Hệ thống pháp luật

Điều 21 Nghị định 159/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

Điều 21. Vận chuyển lâm sản trái phép

Là hành vi của người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện, chủ lâm sản sử dụng các loại phương tiện, sức người vào việc vận chuyển lâm sản không có giấy tờ hợp pháp hoặc có giấy tờ hợp pháp nhưng giữa giấy tờ và lâm sản không phù hợp với nhau.

Người có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép bị xử phạt như sau:

1. Đối với người điều khiển phương tiện

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người trực tiếp vận chuyển lâm sản trái phép (không sử dụng phương tiện), hoặc sử dụng phương tiện vận chuyển thô sơ, xe đạp, súc vật kéo vào việc vận chuyển lâm sản trái phép.

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với người điều khiển các loại phương tiện là xe mô tô, xe gắn máy, xe lôi vận chuyển lâm sản trái phép.

c) Người điều khiển phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép không thuộc quy định tại điểm a, b khoản 1 điều này thì xử phạt như sau:

- Đối với động vật rừng không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm:

Phạt tiền từ 0,5 lần đến 0,7 lần giá trị tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận của chúng có giá trị đến 2.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 0,8 lần đến 1 lần giá trị tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận của chúng có giá trị từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 1 lần đến 1,2 lần giá trị tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận của chúng có giá trị từ trên 5.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa không quá 30.000.000 đồng.

- Đối với động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB:

Phạt tiền từ 0,8 lần đến 1 lần giá trị tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận của chúng có giá trị đến 1.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 1 lần đến 1,2 lần giá trị tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận của chúng có giá trị từ trên 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 1,3 lần đến 1,5 lần giá trị tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận của chúng có giá trị từ trên 2.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa không quá 30.000.000 đồng.

- Đối với gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ nhóm IV đến nhóm VIII:

Phạt tiền 250.000 đồng/m3 đến 350.000đồng/m3 nếu vi phạm đến 6m3.

Phạt tiền 350.000 đồng/m3 đến 550.000 đồng/m3 nếu vi phạm từ trên 6 m3 đến 15 m3.

Phạt tiền 500.000 đồng/m3 đến 1.000.000 đồng/m3 nếu vi phạm từ trên 15 m3; mức phạt tiền tối đa không quá 30.000.000 đồng.

- Đối với gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ nhóm I đến nhóm III:

Phạt tiền 300.000 đồng/m3 đến 500.000 đồng/m3 khi vi phạm đến 4 m3.

Phạt tiền 500.000 đồng/m3 đến 700.000đồng/m3 nếu vi phạm từ trên 4 m3 đến 10 m3.

Phạt tiền 700.000 đồng/m3 đến 1.300.000 đồng/m3 nếu vi phạm từ trên 10 m3; mức phạt tiền tối đa không quá 30.000.000 đồng.

- Đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA:

Phạt tiền 700.000 đồng/m3 đến 1.000.000đồng/m3 nếu vi phạm đến 3 m3.

Phạt tiền 1.000.000 đồng/m3 đến 1.400.000đồng/m3 nếu vi phạm từ trên 3 m3 đến 6 m3.

Phạt tiền 1.200.000 đồng/m3 đến 1.800.000 đồng/m3 nếu vi phạm từ trên 6 m3; mức phạt tiền tối đa không quá 30.000.000 đồng.

- Thực vật rừng và bộ phận của chúng ngoài gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA xử phạt từ 1 lần đến 2 lần giá trị tang vật; mức phạt tiền tối đa không quá 30.000.000 đồng.

d) Người điều khiển phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép đồng thời là chủ lâm sản hoặc không có cơ sở để xác định lâm sản vận chuyển trái phép là của người khác thì bị xử phạt theo quy định tại điểm a hoặc điểm b hoặc điểm c khoản này và còn bị xử phạt theo quy định tại khoản 3 của Điều này.

2. Đối với chủ phương tiện

Chủ phương tiện bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều này (trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép).

3. Đối với chủ lâm sản:

a) Chủ lâm sản vận chuyển lâm sản không có giấy tờ chứng minh lâm sản hợp pháp thì bị xử phạt như sau:

- Đối với động vật rừng hoặc bộ phận của chúng không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định này;

- Đối với động vật rừng hoặc bộ phận của chúng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Nghị định này;

- Đối với gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ nhóm IV đến nhóm VIII xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định này;

- Đối với gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ nhóm I đến nhóm III xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này;

- Đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Nghị định này;

- Thực vật rừng và bộ phận của chúng ngoài gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA xử phạt từ 1,5 lần đến 2,5 lần giá trị tang vật; mức phạt tiền tối đa không quá 30.000.000 đồng.

b) Trường hợp vận chuyển gỗ có giấy tờ và nguồn gốc hợp pháp nhưng khối lượng gỗ vận chuyển vượt quá sai số cho phép thì xử phạt phần vượt quá sai số cho phép theo quy định tại khoản 1 Điều này.

c) Chủ lâm sản vận chuyển lâm sản có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành các quy định hiện hành của Nhà nước về trình tự, thủ tục quản lý thì bị xử phạt theo quy định tại Điều 23 Nghị định này.

4. Người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này còn bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ CITES, Giấy phép vận chuyển đặc biệt; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong thời hạn 6 tháng.

b) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và điểm a, b khoản 3 Điều này.

c) Tịch thu phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép (trừ trường hợp phương tiện đó bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép) thuộc một trong các trường hợp sau:

- Vi phạm có tổ chức;

- Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

- Người vi phạm chống người thi hành công vụ;

- Sử dụng xe hai ngăn, hai đáy, hai mui, xe không có đăng ký do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, đeo biển số giả hoặc cải hoán xe con để vận chuyển trái phép lâm sản.

- Hậu quả của hành vi vi phạm tính bằng khối lượng hoặc giá trị lâm sản tính bằng tiền như sau:

Đối với gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IV đến nhóm VIII từ 1,5m3 trở lên; nhóm I đến nhóm III từ 1m3 trở lên;

Đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA từ 0,5m3 trở lên; nhóm IA (trường hợp đã khởi tố chuyển lại hồ sơ để xử phạt hành chính) từ 0,3m3 trở lên;

Thực vật rừng và bộ phận của chúng (ngoài gỗ) thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA có giá trị từ 15.000.000 đồng trở lên; nhóm IA có giá trị từ 10.000.000 đồng trở lên;

Đối với động vật rừng không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm hoặc bộ phận của chúng có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên; loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB hoặc bộ phận của chúng có giá trị từ 1.500.000 đồng trở lên; loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB hoặc bộ phận của chúng (trường hợp đã khởi tố chuyển lại hồ sơ để xử phạt hành chính) có giá trị từ 1.000.000 đồng trở lên.

5. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc thanh toán chi phí cứu hộ hoặc tiêu huỷ đối với động vật hoang dã bị thương hoặc bị chết, chi phí thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

b) Buộc đưa hành khách đến bến hoặc thanh toán chi phí đưa hành khách đến bến nếu sử dụng xe đang chở khách để vận chuyển lâm sản trái phép.

Nghị định 159/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

  • Số hiệu: 159/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/10/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 766 đến số 767
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH