Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN-BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ QUỐC PHÒNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 270/2003/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH

Hà Nội , ngày 07 tháng 11 năm 2003

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ QUỐC PHÒNG - BỘ CÔNG AN - BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 270/2003/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH NGÀY 07 THÁNG 11 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỂM NGHỊ ĐỊNH SỐ 89/2003/NĐ-CP NGÀY 5/8/2003 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA ĐIỀU LỆ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI SĨ QUAN, QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP, HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 45/CP NGÀY 15/7/1995 CỦA CHÍNH PHỦ

Thi hành Nghị định số 89/2003/NĐ-CP ngày 5/8/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân và công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ (gọi tắt là Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân), sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính (tại Công văn số 11265 TC/HCSN ngày 29/10/2003), liên Bộ Quốc phòng - Công an - Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điểm như sau:

I. CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐƯỢC HƯỞNG

1. Chế độ trợ cấp ốm đau theo qui định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP như sau:

Quân nhân, công an nhân dân có con (kể cả con nuôi theo qui định tại Luật Hôn nhân và gia đình) dưới 7 tuổi bị ốm đau, có xác nhận của tổ chức y tế do Bộ Y tế qui định, phải nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau, thì được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội. Những trường hợp con bị ốm đau mà cả bố và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội thì chỉ một người được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau. Thời gian tối đa được hưởng trợ cấp để chăm sóc con ốm đau như sau:

- 20 ngày trong một năm, đối với con dưới 3 tuổi;

- 15 ngày trong một năm đối với con từ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.

2. Chế độ trợ cấp thai sản quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP như sau:

Nữ quân nhân, nữ công an nhân dân khi có thai, sinh con, (không phân biệt số lần sinh con) thì thời gian nghỉ việc theo quy định tại các Điều 9, 10 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân được hưởng trợ cấp thai sản.

3. Cách tính tỷ lệ % lương hưu hàng tháng quy định tại điểm 1 Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP như sau:

a. Nam quân nhân, công an nhân dân có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm thì được tính bằng 45% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; sau đó, từ năm thứ 16 trở đi, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%. Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.

Ví dụ 1: Đ/c Đặng Văn Trung, thiếu tá, có 27 năm tuổi quân và được nghỉ hưu từ tháng 9/2003, cách tính tỷ lệ % lương hưu như sau:

+ Đủ 15 năm: 45%.

+ Từ năm thứ 16 đến năm thứ 27 (12 năm): 2% x 12 (năm) = 24%.

+ Tỷ lệ % để tính lương hưu hàng tháng của đ/c Trung là:

45% + 24% = 69%

b. Nữ quân nhân, công an nhân dân có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm thì được tính bằng 45% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH; sau đó, từ năm thứ 16 trở đi, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 3%. Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.

Ví dụ 2: Đ/c Nguyễn Thị Hoa, đại uý quân nhân chuyên nghiệp, có 25 năm tuổi quân và được nghỉ hưu từ tháng 3/2003, cách tính tỷ lệ % lương hưu như sau:

+ Đủ 15 năm: 45%.

+ Từ năm thứ 16 đến năm thứ 25 (10 năm): 3% x 10 (năm) = 30%.

+ Tỷ lệ % để tính lương hưu hàng tháng của đ/c Hoa là:

45% + 30% = 75%.

4. Cách tính mức lương hưu thấp hơn quy định tại điểm 2 Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP như sau:

a. Quân nhân, công an nhân dân hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức lương hưu thấp theo quy định tại các Khoản 1, 2 Điều 24 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân thì cách tính lương hưu như quy định tại điểm 3 nêu trên, nhưng cứ mỗi năm nghỉ việc hưởng lương hưu trước tuổi so với các quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 23 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân thì giảm đi 1% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH.

Ví dụ 3: Đ/c Trần Văn An, 51 tuổi, có 26 năm đóng BHXH, không đủ điều kiện nghỉ hưu theo khoản 4 Điều 23 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân, bị suy giảm khả năng lao động 61%, nghỉ hưu tháng 7/2003, cách tính tỉ lệ % lương hưu như sau:

+ 26 năm đóng BHXH tính bằng 67%.

+ Tỉ lệ % tính giảm do nghỉ hưu trước tuổi 55 theo quy định trên:

(55 tuổi - 51 tuổi) x 1% = 4%

+ Tỉ lệ % để tính lương hưu hàng tháng của đ/c An là: 67% - 4% = 63%

b. Quân nhân, công an nhân dân nam đủ 50 tuổi trở lên đến dưới 55 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên đến dưới 50 tuổi và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm trở lên thì được hưởng lương hưu như cách tính quy định tại điểm 3 nêu trên, nhưng mỗi năm nghỉ việc hưởng lương hưu trước tuổi so với quy định tại Khoản 1 Điều 23 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân không phải giảm 1% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 4: Đ/c Trần Văn Duy, thiếu tá công an, có 50 năm 5 tháng tuổi đời và 30 năm tham gia BHXH, nghỉ hưu tháng 7/2003; cách tính tỷ lệ % lương hưu như sau:

+ Đủ 15 năm đóng BHXH tính bằng: 45%

+ Từ năm thứ 16 đến hết năm thứ 30 (15 năm): 2% x 15 (năm) = 30%

45% + 30% = 75%

+ Theo quy định tại tiết b điểm 4 trên, đ/c Duy không bị trừ tỉ lệ % so với tuổi 55 quy định tại khoản 1 Điều 23 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân vì đã có đủ 30 năm đóng BHXH. Do đó, tỉ lệ % để tính lương hưu hàng tháng của đồng chí Duy là 75%.

c. Quân nhân, công an nhân dân nghỉ hưu hưởng mức lương hưu thấp hơn quy định tại khoản 1, 2 Điều 24 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân, nếu có thời gian đóng BHXH hoặc thời gian công tác trước khi Điều lệ BHXH có hiệu lực thi hành được coi như đã đóng BHXH trước 16 tuổi, thì số năm công tác trước 16 tuổi được tính mỗi năm bằng 2% đối với nam, 3% đối với nữ mức bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để khấu trừ vào tổng số tỉ lệ % mức lương hưu phải giảm do nghỉ hưu trước tuổi, nhưng số khấu trừ nhiều nhất cũng chỉ bằng tỉ lệ % mức lương hưu phải giảm do nghỉ hưu trước tuổi.

5. Cách tính trợ cấp một lần khi nghỉ hưu quy định tại điểm 3 Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP như sau:

Ngoài lương hưu hàng tháng, nam quân nhân, công an nhân dân có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm, nữ quân nhân, công an nhân dân có thời gian đóng bảo hiểm trên 25 năm, khi nghỉ hưu được trợ cấp một lần theo cách tính như sau: từ năm thứ 31 trở lên đối với nam quân nhân, công an nhân dân, từ năm thứ 26 trở lên đối với nữ quân nhân, công an nhân dân, mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được nhận một nửa (1/2) tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, nhưng tối đa không quá 5 tháng.

Ví dụ 5: Đ/c Đỗ Thị Liên, trung tá, 36 năm đóng BHXH, được nghỉ hưu tháng 6/2003; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu tính như sau:

Từ năm thứ 26 đến năm thứ 36 (11 năm): 0,5 tháng lương x 11 (năm) = 5,5 tháng lương, nhưng tối đa chỉ bằng 5 tháng; do đó, đ/c Liên chỉ được hưởng trợ cấp một lần bằng 5 tháng lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH.

6. Cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm cơ sở tính lương hưu quy định tại điểm 2 Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP như sau:

Quân nhân, công an nhân dân đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên theo các mức tiền lương thuộc nghề, công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo danh mục nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành) mà chuyển sang làm công việc khác đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thấp hơn, có mức lương bình quân 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu thấp hơn mức lương bình quân 5 năm liên tục làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thì khi nghỉ hưu được lấy các mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội cao nhất của 5 năm liền kề làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để làm cơ sở tính hưởng lương hưu.

Ví dụ 6: Đ/c Nguyễn Thị Đức, có 25 năm 3 tháng tham gia BHXH và phục vụ trong quân đội, trong đó có 12 tuổi quân (thâm niên 12%) và có 15 năm 6 tháng làm nghề nặng nhọc, độc hại (sửa chữa vũ khí), nghỉ hưu từ tháng 8/2003, khi nghỉ hưu là đại uý quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên văn thư. Đ/c Đức có mức lương bình quân đóng BHXH cao nhất của 5 năm liền kề làm nghề nặng nhọc, độc hại là 1.050.000đ và có mức bình quân đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu là 920.000đ. Do đó, đ/c Đức được lấy mức lương 1.050.000đ để làm cơ sở tính lương hưu.

7. Cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm cơ sở tính lương hưu quy định tại điểm 3 Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP:

Công an nhân dân có đủ 20 thâm niên trở lên, theo yêu cầu cuả tổ chức, chuyển sang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể ngoài lực lượng công an, nếu khi nghỉ hưu có mức lương thấp hơn mức lương khi đang tại ngũ thì được lấy mức lương đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối cùng trước khi chuyển ra ngoài lực lượng Công an để làm cơ sở tính lương hưu.

Ví dụ 7: Đ/c Phạm Văn Đại, thiếu tá công an, có 22 thâm niên, chuyển ngành ra Thanh tra Nhà nước tỉnh Hà Tây từ năm 1993, có mức lương bình quân 5 năm cuối trước khi chuyển ngành là 1.700.000đ/tháng (tính theo mức tiền lương tối thiểu tại thời điểm hưởng chế độ BHXH), nghỉ hưu tháng 11/2003, mức lương bình quân 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu là 1.550.000đ/tháng. Theo quy định trên, lấy mức lương 1.700.000đ/tháng để làm cơ sở tính lương hưu cho đ/c Đại.

8. Cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm cơ sở tính lương hưu quy định tại điểm 4 khoản 6 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP như sau:

Công an nhân dân có đủ 15 đến dưới 20 thâm niên được chuyển sang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể ngoài lực lượng công an hoặc có đủ 20 thâm niên trở lên mà tự nguyện xin chuyển ra làm việc ngoài lực lượng công an, hưởng lương thuộc khu vực Nhà nước, nếu có mức lương bình quân 5 năm cuối khi nghỉ hưu thấp hơn mức lương bình quân 5 năm cuối khi đang tại ngũ, thì được lấy mức lương bình quân của 10 năm đóng bảo hiểm xã hội bao gồm 5 năm cuối trước khi chuyển ra ngoài lực lượng Công an cộng với 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.

Ví dụ 8: Đ/c Nguyễn Văn Phong, nguyên đại uý công an, có 21 thâm niên và mức lương bình quân 5 năm cuối trước khi chuyển ra ngoài lực lượng công an là 1.456.000đ/tháng (tính quy đổi theo lương tối thiểu tại thời điểm hưởng BHXH); tháng 6/1996 tự nguyện chuyển ra làm việc tại Sở Công nghiệp Hà Nội; đến tháng 10/2003 đủ điều kiện nghỉ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định tại Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995, có mức lương bình quân đóng BHXH trong 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu là 1.000.000đ/tháng. Mức lương để làm cơ sở tính lương hưu cho đ/c Phong theo quy định trên là:

(1.456.000đ +1.000.000đ) : 2 = 1.228.000đ/tháng.

9. Đối với quân nhân, công an nhân dân hưởng lương hưu theo quy định tại điểm 6 khoản 6 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP:

Người được tính lương hưu theo quy định tại các điểm 6, 7, 8 nói trên thì không được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 812/TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là: khi nghỉ hưu không được hưởng khoản trợ cấp thêm hàng tháng tính theo tuổi quân (đối với quân nhân) hoặc theo thâm niên (đối với công an) và theo mức tiền lương tối thiểu tại thời điểm nghỉ hưu.

10. Đối với quân nhân, công an nhân dân đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên khi phục viên, xuất ngũ theo quy định tại điểm 1 khoản 7 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP:

Quân nhân khi phục viên (kể cả những trường hợp đã phục viên không quá một năm), công an nhân dân khi xuất ngũ, đã có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên nhưng chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Điều 23 hoặc tại các khoản 1, 2 Điều 24 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân thì được lựa chọn 1 trong 3 phương thức quy định tại các tiết a, b, c sau:

a. Chế độ phục viên (đối với quân nhân) hoặc xuất ngũ (đối với công an nhân dân): Quân nhân, công an nhân dân hưởng lương khi phục viên, xuất ngũ được hưởng trợ cấp phục viên từ quỹ bảo hiểm xã hội theo cách tính:

'Trợ cấp phục viên = Số năm công tác được tính tuổi quân x 1,5 tháng tiền lương.

Trường hợp đã có thời gian công tác liên tục bao gồm cả thời gian là công nhân, viên chức thì thời gian đó được tính hưởng trợ cấp như công nhân, viên chức thôi việc: cứ mỗi năm công tác được hưởng một tháng tiền lương.

b. Chế đội nghỉ chờ đến khi đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí hàng tháng: Được cơ quan BHXH Quân đội hoặc Công an lập hồ sơ hưu chờ, phải có đơn tự nguyện của cá nhân và có xác nhận của cấp có thẩm quyền:

b.1. Trong thời gian nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng không được hưởng lương và chế độ bảo hiểm xã hội, được quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình.

b.2. Quân nhân, công an nhân dân có 20 năm làm việc trong điều kiện bình thường thì nam chờ đến khi đủ 55 tuổi, nữ chờ đến khi đủ 50 tuổi.

Quân nhân, công an nhân dân có 20 năm đóng BHXH, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hoặc đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên; hoặc đủ 10 năm ở các chiến trường B, C, K hoặc làm nhiệm vụ quốc tế thì nam chờ đến khi đủ 50 tuổi, nữ chờ đến khi đủ 45 tuổi.

b.3. Trong thời gian nghỉ chờ, nếu tiếp tục làm việc thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì tiếp tục đóng BHXH; thời gian đóng bảo hiểm sau được cộng với thời gian đóng BHXH trước đó để tính hưởng BHXH sau này và được hưởng BHXH theo quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 và Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ.

b.4. Trong thời gian nghỉ chờ, nếu bị ốm đau, tai nạn mà sức khoẻ suy giảm thì được làm đơn gửi tới BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là BHXH tỉnh) nơi cư trú hợp pháp đề nghị cho đi giám định sức khoẻ; nếu bị suy giảm sức lao động từ 61% trở lên và đủ điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 Điều 24 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân thì được Giám đốc BHXH tỉnh ra quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức lương hưu thấp quy định tại Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân; thời gian hưởng lương hưu bắt đầu từ tháng tiếp sau tháng có kết quả giám định y khoa.

b.5. Trong thời gian nghỉ chờ, nếu không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội mà bị chết thì được hưởng chế độ tử tuất quy định tại Mục V Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân, tính theo mức tiền lương tối thiểu ở thời điểm chết; việc lập hồ sơ hưởng chế độ tử tuất và chi trả chi phí mai táng, trợ cấp tuất một lần hoặc hàng tháng do BHXH tỉnh nơi quân nhân, công an nhân dân về cư trú hợp pháp giải quyết.

c. Chế độ bảo lưu thời gian tham gia BHXH: quân nhân, công an nhân dân có đơn tự nguyện đề nghị được bảo lưu thời gian tham gia BHXH và không nhận trợ cấp một lần từ quỹ BHXH, đơn có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị cấp có thẩm quyền; khi đó cơ quan BHXH Quân đội hoặc công an có trách nhiệm xác nhận trên sổ BHXH thời gian đóng, mức đóng BHXH:

c.1. Trong thời gian bảo lưu, chưa tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì không được hưởng lương và chế độ bảo hiểm xã hội, được quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình.

c.2. Trong thời gian bảo lưu, nếu tiếp tục làm việc thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì tiếp tục đóng BHXH; thời gian đóng BHXH sau được cộng với thời gian đóng BHXH trước đó để tính hưởng BHXH sau này và được hưởng BHXH theo quy định tại Nghị định số 12/CP và Nghị định số 01/2003/NĐ-CP.

c.3. Nếu chưa tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội mà bị ốm đau, tai nạn, sức khoẻ suy giảm thì được làm đơn gửi tới BHXH tỉnh nơi cư trú hợp pháp đề nghị cho đi giám định sức khỏe; nếu bị suy giảm sức lao động từ 61% trở lên và đủ điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 Điều 24 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân thì được giám đốc BHXH tỉnh ra Quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức lương hưu thấp qui định tại Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân; thời gian hưởng lương hưu bắt đầu từ tháng tiếp sau tháng có kết quả giám định y khoa.

c.4. Nếu không tham gia BHXH thì khi đủ tuổi đời, cá nhân làm đơn kèm theo sổ BHXH gửi tới Bảo hiểm xã hội tỉnh nơi cư trú hợp pháp; Giám đốc BHXH tỉnh có trách nhiệm ra quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 23 Điểu lệ bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, công an nhân dân.

c.5. Nếu không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội mà bị chết thì được hưởng chế độ tử tuất quy định tại Mục V Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân, tính theo mức tiền lương tối thiểu ở thời điểm chết; việc lập hồ sơ hưởng chế độ tử tuất và chi trả chi phí mai táng, trợ cấp tuất một lần hoặc hàng tháng do BHXH tỉnh nơi quân nhân, công an nhân dân về cư trú hợp pháp giải quyết.

11. Đối với quân nhân phục viên, công an nhân dân xuất ngũ chưa đủ tuổi đời và chưa đủ thời gian đóng BHXH về hưởng chế độ hưu trí quy định tại điểm 2 Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP:

Nếu quân nhân, công an nhân dân có nguyện vọng chưa nhận trợ cấp từ quỹ BHXH khi phục viên, xuất ngũ, có đơn tự nguyện của cá nhân có xác nhận của thủ trưởng đơn vị thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH trước khi phục viên, xuất ngũ. Cơ quan BHXH quân đội, công an có trách nhiệm xác nhận trên sổ BHXH về thời gian đóng, mức đóng BHXH, để khi có điều kiện thì tiếp tục đóng BHXH:

a. Sau khi phục viên, xuất ngũ, nếu tiếp tục tham gia BHXH thì thời gian đóng BHXH sau được cộng với thời gian đóng BHXH trước đó để tính hưởng BHXH sau này và được hưởng BHXH theo quy định tại Nghị định số 12/CP và Nghị định số 01/2003/NĐ-CP.

b. Nếu phục viên, xuất ngũ sau 6 tháng mà chưa tiếp tục tham gia BHXH hoặc bị ốm đau có nguyện vọng được hưởng trợ cấp từ quỹ BHXH thì Giám đốc BHXH tỉnh có trách nhiệm ra quyết định chi trả trợ cấp phục viên, xuất ngũ theo quy định tại Quyết định số 595/TTg ngày 15/12/1993 của Thủ tướng Chính phủ, tính theo mức lương tối thiểu ở thời điểm nhận trợ cấp.

c. Nếu chưa tiếp tục tham gia BHXH mà bị chết thì thân nhân được nhận chế độ tử tuất theo quy định tại Mục V Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân, tính theo mức lương tối thiểu ở thời điểm chết, do BHXH tỉnh nơi quân nhân, công an nhân dân cư trú hợp pháp giải quyết.

12. Cách tính trợ cấp tuất một lần quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP:

Mức tiền tuất một lần đối với gia đình của quân nhân, công an nhân dân tại ngũ (kể cả trường hợp nói tại Điều 27 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân) chết, tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng nửa (1/2) tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong 5 năm cuối trước khi chết, quy định tại Điều 26 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân nhưng tối đa không quá 12 tháng. Đối với quân nhân, công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí thì tính theo mức ấn định bằng 2 lần lương tối thiểu/tháng. Mức trợ cấp tuất một lần của quân nhân, công an nhân dân thấp nhất cũng bằng 6 tháng tiền lương tối thiểu.

Ví dụ 9: Đ/c Nguyễn Văn Anh, nhập ngũ tháng 2/1998, ốm chết ngày 16/2/2003, tổng số thời gian tham gia BHXH là 5 năm 01 tháng, có mức lương bình quân 5 năm cuối là 622.533 đồng/tháng.

Trợ cấp tuất một lần bằng: 622.533đ x 0,5 (tháng lương) x 5 (năm) = 1.556.332đ (1 tháng lẻ không được tính), thấp hơn so với 6 tháng tiền lương tối thiểu là 290.000đ x 6 (tháng) = 1.740.000đ. Theo quy định trên, gia đình đ/c Anh được nhận trợ cấp tuất một lần bằng 1.740.000đ.

13. Cách tính thời gian đóng BHXH có tháng lẻ để giải quyết chế độ quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP:

a. Khi thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp tuất một lần được quy định như sau: Dưới 3 tháng đóng BHXH thì không tính, có từ đủ 3 tháng đến 6 tháng thì được tính bằng nửa (1/2) mức hưởng của một năm đóng BHXH; từ 7 tháng đến dưới 12 tháng được tính bằng cả mức hưởng của một năm đóng BHXH.

Ví dụ 10: Đ/c Đỗ Thị Xuân, đại uý, có 23 năm 4 tháng tuổi quân và được nghỉ hưu tháng 5/2003. Cách tính tỷ lệ % lương hưu hàng tháng của đ/c Xuân như sau:

- Đủ 15 năm được hưởng 45%.

- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 23 (8 năm), mỗi năm được thêm 3%:

3% x 8 (năm) = 24%

- Có 4 tháng lẻ được tính thêm: 3% x 0,5 (năm) = 1,5%.

- Tổng cộng, tỷ lệ % để tính lương hưu hàng tháng của đ/c Xuân là:

45% + 24% + 1,5% = 70,5%

Ví dụ 11: Đ/c Trần Văn Nhân, thượng tá công an nhân dân, có 30 năm 6 tháng thâm niên, hưởng chế độ hưu trí từ tháng 4/2003. Đ/c Nhân được hưởng tỷ lệ % lương hưu hàng tháng là 75% và được hưởng trợ cấp một lần do có 6 tháng lẻ (của năm thứ 31) như sau:

0,5 tháng lương x 0,5 (năm) = 0,25 tháng lương bình quân 5 năm cuối.

Ví dụ 12: Đ/c Phan Văn Trường, thượng uý, có 13 năm 8 tháng tham gia BHXH, ốm chết ngày 20/1/2003, mức lương bình quân đóng BHXH 5 năm cuối của đ/c Trường là 1.100.000 đ. Cách tính trợ cấp tuất một lần đối với gia đình đ/c Trường như sau:

- 13 năm tham gia BHXH:

0,5 tháng lương x 13 (năm) = 6,5 tháng lương.

- 8 tháng lẻ được tính bằng mức hưởng của một năm: thêm 0,5 tháng lương.

- Tổng cộng, gia đình đ/c Trường được nhận 7 tháng lương bình quân 5 năm cuối (6,5 tháng lương + 0,5 tháng lương):

1.100.000đ x 7 (tháng) = 7.700.000 đ

b. Khi xác định thời gian đóng BHXH để tính hưởng chế độ hưu trí (theo các Điều 23, 24 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân) thì một năm phải tính đủ 12 tháng. Nếu thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa không quá 6 tháng và bản thân quân nhân, công an nhân dân có nguyện vọng được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng thì quân nhân, công an nhân dân được đóng BHXH tiếp một lần với BHXH Quân đội hoặc BHXH Công an, cho những tháng còn thiếu, với mức đóng hàng tháng bằng 15% mức lương của tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc và được hưởng lương hưu từ tháng tiếp sau tháng tính đủ thời gian đóng BHXH, do giám đốc BHXH Quân đội hoặc bảo hiểm Công an ra quyết định. Cụ thể thu BHXH để giải quyết chế độ hưu trí cho các đối tượng sau:

b.1. Quân nhân, công an nhân dân đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ nhưng còn thiếu tối đa không quá 6 tháng thì đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

b.2. Quân nhân, công an nhân dân đủ 50 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đối với nữ và đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hoặc đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên; hoặc đủ 10 năm làm việc ở chiến trường B, C, K nhưng còn thiếu tối đa không quá 6 tháng thì đủ 20 năm đóng BHXH.

b.3. Công an nhân dân đủ 50 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đối với nữ nhưng còn thiếu tối đa không quá 6 tháng thì đủ 30 thâm niên đối với nam, đủ 25 thâm niên đối với nữ.

b.4. Quân nhân đã có đủ 5 năm tuổi quân trở lên (không phụ thuộc tuổi đời) nhưng còn thiếu tối đa không quá 6 tháng thì đủ thời gian phục vụ trong quân đội 25 năm đối với nam và 20 năm đối với nữ.

b.5. Quân nhân, công an nhân dân đủ 50 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đối với nữ, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên nhưng còn thiếu tối đa không quá 6 tháng thì đủ 20 năm đóng BHXH.

b.6. Quân nhân, công an nhân dân đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, không phụ thuộc tuổi đời nhưng còn thiếu tối đa không quá 6 tháng thì đủ 20 năm đóng BHXH.

b.7. Quân nhân, công an nhân dân đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ nhưng còn thiếu tối đa không quá 6 tháng thì đủ 15 năm đóng BHXH.

Ví dụ 13: Đ/c Hoàng Thị Hải, thượng uý, sinh tháng 2/1954, tham gia đóng BHXH từ tháng 8/1983. Do sức khoẻ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ (suy giảm khả năng lao động 69%) nên đơn vị cho xuất ngũ tháng 3/2003 (hưởng lương hết tháng 2/2003). Đối chiếu với tiết b.5 trên, đ/c Hải còn thiếu 5 tháng đóng BHXH nữa thì đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức lương hưu thấp. Nếu đồng chí Hải tự nguyện (có đơn đề nghị và xác nhận của đơn vị) đóng BHXH tiếp 15% của 5 tháng còn thiếu tại BHXH Quân đội thì Giám đốc BHXH Quân đội ra quyết định hưởng lương hưu từ tháng 8/2003 (tháng tiếp sau tháng tính đủ thời gian đóng BHXH 20 năm).

c. Khi xác định thời gian đóng BHXH để tính hưởng chế độ tử tuất hàng tháng thì một năm phải tính đủ 12 tháng. Nếu thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa không quá 6 tháng và thân nhân có nguyện vọng được hưởng chế độ tuất hàng tháng thì thân nhân đóng BHXH tiếp một lần cho những tháng còn thiếu, với mức đóng hàng tháng bằng 15% của mức lương tháng cuối cùng trước khi quân nhân, công an nhân dân chết; trợ cấp tuất hàng tháng nhận từ tháng tiếp sau tháng tính đủ thời gian đóng BHXH do Giám đốc BHXH Quân đội hoặc BHXH Công an ra quyết định.

Ví dụ 14: Đ/c Dương Văn Lộc, trung uý công an, tham gia đóng BHXH từ tháng 6/1998; bị ốm, chết tháng 02/2003 (có 14 năm 9 tháng đóng BHXH), có bố đẻ làm ruộng 63 tuổi, mẹ đẻ làm ruộng 53 tuổi, vợ là công chức làm việc tại Hà Nội và một con gái 10 tuổi. Nếu gia đình đ/c Lộc có nguyện vọng (có đơn đề nghị và có xác nhận của UBND xã, phường) thì thân nhân đ/c Lộc đóng tiếp 15% của 3 tháng còn thiếu về BHXH Công an nhân dân và đơn vị đ/c Lộc lập hồ sơ chuyển về BHXH Công an nhân dân để ra quyết định hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. BHXH các địa phương nơi cha, mẹ và vợ, con đ/c Lộc cư trú chi trả trợ cấp tuất hàng tháng từ tháng 6/2003 (tháng tiếp sau tháng tính đủ thời gian đóng BHXH 15 năm).

14. Tiền lương làm căn cứ đóng và trách nhiệm đóng BHXH quy định tại điểm 1 khoản 11 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP:

a. Tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của quân nhân, công an nhân dân bao gồm lương cấp hàm hoặc lương ngạch, bậc và các khoản phụ cấp thâm niên, chức vụ, khu vực, đắt đỏ và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có); quân nhân, công an nhân dân đóng 5%, người sử dụng lao động đóng 15% về cơ quan BHXH quân đội hoặc Công an.

Ví dụ 15: Đồng chí Huỳnh Văn Dũng, trung tá, hệ số lương cấp hàm 5,30, tính đến 3/2003 có 28 năm 4 tháng tuổi quân (phụ cấp thâm niên 28%), hiện là Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh X của doanh nghiệp quân đội với nước ngoài, xếp phụ cấp chức vụ tương đương hệ số 0,5; lương tháng hiện hưởng ở Liên doanh là 1.000 USD/tháng. Cơ quan BHXH Quân đội thu BHXH đối với đ/c Dũng hàng tháng 20% (5% đ/c Dũng nộp và 15% công ty Liên doanh nộp) giải quyết các chế độ trợ cấp BHXH cho đồng chí Dũng và ghi sổ BHXH theo mức tiền lương như sau:

- Lương cấp hàm: 290.000đ x 5,30 = 1.537.000 đ

- Phụ cấp thâm niên: 1.537.000đ x 0,28 = 430.360đ

- Phụ cấp chức vụ: 290.000đ x 0,5 = 145.000đ

Cộng: = 2.112.360đ/tháng

Mức nộp BHXH là: 2.112.360đ x (5% + 15%) = 422.472đ/tháng

b. Đối với những quân nhân, công an nhân dân làm việc trong các doanh nghiệp mà cả người sử dụng lao động và bản thân quân nhân, công an nhân dân đã có thời gian đóng BHXH trước ngày ban hành thông tư liên tịch này không theo quy định tại tiết a nói trên mà chưa hưởng BHXH thì giải quyết như sau:

b.1. Toàn bộ thời gian đóng, mức đóng BHXH không theo quy định tại tiết a nói trên tại BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc BHXH các tỉnh, được BHXH tỉnh xác nhận trên sổ BHXH của mỗi người và có công văn kèm theo danh sách gửi BHXH Quân đội hoặc BHXH Công an; nếu quân nhân, công an nhân dân chưa được cấp sổ BHXH thì BHXH tỉnh có bản xác nhận thời gian đóng, mức đóng BHXH theo lương doanh nghiệp (hoặc liên doanh) cho từng người chuyển tới BHXH Quân đội hoặc Công an để làm cơ sở truy thu hoặc truy trả BHXH và lập sổ BHXH.

b.2. Căn cứ vào mức đóng BHXH theo mức tiền lương trong các doanh nghiệp, liên doanh, cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ra quyết định truy trả phần chênh lệch BHXH 5% (phần do người lao động đóng) giữa mức tiền lương doanh nghiệp, liên doanh với mức tiền lương cấp hàm, ngạch, bậc, phụ cấp thâm niên, khu vực, chức vụ đối với những trường hợp tiền lương doanh nghiệp, liên doanh cao hơn lương cấp hàm, ngạch, bậc, phụ cấp thâm niên, khu vực, chức vụ.

b.3. Căn cứ vào mức đóng BHXH theo mức tiền lương trong các doanh nghiệp, liên doanh, cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ra quyết định truy thu phần chênh lệch BHXH 5% đối với quân nhân, công an nhân dân (phần do người lao động đóng) giữa mức tiền lương cấp hàm, ngạch bậc, phụ cấp thâm niên, khu vực, chức vụ với mức tiền lương doanh nghiệp, liên doanh thấp hơn lương cấp hàm, ngạch, bậc, phụ cấp thâm niên, khu vực, chức vụ.

b.4. Mức truy trả hoặc truy thu tính theo tiền lương tối thiểu và tỷ giá của đồng Việt Nam với USD ở thời điểm truy thu hoặc truy trả. Các giai đoạn tính tiền đóng BHXH chỉ thay đổi khi có sự thay đổi của một trong 2 yếu tố sau: lương cấp hàm của quân nhân, công an nhân dân, lương do doanh nghiệp, liên doanh trả. Phụ cấp thâm niên tính theo thời điểm cuối cùng có sự thay đổi của một trong 2 yếu tố trên.

b.5. Không truy trả hoặc truy thu khoản BHXH do người sử dụng lao động đóng (15%).

b.6. Đối với quân nhân, công an nhân dân việc thực hiện thu nộp BHXH trước ngày ban hành thông tư này và được truy thu hoặc truy trả phần chênh lệch theo quy định tại thông tư này (nếu có) phải được thể hiện đầy đủ trong sổ BHXH.

Ví dụ16: Đ/c Đỗ Văn Quang, nhập ngũ tháng 7/1979, tháng 8/1997 được thăng quân hàm thiếu tá có hệ số lương 4,80, đồng thời được điều ra làm Phó Tổng giám đốc liên doanh Y của doanh nghiệp quan đội với nước ngoài với mức lương ấn định là 800USD/tháng (chức vụ này được phiên tương đương với hệ số 0,4); tháng 10/2000 được quân đội ra quyết định nâng lương thiếu tá với hệ số 5,05. Từ tháng 8/1997 đến tháng 3/2003, đ/c Quang và liên doanh đều đóng BHXH theo mức lương 800 USD/tháng với BHXH Hà Nội và đã được BHXH Hà Nội cấp sổ BHXH, xác nhận đầy đủ mức đóng, thời gian đóng BHXH như trên đến hết tháng 3/2003.

Bảo hiểm xã hội Quân đội căn cứ vào xác nhận của BHXH Hà Nội đối với đ/c Quang để tính toán truy trả cho đ/c Quang phần chênh lệch thu BHXH 5% như sau:

- Từ tháng 8/1997 đến tháng 3/2003 bằng 68 tháng, đóng BHXH theo mức lương 800USD/tháng (lấy tỷ giá VND/USD tại thời điểm tháng 12/2003 là thời điểm ra quyết định truy trả):

15.500đ x 800 (USD) x 68 (tháng) x 5% = 42.160.000đ.

- Từ tháng 8/1997 đến tháng 3/2003 tính đóng BHXH theo lương cấp hàm, phụ cấp thâm niên, chức vụ như sau:

* Từ tháng 8/1997 đến tháng 9/2000 bằng 38 tháng, hệ số lương bằng 4,80, phụ cấp thâm niên bằng 21%, phụ cấp chức vụ bằng 0,40, lương tối thiểu bằng 290.000đ; (tại thời điểm ra Quyết định truy trả):

(290.000đ x 4,80 x 1,21 + 290.000đ x 0,4) x 38 (tháng) x 5% = 3.420.608đ

* Từ tháng 10/2000 đến tháng 3/2003 bằng 30 tháng, hệ số lương bằng 5,05 phụ cấp thâm niên bằng 23%, phụ cấp chức vụ bằng 0,4, lương tối thiểu bằng 290.000đ

(290.000đ x 5,05 x 1,23 + 290.000 x 0,4) x 30 (tháng) x 5% = 2.876.002đ.

Cộng: 3.420.608đ + 2.876.002đ = 6.296.610đ

- Bảo hiểm xã hội quân đội ra Quyết định truy trả cho đ/c Quang một khoản tiền chênh lệch là:

42.160.000đ - 6.296.610đ = 35.863.390đ.

Ví dụ 17: Đ/c Trần Văn Hùng, nhập ngũ tháng 9/1997, tháng 9/1994 là thiếu tá có hệ số lương 4,80, tháng 6/1995 được điều ra làm Phó giám đốc liên doanh A của doanh nghiệp quân đội với nước ngoài (tương đương với chức vụ có hệ số 0,4) với mức ấn định là 600USD/tháng, nhưng từ tháng 6/1995 đến tháng 12/2000 đóng BHXH tại tỉnh Đồng Nai với mức ấn định theo hệ số là 3,80 theo lương tối thiểu, từ tháng 01/2001 đóng BHXH theo lương cấp hàm và phụ cấp thâm niên, chức vụ, đã được BHXH tỉnh Đồng Nai cấp sổ BHXH, xác nhận rõ mức đóng, thời gian đóng BHXH như trên.

Bảo hiểm xã hội quân đội căn cứ vào xác nhận của BHXH tỉnh Đồng Nai đối với Đ/c Hùng để tính toán truy thu phần chênh lệch thu BHXH 5% như sau:

- Từ tháng 6/1995 đến tháng 12/2000 (67 tháng), đóng BHXH theo mức lương ấn định với hệ số 3,80:

290.000đ x 3,80 x 67 (tháng) x 5% = 3.961.700đ

- Từ tháng 6/1995 đến tháng 12/2000 (67 tháng), tính đóng BHXH theo mức lương cấp hàm và phụ cấp chức vụ hệ số 0,40, phụ cấp thâm niên 23%:

* Thu BHXH theo lương cấp hàm và phụ cấp thâm niên:

290.000đ x 4,80 x 1,23 x 67(tháng) x 5% = 5.735.736đ.

* Thu BHXH theo phụ cấp chức vụ:

290.000đ x 0,4 x 67 (tháng) x 5% = 388.600đ

Cộng: 5.735.736đ + 388.600đ = 6.124.336đ.

- Bảo hiểm xã hội Quân đội ra Quyết định truy thu của đ/c Hùng một khoản tiền chênh lệch là:

6.124.336đ - 3.691.700đ = 2.423.636đ

15. Tính hưởng BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân trong thời gian nghỉ thai sản quy định tại điểm 2 khoản 11 Điều 1 Nghị định số 89/2003/NĐ-CP:

Thời gian nữ quân nhân, nữ công an nhân dân nghỉ việc trước và sau khi sinh con và thời gian quân nhân, công an nhân dân nghỉ để nuôi con nuôi sơ sinh được tính là thời gian đóng BHXH để hưởng BHXH. Trong thời gian nghỉ này, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không phải đóng 15% tiền lương và quân nhân, công an nhân dân không phải đóng 5% tiền lương vào quỹ BHXH mà do quỹ BHXH bảo đảm. Thời gian đó bao gồm:

a. Thời gian nữ quân nhân, công an nhân dân hưởng lương nghỉ sinh con trong thời hạn 5 tháng hoặc 6 tháng và thời gian nghỉ thêm do sinh đôi trở lên theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 10 Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân.

b. Thời gian quân nhân, công an nhân dân hưởng lương nghỉ việc nuôi con nuôi sơ sinh hợp pháp quy định tại Điều 11 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, công an nhân dân.

Quy định trên không áp dụng đối với những trường hợp nghỉ thêm quá thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 Điều 10 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với quân nhân, công an nhân dân.

II. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2003.

Quân nhân, công an nhân dân hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2003 trở đi mà chưa được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2003/NĐ-CP và Thông tư này thì Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm chi trả phần chênh lệch còn thiếu của các khoản trợ cấp một lần cho đối tượng; BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm điều chỉnh lương hưu cho đối tượng và báo cáo về Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Không giải quyết điều chỉnh lại các trường hợp đã hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2002 trở về trước.

3. Thông tư này bãi bỏ:

a. Các nội dung sau đây của Thông tư số 29/TT-LB ngày 2/11/1995 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Quốc phòng - Nội vụ hướng dẫn một số điều để thực hiện Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ:

- Điểm 1, mục II, phần B.

- Điểm 3, mục IV, phần B.

- Điểm 3, mục IV, phần B.

- Điểm 7, mục V, phần B.

b. Thông tư số 05/2000/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 18/2/2000 của liên Bộ lao động - Thương binh và Xã hội - Quốc phòng - Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 94/1999/NĐ-CP ngày 8/9/1999 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ bảo hiểm xã hội đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan binh sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ảnh về Liên Bộ Quốc phòng - Công an - Lao động - Thương binh và xã hội để xem xét giải quyết.

Lê Duy Đồng

(Đã ký)

Nguyễn Khánh Toàn

(Đã ký)

Nguyễn Văn Rinh

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 270/2003/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 89/2003/NĐ-CP sửa đổi Điều lệ bảo hiểm xã hội đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ QĐND và CAND kèm theo NĐ 45/CP 1995 do Bộ Quốc phòng - Bộ Công an và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 270/2003/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 07/11/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Lê Duy Đồng, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Rinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản