Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ-BỘ THƯƠNG BINH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 70-TT-LB

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 1957

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ƯU ĐÃI THƯƠNG BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ XEM CHIẾU BÓNG, VĂN CÔNG VÀ CÁC CUỘC BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT KHÁC

Để thực hiện điều lệ ưu đãi thương binh và gia đình liệt sĩ do Thủ tướng phủ ban hành ngày 27-07-1956, Liên Bộ ban hành bản quy định ưu đãi thương binh và gia đình liệt sĩ trong việc xem chiếu bóng, văn công, biểu diễn nghệ thuật đính kèm theo thông tư này. Bản quy định đã nói rõ các khoản ưu đãi và thể thức thi hành.

Để việc phổ biến và thực hiện những điều ưu đãi trong bản quy định được tốt, cần phải:

- Phổ biến kỹ và phát cho các cán bộ phụ trách văn công, điện ảnh, bán vé, các rạp một bản quy định ưu đãi.

- Niêm yết ở các rạp Quốc doanh, Nhà hát nhân dân.

- Phổ biến cho thương binh ở trại và đã về địa phương, các gia đình liệt sĩ.

Thông tư này thay thế tất cả những bản quy định ưu đãi thương binh và gia đình liệt sĩ về xem chiếu bóng văn công và nghệ thuật từ trước và thi hành từ ngày công bố.

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG BINH




Vũ Đình Tụng

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA




Hoàng Minh Giám

QUY ĐỊNH

ƯU ĐÃI THƯƠNG BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ VỀ MẶT VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
(Thông tư Liên Bộ số 70-TT-LB ngày 22-01-1957)

I. – XEM CHIẾU BÓNG, VĂN CÔNG, NGHỆ THUẬT

1) Chiếu bóng, hòa nhạc, xiếc, văn công ở nông thôn và các bãi công cộng ở thành phố và các tỉnh do Quốc doanh tổ chức có bán vé:

- Không lấy tiền vé đối với thương binh các hạng. Thương binh hạng đặc biệt được thêm một người đi theo phục vụ cũng được miễn vé.

- Không lấy tiền vé đối với cha, mẹ, vợ, con liệt sĩ. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi lần biểu diễn, ban tổ chức sẽ mới từ 1 đến 3 người trong một gia đình liệt sĩ đi dự.

2) Chiếu bóng, hòa nhạc, xiếc, văn công ở Nhà hát Nhân dân Hà Nội và các tỉnh khác (nếu có Nhà hát Nhân dân) do Quốc doanh chiếu bóng hay Vụ Nghệ thuật tổ chức:

- Không lấy tiền vé và dành chỗ ngồi tốt đối với thương binh hạng đặc biệt và hạng một. Thương binh hạng đặc biệt được thêm một người đi theo phục vụ không phải trả tiền vé.

- Giảm 50% giá vé cho thương binh các hạng khác.

- Đối với gia đình liệt sĩ sẽ tùy theo số ghế dành riêng mời luân lưu mỗi lần một số gia đình liệt sĩ dự.

3) Biểu diễn văn công, nghệ thuật các nước ngoài ở Nhà hát Nhân dân ở Hà Nội và các tỉnh:

- Nếu có những tối tổ chức dành riêng cho các đại biểu đặc biệt, hoặc cho riêng ngành, giới, thì vấn đề ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ không đặt ra. Thương binh, gia đình liệt sĩ sẽ dự theo ngành, giới hoặc đại biểu.

- Nếu mời chung các đại biểu quân đội, cán bộ và nhân dân các khu phố, các xã, thì sẽ dành một số ghế mời một số thương binh và gia đình liệt sĩ ở các khu phố, các xã, các trại, trường thương binh. Các cơ quan có giấy mới cũng sẽ dành một số giấy mời các thương binh hoặc gia đình liệt sĩ hiện công tác trong cơ quan đến dự.

- Nếu có tổ chức bán vé thì sẽ áp dụng như điều 2 trên đây.

4) Chiếu bóng, hòa nhạc, xiếc, văn công ở các rạp Quốc doanh:

- Không lấy tiền vé đối với thương binh hạng đặc biệt và hạng một. Hạng đặc biệt được thêm một người đi theo phục vụ cũng được miễn vé. Thương binh sẽ đến lấy vé trước ở rạp, nếu lấy vé muộn, đã hết vé, thì lần khác đi xem.

- Thương binh từ hạng hai đến hạng năm lấy vé hạng nào cũng được giảm 25% giá vé.

II. – CÁC CUỘC VUI CÔNG CỘNG Ở CÁC THỊ TRẤN, CÁC KHU PHỐ, CÁC XÃ THUỘC HÀ NỘI VÀ CÁC TỈNH

Tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, các cơ quan văn hóa ở nơi đó sẽ mời một số thương binh, gia đình liệt sĩ tới dự và dành chỗ ngồi tốt.

III. - THỂ THỨC THI HÀNH NHỮNG QUY ĐỊNH TRÊN

A. - Ở nông thôn:

1) Các đoàn văn công và chiếu bóng lưu động sẽ liên lạc với Ủy ban Hành chính huyện hoặc xã (tùy theo tối biểu diễn cho một xã, liên xã hay toàn huyện) để đưa giấy mới từng gia đình liệt sĩ và thông báo mời chung thương binh.

Căn cứ vào số giấy mời phát ra, các đoàn văn công, đội chiếu bóng sẽ cùng ban tổ chức dành riêng chỗ ngồi tốt cho thương binh và gia đình liệt sĩ. Thương binh khi tới xem sẽ xuất trình giấy chứng nhận ưu đãi thương binh. Gia đình liệt sĩ sẽ mang theo giấy mời.

Đối với các trường, trại thương binh đóng ở nông thôn thì ban phụ trách trường, trại và các đội văn công, điện ảnh cần liên hệ để quy định số người và sắp đặt chỗ ngồi trước.

2) Trường hợp thương binh hay gia đình liệt sĩ đến chậm, đang chiếu bóng hoặc biểu diễn thì việc sắp xếp chỗ ngồi sẽ tùy theo hoàn cảnh lúc đó chứ không nhất thiết là chỗ tốt.

3) Trường hợp biểu diễn cho nhiều xã xem thì mỗi xã cần tổ chức một địa điểm mới thương binh và gia đình liệt sĩ tập trung cùng đi trước để có thể bảo đảm chỗ ngồi tốt. Nếu đi lẻ tẻ hay đi chậm thì việc sắp xếp chỗ ngồi tốt không đảm bảo được, lúc đó sẽ tùy hoàn cảnh cụ thể mà sắp xếp.

B. - Ở các Nhà hát Nhân dân:

1) Thương binh sẽ xuất trình giấy chứng nhận ưu đãi thương binh để mua vé hoặc nhận vé mời. Nếu tới chậm chỉ còn vé chỗ ngồi xa thì thương binh hạng đặc biệt và hạng một sẽ được mời ngồi chỗ hiện còn.

2) Mỗi khi Vụ Nghệ thuật tổ chức biểu diễn sẽ dành một số ghế mời gia đình liệt sĩ. Ban tổ chức sẽ trao giấy mời đó cho Ủy ban Hành chính thành phố để Ủy ban Hành chính báo cho các khu phố tới nhận giấy mời và phân phối giấy mời tới gia đình liệt sĩ. Vì điều kiện chỗ ngồi có hạn nên sẽ mời luân chuyển, các khu phố cần tổ chức trao giấy mời cho đúng. Các gia đình liệt sĩ sẽ mang theo giấy mời và đi đúng số người đã ghi trong giấy mời.

3) Trong các tối biểu diễn văn công, nghệ thuật của nước ngoài ở Nhà hát Nhân dân Hà Nội và các tỉnh, trừ những tối đặc biệt dành riêng cho ngành, giới mà không mời rộng rãi, cũng tùy theo số ghế dành riêng để mời một số thương binh và gia đình liệt sĩ ở các khu phố, các xã lân cận, các cơ quan, các trại, trường thương binh lân cận.

Những giấy mời đó sẽ do Ủy ban Hành chính trao cho các khu phố mới, hoặc ban tổ chức trao Ủy ban Hành chính xã, các cơ quan, các trại, trường thương binh chuyển đạt giấy mời. Vì chỗ ngồi có hạn nên số chỗ dành riêng mời thương binh và gia đình liệt sĩ do ban tổ chức quyết định.

C. - Ở các rạp Quốc doanh:

1) Thương binh hạng đặc biệt và hạng một có thể ủy người khác hoặc trực tiếp đến lấy vé mời ở rạp. Thương binh các hạng khác đến mua vé tại rạp Quốc doanh đều phải xuất trình giấy chứng nhận ưu đãi thương binh. Nếu thương binh lấy vé muộn, đã hết vé, thì lần khác sẽ đi xem vì rạp hát không dành sẵn chỗ.

2) Việc giảm vé 25% là định chung cho tất cả các hạng vé. Nếu gặp một hạng vé nào mà số tiền giảm lẻ, thí dụ: 300 đồng trừ 25% tức là 75 đồng thì sẽ trừ 80 đồng hoặc 500 đồng đáng lẽ trừ 125 đồng thì sẽ trừ 120, vé 700 đồng đáng lẽ trừ 175 đồng thì sẽ trừ 180 đồng, nghĩa là trừ thêm lên hay trừ ít đi 5 đồng để cho số tiền chẵn.

D. - Ở các cuộc vui công cộng:

Các cơ quan văn hóa ở mỗi nơi sẽ chú ý mời một số thương binh, gia đình liệt sĩ nếu cuộc vui đó không có tính chất sinh hoạt ngành, giới hoặc tổ chức riêng của ngành, giới.

E. Những quy định trên đây chỉ áp dụng cho bản thân người được chứng nhận là gia đình liệt sĩ hay thương binh, không được nhường cho người khác.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 70-TT-LB năm 1957 về việc ưu đãi thương binh và gia đình liệt sĩ xem chiếu bóng, văn công và các cuộc biểu diễn nghệ thuật khác do Bộ Văn Hoá- Bộ Thương Binh ban hành.

  • Số hiệu: 70-TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/01/1957
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Bộ Thương binh
  • Người ký: Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Tụng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản