Hệ thống pháp luật

TIÊU CHUẨN NGÀNH

22TCN 346:2006

QUY TRÌNH THÍ NGHIỆM XÁC ĐỊNH ĐỘ CHẶT NỀN, MÓNG ĐƯỜNG BẰNG PHỄU RÓT CÁT

1 Qui định chung

1.1 Quy trình này quy định trình tự thí nghiệm xác định khối lượng thể tích khô của lớp vật liệu (đất, đất gia cố, đá gia cố, cấp phối đá dăm, cấp phối thiên nhiên...) tại hiện trường bằng phễu rót cát làm cơ sở xác định hệ số đầm chặt K của lớp nền, móng đường.

1.2 Hệ số đầm chặt K được xác định trên cơ sở khối lượng thể tích khô xác định theo quy trình này và khối lượng thể tích khô lớn nhất của mẫu vật liệu cùng loại xác định theo “Quy trình đầm nén đất, đá dăm trong phòng thí nghiệm” 22 TCN 333-06. Trường hợp lớp vật liệu thí nghiệm có chứa hạt quá cỡ, việc xác định hệ số đầm chặt K sẽ được tiến hành theo hướng dẫn trong Phụ lục B của quy trình 22 TCN 333-06.

1.3 Quy trình này chỉ áp dụng cho những loại vật liệu có không quá 50% lượng hạt nằm trên sàng 19,0 mm.

1.4 Quy trình này không áp dụng trong những trường hợp sau đây:

Khi thí nghiệm phát hiện có nước chảy vào hố;

Thành hố đào bị biến dạng hoặc sập trong quá trình đào hố.

1.5 Các thuật ngữ, định nghĩa, ký hiệu trong quy trình này tuân theo các quy định của quy trình 22 TCN 333-06.

2 Nội dung thí nghiệm

2.1. Tại vị trí thí nghiệm, tiến hành đào một cái hố vào lớp vật liệu có đường kính và chiều sâu quy định (Khoản 5.3). Lấy toàn bộ vật liệu ở hố đào, tiến hành xác định khối lượng tự nhiên và độ ẩm của vật liệu.

2.2. Dùng phễu rót cát đổ một lượng cát chuẩn có khối lượng thể tích đã xác định trước vào trong hố đào, tính thể tích của hố đào.

2.3. Từ kết quả khối lượng tự nhiên, độ ẩm của vật liệu và thể tích hố đào, sẽ tính được khối lượng thể tích khô thực tế của lớp vật liệu thí nghiệm.

3 Quy định về dụng cụ thí nghiệm

3.1 Bộ phễu rót cát: gồm có 3 phần là bình chứa cát, thân phễu và đế định vị. Các kích thước của bộ phễu rót cát được mô tả tại Hình 1.

3.1.1 Bình chứa cát: làm bằng nhựa hoặc kim loại, có ren ở miệng để có thể lắp chặt khít với phễu. Bình chứa cát có thể tích tối thiểu là 4,0 lít.

3.1.2 Phễu: làm bằng kim loại. Cuống phễu có ren để lắp với bình chứa cát. Miệng phễu có đường kính 165,1 mm, được chế tạo để có thể lắp khít với thành lỗ của đế định vị. Gần cuống phễu có một cái van để cho cát chảy qua. Khi vặn theo chiều thuận kim đồng hồ cho đến khi dừng, van sẽ được mở hoàn toàn, khi vặn theo chiều ngược lại cho đến khi dừng, van sẽ được đóng kín hoàn toàn. Thành phễu tạo với mặt phẳng nằm ngang một góc 60­­­­­­o để cát được phân bố đều trong phễu.

3.1.3 Đế định vị: là một tấm kim loại hình tròn (hoặc hình vuông) đáy phẳng, có đường kính (hoặc cạnh bên) 304,8 mm. Đế được khoét một lỗ tròn ở giữa với đường kính 165,1 mm, thành lỗ có gờ để có thể lắp vừa với miệng phễu.

3.2 Cát chuẩn : là loại cát sạch, hạt cứng, khô, tơi; kích cỡ hạt lọt qua sàng 2,36 mm và nằm trên sàng 0,3 mm; hệ số đồng nhất của cát (Cu = D60/D10) nhỏ hơn 2,0.

3.3 Cân: cần có 2 chiếc cân. Một chiếc cân có khả năng cân được đến 15 kg với độ chính xác ± 1,0 g (để xác định khối lượng của mẫu từ hố đào). Một chiếc có khả năng cân được đến 1500 g với độ chính xác ± 0,01 g (để xác định độ ẩm mẫu).

3.4 Tủ sấy: loại có bộ phận cảm biến nhiệt để có thể tự động duy trì nhiệt độ trong tủ ở mức 110 ± 5oC dùng để sấy khô mẫu.

3.5 Sàng: loại sàng mắt vuông, bao gồm 4 chiếc có kích cỡ 2,36, 1,18, 0,6 , 0,3 mm để chế bị cát chuẩn và 2 sàng có kích cỡ là 4,75 mm và 19,0 mm để sàng hạt quá cỡ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Tiêu chuẩn ngành 22TCN 346:2006 về quy trình thí nghiệm xác định độ chặt nền, móng đường bằng phễu rót cát do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 22TCN346:2006
  • Loại văn bản: Tiêu chuẩn ngành
  • Ngày ban hành: 01/01/2006
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản