Hệ thống pháp luật

Điều 25 Thông tư 66/2017/TT-BTNMT về quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Điều 25. Đánh giá, nghiệm thu, đăng ký, lưu giữ, công bố, chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu

1. Chậm nhất 30 ngày trước khi hết thời hạn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tổ chức chủ trì phải hoàn thành việc tự đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở. Chủ nhiệm nhiệm vụ có trách nhiệm nộp báo cáo và tài liệu kèm theo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiến hành đánh giá, nghiệm thu cấp bộ.

2. Tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

a) Chậm nhất 30 ngày trước khi đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở, chủ nhiệm nhiệm vụ phải nộp báo cáo kết thúc và tài liệu kèm theo cho tổ chức chủ trì để tiến hành đánh giá, nghiệm thu;

b) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ có trách nhiệm tự đánh giá kết quả thực hiện theo quy định tại khoản 7 và 8 Điều này trước khi nộp hồ sơ đánh giá, nghiệm thu về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Vụ Khoa học và Công nghệ). Việc tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ có thể vận dụng các quy định đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ cấp bộ tại Điều này;

c) Kết quả tự đánh giá được tổng hợp và báo cáo theo mẫu B29-KQTĐG.

3. Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ cấp bộ bao gồm:

a) Công văn đề nghị đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ cấp bộ của tổ chức chủ trì theo mẫu B33-CVNT;

b) Báo cáo tổng hợp theo mẫu B31b-HDBCTH, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ theo mẫu B31c-HDBCTT;

c) Các sản phẩm khoa học và công nghệ của nhiệm vụ, các báo cáo nội dung khoa học theo mẫu B31a-HDBCND;

d) Bản sao hợp đồng và thuyết minh nhiệm vụ;

đ) Các văn bản xác nhận; tài liệu liên quan đến việc công bố, xuất bản, đào tạo; văn bản tiếp nhận và sử dụng kết quả nghiên cứu của tổ chức nhận sản phẩm theo thuyết minh nhiệm vụ;

e) Các số liệu (điều tra, khảo sát, phân tích...), sổ nhật ký;

f) Báo cáo sản phẩm đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tế (nếu có) theo mẫu B40-BCSPUD;

g) Văn bản xác nhận về sự thỏa thuận của các tác giả về việc sắp xếp thứ tự tên trong danh sách tác giả thực hiện nhiệm vụ;

h) Báo cáo tình hình sử dụng kinh phí đã được phê duyệt;

i) Hồ sơ, báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ;

k) Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở: Quyết định thành lập hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở; biên bản họp hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở; bài nhận xét của các ủy viên phản biện;

l) Các tài liệu khác (nếu có).

4. Chậm nhất 05 ngày làm việc sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Vụ Khoa học và Công nghệ đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thông tin đăng tải bao gồm:

a) Thông tin chung về nhiệm vụ: Tên, mã số, kinh phí, thời gian thực hiện, tổ chức chủ trì nhiệm vụ, chủ nhiệm và các thành viên tham gia thực hiện chính nhiệm vụ;

b) Thời gian, địa điểm dự kiến tổ chức đánh giá, nghiệm thu.

5. Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ

a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Vụ Khoa học và Công nghệ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp bộ;

b) Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp bộ (sau đây gọi là Hội đồng) có 09 thành viên bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, 02 ủy viên phản biện, ủy viên thư ký khoa học và các ủy viên khác; trong đó: 06 thành viên là chuyên gia khoa học và công nghệ, 03 thành viên là đại diện cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ, tổ chức nhận sản phẩm kết quả nghiên cứu, cơ quan đề xuất đặt hàng, trong đó có ít nhất 01 thành viên đã tham gia Hội đồng tư vấn xác định danh mục nhiệm vụ hoặc Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp; tổ chức chủ trì thực hiện có thể cử thành viên tham gia Hội đồng nhưng không được làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên phản biện, ủy viên thư ký khoa học;

c) Những trường hợp không được tham gia Hội đồng như quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 22 Thông tư này;

d) Trường hợp đặc biệt do tính chất phức tạp hoặc yêu cầu đặc thù của nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể quyết định số lượng thành viên và thành phần Hội đồng khác với quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

6. Phiên họp của Hội đồng

a) Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu được gửi đến các thành viên Hội đồng và tổ chuyên gia (nếu có) trước phiên họp ít nhất 07 ngày làm việc kèm theo phiếu nhận xét theo mẫu B36a-NXKQƯD, B36b-NXKQXH;

b) Phiên họp Hội đồng được tổ chức trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập. Hội đồng chỉ tiến hành họp khi bảo đảm các yêu cầu sau:

- Vụ Khoa học và Công nghệ đã nhận được đầy đủ ý kiến nhận xét bằng văn bản của 02 ủy viên phản biện và ý kiến thẩm định của tổ chuyên gia theo mẫu B34-NXTĐSP, B35-BCTĐSP (nếu có) ít nhất 01 ngày làm việc trước phiên họp Hội đồng;

- Phiên họp Hội đồng phải có mặt ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền và ít nhất 01 ủy viên phản biện.

c) Thành phần tham dự các phiên họp của Hội đồng gồm: Thành viên Hội đồng, chủ nhiệm nhiệm vụ, đại diện tổ chức chủ trì, đại diện cơ quan quản lý trực tiếp tổ chức chủ trì, đại diện các đơn vị có liên quan, các thành viên khác do Vụ Khoa học và Công nghệ mời trong trường hợp cần thiết. Vụ Khoa học và Công nghệ cử 01 chuyên viên làm thư ký hành chính thực hiện các công tác về hành chính trong phiên họp Hội đồng;

d) Trình tự làm việc của Hội đồng:

- Thư ký hành chính công bố quyết định thành lập Hội đồng, giới thiệu thành phần và đại biểu tham dự;

- Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ nêu những nội dung, yêu cầu chủ yếu đối với việc đánh giá, nghiệm thu quy định tại Thông tư này;

- Chủ tịch Hội đồng thống nhất và thông qua nội dung làm việc của Hội đồng theo các quy định của Thông tư này;

- Thư ký khoa học ghi chép các ý kiến thảo luận tại các phiên họp, xây dựng và hoàn thiện biên bản đánh giá, nghiệm thu theo ý kiến kết luận tại phiên họp của Hội đồng;

- Chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kết quả, sản phẩm khoa học và công nghệ và báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ;

- Các thành viên Hội đồng nêu câu hỏi đối với chủ nhiệm nhiệm vụ. Chủ nhiệm, các cá nhân có liên quan trả lời các câu hỏi của Hội đồng (nếu có) và không tham dự phiên họp khi Hội đồng trao đổi để đánh giá kết quả thực hiện;

- Các ủy viên phản biện trình bày nhận xét đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ; thư ký khoa học đọc phiếu nhận xét của thành viên vắng mặt (nếu có); các thành viên Hội đồng nêu ý kiến trao đổi về kết quả nhiệm vụ;

- Các thành viên Hội đồng đánh giá xếp loại kết quả thực hiện nhiệm vụ theo mẫu B37-ĐGKQNC; thư ký hành chính tổng hợp và báo cáo kết quả kiểm phiếu;

- Chủ tịch Hội đồng dự thảo kết luận theo mẫu tại B38-BBĐGNT. Trường hợp Hội đồng đánh giá xếp loại “Không đạt” cần xác định cụ thể những sản phẩm đạt và sản phẩm không đạt theo hợp đồng để Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét xử lý theo quy định hiện hành. Hội đồng thảo luận thống nhất từng nội dung kết luận và thông qua biên bản;

đ) Ý kiến kết luận của Hội đồng được gửi tới tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ trong thời hạn 02 ngày làm việc sau khi kết thúc phiên họp Hội đồng.

7. Yêu cầu đánh giá của Hội đồng

a) Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua phiếu đánh giá có dấu của Bộ đóng trên góc trái, phía trên trang nhất;

b) Các thành viên Hội đồng đánh giá độc lập, không trao đổi về kết quả đánh giá của mình;

c) Phiếu đánh giá hợp lệ là phiếu đánh giá đúng quy định cho từng nội dung đánh giá;

d) Phiếu không hợp lệ là phiếu do thành viên bỏ trống hoặc đánh giá không theo quy định;

đ) Kết quả xếp loại chung của nhiệm vụ dựa trên kết quả đánh giá của từng thành viên Hội đồng theo quy định.

8. Nội dung đánh giá và yêu cầu đối với sản phẩm

a) Đánh giá về chủng loại sản phẩm; số lượng, khối lượng sản phẩm; chất lượng sản phẩm với tính năng, thông số kỹ thuật của sản phẩm so với đặt hàng;

b) Đánh giá về tính đầy đủ, rõ ràng, xác thực và logic của báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt (phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng...), tài liệu kèm theo (các tài liệu thiết kế,công nghệ, sản phẩm trung gian, tài liệu được trích dẫn...);

c) Đánh giá về khả năng ứng dụng/sử dụng và chuyển giao của sản phẩm;

d) Yêu cầu đối với báo cáo tổng hợp:

- Tổng quan được các kết quả nghiên cứu đã có liên quan đến nhiệm vụ;

- Số liệu, tư liệu có tính đại diện, độ tin cậy, xác thực, cập nhật;

- Nội dung báo cáo là toàn bộ kết quả nghiên cứu được trình bày theo kết cấu hệ thống và logic khoa học; các luận cứ khoa học có cơ sở lý luận và thực tiễn cụ thể giải đáp những vấn đề nghiên cứu đặt ra, phản ánh trung thực kết quả nhiệm vụ phù hợp với thông lệ chung trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

- Kết cấu nội dung hợp lý, văn phong khoa học;

đ) Yêu cầu đối với sản phẩm:

Ngoài các yêu cầu ghi trong hợp đồng, thuyết minh nhiệm vụ, sản phẩm của nhiệm vụ cấp bộ cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

- Đối với sản phẩm là mẫu; vật liệu; thiết bị, máy móc; dây chuyền công nghệ và các sản phẩm có thể đo kiểm phải được kiểm định/khảo nghiệm/kiểm nghiệm tại cơ quan chuyên môn có chức năng phù hợp, độc lập với tổ chức chủ trì nhiệm vụ;

- Đối với sản phẩm là nguyên lý ứng dụng; phương pháp; tiêu chuẩn; quy chuẩn; quy định kỹ thuật; phần mềm máy tính; bản vẽ thiết kế; quy trình công nghệ; sơ đồ, bản đồ; số liệu, cơ sở dữ liệu; báo cáo phân tích; tài liệu dự báo (phương pháp, quy trình, mô hình,...); đề án, quy hoạch; luận chứng kinh tế-kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi và các sản phẩm tương tự khác phải được thẩm định bởi Hội đồng khoa học chuyên ngành hoặc tổ chuyên gia do tổ chức chủ trì thành lập;

- Đối với sản phẩm là kết quả tham gia đào tạo sau đại học, giải pháp hữu ích, sáng chế, công bố, xuất bản và các sản phẩm tương tự khác phải có văn bản xác nhận của cơ quan chức năng phù hợp.

9. Đánh giá và xếp loại

a) Mỗi thành viên hội đồng đánh giá kết quả nhiệm vụ theo mẫu B37- ĐGKQNC. Kết quả đánh giá của mỗi thành viên hội đồng được xếp loại cụ thể với 04 mức như sau:

- Xuất sắc: khi có tổng điểm ≥85 điểm và nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ đúng hạn;

- Khá: khi có tổng điểm từ 70 đến dưới 85 điểm và nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ đúng hạn hoặc có tổng điểm ≥ 85 điểm và nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ chậm không quá 30 ngày;

- Đạt: khi có tổng điểm từ 50 đến dưới 70 điểm và nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ đúng hạn hoặc có tổng điểm ≥ 70 điểm và nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ chậm không quá 06 tháng;

- Không đạt: khi có tổng điểm dưới 50 hoặc nộp hồ sơ nghiệm thu về Bộ chậm quá 06 tháng.

b) Đánh giá chung nhiệm vụ theo 04 mức:

- Mức “Xuất sắc” khi có 100% số phiếu đánh giá ở mức “Khá” trở lên, trong đó có ít nhất 1/2 số phiếu đánh giá ở mức “Xuất sắc” (Trường hợp số phiếu đánh giá ở mức “Xuất sắc” và “Khá” bằng nhau thì kết quả đánh giá theo phiếu đánh giá của Chủ tịch Hội đồng);

- Mức “Khá” khi có 100% số phiếu đánh giá ở mức “Đạt” trở lên, trong đó có ít nhất 2/3 số phiếu đánh giá ở mức “Khá”;

- Mức “Đạt” khi có ít nhất 2/3 số phiếu đánh giá ở mức “Đạt” trở lên;

- Mức “Không đạt” khi có lớn hơn 1/3 số phiếu đánh giá ở mức “Không đạt”.

10. Xử lý kết quả nghiệm thu cấp bộ:

a) Trường hợp kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đánh giá xếp loại ở mức “Đạt” trở lên:

- Trong thời hạn 30 ngày sau khi có kết quả nghiệm thu cấp bộ, chủ nhiệm nhiệm vụ hoàn thiện báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, các sản phẩm và tài liệu liên quan; báo cáo về việc hoàn thiện hồ sơ đánh giá, nghiệm thu theo mẫu B39- BCHTHS, nộp về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Vụ Khoa học và Công nghệ);

- Vụ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, giám sát việc hoàn thiện hồ sơ đánh giá, nghiệm thu. Chủ tịch Hội đồng xác nhận việc hoàn thiện hồ sơ của chủ nhiệm theo mẫu B39-BCHTHS;

b) Trường hợp kết quả đánh giá nhiệm vụ xếp loại ở mức “Không đạt”:

- Nếu chưa được gia hạn trong quá trình đánh giá cấp cơ sở thì có thể được xem xét gia hạn thời gian thực hiện nhưng không quá 06 tháng;

- Hội đồng đánh giá, nghiệm thu có kiến nghị gia hạn; tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ phải có văn bản đề nghị gia hạn thời gian thực hiện (kèm theo hồ sơ, biên bản đánh giá cấp bộ và phương án xử lý) trình Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị gia hạn thời gian thực hiện của tổ chức chủ trì, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, thông báo ý kiến về việc gia hạn đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

- Sau thời gian gia hạn, việc đánh giá lại được thực hiện theo quy định tại Điều này nhưng không quá 01 lần đối với mỗi nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

- Chi phí cho việc hoàn thiện các nội dung đã được phê duyệt và ký hợp đồng; chi phí đánh giá, nghiệm thu lại do tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ chịu trách nhiệm;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ kết luận của Hội đồng đánh giá, xem xét xử lý theo quy định;

d) Tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ để bảo hộ kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định.

11. Đăng ký, lưu giữ, chuyển giao kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp bộ

Trong thời gian không quá 45 ngày sau khi hoàn thiện việc đánh giá, nghiệm thu, đối với các nhiệm vụ được xếp loại “Đạt” trở lên, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ để đăng ký, lưu giữ và chuyển giao kết quả tại:

a) Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BKHCN ngày 11 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

b) Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường; cơ quan quản lý trực tiếp tổ chức chủ trì; tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Đơn vị nhận chuyển giao đã được phê duyệt tại Thuyết minh nhiệm vụ.

Hồ sơ giao nộp cho các đơn vị quy định tại điểm này, gồm: báo cáo tổng kết, báo cáo tóm tắt, 02 trang tóm tắt kết quả nghiên cứu (tiếng Việt và tiếng Anh), đĩa CD ghi đầy đủ sản phẩm, báo cáo chuyên đề và các tài liệu khác có liên quan;

c) Vụ Khoa học và Công nghệ

Hồ sơ giao nộp gồm: Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia; bản sao giấy biên nhận hồ sơ đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường; bản sao Biên bản chuyển giao kết quả nghiên cứu; đĩa CD ghi đầy đủ sản phẩm, các báo cáo chuyên đề và các tài liệu khác có liên quan.

12. Vụ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại khoản 2, Điều 11 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP quy định việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước.

13. Ứng dụng kết quả nghiên cứu

a) Trong ít nhất 05 năm liên tục (từ ngày được bàn giao sản phẩm), hàng năm thủ trưởng các tổ chức nhận kết quả nghiên cứu có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Vụ Khoa học và Công nghệ) về việc ứng dụng, sử dụng kết quả.

Thủ trưởng các tổ chức nhận kết quả nghiên cứu và các cá nhân liên quan chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc sử dụng kết quả trong công tác quản lý nhà nước, quan trắc, giám sát, điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường của đơn vị;

b) Sau khi chuyển giao kết quả, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp tục phối hợp với tổ chức nhận kết quả nghiên cứu để triển khai việc sử dụng kết quả trong công tác quản lý nhà nước, quan trắc, giám sát, điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường;

c) Kinh phí cho chuyển giao, đánh giá việc ứng dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu được lấy từ kinh phí quản lý khoa học và công nghệ hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ.

Thông tư 66/2017/TT-BTNMT về quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường

  • Số hiệu: 66/2017/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/12/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Tuấn Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 387 đến số 388
  • Ngày hiệu lực: 06/02/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH