Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 81-LN-TT

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1962

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TRANG BỊ PHÒNG HỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

-Các Sở, Ty, Phòng Lâm nghiệp
- Các Lâm trường quốc doanh
- Các Phân cục vận chuyển Lâm sản
- Các Đoàn điều tra, xí nghiệp sản xuất, sửa chữa, chế biến, cơ sở thí nghiệm,
vườn ươm, bệnh xá, trường học, trực thuộc Tổng cục
- Các Cục, Vụ, Viện, Ban.

I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH

Ngành Lâm nghiệp ngày càng phát triển, để tiến nhanh, mạnh cùng với các ngành kinh tế khác; Điều kiện làm việc của cán bộ, công nhân, viên chức trực tiếp sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Những chế độ trang bị phòng hộ trước đã ban hành không đáp ứng đầy đủ với yêu cầu của sản xuất hiện tại.

Đối tượng được trang bị trong các khâu sản xuất còn chênh lệch, mà tính chất công việc thì tương đối giống nhau. Việc quy định trách nhiệm bảo quản, thời hạn sử dụng, hình thức khen thưởng, kỷ luật bảo vệ tài sản, tuy đã có nhưng chưa được rõ và chấp hành chưa nghiêm chỉnh. Có người còn cho đó là tư trang của cá nhân, muốn sử dụng thế nào tùy ý mình, như cất đi cho mới, dùng đi chơi mà không tuân theo nội quy sử dụng chung, dùng để phục vụ sản xuất.

Để bảo vệ sức lao động và đảm bảo khi làm việc được an toàn, cải thiện dần điều kiện làm việc của công nhân, viên chức, đáp ứng với yêu cầu của sản xuất, đồng thời để uốn nắn những thiếu sót còn tồn tại, Tổng cục ban hành chế độ trang bị này cho phù hợp với tình hình hiện nay nhằm:

- Thống nhất những quy định đã ban hành, dựa trên cơ sở cũ bổ sung, điều chỉnh cho hợp và sát hơn;

- Phân biệt tính chất, điều kiện lao động cụ thể trang bị phòng hộ cho thích hợp với sản xuất;

- Quy định trách nhiệm của cơ sở, xí nghiệp trong việc mua sắm, cấp phát, theo dõi và nhiệm vụ bảo quản của cá nhân được trang bị.

II. NHỮNG ĐIỀU KIỆN VÀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TRANG BỊ DỤNG CỤ PHÒNG HỘ

A. Điều kiện được trang bị phòng hộ:

Những cán bộ, công nhân viên làm việc trong một hay nhiều điều kiện sau đây, thì được trang bị cá nhân hoặc cho mượn tùy theo công việc thường xuyên hay không thường xuyên.

1. Làm việc trực tiếp với những nguyên vật liệu có chất độc (buồng làm việc) có khí, hơi, bụi độc nhiễm vào người, ảnh hưởng tới sức khỏe.

2. Ánh sáng chói quá có hại đến mắt, da.

3. Dưới hầm kín hoặc trong buồng kín thiếu không khí khó thở.

4. Tiếp xúc với những vật nhọn, sắc cạnh, vật nặng ráp có thể bị cọ sát cơ thể.

5. Tiếp xúc với vật bị đun nóng, nung nóng, hơi khí nóng nước sôi vào những mảnh kim loại nóng, có thể bắn vào cháy bỏng da thịt.

6. Có nhiều bụi độc quá tiêu chuẩn quy định.

7. Thường xuyên làm việc nơi nóng, lạnh quá mức bình thường.

8. Thường xuyên làm việc trong rừng rậm, leo núi, giẫm phải gai góc, dễ bị rắn, rết, vắt cắn.

9. Làm việc nơi dơ bẫn lầy lội quá, sẽ ăn lở loét chân tay.

10. Thường xuyên phải lưu động, làm việc ngoài trời chịu ảnh hưởng của nắng mưa, gió bảo, sương muối, vì công việc không thể nghỉ và trú ẩn được.

11. Tiếp xúc với thiết bị có điện thế trên 36 vôn.

12. Làm việc trên cao.

13. Lặn, làm việc dưới nước, vượt thác qua ghềnh.

14. Những công việc của đơn vị không có thường xuyên, nhưng khi làm cần thiết phải có dụng cụ phòng hộ, thì đơn vị được mua sắm một số dự phòng cho khi cần làm những công việc đó. Ví dụ: những dụng cụ cách điện,dây da, phao bơi an toàn, phun quét tẩm thuốc…

15. Những công việc không gây nhiễm độc và nguy hiểm, mà chỉ làm trong một thời gian ngắn, sau đó lại đi làm việc khác, nếu chưa được trang bị đầy đủ cũng không gây ra tai nạn thì không nhất thiết phải theo đúng như tiêu chuẩn quy định ví dụ: quần áo, mũ, yếm vệ sinh, áo mưa… Nhưng đối với công việc dễ gây nhiễm trùng, nhiễm độc hoặc nguy hiểm đến tính mạng công nhân, thì mặc dù chỉ làm một thời gian ngắn, công nhân cũng phải được trang bị đầy đủ dụng cụ phòng hộ an toàn ví dụ: làm trên cao phải có dây cáp an toàn, lặn lội dưới nước phải có phao bơi, trực tiếp với điện phải có dụng cụ cách điện.

B. Đối tượng được trang bị phòng hộ:

1. Công nhân, viên chức trong biên chế nhà nước.

2. Công nhân viên tạm tuyển, phụ động, hợp đồng thường xuyên (lực lượng cố định).

3. Công nhân ký hợp đồng làm khoán cho cơ quan quản lý tổ chức, nhân lực và kỹ thuật sản xuất, đã hưởng theo giá công chỉ đạo. Nếu hưởng giá khoán tự do thì sẽ khấu hao trừ dần vào giá khoán (có văn bản bổ sung hướng dẫn khấu hao kèm ).

4. Công nhân học nghề.

5. Học sinh, sinh viên đã hết hạn học tập về tập sự ở Lâm trường, xí nghiệp.

6. Những cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ ở cơ sở như Trưởng ban, Đội trưởng,… trực tiếp làm nhiệm vụ hướng dẫn khai thác, tu bổ cải tạo, trồng rừng, điều tra hàng ngày phải làm việc trong những điều kiện nói trên cũng được trang bị cá nhân, hoặc cho mượn nếu không thường xuyên.

7. Những cán bộ lãnh đạo Lâm trường, Hạt, Trạm; cán bộ kiểm tra kỹ thuật, nghiệp vụ, bảo hộ lao động thỉnh thoảng đi xuống kiểm tra, (kể cả cán bộ Tổng cục) thì được mượn số dụng cụ mua chung trang bị cho phòng, tổ chức không trang bị cá nhân, ngoài những phòng hộ lao động ra, không được dùng vào công việc gì khác.

8. Đối với dân công huy động theo nghĩa vụ, lao động thuê mướn; nói chung không sử dụng vào làm những công việc dễ gây nhiễm độc và nguy hiểm, nên chế độ trang bị phòng hộ không áp dụng.

Tuy vậy, trong trường hợp thật cần thiết phải sử dụng anh chị em đó làm những công việc có nguy hiểm, dễ nhiễm trùng độc (mặc dù thời gian ngắn) thì cơ quan sử dụng phải cho mượn những dụng cụ phòng hộ an toàn cần thiết.

C. Đối tượng không được trang bị dụng cụ phòng hộ:

1. Cán bộ, công nhân viên chức Lâm trường, Hạt, Trạm, Ban Đội tuy ở cơ sở trực tiếp nhưng công tác không ở trong những điều kiện nói trên.

2. Những người hợp đồng làm khoán tự do một thời gian nhất định, hưởng một số tiền do hai bên thỏa thuận xong rồi thôi. Những người nhận làm khoán gia công như: ký hợp đồng giao nguyên liệu thu hồi thành phẩm; hoặc ký hợp đồng bán nguyên liệu mua thành phẩm. Những người làm khoán hưởng theo giá cước vận tải, bốc dỡ do hợp tác xã quản lý mọi mặt – cơ quan sử dụng có nhiệm vụ tham gia giáo dục, tổ chức giúp đỡ họ tự lực trang bị dần.

3. Những người thuê mướn công nhật tạm thời, có việc thì làm, không việc thì nghỉ.

4. Sinh viên, học sinh các trường đại học, chuyên nghiệp hay phổ thông về thực tập, thì do cơ quan cử đi chịu trách nhiệm trang bị - cơ quan được anh em đến tham quan, thực tập sẽ tích cực giúp đỡ.

III. CHẾ ĐỘ SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN DỤNG CỤ PHÒNG HỘ

A. Chế độ sử dụng:

1. Cá nhân, tổ hay bộ phận được cấp phát hoặc được mượn dụng cụ phòng hộ, đều bắt buộc phải sử dụng và chỉ được sử dụng những dụng cụ đó trong khi sản xuất.

2. Những dụng cụ phòng hộ cấp phát cho công việc nào thì chỉ dùng cho công việc ấy, không thể dùng chung, lẫn lộn vì nó chỉ có một tác dụng nhất định ví dụ: không thể dùng ủng đi mưa vào việc cách điện, dùng găng tay vải để chống át-xít, dùng găng tay cao su vào việc kéo dây cáp…

3. Đơn vị khi mua sắm cần theo đúng quy cách, phẩm chất, dụng cụ dùng cho từng công việc. Cá nhân hay bộ phận được trang bị, không được tự ý thay đổi, sửa chữa hoặc cho mượn, đổi trao lẫn nhau bừa bãi.

4. Người được trang bị cá nhân hay được mượn dụng cụ phòng hộ, khi làm việc mà không trang bị an toàn, thì những người có trách nhiệm đảm bảo an toàn có quyền yêu cầu phải có dụng cụ phòng hộ mới được làm việc:nếu không nghe thì có quyền tạm đình chỉ công tác rồi báo cáo lên Ban bảo hộ an toàn cơ quan và phụ trách xí nghiệp như Giám đốc , Đội trưởng, Trưởng hạt, Trạm,… giải quyết.

5. Những người được trang bị phòng hộ, nếu đổi sang làm việc, khác không có tiêu chuẩn trang bị thì phải trả lại - nếu chuyển sang làm công việc mới phải trang bị thêm hoặc rút bớt, đều được cấp thêm hay rút bớt. Trường hợp đổi công tác từ cơ sở này sang cơ sở khác nhưng cũng một Lâm trường hay một Ty, nếu được Ban Giám đốc đồng ý thì được mang đi theo và ghi vào sổ, để đơn vị mới theo dõi cấp phát.

6. Khi giao dụng cụ phòng hộ cho công nhân sử dụng, cần hướng dẫn cách bảo quản giữ gìn, nếu dụng cụ nào sử dụng chưa thành thạo cần hướng dẫn chu đáo.

7. Khi muốn được lĩnh dụng cụ mới, vì dụng cụ cũ hết hạn, sử dụng mà đã rách nát, (không phải cứ hết hạn là đổi) hay do phẩm chất kém mà hư hỏng nặng, hoặc vì lý do khác chính đáng thì phải nộp cái cũ lại, mới được cấp phát cái mới. Nhưng không phải vì thế mà làm trở ngại cho việc bảo đảm an toàn sản xuất, kể cả trường hợp làm mất, hỏng không lý do mà chưa xử lý xong - Thủ kho có nhiệm vụ bảo quản dụng cụ cũ ấy, để sau bán lại cho Công ty phế phẩm chế biến.

B. Chế độ bảo quản:

1. Dụng cụ phòng hộ là tài sản chung của Nhà nước, nhưng tùy theo yêu cầu công việc làm thường xuyên hay bất thường, điều kiện làm việc và tính chất của mỗi loại dụng cụ mà giao hẳn, hoặc tạm thời cho cá nhân, bộ phận sử dụng. Cơ quan cần tổ chức cấp phát phiếu (bìa) cho cá nhân hoặc tổ được trang bị, để tiện theo dõi, cấp về sau. Cho nên cá nhân và bộ phận đó có nhiệm vụ giữ gìn, bảo quản tốt.

2. Để đảm bảo chất lượng của dụng cụ phòng hộ, nhất là những dụng cụ cách điện, để phòng nhiễm độc, giây da, phao bơi các đơn vị sử dụng cần kiểm tra, nghiệm thử trước khi cấp phát cho công nhân, đồng thời định kỳ kiểm tra và thử lại sau từng thời gian sử dụng.

Trước khi bắt tay vào công việc, công nhân phải tự mình kiểm tra lại chất lượng của các dụng cụ phòng hộ.

3. Những tổ, bộ phận được trang bị dùng chung, tùy theo và cần quy định một nơi để, như giá hay tủ để treo dụng cụ. Chỗ để cần chọn nơi nhiệt độ trung bình, khô, thoáng khí để tránh ẩm ướt, mối, chuột hoặc han rỉ (nếu là bằng kim loại).

4. Để tiện việc kiểm tra ý thức sử dụng, ngăn ngừa tình trạng sử dụng không hợp lý, trên từng loại dụng cụ nên đóng dấu “BHLĐ”(bảo hộ lao động) bằng sơn màu.

5. Những dụng cụ mới hư hỏng nhẹ, cá nhân hay bộ phận sử dụng phải tự sửa chữa lấy. Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức sửa chữa những dụng cụ bị hư hỏng, nặng mà cá nhân hay bộ phận không có điều kiện sửa chữa.

6. Dụng cụ phòng hộ và quần áo dùng để làm việc ở những chỗ dơ bẩn dễ gây nhiễm trùng, nhiễm độc phải định kỳ khử độc, khử trùng, bằng phương pháp xấy hoặc tẩy, nấu ở nhiệt độ cần thiết.

7. Để việc bảo quản và xử dụng tốt về sau, những người thay đổi công tác, nếu phải nộp lại dụng cụ phòng hộ thì trước khi nộp cho Thủ kho bảo quản, phải giặt rũ, lau chùi sạch sẽ.

IV. HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Để mọi người có ý thức sử dụng và giữ gìn dụng cụ phòng hộ, tránh lãng phí cho công quỹ, nếu có người vẫn bảo vệ tốt dụng cụ, dựa trên tiêu chuẩn đã quy định, thời hạn sử dụng thì cần có sự động viên khuyến khích. Đối với người kém ý thức bảo vệ, sử dụng bừa bãi, nhất là để mất thì cần có xử lý và bồi thường.

a) Trường hợp làm mất hoặc hư hỏng nặng dụng cụ mà không có lý do chính đáng, thì đơn vị tùy theo lỗi nặng nhẹ (phạm một hay nhiều lần) mà xử lý bằng biện pháp hành chính từ phê bình, cảnh cáo đến bồi thường bằng tiền theo giá trị trước khi mất hoặc hư hỏng (áp dụng nguyên tắc bồi thường khi cán bộ, công nhân, viên chức làm mất tiền hay đồ vật của Nhà nước, quy định tại văn bản số 1076-TN ngày 14-03-1958 của Phủ Thủ tướng). Việc xử lý này do cấp phụ trách đơn vị quyết định với sự tham gia của Công đoàn cùng cấp. Tùy theo số tiền bồi thường có ảnh hưởng tới sinh hoạt của người ấy nhiều hay ít mà trừ dần vào lương hàng tháng, nhưng mỗi lần không trừ quá 20% tiền lương và phụ cấp bản thân của người công nhân, viên chức đó.

b) Để khuyến khích những người có thành tích trong việc sử dụng, giữ gìn dụng cụ tốt, hàng năm xí nghiệp được trích một số tiền bằng từ 20% đến 30% trong giá trị tiết kiệm được của những dụng cụ phòng hộ do anh em đã sử dụng lâu hơn thời gian quy định, để mua tặng phẩm thưởng cho những người có ý thức tiết kiệm, giữ gìn tốt; đồng thời được tính thành tích bình bầu thi đua của năm đó tùy theo lớn nhỏ.

Tuy nhiên phải hết sức chú ý đến đảm bảo an toàn không vì phải tiết kiệm mà không hoặc ít sử dụng để kéo dài được thời gian sử dụng hay không đảm bảo an toàn mà vẫn cố sử dụng thêm.

Việc khen thưởng này chỉ áp dụng đối với công nhân viên trực tiếp sản xuất mà phải dùng dụng cụ thường xuyên, và thực hiện tốt đối với những dụng cụ đã quy định được thời hạn sử dụng.

V. TRÁCH NHIỆM THI HÀNH

1. Cơ quan cấp phát có nhiệm vụ thi hành những điểm quy định trong Thông tư này, tập hợp ý kiến nghiên cứu và đề nghị lên Tổng cục bổ sung cho sát, phù hợp với yêu cầu sản xuất.

2. Căn cứ vào những điều đã quy định và tình hình cụ thể của đơn vị mình, cơ sở trực thuộc, Ban bảo hộ lao động của Ty, Lâm trường, Phân cục sẽ xây dựng nội quy sử dụng, bảo quản, cấp phát, kiểm tra và thu hồi, đề ra kế hoạch tuyên truyền giáo dục, khen thưởng và kỷ luật. Các bản quy định này cần được sự tham gia ý kiến của Công đoàn cùng cấp, rồi phổ biến cho công nhân, viên chức thực hiện.

3. Hàng năm khi lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch lao động tiền lương các Sở, Ty, Lâm trường, Phân cục đồng thời lập kế hoạch bảo hộ lao động và muốn có dụng cụ phòng hộ cung cấp kịp thời phải có dự trù kế hoạch với cơ quan thương nghiệp địa phương vào đầu quý 4 năm trước.

4. Thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động để sản xuất được an toàn là nhiệm vụ chung của mọi công nhân, viên chức trong đơn vị; chính quyền đơn vị phải tập trung và tăng cường lãnh đạo phối hợp chặt chẽ với Công đoàn và Đoàn thanh niên lao động dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng. Để đảm bảo lãnh đạo được tốt các bộ phận cần có phân công trách nhiệm rõ ràng.

VI. PHẠM VI ÁP DỤNG

Thông tư này thi hành trong các xí nghiệp, công trường, lâm trường, đơn vị vận tải, các đơn vị kinh doanh và sự nghiệp, các cơ sở thí nghiệm, vườn ươm, bệnh viện; trường học trong ngành Lâm nghiệp có công nhân, viên chức làm việc trong những điều kiện nói ở mục II (điểm A và B) không phân biệt là cơ sở quốc doanh Trung ương hay địa phương;

- Thông tư này thay thế các Thông tư của Bộ Nông lâm cũ đang áp dụng trong ngành Lâm nghiệp.

Các Thông tư và các văn bản giải thích của Tổng cục đã ban hành trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Kèm theo Thông tư này có bảng quy định tiêu chuẩn trang bị phòng hộ cho các loại công nhân, viên chức trong Ngành.

Để việc thi hành chế độ này có kết quả tốt, Tổng cục yêu cầu các cấp, các đơn vị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức sử dụng trong quần chúng, tăng cường kiểm tra đôn đốc và thực hiện, đồng thời thu thập kinh nghiệm và khó khăn, phản ảnh với Tổng cục để nghiên cứu bổ sung cách giải quyết cho được đầy đủ.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
TỔNG CỤC PHÓ





Nguyễn Văn Phương

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 81-LN-TT năm 1962 quy định chế độ trang bị phòng hộ lao động do Tổng Cục Lâm Nghiệp ban hành.

  • Số hiệu: 81-LN-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/12/1962
  • Nơi ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 48
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản