Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 159/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

Chương 5:

THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNHVÀ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT

Điều 33. Đình chỉ hành vi vi phạm hành chính

Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều từ Điều 8 đến Điều 23 của Nghị định này hoặc những hoạt động của cá nhân, tổ chức có nguy cơ gây cháy rừng, gây thiệt hại đến rừng, người có thẩm quyền xử phạt phải có phương án xử lý đình chỉ ngay các hoạt động này. Phương án xử lý đình chỉ có thể là quyết định bằng văn bản hoặc bằng lời nói, còi, tín hiệu hoặc các hình thức khác tuỳ từng trường hợp vi phạm cụ thể. Sau khi xử lý đình chỉ các hoạt động gây nguy hại đến rừng, công chức Kiểm lâm phải báo cáo ngay thủ trưởng cấp trên trực tiếp của mình.

Điều 34. Xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục đơn giản

Là trường hợp người có thẩm quyền xử phạt không lập biên bản mà ra quyết định xử phạt tại chỗ.

1. Những trường hợp được tiến hành xử phạt theo thủ tục đơn giản:

a) Hành vi vi phạm hành chính mà mức phạt quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng.

b) Nhiều hành vi vi phạm hành chính do một người thực hiện mà mức phạt quy định đối với mỗi hành vi này là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng.

2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thủ tục đơn giản phải thể hiện bằng văn bản theo mẫu quy định. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt do Bộ Tài chính phát hành.

Điều 35. Lập biên bản về vi phạm hành chính

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt theo thủ tục đơn giản quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp người lập biên bản không có thẩm quyền xử phạt thì thủ trưởng của người đó là người có thẩm quyền xử phạt phải ký tên vào biên bản, nếu thấy cần thiết thì tiến hành xác minh trước khi ký vào biên bản.

2. Đối với cơ quan chức năng quy định tại khoản 4 Điều 27 của Nghị định này, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì tiến hành lập biên bản, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, chuyển giao cho cơ quan Kiểm lâm theo quy định. Biên bản do các cơ quan chức năng lập, chuyển giao là cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính.

3. Đối với chủ rừng, khi phát hiện quả tang cá nhân, tổ chức đang thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lâm phận của mình quản lý được quyền tạm giữ, lập biên bản phạm pháp quả tang, dẫn giải người vi phạm, bàn giao hồ sơ, người vi phạm cho cơ quan Kiểm lâm hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm. Biên bản phạm pháp quả tang do chủ rừng lập là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính.

4. Trường hợp phát hiện tang vật, phương tiện vi phạm vô chủ, vắng chủ thì người quy định tại khoản 1, 2 Điều này lập biên bản kiểm tra, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và tiến hành điều tra, xác định người vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ rừng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Kiểm lâm để lập biên bản kiểm tra các tang vật, phương tiện vô chủ, vắng chủ tại lâm phận của mình. Việc xử lý lâm sản vô chủ, vắng chủ đối với chủ rừng theo quy định tại Điều 43 của Nghị định này.

Điều 36. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

1. Sau khi xác định hành vi, mức độ vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải căn cứ vào các yếu tố quy định tại Điều 3 của Nghị định này để xem xét, quyết định hình thức và mức phạt đối với từng hành vi vi phạm.

2. Cách xác định mức tiền phạt

a) Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tiền phạt tối thiểu cộng với mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt đó; trường hợp phạt theo số lần giá trị lâm sản thì xác định bằng cách chia đôi tổng số của số lần tối thiểu cộng với số lần tối đa của khung phạt đó.

b) Trường hợp vi phạm hành chính mà mức tiền phạt quy định theo đơn vị mét vuông (m2), mét khối (m3), cây, giá trị lâm sản thì cách tính mức tiền phạt trung bình như điểm a khoản 2 của Điều này sau đó nhân với diện tích hoặc khối lượng hoặc số cây hoặc giá trị lâm sản vi phạm.

c) Người vi phạm có tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết tăng nặng phải được xác định mức tiền phạt trung bình theo quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này, sau đó tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà giảm hoặc tăng so với mức tiền phạt trung bình nhưng không được giảm thấp hơn mức thấp nhất của khung tiền phạt nhân với diện tích hoặc khối lượng hoặc số cây hoặc giá trị lâm sản vi phạm hoặc không tăng cao quá mức cao nhất của khung tiền phạt nhân với diện tích hoặc khối lượng hoặc số cây hoặc giá trị lâm sản vi phạm và không quá 30.000.000 đồng.

3. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng thể thức, trình tự, thủ tục và đúng mẫu quy định. Nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải đầy đủ theo quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 45 của Nghị định này thì phải ghi rõ trong quyết định xử phạt.

Điều 37. Thời hạn ra quyết định xử phạt

1. Thời hạn ra quyết định xử phạt

a) Đối với vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh thêm thì phải ra quyết định xử phạt trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính.

b) Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp như tang vật, phương tiện cần giám định, cần xác định rõ đối tượng vi phạm hành chính hoặc những tình tiết phức tạp khác thì thời hạn ra quyết định xử phạt không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính.

Trường hợp nếu cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì chậm nhất 10 ngày, trước khi hết thời hạn xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải làm văn bản báo cáo lên người có trách nhiệm cấp trên trực tiếp gia hạn để xin gia hạn; thời gian gia hạn tối đa không quá 30 ngày.

c) Thời hạn ra quyết định xử phạt được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.

2. Trình tự gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt như sau:

a) Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện gia hạn đối với vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm trực thuộc.

b) Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm gia hạn đối với vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ.

c) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện gia hạn đối với vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

d) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gia hạn đối với vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

đ) Cục trưởng Cục Kiểm lâm gia hạn đối với vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Đội Kiểm lâm đặc nhiệm và đối với vụ vi phạm do mình xử phạt.

3. Các trường hợp không được ra quyết định xử phạt

a) Đã hết thời hạn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

b) Đã hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại điểm b khoản 1 Điều này mà không xin gia hạn hoặc đã xin gia hạn nhưng không được cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn.

c) Đã hết thời hạn được cấp có thẩm quyền gia hạn.

4. Trong trường hợp không ra quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền vẫn có thể ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 6 của Nghị định này và tịch thu lâm sản là tang vật vi phạm hành chính.

Điều 38. Quyết định buộc khắc phục hậu quả; tịch thu tang vật vi phạm hành chính trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Trong trường hợp quá thời hiệu xử phạt quy định tại Điều 4 của Nghị định này hoặc quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều 37 của Nghị định này, người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt, nhưng vẫn có thể quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo các hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này.

Quyết định buộc khắc phục hậu quả phải bằng văn bản theo đúng mẫu quy định.

2. Trong trường hợp không ra quyết định xử phạt do quá thời hạn, người có thẩm quyền xử phạt vẫn có thể ra quyết định tịch thu lâm sản là tang vật vi phạm hành chính.

Quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính trong trường hợp quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải bằng văn bản theo đúng mẫu quy định.

Điều 39. Xác định trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

1. Sau khi tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nếu xét thấy cần phải tịch thu tang vật phương tiện vi phạm thì người đã ra quyết định tạm giữ phải mời đại diện cơ quan tài chính cùng cấp để xem xét, định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại khó định giá hoặc chưa có ý kiến thống nhất giữa người ra quyết định tạm giữ và đại diện cơ quan tài chính thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập hội đồng định giá với sự tham gia của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh và đại diện các cơ quan có liên quan để định giá.

Trường hợp tang vật là các loại lâm sản đã có trong quy định giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì áp dụng theo giá quy định.

2. Trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều này là căn cứ để xác định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Điều 40. Ký và đóng dấu quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và người được uỷ quyền ký trực tiếp, không ký thay mặt (T/M) hoặc ký thay (KT).

2. Đóng dấu quyết định xử phạt vi phạm hành chính

a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và người được uỷ quyền xử phạt vi phạm hành chính được đóng dấu cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi đó. Dấu được đóng lên 1/3 chữ ký về phía bên trái của chữ ký.

b) Quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng không có quyền đóng dấu trực tiếp thì quyết định xử phạt được đóng dấu cơ quan của người ra quyết định xử phạt vào góc trái tại phần trên cùng của quyết định, nơi ghi tên cơ quan xử phạt và số, ký hiệu của quyết định xử phạt.

Điều 41. Thu, nộp tiền phạt

1. Thu tiền phạt

a) Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính, đảm bảo thuận tiện cho người nộp phạt. Việc thu tiền phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

b) Người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt tại chỗ trong các trường hợp sau:

- Phạt tiền từ 5.000 đồng đến 100.000 đồng;

- Xử phạt ngoài giờ hành chính;

- Địa điểm xử phạt tại những nơi xa xôi, hẻo lánh, trên sông, trên biển hoặc những vùng mà việc đi lại khó khăn.

c) Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ phải nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước theo quy định. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, đồng thời gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

2. Thời hạn nộp tiền phạt

a) Cá nhân, tổ chức thu tiền phạt tại chỗ đối với các hành vi vi phạm hành chính khi nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước phải đảm bảo nộp đúng, đủ tổng số tiền phạt ghi trong các biên lai thu tiền phạt và các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt.

b) Trường hợp địa điểm xử phạt vi phạm hành chính ở những nơi xa xôi, hẻo lánh hoặc những vùng mà việc đi lại khó khăn thì người có thẩm quyền xử phạt được phép thu tiền phạt tại chỗ và có trách nhiệm nộp tiền phạt thu được vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt; trường hợp người bị xử phạt không có khả năng nộp phạt tại chỗ thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

c) Trường hợp địa điểm xử phạt vi phạm hành chính ở trên sông, trên biển thì người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt tại chỗ và có trách nhiệm nộp tiền phạt thu được vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ. Trường hợp không nộp phạt tại chỗ thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ.

3. Trường hợp không thu tiền phạt tại chỗ (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều này), cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp đủ số tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt có trách nhiệm thông báo kịp thời cho tổ chức của người ra quyết định xử phạt về các trường hợp đã quá thời hạn nộp phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt không chấp hành đúng quyết định xử phạt vi phạm hành chính để cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

4. Quản lý và sử dụng tiền thu phạt vi phạm hành chính

a) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.

b) Việc sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính đã nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, tổ chức xử lý vi phạm hành chính phải theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 42. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề

1. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức phạt chính trong các trường hợp sau:

a) Hành vi vi phạm quy định tại Điều 19 của Nghị định này mà mức tiền phạt trung bình trên 10.000.000 đồng.

b) Hành vi vi phạm quy định tại Điều 20, Điều 21 của Nghị định này mà mức tiền phạt trung bình trên 5.000.000 đồng.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là người có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với người vi phạm. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người đã ra quyết định xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề về việc đã áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

3. Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Điều 59 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 43. Xử lý các trường hợp vi phạm do chủ rừng lập biên bản

1. Người có hành vi khai thác rừng trái phép bị xử lý theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này.

2. Lâm sản tịch thu trả lại chủ rừng trong các trường hợp sau:

a) Chủ rừng phát hiện bắt quả tang người vi phạm tại lâm phận của mình.

b) Chủ rừng không bắt được quả tang người vi phạm, nhưng có đủ căn cứ chứng minh lâm sản thuộc rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh do chủ rừng tự bỏ vốn đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ.

Điều 44. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

1. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ:

Đối với tang vật là vật phẩm tươi sống, động vật rừng bị yếu, bị thương không thuộc nhóm IB hoặc lâm sản khác còn tươi không thuộc nhóm IA thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay theo giá quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tiền thu được gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu sau đó tang vật bị tịch thu theo quyết định của người có thẩm quyền, thì sau khi trừ chi phí theo quy định của pháp luật, số tiền còn lại nộp ngân sách Nhà nước; trường hợp tang vật đó không bị tịch thu thì tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc sử dụng hợp pháp.

2. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu.

b) Trường hợp người vi phạm tự nguyện nộp tiền bằng giá trị lâm sản tịch thu (theo giá quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh) thì người có thẩm quyền xử phạt thu tiền, nộp Kho bạc Nhà nước và giao lại lâm sản bị tịch thu, trừ các loại lâm sản thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IA, IB và các loại lâm sản xử lý theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

c) Phương tiện vi phạm tịch thu chất lượng kém, hết thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật thì Chi cục Kiểm lâm tổ chức, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp và các cơ quan có liên quan lập biên bản tổ chức bán phế liệu hoặc tiêu huỷ.

d) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu không quy định tại khoản 1 hoặc các điểm a, b khoản 2 Điều này xử lý như sau:

- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tịch thu sung quỹ nhà nước, đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan ra quyết định phải gửi quyết định tịch thu và thông báo đến cơ quan tài chính cùng cấp.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Chi cục Kiểm lâm tổ chức, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp và các ngành liên quan tổ chức bán đấu giá trong vòng một tháng. Quá thời hạn này mà cơ quan phối hợp được mời không đến hoặc đến không đầy đủ để tổ chức bán đấu giá thì Chi cục Kiểm lâm tổ chức bán đấu giá, nộp tiền vào Kho bạc, sau đó thông báo cho cơ quan tài chính cùng cấp.

đ) Các tỉnh, huyện không có cơ quan kiểm lâm, lâm sản sau khi xử lý tịch thu chuyển giao cho cơ quan tài chính cùng cấp để tổ chức bán theo quy định hiện hành.

Điều 45. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Sau khi ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải giao quyết định cho người xử phạt hoặc thông báo cho người đó đến nhận. Trường hợp đã qua một năm mà người có thẩm quyền không thể giao quyết định xử phạt đến người bị xử phạt thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định đình chỉ thi hành quyết định đối với người đó, trừ hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được chấp hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người có hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 65 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

3. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính ở đơn vị hành chính thuộc tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành. Nếu nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở không có cơ quan cùng cấp thì quyết định xử phạt được chuyển đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện để tổ chức thi hành.

Trường hợp vi phạm xảy ra ở địa bàn cấp huyện thuộc phạm vi một tỉnh ở miền núi, hải đảo hoặc những vùng xa xôi hẻo lánh khác mà việc đi lại gặp khó khăn, cá nhân, tổ chức vi phạm không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

4. Trong trường hợp áp dụng hình thức phạt tiền đối với người vi phạm mà không tịch thu phương tiện, thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện, giấy phép lái xe, giấy tờ cần thiết khác có liên quan hoặc tạm giữ phương tiện vi phạm cho đến khi tất cả những người trong vụ vi phạm bị xử phạt chấp hành xong quyết định xử phạt.

Việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt phải được ghi trong quyết định xử phạt và phải lập biên bản tạm giữ phương tiện đối với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện và phải ghi rõ lý do tạm giữ. Thời gian tạm giữ phương tiện được áp dụng cho đến khi người vi phạm bị xử phạt chấp hành xong quyết định xử phạt. Ngay sau khi người vi phạm bị xử phạt chấp hành xong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt trả lại phương tiện cho người vi phạm.

Điều 46. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 45 của Nghị định này, nếu người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành.

2. Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 66, 67 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 47. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền phải khởi tố vụ án hình sự hoặc chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Nghiêm cấm việc giữ lại các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử phạt hành chính.

2. Đối với các trường hợp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu sau đó phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ quyết định đó và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày huỷ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

3. Cơ quan tiến hành tố tụng không được từ chối việc tiếp nhận hồ sơ trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1, 2 điều này. Trường hợp có đủ căn cứ hành vi vi phạm không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định tại Điều 63 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật, chuyển lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính.

Nghị định 159/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản

  • Số hiệu: 159/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/10/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 766 đến số 767
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH