Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 004-PC

Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 1966

THÔNG TƯ

QUYĐỊNH CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI THƯƠNG BINH VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ KHI ĐI XE ÔTÔ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, thương binh và liệt sĩ là những người đã hy sinh xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Nhân dân ta, Nhà nước ta rất biết ơn và quý trọng thương binh và liệt sĩ, hết sức cố gắng chăm lo, tạo điều kiện cho thương binh cũng như gia đình liệt sĩ tiếp tục phát huy truyền thống đấu trang cách mạng đem hết khả năng của mình góp sức vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ. Ngày 17-05-1965 Hội đồng Chính phủ lại ra thông tư số 51-TTg/NC nhằm mục đích tăng cường hơn nữa việc chấp hành các chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Thi hành chủ trương của Hội đồng Chính phủ, sau khi trao đổi nhất trí với Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải quy định chế độ giảm giá vé và ưu tiên mua vé đi xe ôtô chở khách (xe ca, xe buýt, xe tắc-xi, xe tải dùng để chở khách của các quốc doanh và công tư hợp doanh) đối với thương binh và gia đình liệt sĩ như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC GIẢM GIÁ VÉ ĐI KHI ĐI VIỆC RIÊNG

Thương binh còn tại ngũ, ở trong trại thương binh, công tác ở cơ quan, xí nghiệp, đã về địa phương, nếu đi ôtô, tiền vé do thương binh tự đài thọ thì được hưởng chế độ giám giá vé.

Dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương vì chiến đấu với địch trong thời kỳ kháng chiến, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ và thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước bị thương vì nhiệm vụ chiến đấu với địch từ hòa bình lập lại đều được hưởng chế độ giảm giá vé theo các hạng thương tật tương đương với thương binh.

A. ĐIỀU KIỆN GIẢM GIÁ VÉ

Những thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong, quân nhân dự bị và dân quân tự về được giảm giá vé nói ở mục I của thông tư này phải có giấy chứng nhận thương binh hoặc giấy chứng nhận dân quân du kích, thanh niên xung phong, quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương tật được hưởng chế độ thương binh do Bộ Nội vụ hoặc Ủy ban hành chính khu, thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh cấp.

B. MỨC GIẢM GIÁ VÉ

Theo quy định của Chính phủ, trước đây việc xếp loại thương tật của thương binh có 6 hạng, hạng đặc biệt là hạng cao nhất, rồi đến các hạng 1, 2, 3, 4 và 5.

Cuối năm 1964, theo điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân… ban hành theo nghị định số 161-CP ngày 30-10-1964 của Hội đồng Chính phủ, thì thương tật của thương binh chia làm 8 hạng, hạng 8 là hạng cao nhất, rồi đến các hạng 7, 6, 5, 4, 3, 2 và 1.

Căn cứ vào quy định trên của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quy định mức giảm tiền vé đi xe ôtô đối với thương binh như sau:

a) Thương binh hạng đặc biệt, hạng 1 (cũ) và hạng 8, 7, 6 (mới) được giảm 50% tiền vé và được ưu tiên xếp chỗ ngồi. Ngoài ra mỗi thương binh được mang theo một phương tiện dùng để đi lại như xe đạp, xe ba bánh được giảm 50% tiền cước. Đối với những thương binh thuộc các hạng thương tật nói trên cần phải có người đi theo để phục vụ (như hỏng cả hai mắt, bị bệnh tinh thần kinh, cụt hai tay, cụt hai chân hoặc liệt hai chân không đi lại được hoặc đi lại khó khăn v.v…) thì ngoài việc giảm 50% cho bản thân thương binh, người đi theo để phục vụ cũng được giảm 50% tiền vé.

b) Thương binh hạng 2, 3, 4, 5 (cũ) và hạng 5, 4, 3, 2, 1 (mới) được giảm 30% tiền vé.

c) Mức giảm giá vé đối với thương binh quy định ở các mục a, b trên đây đều được áp dụng đối với dân quân du kích, thanh niên xung phong, quân nhân dự bị và dân quân tự vệ bị thương vì chiến đấu với địch, theo các hạng thương tật tương đương với thương binh.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ƯU TIÊN MUA VÉ

Thương binh, dân quân du kích, thanh niên xung phong, quân nhân dự bị và dân quân tự vệ nói ở mục I của thông tư này dù đi công tác hay đi việc riêng đều được ưu tiên mua vé.

Gia đình liệt sĩ gồm vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, bố mẹ đẻ của liệt sĩ hoặc người có công nuôi dưỡng liệt sĩ từ khi còn nhỏ được hưởng quyền lợi của gia đình liệt sĩ, có giấy chứng nhận do Bộ Nội vụ hoặc do Ủy ban hành chính khu, thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh cấp đều được ưu tiên mua vé.

III. PHƯƠNG PHÁP VÀ THỦ TỤC BÁN VÉ

a) Tại mỗi bến hay trạm bán vé ôtô phải yết thị bảng “Xếp hạng thương tật của thương binh” và thông tư này.

b) Thương binh và gia đình liệt sĩ mỗi lần đi xe ôtô phải xuất trình với người bán vé hoặc người kểm soát vé giấy chứng nhận thương binh và gia đình liệt sĩ để người bán vé hoặc người kiểm soát vé có căn cứ làm vé giảm giá tiền hoặc ưu tiên bán vé. Khi bán vé cũng như khi kiểm soát vé, nếu cần thiết người bán vé và người kiểm soát vé có thể yêu cầu thương binh hoặc gia đình liệt sĩ xuất trình chứng minh thư hoặc giấy thông hành.

c) Thương binh và gia đình liệt sĩ tuyệt đối không được cho mượn giấy chứng nhận. Nếu có kẻ lợi dụng danh nghĩa thương binh hay gia định liệt sĩ để mua vé đi xe ôtô, thì người bán vé hoặc kiểm soát vé được quyền thu giấy chứng nhận thương binh hay giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ giao về cơ quan quản lý thương binh xử lý. Kẻ lợi dụng giấytờ thương binh hoặc gia đình liệt sĩ, tùy theo lỗi nhẹ nặng, sẽ bị xử lý về hành chính hoặc bị truy tố trước pháp luật.

d) Phương tiện dùng để đi lại của thương binh được giảm tiền cước quy định ở điểm a mục I của thông tư này đều phải có giấy đăng ký hoặc giấy chứng nhận của chính quyền địa phương này cơ quan nơi thương binh làm việc.

e) Vì khả năng phục vụ của mỗi xe có hạn nên mỗi chuyến xe được bán một số vé giảm giá là 10% của tổng số chỗ ngồi cho đối tượng được giảm giá vé nói ở mục I của thông tư này. Nếu có nhiều thương binh cùng yêu cầu đi xe thì người đến trước được mua vé trước, người đến sau mua vé sau. Trường hợp số vé giảm giá quy định cho mỗi chuyến xe đã bán hết, nếu có thương binh yêu cầu được đi chuyến xe đó thì chỉ được ưu tiên mua vé mà không được giảm giá.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

a) Chế độ này thi hành bắt đầu từ ngày ký.

b) Ông Cục trưởng Cục vận tải đường bộ, các ông Giám đốc sở giao thông vận tải thành phố, các ông Trưởng ty giao thông vận tải tỉnh, các ông Giám đốc xí nghiệp vận tải quốc doanh và công tư hợp doanh ô tô trung ương và địa phương chịu trách nhiệm thi hành thông tư này.

c) Các ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh có trách nhiệm phổ biến giải thích cho anh em thương binh, gia đình liệt sĩ và đôn đốc, kiểm tra các cán bộ, công nhân, viên chức ngành giao thông vận tải chấp hành đầy đủ thông tư này.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Mai

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 004-PC-1966 quy định chế độ ưu đãi thương binh và gia đình liệt sĩ khi đi xe ôtô do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 004-PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/07/1966
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Hữu Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 12/07/1966
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản