Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2011/TT-BCA

Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2011

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội theo quy định của pháp luật, bao gồm: đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý chứng minh nhân dân và các loại giấy tờ đi lại khác; đăng ký, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý con dấu; quản lý dịch vụ bảo vệ; quản lý, sử dụng pháo; quản lý sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; công tác đảm bảo trật tự công cộng; công tác Cảnh sát phản ứng nhanh; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Các đơn vị Công an thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội (sau đây gọi tắt là đơn vị), gồm:

- Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; các đơn vị trực thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

- Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát trật tự, Phòng Cảnh sát phản ứng nhanh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đội, tổ thuộc các đơn vị này;

- Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Đội Cảnh sát trật tự, Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động, Đội Cảnh sát phản ứng nhanh thuộc Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

- Công an phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tổ Cảnh sát khu vực, Tổ Cảnh sát trật tự trực thuộc.

b) Cán bộ chiến sĩ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc các đơn vị quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Công an xã, thị trấn (nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy);

d) Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội

1. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân và đảm bảo cho nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; huy động nhân dân tích cực tham gia công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

2. Góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an xã trong sạch vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; chống cửa quyền, tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Bộ Công an về công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

2. Bảo đảm dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội. Nghiêm cấm mọi hành vi: lợi dụng dân chủ xâm hại lợi ích của Nhà nước, của tập thể và nhân dân; cản trở các hoạt động theo pháp luật của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an xã.

Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC 1. NHỮNG NỘI DUNG THÔNG BÁO, CÔNG KHAI ĐỂ CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN BIẾT

Điều 4. Trụ sở, địa điểm tiếp công dân, giải quyết công việc quản lý hành chính về trật tự xã hội

Trụ sở, địa điểm tiếp công dân, giải quyết công việc quản lý hành chính về trật tự xã hội được bố trí tại nơi thuận tiện, dễ biết để cơ quan, tổ chức, cá nhân liên hệ, giải quyết công việc; phải có biển ghi tên cơ quan, đơn vị tiếp công dân, nội quy nơi tiếp công dân, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn đến nơi giải quyết từng nội dung công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, bảng hướng dẫn các bước giải quyết công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Điều 5. Những nội dung công khai trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội

1. Trình tự, thủ tục, lệ phí, thời gian giải quyết: đăng ký, quản lý cư trú; cấp chứng minh nhân dân và các loại giấy tờ đi lại khác; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cấp giấy phép trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; cấp giấy phép khắc dấu, cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với cơ sở sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa; cấp giấy phép mang pháo hoa, thiết bị, phụ kiện bắn pháo hoa vào Việt Nam và vận chuyển pháo hoa, thuốc pháo hoa, thiết bị phụ kiện bắn pháo hoa.

2. Quy định, hướng dẫn việc gọi điện đến số điện thoại khẩn cấp 113.

3. Tên, số điện thoại, trang thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

4. Hình thức, thủ tục, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội.

5. Khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều 6. Công khai nội quy công sở, thời gian làm việc, cán bộ, chiến sĩ tiếp công dân

1. Nội quy công sở, nội quy tiếp công dân, hòm thư góp ý.

2. Thời gian làm việc hàng ngày, tuần của cán bộ, chiến sĩ tiếp công dân (theo quy định của Luật Lao động, của Bộ Công an, của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) phải công khai để cơ quan, tổ chức, cá nhân biết thực hiện.

3. Cấp bậc, họ tên, chức vụ của cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân phải được công khai tại trụ sở tiếp dân.

Điều 7. Các hình thức công khai

1. Niêm yết tại trụ sở, địa điểm tiếp dân.

2. Thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị (nếu có).

3. Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Thông báo tại các cuộc họp của nhân dân.

5. Các hình thức khác.

MỤC 2. NHỮNG VIỆC CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN THAM GIA, THỰC HIỆN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI

Điều 8. Những việc nhân dân bàn, góp ý để cơ quan có thẩm quyền quyết định

1. Thành lập các tổ chức quần chúng thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự: Ban bảo vệ dân phố, Đội dân phòng, Tổ tự quản đường phố, tự quản về trật tự công cộng, câu lạc bộ về an ninh, trật tự, liên gia tự quản về an ninh, trật tự và các tổ chức tự quản, câu lạc bộ khác đảm bảo an ninh, trật tự.

2. Xây dựng điển hình tiên tiến về an ninh trật tự, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội.

3. Lập các chốt, điểm bảo vệ an ninh, trật tự, duy trì các hoạt động tuần tra của nhân dân phòng ngừa tội phạm.

4. Quy định chế độ, chính sách cụ thể để huy động nhân dân tham gia vào công tác bảo đảm trật tự tại địa bàn.

Điều 9. Những việc các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia ý kiến để cơ quan Công an quyết định

1. Quy ước của các tổ chức quần chúng tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn dân cư.

2. Chấn chỉnh tác phong, thái độ phục vụ của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

3. Đề nghị biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ.

4. Cải cách thủ tục hành chính, thời gian tiếp dân, địa điểm tiếp dân cho phù hợp.

Điều 10. Những việc các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện

1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội.

2. Khi đến làm thủ tục và đề nghị giải quyết những việc liên quan đến quản lý hành chính về trật tự xã hội, phải xuất trình hoặc gửi kèm theo những giấy tờ có liên quan theo quy định; nghiêm chỉnh thực hiện nội quy công sở và chỉ dẫn của cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

3. Phát hiện, tố cáo, đấu tranh, ngăn chặn những hành vi: vi phạm các quy định quản lý hành chính về trật tự xã hội; cản trở, chống lại cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.

4. Giúp đỡ, phối hợp với cán bộ chiến sĩ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội trong khi thi hành nhiệm vụ.

MỤC 3. TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ VÀ CÁN BỘ, CHIẾN SĨ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI

Điều 11. Trách nhiệm, quyền hạn của thủ trưởng đơn vị

1. Tổ chức, chỉ huy, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các nội dung quy định tại Mục 1, Chương II của Thông tư này.

2. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cần thiết cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội. Bố trí cán bộ đủ số lượng, đảm bảo chất lượng thực hiện công tác tiếp công dân; tổ chức thực hiện việc luân chuyển cán bộ theo quy định.

3. Tổ chức tiếp, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định.

4. Chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tổ chức cho nhân dân bàn, tham gia các ý kiến về việc thực hiện các nội dung quy định tại Điều 8, Điều 9 của Thông tư này bằng các hình thức:

a) Họp tổ dân phố, cụm dân cư hoặc họp đại diện nhân dân để trưng cầu ý kiến;

b) Phổ biến các nội dung liên quan đến an ninh trật tự để nhân dân bàn, tham gia ý kiến;

c) Tổ chức hòm thư góp ý, sổ góp ý hoặc các hình thức khác.

5. Quyết định các nội dung quy định tại Điều 9 của Thông tư này.

6. Xem xét, ký duyệt hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết việc thực hiện các nội dung quản lý hành chính về trật tự xã hội theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân và theo đề xuất của cán bộ, chiến sĩ tiếp công dân.

7. Phê duyệt kế hoạch, chương trình công tác; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ; phát hiện, xem xét việc xử lý cán bộ, chiến sĩ vi phạm dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội theo quy định.

Điều 12. Trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, chiến sĩ

1. Thực hiện nghiêm túc các quy định tại Mục 1, chương II của Thông tư này.

2. Cán bộ, chiến sĩ khi tiếp xúc làm việc với cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mặc trang phục đúng Điều lệnh Công an nhân dân; quy định của Pháp lệnh Công an xã; giữ đúng tư thế, lễ tiết tác phong; phải xây dựng kế hoạch, chương trình, lịch công tác và chuẩn bị chu đáo các nội dung, biện pháp giải quyết các tình huống đột xuất. Nội dung kế hoạch công tác của cán bộ, chiến sĩ phải được lãnh đạo đơn vị phê duyệt.

3. Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết đúng thời hạn theo quy định các nội dung công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội. Không được yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp những giấy tờ, thủ tục ngoài quy định.

4. Được sử dụng trang thiết bị, phương tiện cần thiết để phục vụ công tác theo quy định.

5. Quyền được xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức và công dân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

6. Được quyền từ chối tiếp những người say do dùng rượu, bia, chất kích thích khác hoặc có lời nói, hành vi vi phạm nếp sống văn minh ở nơi công cộng.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 8 năm 2011 và thay thế Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 729/1998/QĐ-BCA(V19) ngày 09 tháng 11 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an, Giám đốc sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Vụ Pháp chế có trách nhiệm tham mưu giúp lãnh đạo Bộ tổ chức kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

3. Hàng năm, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức sơ kết việc thực hiện Thông tư này và báo cáo bằng văn bản về Bộ (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Vụ Pháp chế) để chỉ đạo.

Nơi nhận:
- BCĐTW về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở;
- Các đ/c Thứ trưởng, thành viên BCĐ Bộ Công an;
- Các Tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ Công an (để thực hiện);
- Công an, Sở Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Lưu: VT, V19, C61 (C64).

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 48/2011/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội do Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 48/2011/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/07/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Lê Hồng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/08/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản