Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP-TRUNG ƯƠNG HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 02/2008/TTLT-BTP-TWHCCBVN

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 2008

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN PHỐI HỢP XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT, TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, TRỢ GIÚP PHÁP LÝ ĐỐI VỚI CỰU CHIẾN BINH

Căn cứ khoản 5 Điều 11 Pháp lệnh cựu chiến binh ngày 07 tháng 10 năm 2005;
Căn cứ khoản 4 Điều 8, khoản 5 Điều 12 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh cựu chiến binh;
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý;
Căn cứ Nghị định số 161/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Bộ Tư pháp, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam hướng dẫn việc phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với Cựu chiến binh, như sau:

I. XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Trách nhiệm của Hội Cựu chiến binh các cấp

a) Định kỳ vào quý I hàng năm, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của nhiệm kỳ các văn bản quy phạm pháp luật về Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

b) Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương các văn bản liên quan đến Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;

c) Căn cứ vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nhiệm vụ được giao, Hội Cựu chiến binh các cấp có trách nhiệm tổ chức soạn thảo văn bản và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

d) Đối với văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam nhưng không do Hội Cựu chiến binh các cấp chủ trì soạn thảo, Hội Cựu chiến binh các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan tham gia soạn thảo, cung cấp tài liệu, tạo điều kiện để cơ quan chủ trì soạn thảo khảo sát, nắm tình hình hoạt động của Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh phục vụ việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật đó;

đ) Đối với văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác chủ trì soạn thảo gửi đến lấy ý kiến Hội Cựu chiến binh, các cấp Hội có trách nhiệm chỉ đạo nghiên cứu tham gia, góp ý kiến bảo đảm chất lượng, thời gian theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

e) Hàng năm tiến hành rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam để kịp thời kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân sửa đổi, bổ sung.

2. Trách nhiệm của cơ quan tư pháp các cấp

a) Trên cơ sở kế hoạch, chương trình hàng năm, Bộ Tư pháp phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam chủ trì; chịu trách nhiệm thẩm định, góp ý, tham gia chỉnh lý nội dung, kỹ thuật văn bản, góp ý kiến với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

b) Đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Hội Cựu chiến binh các địa phương chủ trì soạn thảo, cơ quan tư pháp cùng cấp phối hợp, hướng dẫn việc soạn thảo, góp ý, thẩm định theo quy định của pháp luật và tham gia chỉnh lý văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định;

c) Định kỳ theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt hoặc trên cơ sở yêu cầu của Hội Cựu chiến binh và điều kiện, khả năng cho phép, cơ quan tư pháp phối hợp với Hội Cựu chiến binh cùng cấp có tổ chức tập huấn nghiệp vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ các cấp hội Cựu chiến binh.

II. TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

1. Trách nhiệm của Hội Cựu chiến binh các cấp

a) Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam

- Căn cứ vào chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với Cựu chiến binh, Cựu quân nhân;

- Chỉ đạo các cấp hội phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với Cựu chiến binh, Cựu quân nhân;

- Chỉ đạo các cấp Hội Cựu chiến binh sơ kết, tổng kết về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Hội Cựu chiến binh địa phương

- Trên cơ sở chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và của địa phương, xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với Cựu chiến binh, Cựu quân nhân;

- Phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp thực hiện chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với Cựu chiến binh, Cựu quân nhân và nhân dân, bảo đảm nội dung, thời gian theo quy định.

c) Hội Cựu chiến binh cấp trên có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn Hội Cựu chiến binh cấp dưới thực hiện việc tuyên truyền, vận động Cựu chiến binh, Cựu quân nhân gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân địa phương chấp hành pháp luật.

Hàng năm, các cấp Hội Cựu chiến binh có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở cấp mình và báo cáo Hội Cựu chiến binh cấp trên.

2. Trách nhiệm của cơ quan tư pháp các cấp

a) Bộ Tư pháp

- Phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với Cựu chiến binh, Cựu quân nhân;

- Trên cơ sở yêu cầu của Trung ương Hội Cựu chiến binh và khả năng cho phép, Bộ Tư pháp hỗ trợ tài liệu, báo cáo viên pháp luật phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Cựu chiến binh, Cựu quân nhân;

- Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức pháp chế các bộ, ngành phối hợp với Hội Cựu chiến binh cùng cấp xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với Cựu chiến binh trong cơ quan, đơn vị;

- Chỉ đạo cơ quan tư pháp các cấp phối hợp với Hội Cựu chiến binh cùng cấp tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm về việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Cơ quan tư pháp ở địa phương

- Phối hợp với Hội Cựu chiến binh cùng cấp xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với Cựu chiến binh, Cựu quân nhân;

- Phối hợp với Hội Cựu chiến binh cùng cấp sơ kết, tổng kết về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với Cựu chiến binh, Cựu quân nhân.

III. TRỢ GIÚP PHÁP LÝ ĐỐI VỚI CỰU CHIẾN BINH

1. Cựu chiến binh được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Cựu chiến binh thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật;

- Cựu chiến binh hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945;

- Cựu chiến binh là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động;

- Cựu chiến binh là thương binh;

- Cựu chiến binh là bệnh binh;

- Cựu chiến binh bị nhiễm chất độc hóa học;

- Cựu chiến binh hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

- Cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống ngoại xâm giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước;

- Cựu chiến binh là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ;

- Cựu chiến binh từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân hoặc không có nơi nương tựa;

- Cựu chiến binh bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn, bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa;

- Cựu chiến binh là người dân tộc thiểu số thường xuyên sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của Hội Cựu chiến binh các cấp

a) Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam thực hiện trợ giúp pháp lý đối với Cựu chiến binh được Hội Cựu chiến binh cấp tỉnh giới thiệu trong các trường hợp sau:

+ Các vụ việc khiếu nại của Cựu chiến binh đã được các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm ở địa phương trợ giúp pháp lý nhưng vẫn còn tiếp tục khiếu nại;

+ Các vụ việc liên quan đến Cựu chiến binh đã có quyết định giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền nhưng vẫn còn khiếu nại;

+ Cựu chiến binh có yêu cầu được giúp đỡ pháp luật nhưng không thuộc đối tượng quy định tại mục 1 phần III Thông tư này;

+ Việc trợ giúp pháp lý đối với Cựu chiến binh của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu người đủ tiêu chuẩn tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm trong quá trình triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý đối với Cựu chiến binh ở địa phương;

- Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về thực hiện trợ giúp pháp lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý đối với Cựu chiến binh.

b) Hội Cựu chiến binh địa phương

- Hướng dẫn Cựu chiến binh thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định tại mục 1 phần III Thông tư này đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm đề nghị được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp Cựu chiến binh không thuộc diện được trợ giúp pháp lý tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các Chi nhánh của Trung tâm thì Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố giới thiệu về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam để giúp đỡ pháp luật;

- Giới thiệu Cựu chiến binh đủ tiêu chuẩn tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước;

- Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương thực hiện việc hòa giải trong nhân dân và khiếu kiện có liên quan đến Cựu chiến binh hoặc Cựu chiến binh có yêu cầu để góp phần bảo đảm đoàn kết, duy trì trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên;

- Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm, khảo sát về nhu cầu trợ giúp pháp lý đối với Cựu chiến binh và tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động trên địa bàn theo đề nghị của Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm.

3. Trách nhiệm của cơ quan tư pháp các cấp

a) Bộ Tư pháp

- Chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý liên quan đến Cựu chiến binh;

- Chỉ đạo Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý Hội Cựu chiến binh Việt Nam; công nhận và cấp thẻ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý cho Cựu chiến binh có đủ điều kiện được Hội Cựu chiến binh giới thiệu;

- Hướng dẫn các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc mở rộng và phát triển mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý là Cựu chiến binh và thực hiện trợ giúp pháp lý đối với Cựu chiến binh thuộc đối tượng quy định tại điểm 1 phần III Thông tư này;

- Chỉ đạo Sở Tư pháp trong việc phối hợp với Hội Cựu chiến binh cùng cấp sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả việc thực hiện trợ giúp pháp lý đối với Cựu chiến binh.

b) Sở Tư pháp

- Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý là Cựu chiến binh của địa phương;

- Cấp Giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý Hội Cựu chiến binh Việt Nam, cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý cho cá nhân Cựu chiến binh có đủ điều kiện;

- Hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý của địa phương theo quy định của pháp luật.

c) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm.

- Thực hiện trợ giúp pháp lý đối với Cựu chiến binh theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này;

- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho cộng tác viên trợ giúp pháp lý là Cựu chiến binh của địa phương;

- Thực hiện việc ký hợp đồng công tác đối với cộng tác viên trợ giúp pháp lý là Cựu chiến binh của địa phương.

IV. KINH PHÍ BẢO ĐẢM XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT, TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, TRỢ GIÚP PHÁP LÝ ĐỐI VỚI CỰU CHIẾN BINH

1. Kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội Cựu chiến binh Việt Nam được đảm bảo theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh cựu chiến binh, Thông tư số 100/2006/TT-BTC ngày 23 tháng 10 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Các định mức chi cụ thể thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Kinh phí trợ giúp pháp lý được đảm bảo và thực hiện theo quy định hiện hành.

3. Các cấp Hội lập dự toán trong dự toán ngân sách hàng năm gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm; Hội Cựu chiến binh các cấp có trách nhiệm phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Hàng năm, Bộ Tư pháp, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tiến hành kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời thông báo, trao đổi, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung nội dung Thông tư và phương pháp phối hợp hoạt động cho phù hợp có hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các Sở Tư pháp, Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo, kiến nghị Bộ Tư pháp, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam để xem xét, thống nhất chủ trương, biện pháp giải quyết./.

 

KT. CHỦ TỊCH BCH TRUNG ƯƠNG HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Phạm Hữu Bồng

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Hoàng Thế Liên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-BTP-TWHCCBVN hướng dẫn phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với Cựu chiến binh do Bộ Tư pháp - Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 02/2008/TTLT-BTP-TWHCCBVN
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 09/06/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp, Hội Cựu chiến binh Việt Nam
  • Người ký: Hoàng Thế Liên, Phạm Hữu Bồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 363 đến số 364
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản