Hệ thống pháp luật

TUYÊN BỐ SỬ DỤNG NHỮNG TIẾN BỘ CỦA KHOA HỌC KỸ THUẬT VÀO MỤC ĐÍCH HÒA BÌNH VÀ VÌ LỢI ÍCH CỦA NHÂN LOẠI, 1995

(Được thông qua theo Nghị quyết số 384 ngày 10/11/1995 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc).

Đại Hội đồng,

Nhận thấy rằng, tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã và đang trở thành một trong những nhân tố quan trọng nhất trong sự phát triển của xã hội loài người,

Lưu ý rằng, trong khi sự phát triển về khoa học và kỹ thuật cung cấp những cơ hội thuận lợi để nâng cao không ngừng điều kiện sống của các dân tộc và quốc gia thì trong một số trường hợp, chúng lại có thể gây ra những vấn đề xã hội, cũng như đe dọa các quyền con người và tự do cơ bản của cá nhân;

Nhận thấy mối lo ngại về việc các thành tựu khoa học và kỹ thuật có thể bị sử dụng nhằm tăng cường chạy đua vũ trang, đàn áp các phong trào giải phóng dân tộc và tước bỏ các quyền con người và tự do của các dân tộc và cá nhân;

Cũng lo ngại rằng, các thành tựu khoa học và kỹ thuật có thể chứa đựng hiểm họa đối với các quyền dân sự chính trị của các cá nhân hoặc nhóm người và đối với phẩm giá con người;

Nhận thấy sự đòi hỏi cấp thiết của việc sử dụng đầy đủ những phát triển của khoa học và kỹ thuật vì lợi ích của con người và để vô hiệu hóa những hậu quả tai hại trong hiện tại hoặc có thể xảy ra trong tương lai do sử dụng một số thành tựu khoa học và kỹ thuật nào đó;

Ghi nhận rằng, những tiến bộ khoa học và kỹ thuật là vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của các nước phát triển;

Hiểu rằng, sự chuyển giao khoa học và kỹ thuật là một trong những thách thức chủ yếu để tăng cường phát triển kinh tế của các nước đang phát triển;

Khẳng định lại quyền tự quyết của các dân tộc và sự cần thiết phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản cũng như phẩm giá của con người trong những điều kiện của tiến bộ khoa học và kỹ thuật;

Mong muốn thúc đẩy việc thực hiện các nguyên tắc nền tảng của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, các công ước quốc tế về quyền con người, Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, Tuyên bố về những nguyên tắc của luật pháp quốc tế liên quan đến các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, Tuyên bố về sự phát triển và tiến bộ xã hội, và Hiến chương về các quyền và nghĩa vụ kinh tế của các quốc gia.

Long trọng tuyên bố rằng:

1. Mọi quốc gia sẽ thúc đẩy sự hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo rằng, các kết quả của những phát triển khoa học và kỹ thuật phải được sử dụng với mục đích củng cố hòa bình và an ninh quốc tế, củng cố tự do, độc lập và vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội của các dân tộc cũng như để thực hiện các quyền và tự do cơ bản của con người phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.

2. Mọi quốc gia sẽ sử dụng những biện pháp thích hợp để ngăn ngừa việc sử dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, đặc biệt là do các cơ quan nhà nước tiến hành, để hạn chế hoặc can thiệp vào việc hưởng thụ các quyền con người và tự do cơ bản của cá nhân như đã được nêu trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, các công ước quốc tế về quyền con người và các văn kiện quốc tế chủ yếu khác.

3. Tất cả các quốc gia sẽ áp dụng những biện pháp để đảm bảo rằng, các thành tựu khoa học và kỹ thuật được sử dụng nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.

4. Mỗi quốc gia đều tránh thực hiện bất kỳ hành động nào liên quan đến việc sử dụng thành tựu khoa học và kỹ thuật nhằm mục đích xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, phát động các cuộc chiến tranh xâm lược đàn áp các phong trào giải phóng dân tộc hoặc theo đuổi chính sách phân biệt chủng tộc. Những hành động như vậy chẳng những là sự vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mà còn tạo ra sự bóp méo không thể chấp nhận được các mục tiêu nhằm hướng sự phát triển của khoa học và kỹ thuật phục vụ lợi ích của loài người.

5. Tất cả các quốc gia sẽ hợp tác trong việc thiết lập, tăng cường và phát triển khả năng khoa học và kỹ thuật của các nước đang phát triển với quan điểm nhằm thúc đẩy việc thực hiện các quyền kinh tế và xã hội của nhân dân ở những nước đó.

6. Tất cả các quốc gia sẽ thi hành những biện pháp nhằm mở rộng các lợi ích của khoa học và kỹ thuật đối với mọi tầng lớp nhân dân và để bảo vệ họ, trên khía cạnh vật chất và xã hội, khỏi những tác hại có thể xảy ra do việc sử dụng sai các thành tựu của khoa học và kỹ thuật bao gồm cả việc dùng chúng để xâm phạm quyền của các cá nhân hoặc nhóm người, đặc biệt liên quan đến việc tôn trọng bí mật đời tư, bảo vệ nhân phẩm và sự toàn vẹn về tinh thần và thể chất của mỗi người.

7. Mọi quốc gia sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết, bao gồm cả các phương tiện pháp lý, nhằm đảm bảo việc sử dụng các thành tựu khoa học và kỹ thuật để thực hiện đầy đủ nhất các quyền và tự do cơ bản của con người, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc giới tính, ngôn ngữ hoặc tín ngưỡng, tôn giáo.

8. Mọi quốc gia sẽ thực thi các biện pháp hữu hiệu, bao gồm các biện pháp pháp lý nhằm ngăn ngừa và loại trừ việc sử dụng các thành tựu khoa học và kỹ thuật để làm tổn hại đến các quyền, tự do cơ bản và phẩm giá con người.

9. Tất cả các quốc gia, khi cần thiết, sẽ thực thi hành động phù hợp với luật pháp nhằm bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của con người trong điều kiện sự phát triển của khoa học, kỹ thuật.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Tuyên bố sử dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào mục đích hòa bình và vì lợi ích của nhân loại, 1995

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 10/11/1995
  • Nơi ban hành: Liên hợp quốc
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1900
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản