BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 41-TC/NN | Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 1959 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi: Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh, thành phố
Nghị định số 375-TTg ngày 15-10-1959 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định các biện pháp tính thuế, thu thuế và miễn giảm thuế nông nghiệp đối với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Thông tư này giải thích tinh thần của những quy định mới để Ủy ban dựa vào đó lãnh đạo cán bộ và nhân dân thi hành cho đúng chủ trương mới của Đảng và Chính phủ.
1. Về ý nghĩa và mục đích của việc quy định những biện pháp mới
a) Trước tình hình phong trào hợp tác xã hóa nông nghiệp ngày càng mở rộng, biện pháp thu thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo chế độ hiện hành không còn thích hợp nữa. Quan hệ sản xuất trong hợp tác xã là quan hệ tập thể, nửa xã hội chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, nhưng biện pháp thu thuế lại dựa vào cơ sở sản xuất cá thể, cho nên không thể hiện được đầy đủ tính chất công bằng hợp lý của chính sách thuế nông nghiệp, không khuyến khích được phong trào hợp tác xã nông nghiệp.
Nông thôn miền Bắc đang tiếp tục biến đổi, nông dân đang đi dần vào con đường làm ăn tập thể, hợp tác xã cấp thấp cũng mới thành lập và chưa thu hút được đa số người ở nông thôn, hợp tác xã cấp cao còn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong phong trào hợp tác hóa.
Trong những điều kiện như vậy, không thể duy trì biện pháp thu thuế hiện hành đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nhưng vì tình hình đang chuyển biến nên chưa đặt vấn đề thay đổi ngay toàn bộ chính sách thuế nông nghiệp. Trong giai đoạn quá độ, từ nay cho đến khi nông thôn miền Bắc hoàn thành hợp tác hóa, cách giải quyết hợp lý nhất là biện pháp thu thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã trên cơ sở chính sách và chế độ thuế nông nghiệp hiện hành. Như vậy vừa tránh được sự thay đổi đột ngột trong việc đóng góp của nông dân vừa làm cho chính sách thuế nông nghiệp phù hợp với yêu cầu phục vụ hợp tác hóa nông nghiệp trong giai đoạn hiện tại.
b) Căn cứ vào tính chất kinh doanh, phân phối và hưởng thụ trong hợp tác xã, chính sách thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã nhằm quy định nhiệm vụ đóng góp của hợp tác xã và xã viên cho phù hợp với tính chất và mức độ thu nhập của đôi bên trên nguyên tắc vừa công bằng vừa phù hợp với điều kiện sản xuất mới.
Tinh thần của bản quy định mới là không làm cho người nông dân lo ngại về đóng góp khi gia nhập hợp tác xã. Trái lại, biện pháp thu thuế phải có tác dụng khuyến khích nông dân cá thể hăng hái gia nhập hợp tác xã với tất cả tâm trí, sức lực và tư liệu sản xuất của mình, yên tâm phấn khởi, vững bước theo con đường làm ăn tập thể từ thấp lên cao. Mặt khác chế độ nông nghiệp đối với hợp tác xã phải đáp ứng được yêu cầu khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, phải tạo thêm điều kiện để thúc đẩy người nông dân hăng hái lao động, tránh gây tâm lý ỷ lại vào Nhà nước, vào hợp tác xã, lơ là công việc sản xuất.
Trong lúc nhu cầu chi tiêu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn thì số thu về thuế nông nghiệp lại mỗi ngày một giảm do sản lượng đã được ổn định và nhân khẩu mỗi năm một tăng thêm, cho nên chính sách thuế nông nghiệp một mặt phải chiếu cố hợp tác xã, nhưng mặt khác phải bảo đảm nguồn thu tài chính, không để ảnh hưởng nhiều đến ngân sách Nhà nước.
Tóm lại, các biện pháp tính thuế, thu thuế, miễn giảm thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải phù hợp với tình hình mới, giải quyết đúng mức quan hệ giữa lợi ích của quần chúng nông dân xã viên với lợi ích của hợp tác xã, giữa lợi ích hợp tác xã với lợi ích Nhà nước, góp phần đẩy mạnh cải tạo quan hệ sản xuất ở nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp ở miền Bắc nước ta.
2. Về một số điểm trong Nghị định
a) Theo tinh thần của bản Nghị định mới, hợp tác xã là một đơn vị sản xuất quản lý kinh doanh thống nhất, thu hoạch và phân phối thống nhất cho nên hợp tác xã cũng là đơn vị nộp thuế cho Nhà nước. Do đó, mặc dù căn bản vẫn giữ nguyên cách tính thuế theo chế độ hiện hành - trừ thuế suất tối đa- và có sự phân chia nộp thuế giữa tập thể hợp tác xã và nông hộ xã viên, tổng số thuế trong hợp tác xã là thuế của hợp tác xã và do hợp tác xã thống nhất tập trung nộp cho Nhà nước trước khi chia hoa lợi cho xã viên.
b) Hiện nay, trong hợp tác xã không còn nhân tố tư bản, chủ nghĩa tự phát, nhưng việc điều hòa thu nhập trong các tầng lớp nông dân vẫn cần thiết. Vì vậy thuế đối với hợp tác xã vẫn căn cứ vào biểu thuế hiện hành tức là biểu thuế lũy tiến, nhưng không áp dụng các thuế suất cao từ 26% đến 37%. Trái lại các bậc thuế này vẫn còn thi hành đối với người làm ăn riêng lẻ, để có sự phân biệt rõ giữa tập thể và sản xuất cá thể.
c) Dựa vào tính chất phân chia hoa lợi trong hợp tác xã cấp thấp là hình thức chủ yếu hiện nay. Chính phủ đã quy định việc phân chia số thuế giữa tập thể hợp tác xã và nông hộ xã viên. Nguyên tắc cơ bản của chính sách thuế nông nghiệp từ trước đến nay là thuế nông nghiệp đánh vào việc hưởng thụ hoa lợi nông nghiệp chứ không đánh vào quyền sở hữu ruộng đất, cũng như không đánh vào lao động. Căn cứ vào nguyên tắc ấn định tỷ lệ chịu thuế của nông hộ xã viên từ 40% đến 50% về phần ruộng đất đóng góp vàp hợp tác xã là hợp lý và thích đáng, có tác dụng khuyến khích nông dân góp ruộng đất vào hợp tác xã, đồng thời bảo đảm được số hoa lợi hợp lý để trả công lao động cho xã viên.
d) Việc cải thiện đời sống của nông dân trong và ngoài hợp tác xã chủ yếu là dựa vào việc phát triển sản xuất và do sự nỗ lực của nông dân quyết định. Chính phủ chú ý giúp đỡ nông dân bằng mọi cách để phát triển sản xuất làm cho thu nhập của nông dân ngày càng tăng.
Về mặt thuế khóa nếu cần chiếu cố thì cũng chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ chính sách Nhà nước giúp đỡ nông dân. Tuy vậy để biểu thị sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ đối với phong trào hợp tác xã nông nghiệp, Nhà nước cho phép hợp tác xã được trích ra một phần tổng số thuế của hợp tác xã (3% đối với cấp thấp và 5% đối với cấp cao) để lại quỹ của hợp tác xã dùng vào những việc có lợi ích chung trong hợp tác xã. Sự giúp đỡ trực tiếp về tài chính này tạo thêm điều kiện cho hợp tác xã dễ dàng phát triển nhất là trong buổi đầu mới xây dựng.
đ) Ngoài ra đối với việc giảm, miễn thuế cho hợp tác xã trong trường hợp bị thiên tai mà mùa màng bị thiệt hại. Nghị định mới ưu đãi hợp tác xã hơn nông dân cá thể. Tinh thần này còn được thể hiện trong việc tính thuế đối với những ruộng đất cấy thêm của hợp tác xã trong việc nâng đỡ những hợp tác xã kinh doanh cây lưu niên nhưng gặp khó khăn trong buổi đầu v .v…
Trên đây, Bộ chỉ nêu ra một số điểm căn bản để giúp cán Bộ nghiên cứu sâu hơn nữa, nắm vững tinh thần của Nghị định mới, tuyên truyền giải thích sâu rộng trong nhân dân để gây một đà phấn khởi mới, góp phần đẩy mạnh công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc nước ta.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
- 1Nghị định 63-CP năm 1962 sửa đổi Nghị định 375-TTg quy định các biện pháp tính thuế, thu thuế và miễn giảm thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã nông nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 40-TC/NN năm 1959 hướng dẫn thi hành biện pháp thu thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 3Thông tư liên bộ 03-TT/LB năm 1961 về thanh toán tiền bán thóc và hiện vật khác của Tài chính thu về thuế nông nghiệp và giao cho ngành Lương thực do Tổng cục lương thực, Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính ban hành.
- 1Nghị định 63-CP năm 1962 sửa đổi Nghị định 375-TTg quy định các biện pháp tính thuế, thu thuế và miễn giảm thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã nông nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 375-TTg năm 1959 quy định việc tính thuế nông nghiệp đối với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Thủ Tướng ban hành.
- 3Thông tư 40-TC/NN năm 1959 hướng dẫn thi hành biện pháp thu thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 4Thông tư liên bộ 03-TT/LB năm 1961 về thanh toán tiền bán thóc và hiện vật khác của Tài chính thu về thuế nông nghiệp và giao cho ngành Lương thực do Tổng cục lương thực, Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính ban hành.
Thông tư 41-TC/NN năm 1959 giải thích Nghị định 375-TTg về thuế nông nghiệp đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 41-TC/NN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 03/11/1959
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: 18/11/1959
- Số công báo: Số 44
- Ngày hiệu lực: 18/11/1959
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định