Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29/2000/TTLT-BLĐTBXH-BYT

Hà Nội , ngày 28 tháng 12 năm 2000

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ Y TẾ SỐ 29/2000/TTLT-BLĐTBXH-BYT NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 2000 QUY ĐỊNH DANH MỤC NGHỀ, CÔNG VIỆC NGƯỜI BỊ NHIỄM HIV-AIDS KHÔNG ĐƯỢC LÀM

Căn cứ Điều 22 của Pháp lệnh về phòng chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV-AIDS) ngày 31/5/1995;
Căn cứ Điều 3 của Nghị định số 34/CP ngày 01/06/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh phòng chống nhiễm HIV-AIDS;
Để phòng ngừa lây nhiễm HIV-AIDS từ những người đã bị nhiễm sang người khác do tiếp xúc nghề nghiệp, Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Y tế quy định danh mục nghề, công việc mà người bị nhiễm HIV-AIDS không được làm như sau:

I. DANH MỤC NGHỀ, CÔNG VIỆC NHỮNG NGƯỜI BỊ NHIỄM HIV/AIDS KHÔNG ĐƯỢC LÀM

1. Các dịch vụ y tế có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của cơ thể người.

2. Các dịch vụ phẫu thuật chỉnh hình, dịch vụ thẩm mỹ có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của cơ thể người.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động:

1.1 Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong các cơ sở có nghề, công việc được quy định trong Mục I của Thông tư này:

a. Phổ biến, tuyên truyền nội dung của Thông tư này đến người lao động thuộc quyền quản lý;

b. Không được bắt buộc người lao động làm các nghề, công việc quy định tại Mục I của Thông tư này phải xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV/AIDS;

c. Trong thời gian 3 tháng kể từ ngày nhận được thông báo từ người lao động hoặc của cơ quan y tế có thẩm quyền, người sử dụng lao động phải bố trí người lao động bị nhiễm HIV/AIDS đang làm nghề, công việc quy định tại Mục I của Thông tư này sang làm công việc khác phù hợp hoặc đào tạo lại nghề khác cho người lao động bị nhiễm HIV/AIDS;

d. Không được cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, không được có hành vi phân biệt đối xử với người lao động bị nhiễm HIV/AIDS;

e. Đảm bảo các quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách khác cho người bị nhiễm HIV/AIDS theo quy định của pháp luật;

f. Phải giữ bí mật kết quả xét nghiệm HIV/AIDS dương tính của người lao động.

1.2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong các ngành nghề khác.

a. Không được cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, không được có hành vi phân biệt đối xử với người lao động bị nhiễm HIV/AIDS, không được chuyển những người bị nhiễm HIV/AIDS sang làm công việc khác nếu họ không có yêu cầu.

b. Đảm bảo các quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách khác cho người bị nhiễm HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.

c. Phải giữ bí mật kết quả xét nghiệm HIV/AIDS dương tính của người lao động.

2. Trách nhiệm của người lao động và người tự hành nghề khi biết mình bị nhiễm HIV:

a. Người lao động phải thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV cho người khác, báo cáo ngay cho người sử dụng lao động biết và tự nguyện không tiếp tục làm nghề, công việc quy định tại Mục I của Thông tư này, sẵn sảng làm công việc mới theo sự phân công của người sử dụng lao động.

b. Đối với người tự hành nghề (cá nhân, hộ kinh doanh cá thể) thì phải tự chuyển sang làm nghề, công việc khác không có trong danh mục nghề, công việc quy định tại Mục I của Thông tư này và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Trách nhiệm của cơ sở y tế các cấp:

a. Tư vấn cho người bị nhiễm HIV/AIDS về các biện pháp phòng chống lây nhiễm.

b. Cơ sở y tế từ cấp quận, huyện trở lên: Thông báo kết quả xét nghiệm theo đúng quy định của pháp luật cho người sử dụng lao động biết để có biện pháp giúp đỡ người lao động trong công việc và chăm sóc sức khoẻ.

4. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này theo chức năng, thẩm quyền.

5. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể ngày ký ban hành và thay thế thông tư Liên tịch số 25/1999/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 14 tháng 10 năm 1999 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế quy định tạm thời danh mục nghề, công việc những người bị nhiễm HIV/AIDS không được làm.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (số 2 - Đinh Lễ, Hà Nội), Bộ Y tế (số 138a - Giảng Võ, Hà Nội) để nghiên cứu, giải quyết.

Đàm Hữu Đắc

(Đã ký)

Trần Chí Liêm

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 29/2000/TTLT-BLĐTBXH-BYT quy định danh mục nghề, công việc người bị nhiễm HIV-AIDS không được làm do Bộ Lao động,thương binh và xã hội - Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 29/2000/TTLT-BLĐTBXH-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 28/12/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế
  • Người ký: Đàm Hữu Đắc, Trần Chí Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/01/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản