Hệ thống pháp luật

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 8007 : 2009

RƯỢU - CHUẨN BỊ MẪU THỬ VÀ KIỂM TRA CẢM QUAN

Liquor - Preparation of test sample and organoleptic examination

Lời nói đầu

TCVN 8007 : 2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F 9 Đồ uống biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

 

RƯỢU - CHUẨN BỊ MẪU THỬ VÀ KIỂM TRA CẢM QUAN

Liquor - Preparation of test sample and organoleptic examination

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này đưa ra quy trình chuẩn bị mẫu thử và kiểm tra cảm quan đối với rượu.

2. Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau là rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.

TCVN 3217 Rượu - Phân tích cảm quan bằng phương pháp cho điểm.

3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này sử dụng thuật ngữ và định nghĩa sau đây:

3.1. Lô hàng (lot)

Một lượng rượu được sản xuất trong cùng một cơ sở sản xuất, được đóng trong cùng một loại bao bì, có cùng ký hiệu, được giao nhận trong cùng một thời gian.

4. Chuẩn bị mẫu thử

Từ một lô hàng lấy ra 15 chai rượu tại các vị trí khác nhau. Lắc đều tất cả 15 chai, từ mỗi chai lấy một lượng như nhau, sao cho có được lượng mẫu trung bình là 2 l. Trộn đều rồi chia thành 2 phần bằng nhau, một phần để lưu mẫu, phần còn lại được dùng để phân tích.

Mẫu được đựng trong chai khô, sạch, có dán nhãn, ghi rõ tên cơ sở sản xuất, tên sản phẩm, ngày sản xuất, khối lượng lô hàng, ký hiệu lô hàng, ngày tháng lấy mẫu và họ tên người lấy mẫu.

Mẫu lưu được bảo quản 10 tháng kể từ ngày lấy mẫu.

5. Kiểm tra cảm quan

5.1. Yêu cầu chung

Khu vực thử các chỉ tiêu cảm quan phải thoáng, không có mùi lạ, xa khu vực thử nghiệm hóa học.

5.2. Xác định dạng bên ngoài

Kiểm tra nhãn, bao bì đựng chai và chai sản phẩm, sau đó kiểm tra độ vẩn đục và tạp chất lạ.

5.3. Xác định độ trong

5.3.1. Đối với rượu trắng

Dùng hai ống thủy tinh không màu có đường kính và chiều dài bằng nhau. Rót vào một ống 20 ml nước cất và 20 ml rượu vào ống kia. Đặt hai ống trên nền trắng dưới ánh sáng thường để so sánh màu sắc và độ trong. Màu sắc và độ trong của hai ống phải như nhau.

5.3.2. Đối với các loại rượu khác

Rót 100 ml rượu vào ống thủy tinh không màu dung tích 150 ml. Đem quan sát màu của rượu và sự vẩn đục của rượu trong điều kiện ánh sáng thường, trên nền trắng và ghi lại kết quả nhận xét.

5.4. Xác định mùi, vị

Rót 50 ml rượu vào cốc thử, dung tích từ 100 ml đến 150 ml, sau đó ngửi và nếm để xác định mùi và vị.

Khi có rượu chuẩn cho phép thử nếm so sánh nhưng không được thử quá 3 mẫu. Thử nếm để so sánh mẫu thử với các mẫu có chất lượng đã biết phải theo thứ tự từ mẫu có chất lượng cao đến mẫu có chất lượng thấp.

Sau khi kiểm tra, đánh giá và cho điểm theo TCVN 3217.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8007:2009 về rượu - Chuẩn bị mẫu thử và kiểm tra cảm quan

  • Số hiệu: TCVN8007:2009
  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn Việt Nam
  • Ngày ban hành: 01/01/2009
  • Nơi ban hành: ***
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/11/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản