Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1512-LĐ/NC

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 1960

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 1512-LĐ/NC NGÀY 15 THÁNG 10 NĂM 1960 HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT SỐ NHÂN CÔNG MÀ TRƯỚC ĐÂY CÁC XÍ NGHIỆP, CÔNG TRƯỜNG... ĐÃ TỰ Ý TUYỂN DỤNG

BỘ TRƯỞNG LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các Bộ, các ngành trung ương
- Các uỷ ban hành chính khu, thành phố và tỉnh
- Các sở, ty, phòng lao động

Ở Điều 6 trong bản Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn của Hội đồng Chính phủ đã quy định: "Các ngành trước đây đã tuyển dụng nhân công ở nông thôn, tuyển dụng trong thời gian tương đối dài và hay chỉ tạm thời, mà không do Uỷ ban hành chính các địa phương phân phối, phải báo cáo cho Uỷ ban hành chính và cơ quan lao động khu, thành,tỉnh nơi có nhân công và nơi mở xí nghiệp, công trường... để tuỳ tình hình cụ thể, các địa phương sẽ có biện pháp giải quyết".

Bộ Lao động hướng dẫn cách thực hiện như sau:

1. Các Bộ, các ngành, các Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động khu, thành, tỉnh cần có kế hoạch hướng dẫn các xí nghiệp, công trường... soát xét và lập danh sách báo cáo số nhân công mà trước đây các xí nghiệp, công trường... đã tự ý tuyển dụng cho Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động khu, thành, tỉnh nơi có nhân công và nơi mở xí nghiệp, công trường biết. Mặt khác, xí nghiệp, công trường phải tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc tuyển dụng và sử dụng nhân công và nêu ý kiến đề nghị Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động giải quyết số nhân công đó.

2. Để đảm bảo thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1960, tránh những lãng phí cho công quỹ và ảnh hưởng tư tưởng trong quần chúng nên số nhân công mà các xí nghiệp, công trường đã trót tự tuyển Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động các khu, thành, tỉnh vẫn để cho các xí nghiệp, công trường .. tiếp tục sử dụng (trừ những phần tử xấu và địa chủ như Điều 7 trong bản Điều lệ mà Chính phủ đã quy định) trừ trường hợp đặc biệt có những người mà Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động xét thấy thật cần thiết phải cho về địa phương, vì theo báo cáo của Uỷ ban hành chính huyện, châu, quận, xã và hợp tác xã, nếu để người đó ở lại sẽ không có lợi cho sản xuất nông nghiệp, hợp tác hoá, cho việc đoàn kết trong nhân dân và việc giải quyết công ăn việc làm cho lao động thiếu việc ở thành phố, thì Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động sẽ xét quyết định cho các xí nghiệp, công trường phải trả về địa phương và bố trí số nhân công khác tới thay thế. Nếu số nhân công này cũng sắp hết thời hạn làm việc thì không cần thiết cho về ngay mà nên để cho họ làm cho hết thời hạn hợp đồng rồi cho về luôn.

Khi xét và quyết định vấn đề này, Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động phải nhìn tới 2 mặt: đảm bảo việc thực hiện kế haọch Nhà nước của các ngành đồng thời đảm bảo cho phong trào sản xuất nông nghiệp và hợp tác hoá phát triển. Vì vậy khi giải quyết cần thận trọng cân nhắc kỹ lưỡng tránh những trường hợp không thật cần thiết lắm mà vẫn cho về, ảnh hưởng không tốt tới việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, gây nên lãng phí cho công quỹ và ảnh hưởng đến tư tưởng của quần chúng. Việc xét và quyết định cho nhân công về là Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động khu, thành, tỉnh. Các Uỷ ban hành chính xã và các hợp tác xã muốn gọi nhân công về phải báo cáo đề nghị lên Uỷ ban hành chính và sở, ty phòng lao động xét, không được viết giấya trực tiếp lên xí nghiệp, công trường gọi nhân công về.

3. Đối với những người mà Uỷ ban hành chính và sở,ty, phòng lao động quyết định cho về, các xí nghiệp, công trường phải giải thích và thanh toán chu đáo mọi quyền lợi cho họ trước khi về. Đối với những người mà xí nghiệp, công trường còn được tiếp tục sử dụng phải tăng cường việc quản lý, với những người mà xí nghiệp, công trường... định sử dụng lâu dài và tuyển vào biên chế phải báo cáo xin ý kiến cơ quan lao động, mặt khác phải kiểm tra lại tiêu chuẩn làm đầy đủ hồ sơ lý lịch, có sự theo dõi chu đáo để sau này tiện xét vào biên chế chính thức. Với những người sử dụng tạm thời nếu chưa ký kết hợp đồng thì giữa xí nghiệp, công trường... và nhân công tiến hành ký kết, khi làm hết thời hạn ghi trong hợp đồng phải cho nhân công trở về địa phương, trường hợp vì yêu cầu của sản xuất mà muốn tiếp tục sử dụng thì xí nghiệp, công trường... phải báo cáo cho nhân công trở về địa phương, trường hợp vì yêu cầu của sản xuất mà muốn tiếp tục sử dụng thì xí nghiệp, công trường... phải báo cáo và có sự chấp thuận của sở, ty, phòng lao động địa phương nơi có nhân công.

Trên đây Bộ hướng dẫn một số phương hướng giải quyết, các Uỷ ban hành chính và sở, ty, phòng lao động khu, thành, tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mình mà có kế hoạch cụ thể hướng dẫn các ngành, các xí nghiệp, công trường... thực hiện. Kết quả thực hiện đề nghị báo cáo về cho Bộ biết.

Nguyễn Văn Tạo

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 1512-LĐ/NC năm 1960 giải quyết một số nhân công mà trước đây các xí nghiệp, công trường... đã tự ý tuyển dụng do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 1512-LĐ/NC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/10/1960
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản