Hệ thống pháp luật

Điều 20 Nghị định 159/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

Điều 20. Vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng

Là hành vi săn, bắn, bẫy, bắt; nuôi; giết mổ động vật rừng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép.

Người có hành vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng bị xử phạt như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000 đồng đến 100.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Săn bắt động vật rừng trong mùa sinh sản.

b) Sử dụng phương pháp, công cụ săn bắt bị cấm.

c) Săn bắt động vật rừng ở những nơi có quy định cấm săn bắt.

2. Đối với động vật rừng không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm:

a) Phạt tiền từ 1 lần đến 1,5 lần giá trị tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận của chúng có giá trị đến 2.000.000 đồng.

b) Phạt tiền từ 1,6 lần đến 2 lần giá trị tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận của chúng có giá trị từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

c) Phạt tiền từ 2,1 lần đến 2,5 lần giá trị tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận của chúng có giá trị từ trên 5.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa không quá 30.000.000 đồng.

3. Đối với động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB:

a) Phạt tiền từ 1,6 lần đến 2 lần giá trị tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận của chúng có giá trị đến 1.000.000 đồng.

b) Phạt tiền từ 2,1 lần đến 2,5 lần giá trị tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận của chúng có giá trị từ trên 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

c) Phạt tiền từ 2,6 lần đến 3 lần giá trị tang vật là động vật rừng hoặc bộ phận của chúng có giá trị từ trên 2.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa không quá 30.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 1 lần đến 2 lần giá trị động vật nuôi đối với người có hành vi nuôi trái phép động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB; mức phạt tối đa không quá 30.000.000 đồng.

5. Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều này ngoài việc bị phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn có thể bị tước Giấy phép sử dụng súng săn; tước Giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi sinh sản động vật rừng trong thời hạn 1 năm; tước Giấy phép hành nghề kinh doanh nhà hàng, khách sạn, cửa hàng mỹ nghệ, cửa hàng lưu niệm trong thời hạn 2 năm.

6. Người vi phạm quy định tại Điều này còn bị buộc thanh toán chi phí khắc phục tình trạng ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra.

Nghị định 159/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

  • Số hiệu: 159/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/10/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 766 đến số 767
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH