Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------

Số: 47/2014/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2014

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ ĐIỀU KIỆN TRỒNG, CHĂM SÓC CAO SU KIẾN THIẾT CƠ BẢN Ở MIỀN NÚI PHÍA BẮC

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng ngày 24 tháng 3 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Cục trưởng Cục Trồng trọt;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trồng, chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản ở miền núi phía Bắc.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trồng, chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản ở miền núi phía Bắc. Ký hiệu: QCVN 01-149:2014/BNNPTNT

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 11 tháng 6 năm 2015.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- UBND các Tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các Tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Các Cục, Vụ, Viện, Trường Đại học thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Website Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, KHCN, TT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quốc Doanh

QCVN 01-149:2014/BNNPTNT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA ĐIỀU KIỆN TRỒNG, CHĂM SÓC CAO SU KIẾN THIẾT CƠ BẢN Ở MIỀN NÚI PHÍA BẮC

National Technical Regulation for Immature Rubber Cultivation in the Northern Mountainous Region

Lời nói đầu

QCVN 01-149: 2014/BNNPTNT do Ban kỹ thuật xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trồng, chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản ở Miền núi phía Bắc - Cục trồng trọt biên soạn, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình duyệt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Thông tư số 47/2014/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 12 năm 2014.

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA ĐIỀU KIỆN TRỒNG, CHĂM SÓC CAO SU KIẾN THIẾT CƠ BẢN Ở MIỀN NÚI PHÍA BẮC

National Technical Regulation for Immature Rubber Cultivation in the Northern Mountainous Region

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định điều kiện trồng, chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản cho các tỉnh miền núi phía Bắc nằm trong vùng quy hoạch phát triển cao su.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trồng, chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.

1.3. Thuật ngữ và định nghĩa

Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1. Tum (stump) trần: Phần cây còn lại có mắt ghép chưa nảy mầm, sau khi cắt thân phía trên mí mắt ghép từ 5 cm đến 7 cm và phần rễ phụ, chỉ chừa lại rễ cọc.

1.3.2. Tum bầu có tầng lá: Cây tum trần trồng trong bầu, chồi ghép có tầng lá ổn định.

1.3.3. Tầng lá ổn định: Tầng lá đã phát triển hoàn chỉnh (lá cứng, xòe ngang, có màu xanh đậm).

1.3.4. Gỗ ghép: Cành giống cao su dùng để lấy mắt ghép.

1.3.5. Cấp độ hiếm sương muối: là tần suất xuất hiện sương muối trên 20 năm xuất hiện một lần sương muối ở mức độ cháy lá, thân ngọn cây vẫn còn tươi.

1.3.6. Cấp độ gió cấp 8: tốc độ gió từ 62 đến 74 km/h, cành cây có thể bị bẻ gãy.

1.3.7. Cao su kiến thiết cơ bản: vườn cao su từ khi trồng mới cho đến bắt đầu thu hoạch mủ.

1.4. Tài liệu viện dẫn

Thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 4 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.

II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Yêu cầu về vườn ươm giống cao su

Yêu cầu kỹ thuật đối với vườn ươm tum trần; vườn ươm tum bầu có tầng lá như sau:

2.1.1. Địa điểm: vùng xây dựng vườn ươm giống cao su có độ cao dưới 600 m so với mực nước biển, có điều kiện khí hậu tương tự Mục 2.2, có nguồn nước tưới, thành phần cơ giới đất từ thịt nhẹ đến thịt nặng, thoát nước tốt, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển cây giống.

2.1.2. Thiết kế vườn ươm

2.1.2.1. Thiết kế vườn ươm phải thoát nước, giảm xói mòn, thuận lợi cho chăm sóc và vận chuyển cây giống; có giàn che vườn ươm bằng màng nylon trắng kín giữ ấm cây giống ghép chuẩn bị cho trồng mới trong mùa lạnh;

2.1.2.2. Vườn ươm được chia ô, giữa các ô có đường vận chuyển.

2.1.3. Quản lý vườn ươm cây giống cao su

2.1.3.1. Nhà sản xuất phải lập hồ sơ quản lý vườn ươm cây giống cao su;

2.1.3.2. Trong hồ sơ vườn ươm ghi rõ ngày, tháng, năm trồng; loại hạt giống, giống ghép, gỗ ghép; số cây đạt tiêu chuẩn ghép và tỷ lệ ghép sống của từng đợt ghép theo từng loại giống, giống có nguồn gốc rõ ràng theo Thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/4/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.

2.2. Điều kiện vùng trồng mới

2.2.1. Điều kiện khí hậu đảm bảo các tiêu chí dưới đây:

- Nhiệt độ trung bình năm trên 21,5 °C;

- Không có hoặc hiếm sương muối về mùa đông;

- Lượng mưa trung bình hàng năm trên 1.500 mm;

- Ít có gió mạnh trên cấp 8;

2.2.2. Điều kiện đất đai

- Độ cao dưới 600 m so với mực nước biển;

- Độ dốc dưới 30°;

- Tầng đất dày tối thiểu 0,7 m;

- Độ sâu mực nước ngầm lớn hơn 1,2 m và không bị ngập úng khi có mưa;

- Thành phần cơ giới đất từ thịt nhẹ đến thịt nặng, thoát nước tốt;

- Mức độ kết von, đá lẫn trong tầng đất canh tác < 50%;

- Hóa tính đất: hàm lượng mùn tầng đất mặt > 1,0%, pHKCl: 4 - 6.

2.3. Trồng mới và chăm sóc vườn cao su kiến thiết cơ bản

2.3.1. Tiêu chuẩn áp dụng cho trồng mới, chăm sóc vườn cao su kiến thiết cơ bản

2.3.1.1. Cây giống

- Tiêu chuẩn tum trần: Tum có đường kính gốc đạt tiêu chuẩn (từ 15 mm đến 20 mm). Trường hợp tum chuyển từ nơi khác đến, bảo quản không quá 7 ngày kể từ khi bứng.

- Tiêu chuẩn tum bầu có tầng lá: chồi ghép có ít nhất hai tầng lá ổn định, khỏe, bầu đất không bị vỡ, cây không bị long gốc, không có rễ cọc xuyên thành bầu ra ngoài.

2.3.1.2. Thời vụ trồng

- Trồng tum từ ngày 1/5 đến ngày 30/7 khi thời tiết thuận lợi, đất đủ độ ẩm;

- Trồng tum bầu có tầng lá từ ngày 15/4 đến ngày 31/8 khi thời tiết thuận lợi, đất đủ độ ẩm;

2.3.1.3. Mật độ và khoảng cách trồng

- Mật độ trồng từ 500 cây đến 570 cây/ha, theo độ dốc.

- Trên đất dốc, bố trí cây trên hàng theo đường đồng mức thay đổi từ 2 m đến 3 m; hàng từ 7 m đến 9 m, đạt mật độ từ 500 cây đến 570 cây/ha.

2.3.1.4. Kích thước hố trồng:

- Hố có kích thước dài 60 cm, rộng 50 cm, sâu 60 cm, đáy hố rộng 50 cm x 50 cm.

- Tâm hố đào cách mép ngoài đường đồng mức tối thiểu 1,0 m.

2.3.1.5. Trồng xen

- Trồng xen cây họ đậu, lúa, rau màu, dứa, cỏ chăn nuôi (trừ cây sắn) từ năm đầu cho đến hết năm thứ tư. Áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu trên vườn cao su khi độ dốc bình quân trên 10° khi trồng xen.

- Không trồng xen trên vườn cao su có độ dốc bình quân trên 15°.

- Cây trồng xen cách hàng cao su mỗi bên khoảng 1,5 m (cây họ đậu cách hàng cao su 1 m).

2.3.1.6. Trồng cây che phủ đất

- Loại cây họ đậu che phủ đất: mucuna (Mucuna bracteata, M. cochinchinensis, M. pruriens), kudzu (Pueraria phaseoloides, P. triloba), đậu lông (Calopogonium mucunoides), đậu ma (Centrosema pubescens)...

- Thời gian trồng cây họ đậu che phủ đất: ngay từ năm thứ nhất trên vườn cao su kiến thiết cơ bản.

- Mật độ trồng: trồng cách hàng cao su từ 1 m đến 1,5 m.

- Trên đất dốc giữa hàng cao su nếu không trồng xen hoặc trồng cây che phủ đất thì hạn chế cày xới, giữ thảm thực vật tự nhiên (ngoại trừ cỏ tranh, cây họ tre nứa).

2.3.1.7. Phòng chống rét

- Không sử dụng phân bón kích thích ra chòi, lá non và tỉa chồi vào mùa đông.

- Làm bồn tủ gốc trước mùa đông, có thể tủ gốc bằng màng phủ nông nghiệp kín mặt hố trồng và phủ một lớp đất phía trên dày khoảng 5 cm.

- Trường hợp cây bị ảnh hưởng của rét hại: cắt dưới vị trí bị chết rét từ 20 cm đến 30 cm, nạo bỏ phần vỏ cây bị chết và bôi vaselin.

2.3.1.8. Phòng chống cháy

Đầu mùa khô hàng năm tiến hành phòng chống cháy lô cao su:

- Làm sạch cỏ, quét dọn cành, lá khô trên hàng cao su rộng sang hai bên 1,5 m.

- Làm đường băng cách ly lô cao su với bên ngoài rộng 10 m.

2.3.1.9. Bảo vệ thực vật

- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sản xuất và kinh doanh.

- Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, áp dụng các biện pháp an toàn cho người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

2.3.1.10. Phân bón và chăm sóc

Có quy trình bón phân và chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản phù hợp.

2.4. Yêu cầu chất lượng vườn cây

2.4.1. Yêu cầu vườn cây năm thứ nhất

Vào thời điểm kiểm kê vườn cây cuối năm trồng, tỷ lệ phải đạt:

2.4.1.1. Trồng tum trần: cây ghép sống trên 95% và có trên 80% cây có 3 tầng lá trở lên.

2.4.1.2. Trồng tum bầu có tầng lá: cây ghép sống trên 98% và có trên 80% cây có 4 tầng lá trở lên.

2.4.2. Tăng trưởng hàng năm chu vi thân cây

Chu vi thân cây đo cách mặt đất 1 m vào thời điểm kiểm kê cuối năm phải đạt mức quy định ở Bảng 1.

Bảng 1: Tiêu chuẩn tăng trưởng hàng năm về chu vi thân cây cao su vùng miền núi phía Bắc

Hạng đất

Chu vi thân qua các năm tuổi (cm)

Năm thứ 2

Năm thứ 3

Năm thứ 4

Năm thứ 5

Năm thứ 6

Năm thứ 7

Năm thứ 8

Năm thứ 9

Hạng I

12

23

34

43

50

Mở cạo

-

-

Hạng II

10

19

28

36

44

50

Mở cạo

-

Hạng III

7

13

20

28

36

44

50

Mở cạo

Ghi chú: Hạng đất theo Bảng phân hạng đất trồng cao su ở phần phụ lục

2.4.3. Yêu cầu vườn cây khi hết thời kỳ kiến thiết cơ bản

Khi hết thời kỳ kiến thiết cơ bản vườn cây phải có tỷ lệ cây hữu hiệu đạt trên 85% mật độ thiết kế, trong đó có ít nhất 60% số cây đạt tiêu chuẩn đưa vào khai thác mủ năm đầu.

III. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

3.1. Quy chuẩn này là cơ sở để các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất cao su ở miền núi phía Bắc áp dụng.

3.2. Quy chuẩn này là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất cao su ở miền núi phía Bắc.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Tổ chức, cá nhân sản xuất cao su tại miền núi phía Bắc phải đảm bảo điều kiện trồng, chăm sóc cao su phù hợp với quy định tại Quy chuẩn này.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

5.1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Trồng trọt phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chuẩn này.

5.2. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào yêu cầu quản lý và tình hình thực tế, Cục Trồng trọt có trách nhiệm tổng hợp, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi Quy chuẩn này khi cần thiết.

5.3. Trong trường hợp các quy định viện dẫn tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới./.

PHẦN PHỤ LỤC

Bảng phân hạng đất trồng cao su

TT

Các yếu tố giới hạn

Mức độ giới hạn

0

1

2

3

4

1

Độ sâu tầng đất = H (cm)

>200
(H0)

150 - 200
(H1)

110 - 150
(H2)

70 - 110
(H3)

< 70
(H4)

2

Thành phần cơ giới = T

Sét, sét pha thịt
(T0)

Sét pha cát, thịt pha sét, thịt pha sét mịn, thịt pha sét cát
(T1)

Thịt, thịt rất mịn, thịt mịn
(T2)

Thịt pha cát, cát pha thịt
(T3)

Cát
(T4)

3

Mức độ kết von, đá sỏi = Đ (% thể tích)

< 10
0)

10 - 30
1)

30 - 50
2)

50 - 70
3)

> 70
4)

4

Độ chua đất = pH nước

4,5 - 5,0
(pH0)

5,0 - 5,5 hoặc 4,0 - 4,5
(pH1)

5,5 - 6,5 hoặc 3,5 - 4,0
(pH2)

> 6,5 hoặc < 3,5
(pH3)

-

5

Hàm lượng mùn của lớp đất mặt 0 - 30 cm = M (%)

>4
(M0)

2,5 - 4
(M1)

1 - 2,5
(M2)

< 1
(M3)

-

6

Chiều sâu mực nước ngầm = W (cm)

> 200
(W0)

150 - 200
(W1)

110 - 150
(W2)

70 - 110
(W3)

< 70
(W4)

7

Độ dốc = D (°)

< 3
(D0)

3 - 8
(D1)

8 - 16
(D2)

16 - 30
(D3)

> 30
(D4)

- Tùy theo địa hình và độ đồng nhất của khu vực dự kiến trồng cao su, tiến hành khảo sát lấy mẫu phẫu diện đất các tầng ở độ sâu 0 -150 cm đại diện cho diện tích từ 10 - 25 ha tùy thuộc vào tính phức tạp của địa hình.

- Đất trồng cao su được phân hạng dựa vào bảy yếu tố chủ yếu gồm: độ sâu tầng đất, thành phần cơ giới, mức độ lẫn kết von hoặc đá sỏi trong tầng đất trồng, độ chua đất, hàm lượng mùn, chiều sâu mực nước ngầm và độ dốc. Mỗi yếu tố có ảnh hưởng hạn chế sinh trưởng và sản lượng mủ cao su theo 5 mức độ giới hạn tăng dần là 0, 1, 2, 3 và 4.

- Căn cứ vào mức độ giới hạn của bảy yếu tố nêu ở Bảng trên, đất trồng cao su được phân hạng như sau:

+ I: chỉ có yếu tố ở mức độ giới hạn loại 0 và 1;

+ II: có từ một yếu tố ở mức độ giới hạn loại 2;

+ III: có từ một yếu tố giới hạn loại 3;

+ IVa: có từ một yếu tố ở mức độ giới hạn loại 4 có thể cải tạo;

+ IVb: có từ một yếu tố ở mức độ giới hạn loại 4 không thể cải tạo.

Trong đó các hạng đất I; II và III là các hạng trồng được cao su; hạng IVa là hạng không trồng được cao su hiện tại, sau khi cải tạo có thể trồng được cao su và hạng IVb là hạng không trồng được cao su vĩnh viễn.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 47/2014/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về điều kiện trồng, chăm sóc cao su kiến thiết cơ bản ở miền núi phía Bắc do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 47/2014/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/12/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Quốc Doanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 53 đến số 54
  • Ngày hiệu lực: 11/06/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản