vận tải hàng hóa (chiếm 70,7% tổng doanh thu) tăng 18,8% so cùng kỳ và doanh thu vận tải hành khách tăng 15,4% so cùng kỳ. Dự ước 11 tháng đầu năm đạt 49.526 tỷ đồng, tăng 15,5% so cùng kỳ.

Tổng lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 11 ước đạt 6.646,3 nghìn tấn, tăng 24% so cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, tổng lượng hàng hóa qua cảng đạt 66.541 nghìn tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ, chủ yếu là doanh thu từ hàng hóa nhập khẩu qua cảng biển.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 2,25 tỷ USD, tăng 0,8% so tháng trước và giảm 12,9% so cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,65 tỷ USD, giảm 3,1% so tháng trước và giảm 7,7% so cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 24,04 tỷ USD, giảm 7,3% so cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 17,56 tỷ USD, giảm 3,4% so cùng kỳ. Nguyên nhân xuất khẩu giảm là do dầu thô giảm về lượng 13% và về giá giảm 3,8%, làm kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 01 tỷ USD. Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng nguồn cung cầu thế giới và do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh trong nước nên giá và lượng của một số mặt hàng xuất khẩu, nhất là nhóm hàng nông lâm thủy hải sản, giảm mạnh so cùng kỳ; cụ thể, mặt hàng gạo lượng giảm 47,8%, giá giảm 6,8%; cà phê lượng giảm 22,5%, giá giảm 2%.

- Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước đạt 1,98 tỷ USD, giảm 11,9% so tháng trước và tăng 0,5% so cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 23,54 tỷ USD, tăng 13,8% so cùng kỳ, chủ yếu là nhập nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như sữa và các sản phẩm sữa, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, dược phẩm, chất dẻo, sắt thép.

1.2. Công tác xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch:

Thành phố đã đón tiếp và cung cấp thông tin cho các đoàn khách đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với mục đích tìm hiểu về môi trường, cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ thông tin, thủ tục đầu tư kinh doanh tại thành phố. Các hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư được tổ chức theo chuyên đề, ngành hàng và thị trường xuất khẩu, tiềm năng, thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều doanh nghiệp; qua đó, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Ngoài ra, một số buổi kết nối giao thương đạt hiệu quả thiết thực, thể hiện qua việc ký kết các thỏa thuận hợp tác của doanh nghiệp.

Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng nông sản trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 là hoạt động đầu tiên của Chương trình Kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng VietGAP, có mục tiêu hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp kết nối với đối tác cụ thể và ký kết được hợp đồng cung ứng - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng VietGAP; đồng thời, hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng VietGAP tìm được đối tác cung ứng phù hợp.

Thực hiện Chương trình hợp tác thương mại năm 2013, Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa đã thu hút sự tham gia của 347 đơn vị là các doanh nghiệp, hợp tác xã; trong đó gồm 55 đơn vị của các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ, 128 đơn vị của các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ, 8 đơn vị đến từ một số tỉnh, thành phía Bắc, 156 đơn vị của Thành phố Hồ Chí Minh; và các đơn vị tham dự Hội nghị đã ký kết được 229 hợp đồng nguyên tắc. Ngoài ra, thành phố đã tham dự Hội nghị diễn đàn hợp tác đồng bằng sông Cửu Long năm 2013.

1.3. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 so tháng 10 tăng 0,17%, bằng mức tăng tháng 10, Nguyên nhân tăng chủ yếu là do giá gas tăng. So tháng 12 năm 2012, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,79%, nếu không tính tăng học phí từ tháng 9 năm 2013 thì chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng khoảng 2%. So tháng trước, giá vàng và giá USD đều giảm; so cùng kỳ, giá vàng giảm mạnh 20,63% và giá USD tăng 1,3%.

1.4. Ngành công nghiệp: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 11 ước tăng 5% so tháng trước, trong đó các ngành tăng mạnh là sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm chủ yếu từ sữa và sản xuất kim loại. Tính chung 11 tháng ước tăng 6,1% so cùng kỳ. Bốn ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố tăng 5,7% so cùng kỳ, tăng hơn mức tăng 10 tháng 0,2 điểm phần trăm; trong đó: chế biến lương thực thực phẩm tăng 6,9%, hóa dược cao su tăng 8,7%, điện tử tăng 2,1% và cơ khí chế tạo tăng 6,8%.

1.5. Ngành nông nghiệp: Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tháng 11 tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nhưng vẫn duy trì tốc độ phát triển, ước đạt 410 tỷ đồng; lũy kế 11 tháng đầu năm ước đạt 3.565 tỷ đồng, tăng 6,1% so cùng kỳ. Diện tích sản xuất hoa, cây kiểng phục vụ Tết Dương lịch và Tết Giáp Ngọ năm 2014 là 1.186,42 ha, tăng 1% so cùng kỳ. Lượng hoa kiểng như bonsai, mai, lan, hoa nền hầu hết tăng so cùng kỳ, với tổng giá trị sản lượng phục vụ Tết khoảng 1.498,2 tỷ đồng, tăng 14,6% so cùng kỳ. Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay đã phê duyệt 49/50 xã; còn lại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè đang hoàn chỉnh báo cáo để trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt. Ngoài ra, Chương trình kết nối hợp tác xã nông nghiệp và hệ thống phân phối bán lẻ, các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu dùng như nhà hàng, khách sạn phát triển tốt. Các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp và thương mại, dịch vụ.

1.6. Về đầu tư phát triển:

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản 11 tháng ước thực hiện 154.592,5 tỷ đồng, tăng 3,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9%). Đến nay, đã giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách 19.962,362 tỷ đồng. Trong đó, giao vốn đợt 1 là 16.792,951 tỷ đồng và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2013 bằng nguồn vốn ngân sách 3.099,047 tỷ đồng tương ứng việc giảm vốn 226 dự án có tiến độ giải ngân thấp với giá trị giảm 1.607,272 tỷ đồng, để điều chuyển cho các dự án đã được tạm ứng vốn, trả nợ vốn gốc và lãi vay của dự án ODA, các dự án có tiến độ giải ngân tốt và bổ sung vốn phân cấp cho quận, huyện. Tỷ lệ giải ngân từ đầu năm đến nay đạt 61,27% tổng kế hoạch giao 2 đợt. Nếu không tính phần vốn ODA, tỷ lệ giải ngân 64,49%.

Phát triển doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện. So cùng kỳ, số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng tăng dần, 11 tháng đầu năm ước tăng 7% và số doanh nghiệp ngưng nghỉ hoạt động giảm 3,6%; số doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh tăng về lượng 4% và vốn bổ sung 17%. Tuy nhiên, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm 39%, quy mô vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp giảm cho thấy các doanh nghiệp này có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tuy có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, có 2.204 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, bằng 9,3% doanh nghiệp thành lập mới.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới so cùng kỳ tiếp tục duy trì mức tăng về số dự án 15,4% và tăng mạnh về vốn đầu tư 83%. Tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 1,61 tỷ USD, tăng 29,6% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 56,3%).

Mức giải ngân vốn ODA tăng nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp, các ngành để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các dự án bằng nguồn vốn này. Tính đến ngày 31/10/2013, vốn ODA giải ngân ước đạt 3.417,412 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 3.060,472 tỷ đồng, vốn đối ứng là 356,940 tỷ đồng.

1.7. Về thu - chi ngân sách

Tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng (không tính ghi thu ghi chi) ước thực hiện 204.240 tỷ đồng, đạt 89% dự toán1, tăng 8,6% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 107.362 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán, tăng 10,9% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 68.100 tỷ đồng đạt 94,6% dự toán, tăng 11,9%; thu từ dầu thô 28.778 tỷ đồng, đạt 89,9% dự toán, giảm 5,3% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 11 tháng ước 39.476 tỷ đồng, đạt 91% dự toán, tăng 10,2% so cùng kỳ. Chi đầu tư phát triển ước 12.873 tỷ đồng, tăng 10,2% so cùng kỳ, trong đó chi trả lãi và vốn vay tăng 71,1% so cùng kỳ. Chi thường xuyên ước 23.331 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ.

1.8. Về tín dụng ngân hàng

Tổng vốn huy động ước đến cuối tháng 11 đạt 1.120.400 tỷ đồng, tăng 9,5% so cuối năm 2012. Vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 180.000 tỷ đồng, giảm 1,32% so cuối năm 2012; vốn huy động bằng nội tệ đạt 940.400 tỷ đồng, tăng 10,2%. Tổng dư nợ tín dụng ước đến cuối tháng 11 đạt 936.700 tỷ đồng, tăng 7,2% so cuối năm 2012; trong đó, dư nợ bằng ngoại tệ đạt 153.090 tỷ đồng, giảm 20,61% so cuối năm 2012; dư nợ bằng nội tệ đạt 783.610 tỷ đồng, tăng 15,06% so cuối năm 2012.

Thành phố tiếp tục các giải pháp tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp; chỉ đạo thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên tất cả 24 quận - huyện với hạn mức hỗ trợ là 13.151 tỷ đồng cho 603 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực với lãi suất dưới 9% cho ngắn hạn và từ 9% - 12% cho trung và dài hạn; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đến nay đã ký 118 hợp đồng bảo lãnh cho các doanh nghiệp với giá trị bảo lãnh là 842 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng được hạn mức tín dụng là 1.404 tỷ đồng.

1.9. Về giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội:

Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng cao, một số hạn chế đang từng bước được khắc phục. Nhân dịp kỷ niệm 31 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2013), thành phố đã tổ chức 19 đoàn đi thăm và tặng quà cho 36 nhà giáo và gia đình nhà giáo tiêu biểu, trong đó có 04 nhà giáo nhân dân, 02 nhà giáo đi B. Ngoài ra, tại giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 16, thành phố đã vinh danh 30 giáo viên xuất sắc/70.000 giáo viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động tổ chức thăm các nhà giáo tiêu biểu của địa phương; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động, phong trào chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam như hội diễn văn nghệ, thi sáng tác văn thơ, cắm hoa, nấu ăn, viết và triển lãm thư pháp, hội sách, đánh cờ, các hoạt động thể dục thể thao,..

Ngành y tế tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và hoàn thiện mạng lưới khám chữa bệnh; giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối. Tình hình dịch bệnh từ đầu năm đến nay so cùng kỳ, số ca sốt xuất huyết giảm 32,8%, có 04 trường hợp tử vong (giảm 03 trường hợp); số ca tay-chân-miệng giảm 45,6%, có 01 trường hợp tử vong (giảm 05 trường hợp); chưa có ca mắc cúm A/H5N1 và ca cúm A(H7N9) tại thành phố. Ngành y tế tích cực kiểm tra, giám sát, thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh tại địa phương, nhất là địa bàn có nguy cơ mắc bệnh cao.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đang đề nghị trình Hội đồng nhân dân thành phố danh sách tên các nhân vật lịch sử, địa danh và Mẹ Việt Nam anh hùng để bổ sung vào quỹ tên đường thành phố; đề xuất đặt tên một số tuyến đường trên địa bàn. Đã long trọng tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Lễ kỷ niệm 31 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và tổng kết thi đua khen thưởng năm học 2012 - 2013.

Ngành thông tin, truyền thông tích cực đưa tin, tuyên truyền về những sự kiện chính trị - xã hội nổi bật của thành phố. Ngành thể dục, thể thao chuẩn bị và tổ chức tốt các giải thi đấu cấp thành phố, quốc gia và quốc tế, đạt được nhiều thành tích tại các bộ môn. Đang thực hiện các công tác chuẩn bị tổ chức vòng chung kết cấp thành phố Đại hội Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh lần VII.

Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt, như: thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc cho người lao động; trợ cấp thất nghiệp. Tính đến ngày 14 tháng 11 năm 2013, đã tổ chức vận động nhân dân thành phố ủng hộ nhân dân các vùng bị bão lụt thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố số tiền 34,024 tỷ đồng và tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà cho nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi. Trong tháng, đã tạo việc làm cho 26,7 ngàn lao động, tăng 21,3% so tháng trước. Tính chung 11 tháng, đã giải quyết việc làm cho 265 ngàn lao động, đạt 99,98% kế hoạch; trong đó, lao động có việc làm ổn định là 179,7 ngàn người, tạo mới 110,5 ngàn việc làm, đạt 92,1% kế hoạch.

1.10. Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội:

a) Về quốc phòng - an ninh: trong tháng, thành phố triển khai các mặt công tác đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn, nắm tình hình, đấu tranh đối sách với số đối tượng chống đối chính trị; đảm bảo an ninh trật tự các ngày lễ và phục vụ diễn tập phương án xử lý tình huống khẩn nguy hàng không, dân dụng, biểu tình phá rối an ninh, khủng bố, kết hợp diễn tập khu vực phòng thủ thành phố năm 2013 (DT-13). Đồng thời triển khai kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự cho các sự kiện chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm 2013.

b) Về trật tự an toàn xã hội:

Tội phạm hình sự: đã xảy ra 596 vụ phạm pháp hình sự, tăng 24 vụ (+4,19%) so cùng kỳ; làm chết 12 người, bị thương 53 người và thiệt hại tài sản trị giá 11,5 tỷ đồng. Đã điều tra khám phá 406 vụ, bắt 500 tên (đạt 68,12%); lực lượng tuần tra mật phục bắt 76 nhóm 184 tên tội phạm các loại, số vụ cướp tài sản giảm 45,23% so cùng kỳ; án trộm tài sản tăng và chiếm tỷ lệ cao (52,34% trong cơ cấu tội phạm), do các băng nhóm trộm cắp thực hiện với phương thức, thủ đoạn ngày càng mang tính chuyên nghiệp, đột nhập nhà dân, doanh nghiệp trộm cắp xe máy hoặc tài sản có giá trị lớn.

Vi phạm về kinh tế và môi trường: đã phát hiện và xử lý 87 vụ vi phạm kinh tế; thu giữ nhiều loại hàng hóa trị giá khoảng 2,89 tỷ đồng; chủ yếu là thuốc lá ngoại, rượu ngoại, mỹ phẩm, máy tính xách tay, dầu DO, điện thoại di động, gas, đồ dân dụng... Lực lượng Cảnh sát môi trường đã tập trung nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 47 trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.

Tình hình trật tự an toàn giao thông: trong tháng, đã lập biên bản xử lý hành chính 51.316 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 3.307 xe các loại, tước giấy phép lái xe 4.456 trường hợp, chuyển kho bạc nhà nước thu trên 14 tỷ đồng.

Tai nạn giao thông đường bộ: đã xảy ra 417 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 67 người, bị thương 403 người, hư hỏng 119 phương tiện các loại. Trong đó xảy ra 85 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, giảm 01 vụ (-1,16%) so cùng kỳ; làm chết 67 người, giảm 04 người (-5,63%) so cùng kỳ; bị thương 32 người, tăng 03 người (+10,34%) so cùng kỳ.

Tình hình cháy, nổ: đã xảy ra 48 vụ cháy (tăng 12 vụ so tháng trước), bị thương 04 người (so tháng trước giảm 02 người chết và tăng 01 người bị thương), thiệt hại về tài sản ước tính 253 triệu đồng và 05 vụ chưa ước tính được thiệt hại. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố và vi phạm trong sử dụng điện. Trong tháng, thành phố không xảy ra nổ, so tháng trước và so cùng kỳ không tăng, không giảm.

1.11. Về công tác đối ngoại:

Trong tháng, lãnh đạo thành phố đã đón tiếp 17 đoàn khách quốc tế gồm 11 đoàn nhà nước, 02 đoàn doanh nghiệp và 04 đoàn thuộc thành phần khác; trong đó, có một số đoàn cấp cao như: Tổng thống Mông Cổ, Tổng thống Bungary, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sỹ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Israel, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan; Thủ hiến - Thị trưởng Berlin, Bộ trưởng Công chính vùng Flander, Vương quốc Bỉ, Phó Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc, Tổng Lãnh sự Hà Lan tại thành phố Simon van de Burg, Trưởng phái Đoàn Nghị viện Châu Âu phụ trách Đông Nam Á và Asean, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Tổ chức chương trình nghệ thuật phục vụ 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Bỉ và phối hợp tổ chức “Tuần Việt Nam” tại Thủ đô Brúc - Xen, Vương quốc Bỉ.

2. Đánh giá chung:

Kinh tế - văn hóa - xã hội trong tháng 11 tiếp tục chuyển biến tích cực. Thương mại, dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá. Sản xuất công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến chế tạo trên đà phục hồi. Sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì ổn định và chuẩn bị tốt lượng hoa kiểng cho thị trường phục vụ lễ, tết cuối năm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và thực hiện đạt khá. Nhờ thực hiện tốt Chương trình bình ổn thị trường với hệ thống phân phối phát triển rộng khắp nên giá cả, thị trường ổn định. Thu ngân sách tăng so cùng kỳ và đạt chỉ tiêu kế hoạch giao. Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu tăng dần. Cán cân thương mại cải thiện và duy trì mức suất siêu. Các công trình giao thông trọng điểm được tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Mức giải ngân vốn các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đạt khá. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm được tăng cường. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh tạo tiền đề quan trọng cho các hợp tác phát triển trên các lĩnh vực với các nước, vị thế của thành phố tiếp tục được nâng cao.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội thành phố còn nhiều khó khăn, thách thức. Kim ngạch xuất khẩu giảm. Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ, nhưng với áp lực tăng giá hàng hóa do nhu cầu tiêu thụ tăng vào dịp lễ, Tết cuối năm 2013 cũng sẽ ảnh hưởng chỉ số giá tiêu dùng. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tuy có cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

III. Nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 năm 2013:

1. Rà soát, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được phân công, quyết tâm thực hiện để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 đã đề ra, nhất là Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách thành phố năm 2013 và Quyết định 1553/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tổ chức tổng kết năm 2013, triển khai nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội và dự toán ngân sách năm 2014, các Nghị quyết của Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố.

2. Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức đón Tết Dương lịch và Tết Giáp Ngọ năm 2014, đảm bảo tổ chức đón Tết cho nhân dân thành phố với tinh thần trách nhiệm cao nhất, theo phương châm “Tết đoàn kết, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, an toàn”. Tăng cường công tác quản lý thị trường, cung, cầu hàng hóa tiêu dùng trước, trong và sau Tết Dương lịch và Tết Giáp Ngọ năm 2014; chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố và khu vực. Tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí gắn với tuyên truyền chính trị, đồng thời thực hiện tốt các chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân thành phố và các địa phương vùng căn cứ kháng chiến.

3. Đôn đốc các chủ đầu tư tập trung hoàn tất, nghiệm thu và giải ngân nhanh công trình có khối lượng hoàn thành. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước, đặc biệt các công trình trọng điểm, các công trình giao thông quan trọng chiếm dụng nhiều diện tích mặt đường, nhanh chóng hoàn thành công trình đúng tiến độ để trả lại mặt đường thông thoáng, hạn chế ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày của nhân dân.

4. Các ngành chức năng phối hợp với Ủy ban nhân dân quận - huyện và các đoàn thể theo dõi tình hình hoạt động, trả lương thưởng cho người lao động vào dịp cuối năm 2013; kịp thời giải quyết các tranh chấp lao động, giải tỏa những bất đồng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, không để xảy ra đình công, lãng công, làm đình trệ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng việc làm, thu nhập của người lao động. Thực hiện tốt công tác chăm lo cho các đối tượng, gia đình chính sách có công.

5. Tiếp tục tập trung công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuẩn bị đầy đủ y cụ, thuốc men... đảm bảo cho công tác phòng ngừa, điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả.

6. Tập trung công tác tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm trong tháng 12: Kỷ niệm 67 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2013), Kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (20/12/1960 - 20/12/2013), Kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2013), Kỷ niệm 24 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2013), các hoạt động Lễ hội cuối năm và đón chào năm mới 2014. Chuẩn bị chu đáo nội dung phục vụ kỳ họp lần thứ 12 Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII và Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX.

7. Đảm bảo giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ và mỹ quan đô thị; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính và các biểu hiện không lành mạnh trước, trong và sau Tết. Mở các đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cướp, đua xe trái phép, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông ở cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương. Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, chợ, bệnh viện, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ thành phố năm 2013 (DT-13) theo kế hoạch.

8. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội. Phát huy vai trò của Mặt trận và đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin báo chí trong tuyên truyền, vận động; chủ động thông tin kịp thời, khách quan về các cơ chế, chính sách, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tình hình kinh - tế xã hội; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tăng cường quản lý nhà nước về thông tin và thực hiện nghiêm túc kỷ luật phát ngôn./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (HN và TPHCM);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính;
- Tổng cục Thống kê;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- Thành viên UBND thành phố;
- Các sở - ban - ngành TP;
- Ủy ban MTTQ và Đoàn thể TP;
- UBND các quận - huyện;
- Các Tổng Cty, Công ty thuộc TP;
- VPUB: CPVP; Các Phòng CV, THKH (2b);
- Lưu: VT, (THKH/K)

TL. CHỦ TỊCH
CHÁNH VĂN PHÒNG




Võ Văn Luận

 



1 Tại buổi làm việc ngày 06 tháng 11 năm 2013 với lãnh đạo thành phố, Bộ Tài chính xác định thành phố phấn đấu đạt tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt tối thiểu 229.514 tỷ đồng (trong đó thu nội địa 125.514 tỷ đồng; thu từ dầu thô 32.000 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 72.000 tỷ đồng). Nếu đạt mức phấn đấu này, Bộ Tài chính công nhận thành phố hoàn thành chỉ tiêu dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Báo cáo 213/BC-UBND năm 2013 về hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh thành phố tháng 11, mười một tháng và công tác trọng tâm tháng 12 năm 2013 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 213/BC-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/12/2013
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Văn Luận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản