Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
TUYÊN BỐ
VỀ QUYỀN CỦA NHỮNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT VỀ TÂM THẦN, 1971
(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 24/12/1971 theo Nghị quyết số 2856 (XXVI)).
Đại Hội đồng,
Ghi nhớ đến cam kết của các Quốc gia thành viên, theo Hiến chương Liên Hợp Quốc là tiến hành các hoạt động chung và riêng trong việc hợp tác với Liên Hợp Quốc để nâng cao mức sống, việc làm đầy đủ và những điều kiện cho sự tiến bộ và phát triển kinh tế, xã hội,
Khẳng định lại lòng tin vào quyền con người, những tự do cơ bản và theo các nguyên tắc hòa bình, lòng tin vào phẩm giá, giá trị của con người và vào công lý xã hội như Hiến chương đã công bố,
Nhắc lại những nguyên tắc của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, các Công ước quốc tế về quyền con người, Tuyên bố về quyền trẻ em và Tuyên bố về quyền của người khuyết tật cũng như những tiêu chuẩn đã được đề ra cho sự tiến bộ xã hội trong các Hiến chương, Công ước, Khuyến nghị và các Nghị quyết của Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và những tổ chức khác có liên quan,
Nhấn mạnh rằng, Tuyên bố về sự tiến bộ và phát triển xã hội đã công bố sự cần thiết phải bảo vệ các quyền, đảm bảo phúc lợi và phục hồi chức năng cho những người thiệt thòi về thể chất và tâm thần,
Ghi nhớ đến sự cần thiết của việc giúp đỡ người khuyết tật về tâm thần để phát triển các khả năng của họ trong những lĩnh vực hoạt động khác nhau và thúc đẩy hết mức sự hòa nhập của họ vào cuộc sống bình thường,
Nhận biết được rằng, đối với một số nước, ở vào giai đoạn phát triển của họ hiện tại, chỉ có thể dành một số nỗ lực hạn chế cho mục đích này,
Công bố Tuyên bố về quyền của người khuyết tật về tâm thần và kêu gọi tiến hành các hoạt động quốc gia và quốc tế để đảm bảo rằng Tuyên bố sẽ được sử dụng làm cơ sở và khuôn khổ cho việc bảo vệ các quyền này:
1. Người khuyết tật về tâm thần có các quyền ở mức tối đa có thể như những người bình thường khác.
2. Người khuyết tật về tâm thần có quyền được chăm sóc sức khỏe và vật lý trị liệu phù hợp, đồng thời có các quyền về giáo dục, đào tạo, phục hồi chức năng và hướng dẫn để họ có thể phát triển khả năng và tiềm năng của mình tới mức tối đa.
3. Người khuyết tật về tâm thần có quyền được hưởng sự bảo đảm về kinh tế và mức sống đầy đủ. Họ có quyền được làm những công việc hữu ích hay tham gia bất cứ nghề nghiệp nào khác có ý nghĩa trong phạm vi sử dụng tối đa những khả năng của họ.
4. Bất cứ khi nào có thể, người khuyết tật về tâm thần phải được sống với gia đình riêng hay cha mẹ, người bảo trợ của họ, tham gia vào các hình thức khác nhau của đời sống cộng đồng. Gia đình có người tàn tật về tâm thần phải được giúp đỡ. Nếu như việc chăm sóc ở một cơ sở xã hội trở nên cần thiết thì sự chăm sóc đó phải được tiến hành trong những hoàn cảnh và điều kiện giống với các hoàn cảnh và điều kiện của đời sống bình thường bên ngoài.
5. Người khuyết tật về tâm thần có quyền được có người giám hộ đủ tiêu chuẩn khi cần thiết để bảo vệ phúc lợi và quyền lợi của bản thân họ.
6. Người khuyết tật về tâm thần có quyền được bảo vệ không bị bóc lột, lạm dụng và đối xử hạ nhục. Nếu bị truy tố vì bất kỳ tội gì thì họ có quyền được luật pháp xét xử công minh, có xem xét đầy đủ đến mức độ ảnh hưởng về tâm thần của họ.
7. Khi nào vì bệnh tật nghiêm trọng mà người khuyết tật về tâm thần không thể thực hiện được tất cả các quyền của họ một cách có ý nghĩa, hay cần thiết phải hạn chế hoặc phủ nhận một số trong những quyền đó thì thủ tục áp dụng để hạn chế hay phủ nhận phải có sự bảo vệ về mặt pháp lý thích hợp chống mọi hình thức lạm dụng. Thủ tục này phải dựa vào sự đánh giá của các chuyên gia có trình độ về khả năng xã hội của người khuyết tật về tâm thần và phải tùy thuộc vào sự xem xét định kỳ và quyền được kháng cáo lên những nhà chức trách có thẩm quyền cao hơn.
- 1Công ước 159 năm 1983 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người có khuyết tật
- 2Công ước về quyền của người khuyết tật
- 3Hướng dẫn của Liên hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên (các Hướng dẫn Ri-Át), 1990
- 4Nguyên tắc bảo vệ người mắc bệnh tâm thần và cải thiện việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần, 1991
- 5Tuyên bố sử dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào mục đích hòa bình và vì lợi ích của nhân loại, 1995
- 6Nghị định thư không bắt buộc thứ hai của công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị về việc bãi bỏ hình phạt tử hình, 1989
- 1Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948)
- 2Công ước 159 năm 1983 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người có khuyết tật
- 3Hiến Chương Liên hợp quốc 1945
- 4Tuyên bố của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em 1959
- 5Công ước về quyền của người khuyết tật
- 6Hướng dẫn của Liên hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên (các Hướng dẫn Ri-Át), 1990
- 7Nguyên tắc bảo vệ người mắc bệnh tâm thần và cải thiện việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần, 1991
- 8Tuyên bố sử dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào mục đích hòa bình và vì lợi ích của nhân loại, 1995
- 9Nghị định thư không bắt buộc thứ hai của công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị về việc bãi bỏ hình phạt tử hình, 1989