Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/1999/TTLT-BLĐTBXH-BYT

Hà Nội , ngày 14 tháng 10 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ Y TẾ SỐ 25/1999/TTLT-BLĐTBXH-BYT NGÀY 14 THÁNG 10 NĂM 1999|QUI ĐỊNH TẠM THỜI DANH MỤC NGHỀ, CÔNG VIỆC NHỮNG NGƯỜI BỊ NHIỄM HIV/AIDS KHÔNG ĐƯỢC LÀM

Căn cứ Điều 22 của Pháp lệnh về phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS ) ngày 31/5/1995 và Điều 3 của Nghị định số 34/CP ngày 01/06/1996 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS ). Sau khi có ý kiến của Uỷ ban Quốc gia Phòng chống AIDS tại công văn số: 741/UB ngày 29/9/1999, Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế quy định tạm thời danh mục nghề, công việc những người bị nhiễm HIV/AIDS không được làm như sau:

I. DANH MỤC NGHỀ, CÔNG VIỆC NHỮNG NGƯỜI BỊ NHIỄM HIV/AIDS KHÔNG ĐƯỢC LÀM:

1. Các dịch vụ y tế: Ngoại khoa; sản khoa; mắt; răng hàm mặt; tai mũi họng; huyết học xét nghiệm; truyền máu; da liễu; ung thư hở; tiêm chích; châm cứu; sinh thiết, nội soi và các dịch vụ y tế khác có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của bệnh nhân.

2. Trực tiếp sản xuất các vacxin; sinh phẩm miễn dịch; sinh phẩm chẩn đoán; huyết thanh phòng và chữa bệnh; các chế phẩm của máu.

3. Các dịch vụ phẫu thuật chỉnh hình, dịch vụ thẩm mỹ: Lột da mặt; chữa mũi; vá da; xăm và tẩy xăm mình, mí mắt, môi, lông mày; lấy mỡ dưới da và các dịch vụ khác có tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học.

4. Các dịch vụ sinh hoạt: Cắt, sấy, uốn, gội tóc; cắt, sửa móng tay, móng chân; bấm lỗ tai, lỗ mũi; xoa bóp và bấm huyệt.

5. Hấp, sấy, tiệt trùng các dụng cụ khám, chữa bệnh.

6. Trực tiếp phục vụ buồng, phòng trong các khách sạn; vũ nữ trong các vũ trường.

7. Nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ ở các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non và các cơ sở dịch vụ.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị:

a. Giáo dục tuyên truyền nội dung của Thông tư này với người lao động;

b. Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được thông báo chính thức của cơ quan Y tế có thẩm quyền, người sử dụng lao động phải chuyển những người lao động bị nhiễm HIV/AIDS đang làm nghề, công việc quy định tại phần I của Thông tư này sang làm công việc khác phù hợp;

c. Không được cho thôi việc, không được có hành vi phân biệt đối xử với người lao động bị nhiễm HIV/AIDS;

d. Đảm bảo các quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách khác cho người bị nhiễm HIV/AIDS theo quy định của pháp luật;

e. Giữ bí mật kết quả xét nghiệm HIV dương tính của người lao động.

2. Trách nhiệm của người lao động: Khi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính phải:

a. Báo cáo ngay cho người sử dụng lao động biết và tự nguyện không tiếp tục làm nghề, công việc quy định tại phần I của Thông tư, sẵn sàng làm công việc mới theo sự phân công của người sử dụng lao động;

b. Phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho người khác.

3. Trách nhiệm của các cơ sở y tế:

3.1. Y tế của của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:

a. Kết hợp với người sử dụng lao động tuyền truyền, giáo dục và tư vấn cho người lao động về các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS;

b. Thông báo danh sách những người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho người sử dụng lao động và cơ sở xét nghiệm HIV/AIDS.

3.2. Cơ sở Y tế từ cấp quận, huyện trở lên:

a. Giám đốc, người phụ trách các cơ sở y tế từ cấp quận, huyện trở lên có quyền chỉ định xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV/AIDS đối với người có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

b. Thông báo ngay kết quả xét nghiệm HIV/AIDS cho người sử dụng lao động biết;

c. Tư vấn miễn phí cho người lao động về các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Y tế phối hợp với Uỷ ban phòng chống AIDS ở các địa phương có trách nhiệm tổ chức triển khai và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này đến các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn theo chức năng thẩm quyền.

5. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Vụ Bảo hộ lao động) và Bộ Y tế (Ban AIDS) để nghiên cứu, giải quyết.

Đàm Hữu Đắc

(Đã ký)

Nguyễn Văn Thưởng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 25/1999/TTLT-BLĐTBXH-BYT quy định tạm thời danh mục nghề, công việc những người bị nhiễm HIV/AIDS không được làm do Bộ Lao động,thương binh và Xã hội - Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 25/1999/TTLT-BLĐTBXH-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 14/10/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế
  • Người ký: Đàm Hữu Đắc, Nguyễn Văn Thưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 45
  • Ngày hiệu lực: 29/10/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 12/01/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản