Hệ thống pháp luật

ỦY BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc

Số : 832-UB-ĐM

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 1964

THÔNG TƯ

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ VIỆC QUẢN LÝ VẬT LIỆU THEO ĐỊNH MỨC TRONG KIẾN THIẾT CƠ BẢN

Kính gửi:

- Các Bộ, các Tổng cục và các cơ quan ngang Bộ,
- Các Ủy ban hành chính, Ban Kiến thiết cơ bản các khu, thành phố, tỉnh

Trong phiên họp từ ngày 17 đến 20-11-1962 Hội đồng Chính phủ đã nhận định rằng: “Việc xây dựng và ban hành các định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật trong sản xuất, vận tải, xây dựng cơ bản và quản lý chặt chẽ các định mức đó theo hướng không ngừng phấn đấu làm cho các định mức ngày càng tiến bộ, chẳng những có ý nghĩa quan trọng mà còn là nhiệm vụ cấp bách hiện nay”

Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước đã ban hành định mức sử dụng vật liệu trong ngành kiến thiết cơ bản. Một số Bộ, ngành cũng đã có định mức sử dụng vật liệu riêng cho Bộ và ngành mình. Nhưng việc quản lý vật liệu theo định mức đã ban hành còn là một công tác rất quan trọng và phức tạp. Làm tốt việc quản lý vật liệu sẽ có tác dụng rất lớn trong việc tiết kiệm và chống lãng phí, tham ô trong ngành kiến thiết cơ bản và thúc đẩy công tác kiến thiết cơ bản tiến lên một bước mới về chất lượng.

Chỉ thị số 20-TTg ngày 20-3-1963 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định những nguyên tắc chung về vấn đề xây dựng và quản lý định mức vật tư kỹ thuật.

Thi hành chỉ thị trên đây của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành bản điều lệ tạm thời về việc quản lý vật liệu theo định mức trong kiến thiết cơ bản.

Để đảm bảo việc thi hành bản điều lệ tạm thời này được kết quả, cần phải làm tốt mấy công tác sau đây:

1. Phải tăng cường công tác tư tưởng trong cán bộ và công nhân làm cho mọi người nhận rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện điều lệ quản lý vật liệu theo định mức trong kiến thiết cơ bản và lấy điều lệ này làm mục tiêu phấn đấu thi đua hạ mức dùng vật liệu để góp phần vào tiết kiệm và hạ giá thành xây lắp. Phải khắc phục lối làm ăn không có kế hoạch, luộm thuộm và tinh thần trách nhiệm chưa đầy đủ của một số cán bộ, công nhân.

Trong quá trình thi hành điều lệ này cũng cần chú ý giải quyết tư tưởng ngại khó của một số cán bộ, đồng thời cũng phải tăng cường kiểm tra để giải quyết kịp thời những mắc mức khó khăn của cán bộ cấp dưới, làm cho anh em thêm tin tưởng, thêm quyết tâm làm tròn nhiệm vụ.

2. Việc thi hành điều lệ tạm thời về quản lý vật liệu theo định mức này là cuộc vận động quần chúng sâu rộng, cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, cuộc cải tiến lề lối làm việc chống quan liêu, lãng phí, tham ô, đòi hỏi sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp và phải theo đường lối quần chúng. Do đó, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước yêu cầu các Bộ, các ngành, các đoàn thể có liên quan đến công tác kiến thiết cơ bản như thiết kế, thi công, quản lý tài chính, sản xuất vật liệu, vận chuyển vật liệu và Ủy ban hành chính, Ban Kiến thiết cơ bản các địa phương cần có những biện pháp cụ thể để hướng dẫn và thúc đẩy các công trường thực hiện tốt bản điều lệ tạm thời này.

3. Là một công tác mới và phức tạp cho nên trong quá trình thi hành bản điều lệ tạm thời này, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước đề nghị các Bộ, các Ủy ban địa phương và các công ty, công trường thường xuyên phản ánh cho Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước những khó khăn, thuận lợi, góp ý kiến những điều cần bổ sung và sửa chữa để tiến tới ban hành bản điều lệ chính thức được hoàn chỉnh hơn. Trong khi chờ đợi quyết định của Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước đối với những ý kiến đề nghị sửa đổi thì các công ty, công trường vẫn phải thi hành điều lệ tạm thời này.

4. Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước đề nghị với Tổng công đoàn và Đoàn thanh niên lao động Việt-nam chỉ thị cho các đoàn thể cơ sở ở các công trường và địa phương để có kế hoạch tổ chức động viên thi đua cho anh chị em đoàn viên, cán bộ, công nhân, vượt mọi khó khăn chấp hành đầy đủ những quy định trong điều lệ tạm thời này.

ỦY BAN KIẾN THIẾT CƠ BẢN NHÀ NƯỚC
CHỦ NHIỆM




Trần Đại Nghĩa

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VẬT LIỆU THEO ĐỊNH MỨC TRONG KIẾN THIẾT CƠ BẢN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 832-UB-ĐM ngày 10-11-1964)

Chương 1:

QUẢN LÝ VẬT LIỆU THEO ĐỊNH MỨC TRONG THIẾT KẾ ,DỰ TOÁN, LẬP KẾ HOẠCH

Điều 1. – Cơ quan thiết kế khi thiết kế xong một công trình, ngoài các tài liệu khác, phải có kèm theo với bản vẽ thiết kế của công trình đó những tài liệu sau đây:

- Bảng thống kê khối lượng cho từng bộ phận, từng hạng mục và toàn bộ công trình;

- Bảng thống kê khối lượng vật liệu tổng quát cho toàn bộ công trình;

- Bảng tính dự toán cho từng bộ phận, từng hạng mục và toàn bộ công trình;

Điều 2. – Công trình do trong nước thiết kế, khi tính khối lượng vật liệu tổng quát và tính dự toàn cho toàn bộ công trình phải căn cứ vào định mức sử dụng vật liệu và đơn giá hiện hành mà tính.

Trường hợp có những việc xây lắp chưa có định mức thì cơ quan thiết kế tạm lập định mức được Bộ (công trình trung ương) hay Ủy ban tỉnh (công trình địa phương) duyệt làm căn cứ tính toán những định mức tạm lập phải lưu ở hồ sơ thiết kế.

Điều 3. – Công trình do nước ngoài thiết kế thì bên chủ quản công trình phải tìm mọi biện pháp để lập được bản dự trù vật liệu.

Điều 4. – Cơ quan thiết kế phải chịu trách nhiệm về sai sót trong việc tính khối lượng công trình, tính khối lượng vật liệu tổng quát, tính dự toán.

Điều 5. – Cơ quan thi công phải dựa vào khối lượng công trình của cơ quan thiết kế cung cấp và dựa vào định mức sử dụng vật liệu hiện hành mà tính để dự trù vật liệu.

Trường hợp có những công việc xây lắp chưa có định mức thì dùng định mức tạm lập của cơ quan thiết kế hoặc cơ quan thi công tạm lập định mức, nhưng phải báo cáo lên Bộ và Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước biết để ban hành chính thức.

Điều 6. – Kế hoạch vật liệu hàng quý của công trường phải dựa trên khối lượng đối chiếu với định mức mà lập nên. Nếu không dựa trên cơ sở đó thì chưa coi là kế hoạch chính thức mà chỉ tạm cấp một phần vật liệu.

Điều 7. – Sau một quý đã tạm cấp mà công trường vẫn không có kế hoạch vật liệu chính thức thì đình chỉ cấp phát vật liệu và đình chí cấp phát tiền mua vật liệu. Khi đình chỉ cấp phát cơ quan cấp phải báo cho công trường biết ít nhất là trước 15 ngày, đồng thời phải báo cho cơ quan chỉ đạo thì công trực tiếp của công trường biết. Trường hợp này chỉ có Bộ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch thay mặt Ủy ban hành chính tỉnh mới có quyền ra quyết định cho phép tiếp tục cấp phát vật liệu và tiền mua vật liệu trong khi chưa có kế hoạch vật liệu chính thức tùy theo công trường đó thuộc cấp nào quản lý.

Quyết định đó chỉ có giá trị thi hành trong một quý. Những quyết định trên đều gửi cho Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước một bản nếu là những công trình trên hạn ngạch.

Điều 8. – Cơ quan thi công khi nghiên cứu hồ sơ và tài liệu của cơ quan thiết kế để chuẩn bị công trường hoặc trong lúc thi công nếu gặp trường hợp cần điều chỉnh tiên lượng vật liệu thì tiến hành theo thủ tục thay đổi thiết kế đã quy định.

Trường hợp do sự sai sót trong lúc tính tiên lượng vật liệu mà thiếu hoặc quá thừa vật liệu thì nếu thiếu phải được cấp có thẩm quyền quyết định (thủ tục như điều 7) mới được cấp thêm vật liệu, nếu thừa phải lập biên bản và tổ chức bảo quản rồi báo cáo lên cấp trên để điều chuyển. Cả hai trường hợp này đều phải tổ chức rút kinh nghiệm và xác định trách nhiệm.

Điều 9. – Cơ quan phân phối, cấp phát vật liệu phải quản lý vật liệu và Ngân hàng Kiến thiết phải quản lý tiền mua vật liệu theo đúng những quy định trên. Việc tạm ứng tiền mua vật liệu chuẩn bị công trường vẫn theo chế độ hiện hành. Những đơn vị nào đã có định mức dự trữ vật liệu thì tạm ứng tiền mua vật liệu tính theo định mức dự trữ đó.

Chương 2:

QUẢN LÝ VẬT LIỆU TRONG SẢN XUẤT THU MUA VÀ BẢO QUẢN

Điều 10. – Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói, ống sành, đồ sứ, tiểu ngũ kim , gỗ, xi măng …phải bảo đảm sản xuất đúng quy cách, phẩm chất như những quy định trong quy phạm kỹ thuật của Nhà nước.

Điều 11. – Khi cơ sở sản xuất vật liệu làm sai quy cách, kém phẩm chất, không đúng tiêu chuẩn so với quy định trong quy phạm kỹ thuật hoặc thực hiện sai hợp đồng thì phải xử lý theo điều lệ tạm thời về việc xử lý các vụ vi phạm chế độ hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước ban hành theo nghị định của Hội đồng Chính phủ số 65-CP ngày 15-5-1963.

Điều 12. – Cơ quan vận tải vật liệu và đơn vị thi công khi tiến hành ký kết hợp đồng vận chuyển phải thực hiện đúng những quy định trong các điều lệ vận chuyển hàng hóa ban hành kèm theo các Nghị định số 195-CP và số 196-CP ngày 31-12-1963 và những quy định khác về vận chuyển của Hội đồng Chính phủ.

Điều 13. – Việc vận chuyển vật liệu phải được bảo quản tốt để bảo vệ phẩm chất vật liệu và chống rơi vãi, hao hụt vật liệu quá định mức.

Điều 14. – Khi nhận và giao vật liệu đều phải cân, đong, đo, đếm. Phải kiểm tra phẩm chất; quy cách. Gặp trường hợp kỹ thuật phức tạp phải tổ chức việc nghiệm thu chu đáo.Đúng phẩm chất theo quy phạm kỹ thuật quy định; theo hợp đồng thì mới được nhận. Nếu không đúng như vậy thì báo cáo với cơ quan chỉ đạo thi công giải quyết. Cơ quan quản lý vật liệu phải có biện pháp cụ thể để chống những việc mua nhiều nhập kho ít, thanh toán theo giá vật liệu loại tốt thực nhận vật liệu xấu.

Điều 15. – Các công ty, công trường phải đặt mọi biện pháp để có đủ kho tàng bảo quản vật liệu. Phương pháp bảo quản phải chấp hành đúng các điều quy định trong điều lệ bảo quản vật liệu và quy phạm kỹ thuật.

Chương 3:

QUẢN LÝ VẬT LIỆU TRONG SỬ DỤNG

Điều 16. – Các công trường phải căn cứ khối lượng từng bộ phận công trình mà tính để cấp vật liệu cho các đội, tổ theo phiếu hạn mức. Trong khi thực hiện việc khoán công, các công trường phải đi từng bước thực hiện khoán vật liệu. Công trường phải quy định cụ thể về thời hạn cấp và thanh toán vật liệu theo phiếu hạn mức cho các bộ môn của công trường cùng theo dõi được dễ dàng và chính xác.

Điều 17. – Công trường phải căn cứ vào khối lượng công trình và dùng định mức mà tính vật liệu để lập phiếu hạn mức.

Tùy theo tình hình thực tế về vật liệu, về thi công v .v… của mình, công trường có thể xây dựng một bản định mức riêng (kể cả định mức sử dụng và định mức hao hụt) để khoán vật liệu cho các đội, tổ, nhưng phải bảo đảm chất lượng công trình và không được vượt quá tiền mua vật liệu của Nhà nước cấp cho công trường đã tính theo định mức.

Trong thi công gặp trường hợp chưa có định mức của Nhà nước, cơ quan thiết kế, cơ quan tính tiên lượng vật liệu chưa lập định mức mới thì trưởng ban chỉ huy công trường được phép lập định mức tạm thời để tính ra vật liệu và được áp dụng, nhưng phải gửi cho Ban Kiến thiết và Ngân hàng Kiến thiết mỗi nơi một bản, đồng thời phải báo cáo lên cơ quan ban hành định mức. Nếu có quyết định thay đổi của cơ quan ban hành định mức thì công trường phải chấp hành quyết định đó kể từ ngày ký.

Điều 18. – Đội, tổ căn cứ vào phiếu hạn mức mà lĩnh vật liệu.

Vật liệu của hạng mục công trình nào thì dùng cho hạng mục công trình đó nhằm hạch toán được việc sử dụng vật liệu theo định mức trong từng công trình.

Đối với gỗ và thép, khi dùng phải chọn gỗ và chọn thép để làm vào những bộ phận thích hợp với kích thước của gỗ và thép, phải tính toán dài dùng vào việc dài, ngắn dùng vào việc ngắn để tiết kiệm vật liệu.

Điều 19. – Những vật liệu thừa khi hoàn thành bộ phận công trình hoặc hạng mục công trình, hoặc những vật liệu của những bộ phận công trình đang làm dang dở nhưng phải tạm ngừng, thì công trường phải xác minh và có kế hoạch, bảo quản, điều động và sử dụng kịp thời. Trường hợp phải chuyển vật liệu từ công trình này sang công trình khác thì phải lập bảng kê những vật liệu đó, quy cách, số lượng, của hạng mục công trình nào chuyển sang hạng mục công trình nào. Đối với công trình đang làm dở thì phải nghiệm thu khối lượng để xác định số lượng vật liệu đã sử dụng. Những bảng kê đó phải được lưu trữ ở công trường để tiện việc theo dõi cấp phát và kiểm tra.

Điều 20. – Các công trường phải thực hiện đúng khẩu hiệu “làm gọn cho sạch”, không để vật liệu vương vãi trên hiện trường. Cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc với những cá nhân và đơn vị để vương vãi, mất mát, hư hỏng vật liệu. Đối với những cá nhân và đơn vị có thành tích tiết kiệm vật liệu cần động viên khen thương. Những vật liệu tiết kiệm được phải thu hồi, nộp lại hoặc trừ vào vật liệu cấp phát kỳ sau. Thời hạn thu hồi những vật liệu cấp phát kỳ sau. Thời hạn thu hồi những vật liệu thừa không được quá 5 ngày kể từ khi nhận được báo cáo.

Điều 21. – Việc cấp phát vật liệu cho các đội, tổ thì tùy từng loại vật liệu, tùy thời tiết và tùy điều kiện của từng công trường mà quy định thời gian cụ thể, nhưng thời gian tối đa không quá 10 ngày.

Đối với công trường có tuyến thi công rải rác như tuyến cầu đường giao thông, đường dây diện…thì ban chỉ huy công trường sẽ tùy điều kiện mà quy định thời gian thích hợp.

Điều 22. – Khi cấp phát vật liệu phải tổ chức cân, đong, đo, đếm và có chứng từ theo dõi.

Điều 23. – Khi tổng kết và quyết toán công trình phải có biên bản xác minh số vật liệu thực tế đã sử dụng vào công trình so với định mức Nhà nước được thể hiện trong các bản dự trù và kế hoạch vật liệu đã quy định ở điều 5 và điều 6 trong bản điều lệ này. Biên bản này gửi báo cáo Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Bộ và cơ quan quản lý kiến thiết cơ bản địa phương mỗi nơi một bản.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. – Điều lệ tạm thời về việc quản lý vật liệu theo định mức trong kiến thiết cơ bản được áp dụng trong mọi hoạt động của công tác kiến thiết cơ bản từ công tác thu mua, bảo quản vật liệu, thiết kế, lập kế hoạch đến công tác quản lý và thi công trên các công trường kiến thiết cơ bản.

Điều 25. – Các Bộ, các Tổng cục, các ngành có công tác kiến thiết cơ bản cần nghiên cứu và có biện pháp hướng dẫn cụ thể để thực hiện tốt điều lệ này trong Bộ, Tổng cục và ngành mình.

Cơ quan quản lý kiến thiết cơ bản ở các khu, thành phố tỉnh phải nghiên cứu đặt mọi biện pháp để thực hiện tốt điều lệ này trong địa phương mình và tổ chức kiểm tra việc cung cấp vật liệu đối với những công trình trung ương.

Điều 26. – Chế độ báo cáo:

Đối với cơ quan quản lý kiến thiết cơ bản địa phương thì từng thời hạn ba tháng; sáu tháng, một năm đều phải có báo cáo về việc thi hành điều lệ tạm thời về việc quản lý vật liệu theo định mức lên Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước.

Đối với những công trình trên hạn ngạch trực thuộc trung ương quản lý, báo cáo từng quý, sáu tháng, một năm gửi lên cấp trên của công trường đều phải có phần báo cáo việc thi hành điều lệ này đồng thời gửi báo cáo Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước một bản để tiện sự theo dõi và bổ cứu kịp thời.

Điều 27. – Điều lệ này thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1965.

Điều lệ này ban hành kèm theo Thông tư số 832-UB-ĐM ngày 10 tháng 11 năm 1964.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 832-UB-ĐM-1964 ban hành Điều lệ tạm thời về việc quản lý vật liệu theo định mức trong kiến thiết cơ bản do Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 832-UB-ĐM
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/11/1964
  • Nơi ban hành: Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước
  • Người ký: Trần Đại Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 44
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản