Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 33-LĐ/TT | Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 1960 |
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: | - Các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương |
Ngày 9 tháng 9 năm 1960, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị định số 36/CP ban hành bản Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn. Bộ Lao động ra thông tư này để hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành:
Để thực hiện đường lối chung của miền Bắc trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ ba đã ghi một trong những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm (1961 - 1965) lần thứ nhất là: "Ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp toàn diện, phát triển công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ, phát triển giao thông vận tải, tăng cường thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã, chuẩn bị cơ sở để tiến lên, biến nước ta thành một nước công nghiệp và nông nghiệp xã hội chủ nghĩa".
Thực hiện nhiệm vụ đó, không những sản xuất nông nghiệp sẽ thu hút một lực lượng nhân công rất lớn, mà sản xuất công nghiệp, kiến thiết cơ bản và các ngành kinh tế khác cũng cần bổ sung một lực lượng nhân công khá lớn. Để thoả mãn nhu cầu nhân công cho sản xuất công nghiệp, kiến thiết cơ bản và các ngành kinh tế khác, không những ta phải tận dụng khả năng nhân công ở các thành phố, mà chủ yếu phải dựa vào lực lượng nhân công to lớn ở nông thôn.
Ở miền Bắc nước ta, dân số phân bổ không đều. Miền đồng bằng ruộng đất ít, dân thì đông, nguồn nhân công rất dồi dào ; miền trung du và miền núi đất rộng, tài nguyên rất phong phú nhưng dân lại ít, nhân công rất khan hiếm. Để tận dụng sức lao động dồi dào ở miền đồng bằng vào công cuộc phát triển kinh tế, thì ngoài việc phát triển nông nghiệp toàn diện để thu hút sức lao động thừa, Nhà nước còn phải có biện pháp điều chỉnh một phần nhân công ở nông thôn bổ sung cho sản xuất công nghiệp, kiến thiết cơ bản v.v... và chuyển một phần nhân công ở miền đồng bằng lên khai thác ở miền trung du và miền núi.
Việc điều chỉnh một phần nhân công ở nông thôn cho sản xuất công nghiệp, kiến thiết cơ bản và các ngành kinh tế khác là một biện pháp quan trọng, không những để thoả mãn nhu cầu nhân công cho công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc mà còn có tác dụng tăng thêm việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp phát triển. Hơn nữa, hiện nay ở nông thôn phong trào sản xuất nông nghiệp toàn diện và hợp tác hoá đang phát triển mạnh mẽ, phong trào cải tiến kỹ thuật, bước đầu cơ giới hoá và công cuộc thuỷ lợi cũng đang được đẩy mạnh.
Nền kinh tế ở miền Bắc phát triển có kế hoạch và cân đối, do đó sức lao động ở nông thôn ; Nhà nước cần phải điều hoà, phân phối, sử dụng có kế hoạch và hợp lý vào công cuộc phát triển các ngành kinh tế quốc dân ; việc tuyển dụng nhân công của các ngành phải có sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
Vì vậy, Chính phủ đã ban hành bản Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn với mục đích : tăng cường quản lý việc tuyển dụng và sử dụng nhân công nhằm điều hoà, sử dụng hợp lý các nguồn nhân công ở nông thôn để phát triển nông nghiệp toàn diện, đồng thời đảm bảo nhu cầu nhân công cho sản xuất công nghiệp, kiến thiết cơ bản và các ngành kinh tế khác. Mặt khác việc quy định đó cũng nhằm giải quyết công ăn việc làm cho những người thiếu việc, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân lao động.
II. NGUYÊN TẮC THỐNG NHẤT VIỆC QUẢN LÝ, ĐIỀU HOÀ PHÂN PHỐI NHÂN CÔNG
Ở Điều 1 trong bản Điều lệ, Chính phủ đã quy định "Thống nhất việc quản lý, điều hoà phân phối các nguồn nhân công ở nông thôn theo kế hoạch Nhà nước vào Bộ Lao động và Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh", Bộ Lao động giải thích rõ như sau:
Trước đây, để thực hiện kế hoạch khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế và văn hoá, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động và Uỷ ban hành chính các cấp nhiệm vụ : quản lý, điều hoà, phân phối nhân công cho các ngành kinh tế và đã quy định cho các ngành cần tuyển dụng nhân công đều phải qua Bộ Lao động và Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh phân phối. Mặt khác Chính phủ cũng đã ban hành các thể lệ, nguyên tắc, thủ tục tuyển dụng và sử dụng nhân công. Nhờ sự cố gắng của Uỷ ban hành chính các cấp, cơ quan Lao động và các ngành nên việc điều hoà phân phối nhân công trong thời gian qua, về căn bản đã đảm bảo nhu cầu nhân công, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước, giải quyết được nạn thất nghiệp ở các thành phố và tăng thêm việc làm cho một số nông dân ở những vùng ruộng đất ít, gặp thiên tai đời sống thấp.
Song việc thực hiện nhiệm vụ và những điều quy định của Chính phủ, của Uỷ ban hành chính các cấp, ngành Lao động và các ngành sử dụng còn nhiều thiếu sót:
- Về phía ngành sử dụng, tình trạng tuyển dụng nhân công thiếu kế hoạch, tự ý tuyển dụng nhân công nhất là nhân công ở nông thôn còn phổ biến, sử dụng nhân công còn lãng phí nghiêm trọng. Về phía Uỷ ban hành hcính và cơ quan Lao động nhiều khi cũng chưa đảm bảo cung cấp nhân công đúng yêu cầu và thời gian cho các ngành sử dụng. Do đó từng nơi, từng lúc đã ảnh hưởng không tốt tới sản xuất nông nghiệp, phong trào hợp tác hoá, việc giải quyết công ăn việc làm cho những người lao động thiếu việc và việc thực hiện kế hoạch Nhà nước của một số ngành. Những phần tử xấu, địa chủ trốn cải tạo lao động trong sản xuất nông nghiệp lợi dụng sơ hở chui vào các cơ sở sản xuất của Nhà nước.
Vì vậy, Chính phủ quy định nguyên tắc thống nhất việc quản lý, điều hoà phân phối nhân công ở nông thôn theo kế hoạch Nhà nước và Bộ Lao động và Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh là nhằm: khắc phục những thiếu sót trên, để cao trách nhiệm của cơ quan quản lý điều hoà, phân phối nhân công và các ngành sử dụng nhân công. Về phía Bộ Lao động và Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh là cơ quan thống nhất việc điều hoà phân phối nhân công phải căn cứ vào yêu cầu nhân công của kế hoạch Nhà nước và khả năng nhân công ở nông thôn cũng như ở thành phố mà tìm mọi biện pháp đảm bảo nhu cầu nhân công cho các ngành sử dụng. Về phía các ngành sử dụng không phân biệt thuộc khu vực sản xuất hoặc khu vực hành chính sự nghiệp cần tuyển dụng, sử dụng nhân công và tuyển sinh, thanh niên, học sinh đã thôi học ở nông thôn cũng như ở thành phố để vào làm việc ở các cơ quan, các xí nghiệp, doanh nghiệp, công, nông, lâm trường v.v... hoặc để tạo công nhân, nhân viên kỹ thuật đều phải có kế hoạch và do sự phân phối thống nhất của Bộ Lao động và Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh.
III. TRÁCH NHIỆM UỶ BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP
Ở Điều 2 trong bản Điều lệ, Chính phủ đã quy định trách nhiệm của Uỷ ban hành chính các cấp trong việc quản lý điều hoà phân phối nhân công. Bộ Lao động giải thích và quy định chi tiết như sau:
A. UỶ BAN HÀNH CHÍNH KHU, THÀNH, TỈNH:
- Lập kế hoạch nhân công cho kế hoạch địa phương và quản lý khả năng nhân công trong địa phương.
- Đảm bảo cung cấp nhân công cho kế hoạch Trung ương do Bộ Lao động giao và cho kế hoạch địa phương: Căn cứ nhiệm vụ và tình hình nhân công trong địa phương mà lập kế hoạch cân đối sức lao động và phân phối nhiệm vụ cung cấp nhân công cho các huyện, quận, châu. Đồng thời đề ra những biện pháp hướng dẫn các huyện, châu, quận, đảm bảo cung cấp nhân công cho các ngành.
- Hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thi hành chính sách, thể lệ tuyển dụng và sử dụng nhân công của Nhà nước trong các ngành, các xí nghiệp, công trường v.v... ở địa phương kể cả các cơ sở thuộc kế hoạch Trung ương.
- Được quyền phân phối nhân công cho các yêu cầu đột xuất ngoài kế hoạch của các ngành thuộc kế hoạch địa phương và những yêu cầu đột xuất cấp bách ngoài kế hoạch của các ngành, các xí nghiệp, công trường... thuộc kế hoạch Trung ương ở tại địa phương cần tuyển dụng nhân công làm tạm thời trong một thời gian ngắn để làm những công việc như: chống thiên tai, bão lụt, hoả hoạn, vận chuyển gấp hàng hoá, nguyên vật liệu v.v...
Trường hợp khi các khu, thành, tỉnh lập kế hoạch cân đối sức lao động, sau khi đã tận dụng khả năng nhân công của địa phương mà vẫn không đủ để cung cấp cho các ngành, được đề nghị Bộ Lao động phân phối, cung cấp nhân công ở địa phương khác tới.
Các Sở, Ty, phòng Lao động là cơ quan chịu trách nhiệm trước Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trên.
B. UỶ BAN HÀNH CHÍNH HUYỆN, CHÂU, QUẬN:
- Lập kế hoạch nhân công cho kế hoạch địa phương và quản lý khả năng nhân công trong địa phương.
- Căn cứ vào nhiệm vụ cung cấp nhân công do Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh giao cho, nhu cầu nhân công cho kế hoạch địa phương và tình hình nhân công trong địa phương mà lập kế hoạch phân phối giao nhiệm vụ cung cấp nhân công cho các xã. Đồng thời hướng dẫn, đôn đốc các xã đảm bảo cung cấp nhân công cho các ngành sử dụng và đảm bảo thực hiện chính sách, thể lệ tuyển dụng của Nhà nước.
- Được quyền phân phối nhân công cho các yêu cầu đột xuất cấp bách của các ngành, các xí nghiệp, công trường ở tại địa phương theo sự phân cấp của Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh.
C. UỶ BAN HÀNH CHÍNH XÃ:
Uỷ ban hành chính xã là đơn vị trực tiếp quản lý các nguồn nhân công và văn cứ vào tình hình sản xuất nông nghiệp mà phân phối sức lao động cho hợp lý vào sản xuất và mọi công tác của địa phương; đồng thời là đơn vị trực tiếp tổ chức vận động giáo dục nhân công, đảm bảo cung cấp cho các ngành tuyển dụng. Vì vậy nhiệm vụ cụ thể là:
- Dựa vào các hợp tác xã mà tổ chức quản lý khả năng nhân công (thợ và lao động) trong địa phương bằng các biện pháp tổ chức các tổ thợ, tính toán sức lao động thừa của nông dân v.v...
- Căn cứ vào nhiệm vụ cung cấp nhân công mà Uỷ ban hành chính huyện, châu, quận giao cho và kế hoạch lao động sản xuất của các hợp tác xã mà bố trí giới thiệu nhân công đi làm, đảm bảo đúng yêu cầu (số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn) và thời gian cho các ngành, các xí nghiệp, công trường...
- Phối hợp với các đoàn thể tiến hành việc giáo dục, động viên nhân công hăng hái đi làm và làm tròn nhiệm vụ trên các xí nghiệp, công trường...
- Được quyền phân phối nhân công cho các yêu cầu đột xuất cấp bách để chống thiên tai: bão lụt, hoả hoạn của các xí nghiệp, công trường... ở tại địa phương cần tuyển nhân công làm trong 5, 3 ngày, nhưng sau đó phải báo cáo cho Uỷ ban hành chính huyện, châu, quận biết.
Nói chung Uỷ ban hành chính và cơ quan Lao động các cấp có trách nhiệm đảm bảo cung cấp nhân công đúng yêu cầu và thời gian cho các ngành sử dụng theo kế hoạch phân phối của Bộ Lao động. Trường hợp đặc biệt vì những lý do khách quan mà Uỷ ban hành chính huyện, châu, quận, xã không cung cấp đủ số nhân công cho các ngành, xí nghiệp, công trường tuyển dụng, phải kịp thời báo cáo cho Uỷ ban hành chính và cơ quan Lao động khu, thành, tỉnh để kịp thời phân phối nơi khác. Nếu Uỷ ban hành chính và cơ quan Lao động khu, thành, tỉnh sau khi đã tìm mọi biện pháp nhưng cũng không đảm bảo cung cấp được, phải báo cáo cho Bộ Lao động giải quyết.
Ngoài kế hoạch phân phối nhân công của Uỷ ban hành chính và cơ quan Lao động khu, thành, tỉnh, các Uỷ ban hành chính huyện, châu, quận, xã, các Ban quản trị hợp tác xã, các đoàn thể ở nông thôn không được tuỳ tiện giới thiệu nhân công đi tìm việc tại các thành phố hoặc tại các xí nghiệp, công trường... Đây là biện pháp để ngăn ngừa nông dân tự động chạy ra thành phố, tới các xí nghiệp, công trường... tìm việc, gây nên khó khăn cho việc quản lý các thành phố, lãng phí sức lao động ảnh hưởng không tốt tới sản xuất nông nghiệp và phong trào hợp tác hoá. Nhưng biện pháp chủ yếu là Uỷ ban hành chính các cấp và các hợp tác xã cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện để sử dụng sức lao động thừa của nông dân, đồng thời cần phải tiến hành giáo dục cho nông dân tích cực sản xuất nông nghiệp, tuân theo sự bố trí giới thiệu đi làm có tổ chức của chính quyền và hợp tác xã, không nên tự động chạy ra thành phố, tới các xí nghiệp, công trường... tìm việc.
Mặt khác, khi Uỷ ban hành chính xã bố trí giới thiệu và chứng nhận giấy tờ cho nhân công đi làm theo kế hoạch phân phối của Uỷ ban hành chính huyện, châu, quận phải có sự bàn bạc tập thể trong Uỷ ban và phối hợp chặt chẽ với các Ban quản trị hợp tác xã. Nếu cá nhân nào tự ý giới thiệu nhân công đi làm không đúng chính sách và thể lệ của Nhà nước, Uỷ ban hành chính cần tổ chức kiểm điểm và tuỳ mức độ và nguyên nhân khuyết điểm mà có hình thức kỷ luật thích đáng.
IV. NGUYÊN TẮC ĐIỀU HOÀ, PHÂN PHỐI NHÂN CÔNG
Ở Điều 3 trong bản Điều lệ, Chính phủ đã quy định các nguyên tắc điều hoà, phân phối nhân công. Để thực hiện đúng các nguyên tắc đó, khi điều hoà phân phối nhân công cho các ngành, các xí nghiệp, công trường tuyển dụng, Uỷ ban hành chính và cơ quan Lao động các cấp cần chú ý những điểm như sau:
1) Phải dựa vào quy hoạch sản xuất nông nghiệp mà tính toán giữa khả năng và nhu cầu nhân công để phát triển nông nghiệp toàn diện và mọi công tác của địa phương như: dân công, thuỷ lợi, kiến thiết nông thôn v.v... Trên cơ sở đó xác định số nhân công có thể rút bớt để có kế hoạch phân phối sử dụng nhân công cho hợp lý, vừa thoả mãn nhu cầu nhân công cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, vừa đảm bảo nhu cầu nhân công cho sản xuất công nghiệp, kiến thiết cơ bản và các ngành kinh tế khác.
2) Phải căn cứ vào tình hình ruộng đất, tình hình nhân công thừa nhiều hoặc ít, tình hình sản xuất nông nghiệp, nghề phụ, thời vụ v.v... của mỗi địa phương, đồng thời phải tính toán cả đến độ xa gần từ địa phương tới các xí nghiệp, công trường để giao nhiệm vụ cung cấp nhân công cho từng địa phương được hợp lý. Hướng phân phối cho các ngành tuyển dụng là những nơi ruộng đất ít, thiếu điều kiện mở rộng diện tích canh tác, nhân công thừa nhiều, ít khả năng phát triển nghề phụ, đời sống của nông dân còn thấp hoặc những nơi đồng chiêm một vụ, những vùng gặp thiên tai v.v...
3) Phải tiến hành điều chỉnh số nhân công sử dụng chưa hợp lý hoặc thừa của các ngành, các xí nghiệp, công trường... trước khi phân phối cho các ngành, các xí nghiệp, công trường tuyển nhân công mới. Khi phân phối trước hết lấy nhân công tại địa phương nơi mở xí nghiệp, công trường, nếu không đủ mới điều động nhân công ở địa phương khác tới (nhất là nhân công làm tạm thời). Các tỉnh miền núi, Uỷ ban hành chính và cơ quan Lao động cần có kế hoạch động viên khả năng nhân công của địa phương, để giảm bớt những tổn phí trong việc điều động nhân công ở miền xuôi lên làm tạm thời rồi lại trở về, đồng thời tạo điều kiện cho đồng bào miền núi tiến bộ thêm và phát triển lực lượng giai cấp công nhân trong đồng bào miền núi.
4) Phải xem xét kỹ yêu cầu, tính chất sản xuất của mỗi ngành, mỗi xí nghiệp, công trường v.v... để đặt trình tự ưu tiên trong khi phân phối. Đối với yêu cầu nhân công nhất là các loại thợ cho các xí nghiệp quốc phòng, công nghiệp nặng, các công trình trọng điểm, các công trình ở miền núi cần được ưu tiên phân phối trước. Đối với những yêu cầu nhân công cho các ngành thuộc kế hoạch Trung ương phải được ưu tiên phân phối trước các yêu cầu của các ngành thuộc kế hoạch địa phương.
5) Phải đảm bảo yêu cầu và thời gian tuyển dụng của các ngành, các xí nghiệp, công trường... đồng thời khi bố trí nhân công đi làm trước hết phải lấy những người lao động thiếu việc ở các thành phố, nếu không đủ mới lấy người ở nông thôn. Đối với người ở nông thôn trước hết cần bố trí cho các gia đình đông người, ruộng đất ít, thiếu việc làm kể cả trong và ngoài hợp tác xã, trong đó cần ưu tiên cho quân nhân phục viên, con em liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, con em bộ đội, cán bộ, công nhân. Cần chú trọng lựa chọn những người có nghề, thanh niên có sức khoẻ ở những nơi ruộng đất ít, đời sống còn thấp, cần có công ăn việc làm.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH SỬ DỤNG
Ở Điều 4 và 5 trong bản điều lệ, Chính phủ đã quy định trách nhiệm của các ngành sử dụng. Bộ Lao động giải thích và quy định chi tiết như sau:
A. TUYỂN DỤNG:
1) Hàng năm và từng quý căn cứ vào kế hoạch đã được Chính phủ quy định các ngành sử dụng phải lập kế hoạch nhân công gửi cho Bộ lao động (nếu thuộc kế hoạch Trung ương) và gửi cho Sở, ty, Phòng lao động (nếu thuộc kế hoạch địa phương) xin phân phối. Trong kế hoạch nhân công, các ngành phải nêu rõ số nhân công cần tuyển dụng lâu dài đưa vào biên chế và số nhân công làm tạm thời và tiêu chuẩn tuyển dụng.
Kế hoạch nhân công của các ngành phải gửi trước ít nhất 2 tháng nếu là kế hoạch cả năm và ít nhất 1 tháng nếu là kế hoạch cả năm và ít nhất 1 tháng nếu là kế hoạch từng quý, để cơ quan Lao động tổng hợp, thẩm xét và lập kế hoạch phân phối cho các địa phương. Khi kế hoạch sản xuất thay đổi, các ngành phải kịp thời điều chỉnh lại kế hoạch nhân công và báo cáo cho cơ quan Lao động biết trước 1 tháng trước khi cần tuyển dụng nhân công (hoặc không cần tuyển nữa), để cơ quan Lao động kịp thời điều chỉnh lại kế hoạch phân phối.
Khi cần tuyển thêm nhân công, trước hết các ngành phải điều chỉnh số nhân công thừa hoặc sử dụng chưa hợp lý trong các ngành, nếu chưa đủ mới được tuyển thêm.
Các ngành không có kế hoạch nhân công sẽ không được phân phối tuyển dụng. Trừ những trường hợp đột xuất ngoài kế hoạch phải được Bộ lao động (nếu thuộc kế hoạch Trung ương) hoặc Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh (nếu thuộc kế hoạch địa phương) xét đồng ý mới được phân phối tuyển dụng.
2) Khi các ngành, các xí nghiệp, công trường v.v... đi tuyển nhân công, nếu theo kế hoạch phân phối của Bộ lao động mà được tuyển nhân công ngay tại địa phương (thành phố, tỉnh) nơi mở xí nghiệp, công trường... thì cử cán bộ đến trực tiếp Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động thành, tỉnh mà bàn bạc kế hoạch tuyển dụng và xin phân phối giới thiệu về huyện, châu, quận để tuyển; đồng thời báo cáo cho Bộ lao động biết. Nếu theo kế hoạch phân phối của Bộ lao động được tuyển nhân công ở địa phương (thành phố, tỉnh) khác thì phải qua sự giới thiệu của Bộ lao động. Khi về huyện, châu, quận thì do sự phân phối giới thiệu của Uỷ ban hành chính huyện, châu, quận mà bàn bạc với Uỷ ban hành chính xã cùng tiến hành tuyển dụng.
Đối với những yêu cầu đột xuất cấp bách cần tuyển dụng một số nhân công làm tạm thời trong một thời gian ngắn để làm những công việc như: chống thiên tai, bão lụt, hoả hoạn, vận chuyển gấp hàng hoá, nguyên vật liệu v.v... thì có thể trực tiếp Uỷ ban hành chính địa phương gần nhất xin phân phối (theo sự phân cấp về nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban hành chính các cấp nói ở phần III) nhưng sau đó phải kịp thời báo cho Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động khu thành, tỉnh biết, đồng thời báo các cho Bộ lao động biết (nếu thuộc kế hoạch Trung ương).
3) Khi các ngành, các xí nghiệp, công trường v,v... về xã tuyển dụng phải báo cáo cho Uỷ ban hành chính xã biết số nhân công tuyển dụng lâu dài đưa vào biên chế, số nhân công tuyển dụng tạm thời để Uỷ ban hành chính xã bàn bạc với các hợp tác xã bố trí nhân công cho thích hợp. Đối với nhân công tuyển dụng lâu dài đưa vào biên chế phải theo đúng thể lệ của Nhà nước đã ban hành. Đối với nhân công tuyển dụng tạm thời phải ký kết hợp đồng có thời hạn hoặc theo vụ theo mùa giữa đại biểu có thẩm quyền của ngành sử dụng và đại biểu nhân công (nếu nhân công là xã viên hợp tác xã thì ban quản trị ký). Hợp đồng ký kết không được trái với các chế độ lao động hiện hành và phải có chứng thực của Uỷ ban hành chính xã.
Nội dung hợp đồng phải ghi rõ : nhiệm vụ , thời gian công tác của nhân công, tiền công, chế độ phúc lợi xã hội, trách nhiệm của ngành sử dụng và nhân công. Hợp đồng sau khi ký kết hai bên đều có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành.
4) Ngoài các nguyên tắc, thủ tục quy định trên, các ngành, các xí nghiệp, công trường... không được tự ý tuyển dụng nhân công dưới bất cứ dưới hình thức nào (tự ý cử cán bộ đi tuyển, tự ý tuyển nhân công tới xin việc hoặc do cảm tình cá nhân giới thiệu v.v...), không được tuyển dụng và sử dụng nhân công qua cai thầu, đầu dài hoặc dùng nhân công theo lối khoán trắng.
Trường hợp các ngành, các xí nghiệp, công trường... muốn tuyển con em công nhân, viên chức của đơn vị mình cũng phải báo cáo và được sự chấp thuận của cơ quan Lao động thì mới được sử dụng.
Sau mỗi đợt tuyển dụng, các ngành, các xí nghiệp, công trường... phải tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả về sở, ty, phòng lao động nơi phân phối biết, đồng thời báo cáo cho Bộ lao động (nếu thuộc kế hoạch Trung ương).
B. SỬ DỤNG:
1) Trước khi điều động nhân công tới làm việc, các xí nghiệp, công trường... phải chuẩn bị: công việc làm, dụng cụ, chỗ ăn ở v.v... để khi nhân công tới có thể giao việc ngay, tránh lãng phí và đảm bảo đời sống cho nhân công. Phải căn cứ vào tình hình sản xuất, và trình tự thi công để bố trí điều động nhân công cho hợp lý. Trường hợp cơ quan Lao động kiểm tra xét thấy việc chuẩn bị chưa đầy đủ thì chưa cho điều động nhân công tới.
Việc điều động nhân công từ địa phương tới xí nghiệp, công trường... phải được tổ chức chu đáo, nhanh, gọn. Trước khi giao việc cho nhân công, phải được giáo dục chu đáo. Trường hợp đã trót tập trung nhân công rồi mà kế hoạch sản xuất thay đổi hoặc do việc chuẩn bị chưa đầy đủ thì xí nghiệp, công trường... phải kịp thời báo cáo cho Uỷ ban hành chính và cơ quan Lao động để có thể điều chỉnh sang xí nghiệp, công trường... khác trong địa phương, nếu cơ quan Lao động không điều chỉnh được thì xí nghiệp, công trường... phải giải thích và thanh toán mọi quyền lợi : tiền tàu xe (người và hành lý), tiền ăn đường cho nhân công trở về địa phương. Mặt khác xí nghiệp, công trường... phải tổ chức kiểm điểm và tuỳ mức độ và nguyên nhân của khuyết điểm mà có thể thi hành kỷ luật đối với cán bộ phụ trách.
2) Trong lúc sử dụng nhân công, các ngành, các xí nghiệp, công trường... phải quản lý chặt chẽ, tổ chức lao động hợp lý, giao việc có mức năng suất cụ thể, phải đảm bảo thi hành đúng các chế độ lao động hiện hành và những điều ghi trong hợp đồng. Mặt khác phải chăm sóc đời sống, giáo dục tư tưởng, chính trị, tổ chức học tập văn hoá, có kế hoạch bồi dưỡng về nghề nghiệp và đào tạo thợ mới (ở những nơi sử dụng thợ, công việc có tính chất kỹ thuật, thời gian sử dụng dài) để làm cho nhân công phát huy tính tích cực sáng tạo không ngừng nâng cao năng suất lao động, tránh lãng phí trong khi làm việc ở xí nghiệp, công trường đồng thời làm cho nhân công khi trở về có tác dụng tốt cho các mặt công tác của địa phương.
3) Khi nhân công làm hết thời gian ghi trong hợp đồng, nếu do yêu cầu của sản xuất mà các ngành, các xí nghiệp, công trường... muốn tiếp tục sử dụng phải báo cáo và có sự chấp thuận của cơ quan Lao động nơi phân phối nhân công (khi xét cơ quan Lao động cần trao đổi thống nhất với Uỷ ban hành chính xã và hợp tác xã). Trường hợp vì những lý do khách quan như: kế hoạch sản xuất rút hẹp, thiếu nguyên vật liệu v.v... nhân công thừa trước khi hết thời hạn ghi trong hợp đồng thì trước hết ngành sử dụng phải điều chỉnh trong nội bộ (lao động thường chủ yếu là điều chỉnh trong địa phương) đồng thời báo cáo cho cơ quan Lao động biết. Nếu không có khả năng điều chỉnh, thì báo cáo cho cơ quan Lao động địa phương để có thể điều chỉnh sang ngành khác. Trường hợp cơ quan Lao động không điều chỉnh được thì mới cho nhân công thôi việc.
Khi nhân công hết việc trở về địa phương, xí nghiệp, công trường... phải tổ chức kiểm điểm thi đua, khen thưởng những đơn vị và cá nhân có thành tích đồng thời thanh toán chu đáo mọi quyền lợi đã ghi trong hợp đồng và theo chế độ lao động hiện hành, làm giấy giới thiệu nhận xét về Uỷ ban hành chính xã. Mặt khác, công trường phải báo cáo cho cơ quan Lao động địa phương nơi mở xí nghiệp, công trường và nơi phân phối nhân công biết, đồng thời báo cáo cho Bộ lao động (nếu thuộc kế hoạch Trung ương).
Trường hợp nhân công đã làm hết thời hạn ghi trong hợp đồng mà các ngành, các xí nghiệp, công trường... muốn tuyển vào biên chế phải báo cáo và được sự chấp thuận của Bộ lao động (nếu thuộc kế hoạch Trung ương) hoặc sở, ty, phòng lao động nơi phân phối nhân công (nếu thuộc kế hoạch địa phương).
VI. VIỆC THI HÀNH KỶ LUẬT NẾU VI PHẠM NHỮNG ĐIỀU QUY ĐỊNH
Ở Điều 8 trong bản Điều lệ, Chính phủ đã quy định: "Cá nhân hoặc tổ chức nào vi phạm những điều quy định trên, tự động tuyển người không qua Uỷ ban hành chính các cấp giới thiệu sẽ bị phê bình quảng cáo; trường hợp hành động vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy tố trước pháp luật". Bộ Lao động giải thích như sau:
Đây là một biện pháp quan trọng để đảm bảo việc chấp hành nghiêm chỉnh bản Điều lệ của Chính phủ, mặt khác là một hình thức giáo dục đối với cán bộ về ý thức tôn trọng pháp luật của Nhà nước.
Những trường hợp vi phạm bản Điều lệ, tự tuyển nhân công bất cứ dưới hình thức nào, sử dụng nhân công gây nên lãng phí đều bị thi hành kỷ luật, nếu nhẹ thì bị phê bình, nếu nặng thì cảnh cáo. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có tác hại tới nhiều mặt, nhiều chính sách hoặc đã bị cảnh cáo rồi mà không chịu sửa chữa thì sẽ bị truy tố trước pháp luật.
Cách sử lý thì: - Sai lầm do cá nhân vi phạm, mà đơn vị hoặc cơ quan Lao động kiểm tra phát hiện thì do đơn vị tiến hành kiểm điểm và tuỳ mức độ và nguyên nhân sai lầm mà thi hành kỷ luật hoặc đề nghị đưa ra truy tố trước pháp luật. Sai lầm do tổ chức vi phạm mà do cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan Lao động kiểm tra phát hiện thì đơn vị phải tiến hành kiểm điểm và do Bộ chủ quản (nếu thuộc kế hoạch Trung ương) hoặc Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh (nếu thuộc kế hoạch địa phương) sử lý về mặt kỷ luật hoặc đề nghị đưa ra truy tố trước pháp luật đối với cán bộ phụ trách.
Khi các Bộ, các ngành, các xí nghiệp, công trường... sử lý về mặt kỷ luật hoặc đề nghị đưa ra truy tố trước pháp luật đối với cá nhân hoặc tổ chức vi phạm cần có sự bàn bạc thống nhất ý kiến với Bộ Lao động và cơ quan Lao động các địa phương.
Ở Điều 9 trong Bản Điều lệ, chính phủ đã quy định. "Uỷ ban hành chính các khu, thành, tỉnh phải chú ý tăng cường tổ chức cơ quan Lao động, Uỷ ban hành chính huyện, châu, quận, xã, khu phố phải có một uỷ viên phụ trách công tác nhân công. Các Bộ, các ngành sử dụng phải tăng cường lãnh đạo các tổ chức quản lý nhân công ở cơ quan Bộ, ngành và cơ sở sản xuất" Bộ lao động hướng dẫn thêm về biện pháp thực hiện bản điều lệ như sau:
1) Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh phải trực tiếp lãnh đạo công tác nhân công, ngoài việc tăng cường cơ quan Lao động về số lượng và chất lượng cán bộ, giao nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng thì đồng thời chú ý tạo mọi điều kiện cho cơ quan Lao động làm tròn nhiệm vụ. ở huyện, châu, quận, xã, khu phố, Uỷ ban hành chính cũng phải trực tiếp lãnh đạo công tác nhân công, ngoài việc phân công một uỷ viên phụ trách, thì tuỳ tình hình của mỗi địa phương theo sự quy định của Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh mà bố trí thêm cán bộ chuyên trách giúp việc.
Trong khi tiến hành nhiệm vụ quản lý, điều hoà, phân phối nhân công, cơ quan Lao động các cấp phải có sự phối hợp chặt chẽ với Ban công tác nông thôn, Công đoàn và các ngành, các đoàn thể có liên quan như: Công an, Y tế, v.v...
2) Các Bộ và Uỷ ban hành chính các cấp cần phổ biến sâu rộng bản Điều lệ của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động trong cán bộ các ngành, các cấp, trong công nhân và nông dân. Cần tăng cường và thường xuyên giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa, thái độ lao động mới, vị trí quan trọng của sản xuất nông nghiệp cho nông dân nhất là các xã viên hợp tác xã, để cho mọi người tích cực lao động sản xuất nông nghiệp. Mặt khác trong các đợt tuyển dụng nhân công cần tiến hành giáo dục cho nông dân về tính chất quan trọng của sản xuất công nghiệp và yêu cầu, tính chất công tác của ngành tuyển dụng để cho nông dân sẵn sàng đi làm, tích cực lao động sản xuất trên các xí nghiệp, công trường...
3) Các Bộ, các Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động cần tổ chức chỉ đạo riêng việc thực hiện bản Điều lệ ở một vài địa phương, một vài xí nghiệp, công trường... để rút kinh nghiệm lãnh đạo chung. Mặt khác trong quá trình thực hiện cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình tuyển dụng và sử dụng nhân công của các ngành, các cấp nhất là ở các xí nghiệp, công trường... để kịp thời uốn nắn, bổ khuyết những thiếu sót đảm bảo thi hành một cách đúng đắn bản Điều lệ của Chính phủ.
Công tác tuyển dụng và sử dụng nhân công nói chung và ở nông thôn nói riêng là một chính sách lớn của Đảng và Chính phủ, có quan hệ đến nhiều ngành kinh tế và nhiều chính sách khác, nó đóng một vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho những người thiếu việc, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân lao động. Vì vậy Bộ Lao động đề nghị các Bộ, các Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động cần phổ biến sâu rộng bản Điều lệ của Chính phủ và thông tư hướng dẫn này của Bộ Lao động và chú ý đúng mức việc chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình thực hiện có những mắc mứu gì hoặc có vấn đề chưa rõ, kịp thời báo cáo cho Bộ Lao động, để giải thích hoặc bổ sung thông tư.
Nguyễn Văn Tạo (Đã ký) |
- 1Nghị định 36-CP năm 1960 ban hành điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 2Thông tư 462-TTg năm 1961 về việc điều tra tình hình sử dụng lao động ở nông thôn do Phủ Thủ Tướng ban hành.
- 3Thông tư 1512-LĐ/NC năm 1960 giải quyết một số nhân công mà trước đây các xí nghiệp, công trường... đã tự ý tuyển dụng do Bộ Lao động ban hành
Thông tư 33-LĐ/TT năm 1960 hướng dẫn thi hành bản Điều lệ tạm thời việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn của Chính phủ do Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 33-LĐ/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 17/10/1960
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Nguyễn Văn Tạo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/11/1960
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra