Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 08/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương IV

HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG, HỘI ĐỒNG SÁNG KIẾN

Điều 18. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ

1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ do Bộ trưởng quyết định thành lập.

2. Thành phần Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ gồm:

a) Chủ tịch: Bộ trưởng;

b) Phó chủ tịch thứ nhất: Thứ trưởng phụ trách công tác thi đua khen thưởng;

c) Phó chủ tịch thường trực: Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;

d) Phó chủ tịch: Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam;

đ) Các ủy viên là thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ;

e) Thường trực Hội đồng gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và một số ủy viên khác do Bộ trưởng quyết định.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Nghị định 91/2017/NĐ-CP.

4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, quyết định theo đa số. Tại các phiên họp Hội đồng phải có ít nhất 2/3 thành viên tham dự trở lên. Trường hợp vắng mặt phải báo cáo người chủ trì phiên họp, nếu được đồng ý thì cử người dự họp thay. Người đi họp thay được tham gia ý kiến và biểu quyết các nội dung thảo luận của Hội đồng. Người vắng mặt và người cử dự họp thay chịu trách nhiệm đối với những ý kiến tham gia và biểu quyết tại phiên họp Hội đồng.

Chủ tịch Hội đồng có thể mời đại diện cơ quan, đơn vị liên quan tham dự phiên họp Hội đồng, người được mời họp được tham gia ý kiến nhưng không được biểu quyết.

5. Phương thức hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ

a) Tại các phiên họp, Hội đồng xem xét quyết định việc xét tặng danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng bằng hình thức bỏ phiếu kín. Đối với các nội dung khác thực hiện theo kết luận của người chủ trì phiên họp.

Trường hợp đột xuất, Hội đồng có thể họp bất thường do Chủ tịch Hội đồng triệu tập;

b) Tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản: Trong trường hợp không thể tổ chức họp Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng quyết định việc xin ý kiến từng thành viên bằng văn bản.

Điều 19. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở

1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là Chủ tịch Hội đồng, các thành viên khác do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp cơ sở

a) Tham mưu, tư vấn về công tác thi đua khen thưởng;

b) Xét chọn những tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị khen thưởng và trình cấp trên khen thưởng theo quy định.

Điều 20. Hội đồng sáng kiến Bộ

1. Hội đồng sáng kiến Bộ do Bộ trưởng quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.

2. Thành phần Hội đồng sáng kiến Bộ gồm:

a) Chủ tịch: Là 01 Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ;

b) Phó chủ tịch và các ủy viên khác do Bộ trưởng quyết định.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng

Xét, đánh giá hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp Bộ, cấp toàn quốc của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học.

4. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng sáng kiến Bộ

Hội đồng sáng kiến cấp Bộ làm việc theo chế độ tập thể, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 số thành viên chính thức có mặt mới được coi là hợp lệ. Thành viên vắng mặt cử người dự họp thay phải báo cáo và được sự nhất trí của Chủ tịch Hội đồng; người họp thay được quyền tham gia ý kiến và bỏ phiếu tại phiên họp. Thành viên vắng mặt không cử người dự họp thay phải cho ý kiến bằng văn bản gửi thường trực Hội đồng để tổng hợp kết quả chung.

Tại các phiên họp, khi cần thiết Hội đồng có thể mời đại diện cơ quan, đơn vị chuyên môn về lĩnh vực có liên quan đến sáng kiến, đề tài.

5. Phương thức hoạt động của Hội đồng sáng kiến Bộ

Hội đồng tổ chức các phiên họp định kỳ, thống nhất quyết định bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quyết định tổ chức phiên họp đột xuất.

Trường hợp không thể tiến hành họp Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng quyết định việc xin ý kiến từng thành bằng văn bản.

Điều 21. Hội đồng sáng kiến cơ sở

1. Hội đồng sáng kiến cơ sở do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng.

Chủ tịch, các thành viên Hội đồng do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định.

2. Nhiệm vụ của Hội đồng

a) Tiếp nhận, xem xét đơn và quyết định công nhận sáng kiến;

b) Thẩm định xét, trình Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng cấp cơ sở của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học;

c) Xét, trình Hội đồng sáng kiến cấp Bộ xét công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng cấp Bộ, cấp toàn quốc của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học đối với các cá nhân của cơ quan, đơn vị.

Điều 22. Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và Hội đồng sáng kiến

1. Vụ Tổ chức cán bộ là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ, Hội đồng sáng kiến Bộ.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ phân công tổ chức hoặc cá nhân là thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Hội đồng sáng kiến phù hợp với thực tế của cơ quan, đơn vị.

Thông tư 08/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 08/2018/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/08/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 863 đến số 864
  • Ngày hiệu lực: 20/09/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH