Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-HĐBT

Hà Nội, ngày 30 tháng 1 năm 1984

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 17-HĐBT NGÀY 30-1-1984 VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ TRƯỜNG MẪU GIÁO

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TƯ ngày 11-1-1979 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về cải cách giáo dục;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và các ngành có liên quan,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1 - Trường mẫu giáo là đơn vị cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trường mẫu giáo thu nhận trẻ em từ 36 tháng tuổi đến hết 72 tháng tuổi để chăm sóc, giáo dục.

Trường mẫu giáo được phân thành 3 loại: trường không nội trú, trường nội trú và trường nửa nội trú.

Điều 2 - Trường mẫu giáo có những nhiệm vụ chính như sau:

1. Phát triển trí thông minh và những năng lực hành động, trí tuệ, ngôn ngữ, ý chí, tính cách của các em để chuẩn bị vào học ở trường phổ thông.

2. Chăm sóc, rèn luyện sức khoẻ nhằm phát triển cân đối, toàn diện cơ thể của các em.

3. Bồi dưỡng tình cảm, thói quen hành vi đạo đức, phù hợp với yêu cầu đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa.

4. Xây dựng thói quen và kỹ năng lao động, phù hợp với lứa tuổi ở lớp và ở gia đình, qua đó, giáo dục lòng yêu lao động và biết quý trọng người lao động.

Điều 3 - Thành lập ở các xã, phường, cơ quan, công trường, lâm trường, nông trường, xí nghiệp 1 (một) trường mẫu giáo, nếu có từ 100 đến 120 trẻ em đối với vùng trung du, đồng bằng, thành phố, thị xã, thị trấn; hoặc có từ 60 đến 75 trẻ em đối với vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người ở miền núi.

Mỗi lớp mẫu giáo có khoảng 25 đến 30 trẻ em.

Việc thành lập trường mẫu giáo do Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã quyết định, theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân xã, phường hoặc thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp, công trường, lâm trường.

Riêng việc thành lập trường mẫu giáo nội trú sẽ do Hội đồng Bộ trưởng quy định sau.

Điều 4 - Trường mẫu giáo chịu sự chỉ đạo của phòng giáo dục huyện, quận, thị xã về chuyên môn, nghiệp vụ.

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thủ trưởng cơ quan, công, nông, lâm trường, xí nghiệp có trách nhiệm quản lý trực tiếp các trường mẫu giáo; thực hiện chỉ tiêu kế hoạch phát triển mẫu giáo, xây dựng cơ sở vật chất; tổ chức thực hiện các chế độ thu, chi tài chính, thực hiện các chế độ chính sách và chăm lo đời sống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trường mẫu giáo ở đơn vị và địa phương mình.

Điều 5 - Mỗi trường mẫu giáo có một hiệu trưởng và từ một đến hai phó hiệu trưởng. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trước các cơ quan Nhà nước, trước nhân dân về mọi hoạt động giáo dục và phục vụ giáo dục của nhà trường.

Các phó hiệu trưởng giúp hiệu trưởng điều hành công việc và chịu trách nhiệm về phần công tác được hiệu trưởng phân công.

Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng do Phòng giáo dục huyện, quận, thị xã xem xét đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện, quận thị xã bổ nhiệm.

Điều 6 - Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên của mỗi trường mẫu giáo được quy định thống nhất như sau:

1. Cán bộ làm công tác quản lý.

- Một hiệu trưởng.

- Một phó hiệu trưởng đối với trường mẫu giáo không nội trú có từ 6 lớp trở lên ở vùng đồng bằng, trung du, thành phố, thị xã; từ 4 lớp trở lên ở vùng dân tộc ít người, vùng biên giới, núi cao, hải đảo và trường mẫu giáo nửa nội trú có từ 4 lớp trở lên.

- Hai phó hiệu trưởng đối với trường mẫu giáo nửa nội trú có từ 8 lớp trở lên.

2. Giáo viên làm công tác giảng dạy và giáo dục.

a. Trường không nội trú: 1 giáo viên phụ trách 1 lớp có từ 25 đến 30 trẻ em và được phụ cấp làm thêm giờ mỗi tuần lễ một ngày.

b. Trường nửa nội trú; 2 giáo viên phụ trách 1 lớp có từ 25 đến 30 trẻ em.

c. Trường nội trú: Bộ trưởng Bộ Giáo dục chỉ đạo làm thí điểm và trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

3. Cán bộ, nhân viên làm công tác phục vụ:

a. Trường không nội trú: mỗi trường có một người làm công tác văn phòng, hành chính, quản trị.

b. Trường nửa nội trú:

- Hai người làm công tác văn phòng, hành chính, kế toán, quản trị cho mỗi trường.

- Một người phục vụ 50 trẻ em ở nhà ăn tập thể.

4. Công tác chăm lo sức khoẻ của trẻ em trường mẫu giáo do phòng, trạm y tế của xã, phường, thị trấn, cơ quan, công, nông, lâm trường, xí nghiệp phụ trách. Nếu xét cần thiết phải bố trí một y sĩ hoặc một bác sĩ chuyên trách thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét và quyết định.

5. Những trường mẫu giáo có cơ sở vật chất tập trung, nếu xét cần thiết phải có nhân viên bảo vệ thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét và quyết định.

6. Việc sắp xếp giáo viên dạy thay cho giáo viên nữ nghỉ sinh đẻ:

- Đối với trường mẫu giáo không có học sinh nội trú và trường không có học sinh nửa nội trú thì được phép tính thêm 8% số người thay thế cho giáo viên nữ nghỉ để sinh đẻ, chăm nom con ốm.

- Đối với trường có học sinh nửa nội trú và trường có học sinh nội trú khi nữ giáo viên nghỉ sinh đẻ, chăm nom con ốm thì bố trí giáo viên dạy thay, được trả thù lao theo chế độ dạy thêm giờ phải bảo đảm nguyên tắc cho trẻ em được đến lớp, có người dạy, có người nuôi.

Điều 7 - Nghị định này được thi hành kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với nghị định này đều bãi bỏ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Trưởng ban Ban tổ chức của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thi hành Nghị định này.

Điều 8 - Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tố Hữu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 17-HĐBT năm 1984 về tổ chức bộ máy, biên chế trường mẫu giáo do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 17-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/01/1984
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 30/01/1984
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản