NGHỊ ĐỊNH THƯ KHÔNG BẮT BUỘC THỨ HAI CỦA CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ, CHÍNH TRỊ VỀ VIỆC BÃI BỎ HÌNH PHẠT TỬ HÌNH, 1989
(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết số 44/128, ngày 5/12/1989).
Các Quốc gia thành viên của Nghị định thư:
Tin tưởng rằng, việc bãi bỏ hình phạt tử hình góp phần nâng cao nhân phẩm và thúc đẩy sự phát triển tiến bộ các quyền con người;
Khẳng định lại Điều 3 của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 và Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 16/12/1966;
Lưu ý rằng, Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị khuyến nghị mạnh mẽ việc bãi bỏ hình phạt tử hình ngay khi có điều kiện cho phép thực hiện việc đó.
Tin tưởng rằng, tất cả các biện pháp nhằm bãi bỏ hình phạt tử hình được coi là sự tiến bộ trong việc hưởng thụ quyền sống.
Cam kết quốc tế dưới đây nhằm thực hiện mong muốn bãi bỏ hình phạt tử hình.
Đã nhất trí như sau:
Điều 1.
1. Không một người nào thuộc phạm vi quyền tài phán của một Quốc gia thành viên Nghị định thư này bị hành quyết.
2. Mỗi Quốc gia thành viên Nghị định thư sẽ tiến hành tất cả những biện pháp cần thiết để bãi bỏ hình phạt tử hình trong phạm vi quyền tài phán của mình.
Điều 2.
1. Không một bảo lưu nào với Nghị định thư này có thể được chấp nhận, trừ những bảo lưu được đưa ra tại thời điểm phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư này, mà quy định việc áp dụng hình phạt tử hình trong thời gian chiến tranh, trên cơ sở lời kết án về một tội ác nghiêm trọng nhất có tính quân sự được thực hiện trong thời gian đó.
2. Các Quốc gia thành viên đưa ra bảo lưu như vậy tại thời điểm phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư này phải thông báo cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về các quy định liên quan trong pháp luật quốc gia có thể được áp dụng trong thời gian chiến tranh.
3. Các Quốc gia thành viên đưa ra bảo lưu như vậy phải thông báo cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về thời điểm bắt đầu hoặc chấm dứt tình trạng chiến tranh trên lãnh thổ của quốc gia đó.
Điều 3.
Các Quốc gia thành viên của Nghị định thư này phải trình bày trong báo cáo của họ gửi tới Ủy ban quyền con người, theo quy định tại Điều 40 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, những thông tin về các biện pháp mà họ đã thông qua để thực hiện Nghị định thư này.
Điều 4.
Đối với các Quốc gia thành viên Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị mà đã đưa ra tuyên bố theo Điều 41 của Công ước, thẩm quyền của Ủy ban quyền con người được tiếp nhận và xem xét thông cáo khi một Quốc gia thành viên khiếu nại rằng một Quốc gia thành viên khác không hoàn thành nghĩa vụ của họ được mở rộng tới các quy định của Nghị định thư này, trừ phi Quốc gia thành viên liên quan đã đưa ra tuyên bố ngược lại tại thời điểm phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư này.
Điều 5.
Đối với các Quốc gia thành viên của Nghị định thư không bắt buộc thứ nhất của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, thẩm quyền của Ủy ban quyền con người được tiếp nhận và xem xét thông báo từ các cá nhân thuộc quyền tài phán của quốc gia đó được mở rộng tới các quy định của Nghị định thư này, trừ phi Quốc gia thành viên liên quan đã đưa ra tuyên bố ngược lại tại thời điểm phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư này.
Điều 6.
1. Các điều khoản của Nghị định thư này sẽ được áp dụng như các điều khoản bổ sung của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị.
2. Không làm phương hại đến khả năng bảo lưu theo Điều 2 của Nghị định thư này, quyền được bảo đảm trong Điều 1, khoản 1 của Nghị định thư này sẽ không bị hạn chế theo quy định tại Điều 4 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị.
Điều 7.
1. Nghị định thư này được mở cho tất cả các quốc gia đã ký Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị ký.
2. Nghị định thư này được mở cho tất cả các quốc gia đã phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị phê chuẩn. Văn kiện phê chuẩn sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
3. Nghị định thư này được mở cho tất cả các quốc gia đã phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị gia nhập.
4. Việc gia nhập sẽ có hiệu lực khi văn kiện gia nhập được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
5. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho tất cả các quốc gia đã ký hoặc gia nhập Nghị định thư này về việc lưu chiểu từng văn kiện xin phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư.
Điều 8.
1. Nghị định thư này sẽ có hiệu lực sau ba tháng kể từ ngày Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu văn kiện xin phê chuẩn hoặc gia nhập thứ mười.
2. Đối với các quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư này sau khi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhận được văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ mười, Nghị định thư này sẽ bắt đầu có hiệu lực với quốc gia đó sau 3 tháng kể từ ngày Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhận được văn bản phê chuẩn hoặc gia nhập của quốc gia đó.
Điều 9.
Nghị định thư này sẽ có hiệu lực trên tất cả các phần lãnh thổ của các quốc gia Liên bang là thành viên mà không có bất kỳ hạn chế hoặc ngoại lệ nào.
Điều 10.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho tất cả các quốc gia nếu trong Điều 48 khoản 1 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị về những vấn đề sau:
1. Những bảo lưu, thông báo và thông tin theo như quy định tại Điều 2 của Nghị định thư này.
2. Những Tuyên bố theo Điều 4 hoặc 5 của Nghị định thư.
3. Việc ký, phê chuẩn và gia nhập theo Điều 7 của Nghị định thư.
4. Ngày bắt đầu có hiệu lực của Nghị định thư theo quy định tại Điều 8.
Điều 11.
1. Nghị định thư này được làm bằng tiếng Ả-rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản đều có giá trị như nhau và sẽ được nộp lưu chiểu trong hồ sơ lưu trữ của Liên Hợp Quốc.
2. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ chuyển các bản sao Nghị định thư có chứng thực tới tất cả các quốc gia có Liên quan như quy định trong Điều 48 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị
- 1Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948)
- 2Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị
- 3Tuyên bố về quyền của những người khuyết tật về tâm thần, 1971
- 4Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ, 1990
- 5Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, 1992
Nghị định thư không bắt buộc thứ hai của công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị về việc bãi bỏ hình phạt tử hình, 1989
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Nghị định thư
- Ngày ban hành: 05/12/1989
- Nơi ban hành: Liên hợp quốc
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/1900
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực