Hệ thống pháp luật

UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 322-UB/TT

Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 1994

THÔNG TƯ

UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM VIỆT NAM SỐ 322/TT-UB NGÀY 4 THÁNG 7 NĂM 1994 VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 38 CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

Ngày 30-5-1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 38 CT/TW về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đây là điều kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

I. UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM CÁC CẤP CẦN QUÁN TRIỆT YÊU CẦU:

+ Làm cho mọi ngành, mọi cấp, xã hội, gia đình biết được và thấm nhuần ý nghĩa, yêu cầu, nội dung Chỉ thị 38 CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

+ Đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với vấn đề của trẻ em. Tăng cường sự liên kết phối hợp hành động giữa các cấp chính quyền, đoàn thể, nhân dân và gia đình, tạo ra được môi trường chăm sóc giáo dục trẻ em từ cơ sở nhằm đạt được các kết quả cụ thể theo yêu cầu của Ban Bí thư:

1- Giảm tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh xuống 1/3.

2- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ xuống 1/3 vào năm 1995 và 1/2 vào năm 2000.

3- Thực hiện 80% trẻ em trong độ tuổi phổ cập giáo dục tiểu học, 20% phổ cập giáo dục tối thiểu (hết lớp 3) vào năm 1995 và 90% phổ cập giáo dục tiểu học và 10% phổ cập giáo dục tối thiểu vào năm 2000.

4- 30% cấp huyện, quận có điểm vui chơi vào năm 1995, 50% cấp huyện, quận có điểm vui chơi vào năm 2000.

5- Giảm những tác động xấu của văn hoá, nếp sống không lành mạnh đến trẻ em. Giảm số trẻ em làm trái pháp luật và có nguy cơ phạm pháp.

6- 30% trẻ em đặc biệt khó khăn được chăm sóc vào năm 1995, 70% vào năm 2000.

2. Để thi hành Chỉ thị của Ban Bí thư, Uỷ ban và các cơ quan thành viên của Uỷ ban tiến hành một số việc như sau:

2.1. Tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền hướng dẫn, tập huấn cán bộ dưới nhiều hình thức để quán triệt chỉ thị.

Làm rõ vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, việc tổ chức phối hợp hành động của các ngành, các đoàn thể và trách nhiệm, sự nỗ lực của mọi lực lượng xã hội, của từng gia đình để tăng thêm nguồn cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Có kế hoạch tuyên truyền thường xuyên về chỉ thị, kết quả thực hiện chỉ thị, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Luật phổ cập giáo dục tiểu học và các luật khác có liên quan đến trẻ em. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các phương tiện truyền thông hiện có thuộc hệ thống Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (các báo, tạp chí, các chương trình phát thanh và truyền hình vì trẻ em) của trung ương và một số địa phương; đồng thời có các trang và bài dành cho chuyên mục vì trẻ em trên các phương tiện truyền thông của trung ương và các địa phương. Khuyến khích nhiều hình thức giáo dục kiến thức nuôi dạy con thể hiện bằng tranh, ảnh, sách bỏ túi, băng hình, tiếng nói, chữ viết bằng tiếng dân tộc cho các bậc cha mẹ. Biểu dương kịp thời thường xuyên người tốt, việc tốt (kể cả trẻ em) trong công tác chăm sóc trẻ em.

2.2. Tham mưu đề xuất để cấp uỷ quyết định một số chủ trương biện pháp về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em phù hợp với điều kiện của địa phương. Soát lại các mục tiêu, các biện pháp, các chính sách nhằm thực hiện chương trình hành động vì trẻ em của địa phương, đề nghị Hội đồng nhân dân hoặc Uỷ ban nhân dân ra nghị quyết về việc thực hiện chương trình hành động vì trẻ em. Phối hợp chặt chẽ với Ban Khoa giáo, Tuyên giáo và một số ngành, đoàn thể liên quan như Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Văn hoá - Thông tin, Lao động-Thương binh - Xã hội, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh... trong quá trình tiến hành. Xây dựng kế hoạch hành động và cân đối ngân sách cho chương trình trẻ em ở từng ngành, từng địa phương, cơ sở năm 1994, năm 1995 và đến năm 2000, trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của các ngành thành viên chủ chốt trong Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Trên cơ sở đó ký kết liên tịch hành động giữa Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em với từng sở, từng đoàn thể hoặc với nhiều sở, nhiều đoàn thể nhằm từng bước đạt được mục tiêu trước mắt trong yêu cầu của Chỉ thị. Cụ thể:

- Ngành Y tế có trách nhiệm chính trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, chăm lo việc phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Phối hợp với Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em và ngành giáo dục, các đoàn thể bồi dưỡng rộng rãi kiến thức chăm sóc sức khoẻ trẻ em cho các thành viên trong gia đình và lực lượng công tác xã hội, tình nguyện vì trẻ em ở cơ sở.

- Ngành Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chính trong việc tổ chức các hình thức đa dạng hoá các loại trường lớp để phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục tối thiểu (hết lớp 3) cho trẻ em trong độ tuổi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phối hợp với ngành Văn hoá, Đoàn thanh niên và gia đình tăng cường công tác giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh; phối hợp với ngành Y tế, Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các đoàn thể để mở rộng nhiều hình thức tập huấn ngắn ngày cho giáo viên, cán bộ, lực lượng tình nguyện tại thôn bản tham gia xoá mù chữ và phục hồi chức năng cho trẻ em.

- Ngành Văn hoá - thông tin, các Hội Văn học nghệ thuật phối hợp với Đoàn thanh niên xây dựng các điểm văn hoá vui chơi cho trẻ em. Đối với những nơi chưa có điều kiện xây dựng mới cần có cơ chế sử dụng các nhà văn hoá sẵn có để phục vụ cho yêu cầu sinh hoạt văn hoá của trẻ em hiện nay. Có biện pháp, chính sách khuyến khích các cuộc thi sáng tác, xuất bản các tác phẩm hay, sản xuất các đồ chơi cho trẻ em. Phối hợp với các lực lượng, gia đình chủ động ngăn ngừa, đấu tranh chống ảnh hưởng của văn hoá phẩm độc hại xâm nhập vào trẻ em.

- Ngành Thể dục - thể thao có kế hoạch chủ động phối hợp với Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em và Hội đồng Đội thiếu niên tiền phong các cấp tổ chức nhiều hình thức thể dục thể thao quần chúng từ cơ sở để thu hút trẻ em vào hoạt động thường xuyên, rèn luyện thân thể khoẻ mạnh, nhất là vào dịp hè và các ngày kỷ niệm lịch sử.

- Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và thực hiện chính sách chăm sóc các trẻ em đặc biệt khó khăn. Phối hợp với Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em và đoàn thể các cấp để có kế hoạch giải quyết tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống, trước mắt ưu tiên tập trung giải quyết ở những địa bàn trọng điểm, các nơi du lịch, bến phà, bến xe... từng bước chăm sóc các đối tượng trẻ em bị thiệt thòi, khuyết tật ở từng địa phương, cơ sở.

- Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn lao động, Hội đồng Đội Trung ương phát huy, nhân rộng các biện pháp, các điển hình tiên tiến của gia đình trong việc giáo dục "nuôi con khoẻ, dạy con ngoan", xây dựng các tập quán, nếp sống lành mạnh.

Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam sẽ cùng các ngành, đoàn thể bàn bạc thống nhất biện pháp thực hiện sự liên kết phối hợp, ban hành thông tư liên tịch, cam kết hợp đồng trách nhiệm để thực hiện tốt hơn các nội dung công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phối hợp với các ngành nội chính nghiên cứu, đề nghị bổ sung sửa đổi các điểu khoản luật pháp, các chính sách liên quan đến trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ em vị thành niên; xử lý ngay các vụ tồn đọng đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em hoặc lợi dụng, lôi kéo, xúi giục trẻ em làm trái pháp luật.

2.3. Chỉ đạo thực hiện "Tháng hành động vì trẻ em" hàng năm từ 15-5 đến 30-6. Tập trung vào công tác truyền thông vận động xã hội. Tổ chức các hoạt động thiết thực để tạo ra phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục trẻ em" phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương, cơ sở. Tổ chức gây quỹ để hỗ trợ cho các đối tượng trẻ em khó khăn và các vùng khó khăn.

2.4. Trình Chính phủ quyết định việc ban hành nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy của Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam. Kiện toàn tổ chức Uỷ ban các cấp, rà soát lại số lượng và chất lượng của các thành viên uỷ ban, tiếp tục hình thành Ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở cấp cơ sở. Kiện toàn đủ số lượng, đủ chức danh của bộ máy chuyên trách Uỷ ban cấp tỉnh theo hướng tinh gọn, bảo đảm cán bộ có nghiệp vụ cần thiết để quản lý điều phối các lĩnh vực công tác trẻ em.

Xây dựng chương trình, nội dung và có kế hoạch tập huấn hàng năm để nâng cao năng lực cho hệ thống cán bộ Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Trong khi Chính phủ chưa ban hành nghị định mới, Nghị định 362/HĐBT vẫn có giá trị thực hiện. Vì vậy, các tỉnh cần làm việc với chính quyền để thống nhất việc bố trí cán bộ chuyên trách công tác Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em cấp huyện, xoá "huyện trắng" về cán bộ chuyên trách công tác uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong năm 1994. Phấn đấu để có Ban Bảo vệ và chăm sóc, trẻ em ở 100% xã, phường và cuối năm 1995 đạt 50% số xã, phường có người chuyên trách công tác trẻ em.

Mỗi cấp có một điểm chỉ đạo việc thực hiện các mục tiêu vì trẻ em và xây dựng phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục trẻ em". Từ đó, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo và điều chỉnh kế hoạch từng thời gian. Các địa phương tiến hành nề nếp cuộc gặp mặt "Những người yêu trẻ" để khuyến khích phong trào "người tốt, việc tốt" trong mỗi cơ sở và toàn xã hội. Chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thường xuyên kiểm điểm kết quả thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương.

2.5. Trong phản ánh, báo cáo tình hình định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm (vào dịp 1 tháng 6) có báo cáo kiểm điểm sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TW ở Trung ương và địa phương.

Trần Thị Thanh Thanh

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 322-UB/TT năm 1994 thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW-1994 về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 322-UB/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/07/1994
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam
  • Người ký: Trần Thị Thanh Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/07/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 10/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản