Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 62/2000/TTLT-BNN-TCĐC

Hà Nội , ngày 06 tháng 6 năm 2000

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN - TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH SỐ 62/2000/TTLT/BNN-TCĐC NGÀY 06 THÁNG 6 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN VIỆC GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổng cục Địa chính hướng dẫn việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đất lâm nghiệp nêu trong Thông tư này gồm đất có rừng tự nhiên, đất có rừng trồng và đất chưa có rừng được quy hoạch để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp như trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ để phục hồi rừng tự nhiên, nghiên cứu thí nghiệm về lâm nghiệp.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trước ngày Thông tư này có hiệu lực không phải làm lại thủ tục giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp được thực hiện theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã).

4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất lâm nghiệp nhưng chưa được giao hoặc chưa được thuê trước ngày 01 tháng 12 năm 1999 (Nghị định số 163/1999/NĐ-CP có hiệu lực) nếu không có tranh chấp, sử dụng đất đúng quy hoạch thì được xem xét giao đất hoặc cho thuê đất và được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất lâm nghiệp. Đối với diện tích đất lâm nghiệp Nhà nước đã giao mà người được giao đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì Uỷ ban nhân dân xã phải làm thủ tục đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật và đưa vào quỹ đất để giao, cho thuê.

5. Giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã đã được Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân huyện) phê duyệt. Những xã chưa lập quy hoạch sử dụng đất thì căn cứ vào quy hoạch ba loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Đối tượng được giao đất lâm nghiệp không thu tiền sử dụng đất gồm:

a) Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, làm muối, mà nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ các hoạt động sản xuất đó, được Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất lâm nghiệp xác nhận.

b) Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

c) Doanh nghiệp Nhà nước đang sử dụng đất lâm nghiệp do Nhà nước giao trước ngày 01 tháng 01 năm 1999;

d) Trạm, trại, xí nghiệp giống lâm nghiệp, trường học, trường dậy nghề;

e) Tổ chức khác thuộc các thành phần kinh tế đã được Nhà nước giao đất lâm nghiệp trước ngày 01 tháng 01 năm 1999 theo Nghị định số 02/CP ngày 15 tháng 01 năm 1994 của Chính phủ được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn giao đất. Khi hết thời hạn sử dụng đất được giao phải chuyển sang thuê đất lâm nghiệp;

g) Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng đất lâm nghiệp kết hợp với quốc phòng.

7. Đối tượng Nhà nước cho thuê đất lâm nghiệp gồm:

a) Hộ gia đình, cá nhân, kể cả hộ gia đình cá nhân quy định tại tiết a điểm 6 mục I trong Thông tư này, có nhu cầu và khả năng sử dụng đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, lâm - nông nghiệp, lâm - nông - ngư nghiệp kết hợp;

b) Tổ chức trong nước thuộc thành phần kinh tế;

c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài.

8. Các loại đất lâm nghiệp Nhà nước giao, cho thuê cho các đối tượng như sau:

a) Đất lâm nghiệp quy hoạch để xây dựng, phát triển rừng đặc dụng, Nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng đặc dụng được thành lập theo quyết định của Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân tỉnh) bao gồm:

- Ban Quản lý vườn Quốc gia;

- Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên;

- Ban Quản lý khu vườnVăn hoá - Lịch sử - Môi trường (bảo vệ cảnh quan).

Đất lâm nghiệp quy hoạch để xây dựng, phát triển rừng đặc dụng Nhà nước không cho thuê.

b) Đất lâm nghiệp quy hoạch để xây dựng, phát triển rừng phòng hộ.

Đất lâm nghiệp quy hoạch để xây dựng, phát triển rừng phòng hộ, Nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ được thành lập theo quy định của Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh. Riêng phân khu phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu; những khu đất rừng phòng hộ đầu nguồn phân tán không đủ điều kiện thành lập Ban Quản lý và các loại đất rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, Nhà nước giao hoặc cho thuê đất cho các đối tượng khác quy định tại tiết a, c, d, g, điểm 6 và điểm 7 mục I trong Thông tư này.

c) Đất lâm nghiệp quy hoạch để xây dựng, phát triển rừng sản xuất được giao hoặc cho thuê cho mọi đối tượng quy định tại tiết a, c, d, e, g điểm 6 và 7 mục I trong Thông tư này.

9. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất lâm nghiệp.

a) Uỷ ban nhân dân huyện quyết định giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân.

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức.

Trong trường hợp Chính phủ quyết định xác lập các khu rừng và giao đất lâm nghiệp thì Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

c) Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp là cơ quan có quyền thu hồi đất đã giao, cho thuê. Trước khi thu hồi đất phải thông báo cho người được giao đất hoặc thuê đất lâm nghiệp biết lý do thu hồi, thời gian, kế hoạch thực hiện, phương án, mức đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật.

10. Hạn mức giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp.

a) Hạn mức giao đất lâm nghiệp cho tổ chức căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và nhu cầu, khả năng sử dụng đất lâm nghiệp được ghi trong dự án đầu tư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Hạn mức giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất, quỹ đất lâm nghiệp của địa phương và nhu cầu, khả năng của hộ gia đình, cá nhân; Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định hạn mức đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân (hộ một người), nhưng tổng diện tích đất lâm nghiệp giao cho một hộ gia đình, cá nhân không quá 30 ha.

Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất lâm nghiệp, phần diện tích vượt hạn mức theo quy định tại điểm này được tiếp tục sử dụng, khi hết thời hạn sử dụng đất được giao thì chuyển sang thuê đất lâm nghiệp.

c) Hạn mức cho tổ chức thuê đất lâm nghiệp theo dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất lâm nghiệp theo đơn xin thuê đất của hộ gia đình, cá nhân trên cơ sở hiện trạng sử dụng đất và quỹ đất lâm nghiệp của từng địa phương.

d) Đối với đất trống, đồi núi trọc, đất ven biển, đất lấn biển mức đất giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích lâm nghiệp do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định căn cứ vào quỹ đất của địa phương và khả năng sản xuất của hộ gia đình, cá nhân bảo đảm thực hiện chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác sử dụng các loại đất này vào mục đích lâm nghiệp.

11. Thời hạn giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp.

a) Đối với các tổ chức, thời hạn giao đất theo dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đối với hộ gia đình, cá nhân thời hạn giao đất là 50 năm. Khi hết thời hạn, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất lâm nghiệp chấp hành đúng pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét giao đâst đó để tiếp tục sử dụng. Nếu trồng cây lâm nghiệp có chu kỳ trên 50 năm, khi hết thời hạn này vẫn được Nhà nước giao tiếp để sử dụng.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất lâm nghiệp trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì thời hạn giao đất tính từ ngày 15 tháng 10 năm 1993; được Nhà nước giao đất lâm nghiệp sau ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì tính từ ngày giao.

b) Thời hạn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất lâm nghiệp được xác định theo dự án do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đơn xin thuê đất của hộ gia đình, cá nhân nhưng không quá 50 năm. Trường hợp dự án có nhu cầu thuê đất trên 50 năm thì phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng không quá 70 năm.

Hết thời hạn trên, nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vẫn có nhu cầu thuê đất lâm nghiệp đó và sử dụng đất được thuê đúng mục đích thì được Nhà nước xem xét cho thuê tiếp.

12. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất lâm nghiệp đã được Nhà nước giao cho các doanh nghiệp nhà nước phải chuyển sang hình thức nhận giao khoán đất lâm nghiệp theo quy định tại Bản Quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 01/CP ngày 04 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ.

Các doanh nghiệp nhà nước đã được Nhà nước giao đất lâm nghiệp trước ngày 01 tháng 01 năm 1999 phải rà soát lại quỹ đất được giao; phần đất lâm nghiệp sử dụng không đúng mục đích, hiệu quả thấp, không sử dụng Uỷ ban nhân dân tỉnh thu hồi để đưa vào quỹ đất lâm nghiệp để giao, cho thuê.

II. THỦ TỤC GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÂM NGHIỆP

1. Xác định quỹ đất lâm nghiệp để giao, cho thuê.

a) Căn cứ xác định quỹ đất lâm nghiệp để giao, cho thuê gồm:

- Bản đồ, tài liệu, số liệu hiện có về hiện trạng đất có rừng và đất chưa sử dụng có khả năng sử dụng vào mục đích lâm nghiệp.

- Quy hoạch sử dụng đất của xã hoặc quy hoạch ba loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;

b) Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện chỉ đạo cơ quan Địa chính, cơ quan Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan Kiểm lâm trực thuộc và Uỷ ban nhân dân cấp dưới xác định quỹ đất lâm nghiệp để giao, cho thuê theo mục đích sử dụng, xây dựng phát triển từng loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất.

c) Quỹ đất lâm nghiệp để giao, cho thuê xác định theo đơn vị hành chính xã và thể hiện chi tiết trên bản đồ, tổng hợp theo từng tờ bản đồ hoặc tiểu khu rừng.

2. Lập hồ sơ xin giao đất, xin thuê đất lâm nghiệp.

a) Đối với tổ chức hồ sơ nộp tại cơ quan Địa chính tỉnh gồm:

- Đơn xin giao đất hoặc đơn xin thuê đất lâm nghiệp;

- Dự án đầu tư được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập các tổ chức;

- Bản đồ hoặc sơ đồ khu vực đất xin giao, xin thuê.

b) Đối với hộ gia đình, cá nhân hồ sơ nộp tại Uỷ ban nhân dân xã gồm:

- Đơn xin giao đất hoặc đơn xin thuê đất lâm nghiệp;

- Phương án sử dụng đất lâm nghiệp (đối với trường hợp xin thuê đất).

3. Tổ chức xét duyệt đơn xin giao đất, xin thuê đất lâm nghiệp.

a) Đối với tổ chức:

- Trong thời gian 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Địa chính tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ quan Kiểm lâm cùng cấp thẩm tra hồ sơ xin giao đất, xin thuê đất lâm nghiệp và ghi ý kiến vào đơn xin giao đất, xin thuê đất lâm nghiệp; Lập thủ tục trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp đối với các tổ chức đủ điều kiện; Trả lại hồ sơ đối với tổ chức không đủ điều kiện và thông báo rõ lý do.

- Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ do Cơ quan Địa chính chuyển đến, Uỷ ban nhân dân tỉnh phải quyết định giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp; trường hợp không đồng ý phải thông báo cho cơ quan Địa chính tỉnh rõ lý do để cơ quan Địa chính thông báo cho tổ chức xin giao, thuê đất biết.

b) Đối với hộ gia đình, cá nhân:

- Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân xã phải hoàn thành việc thẩm tra, ghi ý kiến xác nhận vào đơn xin giao đất, xin thuê đất và chuyển hồ sơ về Cơ quan Địa chính huyện. Nếu không đủ điều kiện phải trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho hộ gia đình cá nhân biết.

- Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban nhân dân xã gửi đến, Cơ quan Địa chính huyện phối hợp với cơ quan Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ quan Kiểm lâm huyện hoàn thành việc thẩm tra hồ sơ, ghi ý kiến vào đơn xin giao đất, xin thuê đất lâm nghiệp; Lập thủ tục trình Uỷ ban nhân dân huyện xem xét và quyết định.

- Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ do Cơ quan Địa chính chuyển đến, Uỷ ban nhân dân huyện phải quyết định giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp; trường hợp không đồng ý phải thông báo cho cơ quan địa chính huyện rõ lý do để cơ quan Địa chính thông báo cho hộ gia đình, cá nhân xin giao, thuê đất biết.

4. Giao đất ngoài thực địa.

a) Uỷ ban nhân dân xã phối hợp với Cơ quan Địa chính, cơ quan Kiểm lâm cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp tổ chức việc giao đất ngoài thực địa cho các đối tượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp có sự chứng kiến của trưởng thôn, trưởng bản và chủ sử dụng đất kế cận.

b) Giao đất tại thực địa phải phân định rõ ranh giới và đóng cọc mốc; lập biên bản giao nhận đất tại thực địa có đầy đủ chữ ký của đại diện các tổ chức, cá nhân nói tại tiết a điểm này.

5. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

a) Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày hoàn thành giao đất tại thực địa, Cơ quan Địa chính huyện trình Uỷ ban nhân dân huyện ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; Cơ quan Địa chính tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức.

b) Đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất lâm nghiệp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì làm thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư số 346/1998/TT-TCĐC ngày 16 tháng 3 năm 1998 của Tổng cục Địa chính.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo mẫu thống nhất của Tổng cục Địa chính và hướng dẫn bổ sung dưới đây:

- Nơi sử dụng bản đồ giao đất lâm nghiệp chỉ có số hiệu tiểu khu, khoảnh, lô rừng, thì trong bản liệt kê thửa đất, tại cột "Số tờ bản đồ" ghi số hiệu tiểu khu, tại cột "Số thửa" ghi số hiệu khoảnh, số hiệu lô rừng.

- Cột "Phần ghi thêm" ghi các nội dung sau:

+ Mục đích sử dụng cụ thể đối với từng loại rừng

Đất rừng đặc dụng ghi theo hình thức tổ chức: Vườn quốc gia; Khu bảo tồn thiên nhiên; Khu rừng văn hoá - lịch sử - Môi trường.

Đất rừng phòng hộ ghi các loại: Phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu, phòng hộ đầu nguồn xung yếu, phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu; Phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; Phòng hộ chắn sóng, lấn biển; Phòng hộ bảo vệ môi trường - sinh thái.

Đất rừng sản xuất ghi rõ rừng sản xuất gỗ lớn; rừng sản xuất gỗ nhỏ, rừng sản xuất tre nứa và rừng đặc sản.

+ Đối đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên, có rừng trồng ghi trạng thái rừng theo quy định tại Quyết định số 682B/QĐKT ngày 01 tháng 8 năm 1984 của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc ban hành bản quy phạm thiết kế kinh doanh rừng.

+ Các yêu cầu về bảo vệ và phát triển rừng như: Khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng rừng và các yêu cầu khác.

6. Lập và quản lý hồ sơ địa chính

a) Hồ sơ địa chính thiết lập trong quá trình thực hiện giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp gồm các tài liệu sau:

- Bản đồ địa chính hoặc bản đồ giao đất lâm nghiệp;

- Sổ địa chính;

- Sổ mục kê đất;

- Sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Các tài liệu gốc bao gồm: Đơn xin giao đất, xin thuê đất lâm nghiệp; Biểu thống kê quỹ đất lâm nghiệp; Biên bản giao đất trên thực địa; Quyết định giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp.

b) Mẫu sổ địa chính, sổ mục kê đất, sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ theo dõi biến động đất đai thực hiện theo quy định tại Quyết định số 499/QĐ-ĐC ngày 27 tháng 7 năm 1995 của Tổng cục Địa chính và hướng dẫn bổ sung dưới đây:

- Sổ địa chính, sổ mục kê và sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lập chung cho tất cả các loại đất; không lập bộ sổ riêng cho đất lâm nghiệp;

- Nơi sử dụng bản đồ giao đất lâm nghiệp chỉ có số hiệu tiểu khu rừng, khoảnh, lô thì trên các loại sổ sách ghi số hiệu tiểu khu rừng thay cho số hiệu tờ bản đồ và ghi số hiệu khoảnh, lô thay cho số hiệu thửa đất;

- Phần III- "Những ràng buộc quyền sử dụng đất" trong sổ địa chính ghi chú thêm về những nội dung như quy định tại cột "Phần ghi thêm" của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

c) Nơi chưa có bản đồ địa chính, phải lập bản đồ giao đất lâm nghiệp để thể hiện kết quả giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp. Bản đồ giao đất lâm nghiệp lập theo đơn vị hành chính xã và phải được Cơ quan Địa chính tỉnh phê duyệt.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm Uỷ ban nhân dân tỉnh

a) Lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ba loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất); kế hoạch tổ chức thực hiện giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và Thông tư này.

b) Phê duyệt quy hoạch sử dụng đất; kế hoạch giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp của Uỷ ban nhân dân huyện trên địa bàn.

c) Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

2 Trách nhiệm Uỷ ban nhân dân huyện.

a) Lập quy hoạch sử dụng đất; kế hoạch tổ chức thực hiện việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện theo quy định của Nhà nước.

b) Phê duyệt quy hoạch sử dụng đất; Kế hoạch giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp của Uỷ ban nhân dân xã trên địa bàn.

c) Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm Uỷ ban nhân dân xã

a) Phổ biến quán triệt chủ trương, chính sách của Nhà nước, kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện, xã về giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đến người dân trên địa bàn xã.

b) Rà soát tình hình sử dụng đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã.

c) Lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của Nhà nước.

4. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành

a) Cơ quan Địa chính

- Giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp xây dựng quy hoạch sử dụng đất; kế hoạch và tổ chức thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở địa phương.

- Lập bản đồ, sơ đồ phục vụ giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

- Phối hợp với các cơ quan khác có liên quan giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình quy hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp.

b) Cơ quan Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với cơ quan Địa chính, cơ quan Kiểm lâm giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp lập quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp; rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp Nhà nước đã giao cho Lâm trường, Nông trường quốc doanh, các doanh nghiệp lâm nghiệp, nông nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; Ban Quản lý rừng phòng hộ, Ban Quản lý rừng đặc dụng.

c) Cơ quan Kiểm lâm

- Phối hợp với cơ quan Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan Địa chính xác định danh giới đất lâm nghiệp và ranh giới phân chia ba loại rừng trên bản đồ và ngoài thực địa.

- Xác định diện tích đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên, rừng trồng trên bản đồ và ngoài thực địa để lập phương án bảo vệ rừng.

- Phối hợp với cơ quan Địa chính thực hiện giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp. Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.

- Phối hợp với cơ quan Địa chính giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp kiểm tra, thanh tra, xử lý các tranh chấp trong việc sử dụng đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với cơ quan Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan Địa chính, giải quyết các tranh chấp về đất lâm nghiệp theo thẩm quyền.

5. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Thông tư này thay thế Thông tư liên Bộ số 01/TT/LB ngày 06 tháng 02 năm 1991 của Bộ Lâm nghiệp - Tổng cục Quản lý ruộng đất (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổng cục Địa chính) hướng dẫn việc giao rừng và đất để trồng rừng cho các tổ chức và cá nhân để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp; Thông tư số 06/LN/KL ngày 18 tháng 6 năm 1994 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn thi hành Nghị định số 02/CP ngày 15 tháng 01 năm 1994 về giao đất lâm nghiệp.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các địa phương kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Địa chính để xem xét, giải quyết.

Nguyễn Đình Bồng

(Đã ký)

Nguyễn Văn Đẳng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 62/2000/TTLT-BNN-TCĐC hướng dẫn giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 62/2000/TTLT-BNN-TCĐC
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 06/06/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Địa chính
  • Người ký: Nguyễn Đình Bồng, Nguyễn Văn Đẳng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 27
  • Ngày hiệu lực: 21/06/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 16/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản