Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3970 KHLN-BLĐTBXH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2013

 

KẾ HOẠCH LIÊN NGÀNH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ EM GIỮA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VÀ BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

Thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là hai ngành) thống nhất ban hành Kế hoạch liên ngành thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giai đoạn 2013 - 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường phối hợp chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em của hai ngành nhằm xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, đảm bảo cơ hội học tập và phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Các văn bản đã ban hành về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo được rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung và đề xuất các văn bản phù hợp trong giai đoạn mới.

2.2. Cơ chế, nội dung phối hợp giữa hai ngành về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở Trung ương và địa phương được xây dựng và cụ thể hóa.

2.3. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên từ Trung ương đến địa phương được nâng cao; tổng số cán bộ được tập huấn, bồi dưỡng đạt 80% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020.

2.4. Nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở địa phương được nâng cao thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục.

2.5. Các chương trình hoạt động phối hợp cụ thể giữa hai ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thực hiện có kết quả.

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi, thời gian

Kế hoạch này được triển khai trong giai đoạn 2013 - 2020, cụ thể như sau:

- Giai đoạn I (năm 2013 - 2015): Triển khai tại hai Bộ và chỉ đạo điểm tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực phía Bắc, Miền Trung và Tây Nguyên, phía Nam.

- Giai đoạn II (năm 2016 - 2020): Triển khai tại 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Đối tượng

2.1. Đối tượng áp dụng

- Cán bộ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- Cán bộ quản lý giáo dục các cấp và giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

2.2. Đối tượng thụ hưởng

- Trẻ em, học sinh, cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và cơ sở trợ giúp trẻ em.

- Cán bộ quản lý, thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

- Cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và cơ sở trợ giúp trẻ em.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Nội dung hoạt động thực hiện các mục tiêu cụ thể

Hoạt động 1. Nghiên cứu, rà soát, đánh giá các văn bản đã ban hành, chia sẻ thông tin, dữ liệu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giữa hai ngành để sửa đổi, bổ sung và đề xuất các văn bản phù hợp trong giai đoạn mới

- Nghiên cứu, rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn có liên quan của hai ngành để bổ sung, sửa đổi và đề xuất xây dựng, ban hành các văn bản mới có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- Đưa nội dung bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vào kế hoạch công tác, văn bản hướng dẫn thường xuyên của hai ngành.

- Chia sẻ thông tin và cơ sở dữ liệu về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Hoạt động 2. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa hai ngành về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở các cấp

- Khảo sát, đánh giá về việc phối hợp giữa hai ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở các cấp.

- Xác định nội dung, hình thức, mức độ, thành phần tham gia, điều kiện đảm bảo thực hiện việc phối hợp giữa hai ngành ở các cấp trong từng hoạt động, chương trình cụ thể.

- Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Lồng ghép nội dung về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vào các phong trào, cuộc vận động, hoạt động của hai ngành.

Hoạt động 3. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ Trung ương đến địa phương

- Khảo sát, đánh giá việc lồng ghép nội dung, chuyển tải kiến thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong các chương trình giáo dục mầm non, phổ thông và trong các chương trình bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ở địa phương.

- Xây dựng các tài liệu về lồng ghép kiến thức bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em với giáo dục sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống, giới cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên.

- Xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện lồng ghép trong đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, giáo viên mầm non, phổ thông; nâng cao năng lực giảng viên trường, khoa sư phạm về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên, định kỳ cho cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên khoa, trường sư phạm, giáo viên nòng cốt về phương pháp tích hợp, lồng ghép kiến thức giáo dục sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống, giới và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Hoạt động 4. Truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho học sinh, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, cha mẹ trẻ em, học sinh trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở trợ giúp trẻ em ở địa phương

- Xây dựng tài liệu truyền thông về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đánh giá và bổ sung tài liệu truyền thông có liên quan trong cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

- Nâng cao năng lực truyền thông về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, khoa, trường sư phạm.

- Tổ chức các diễn đàn, câu lạc bộ, nhóm và các phương thức hoạt động của học sinh phổ thông thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

- Tổ chức truyền thông kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ trẻ em, học sinh trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức có liên quan trong công tác truyền thông về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- Nghiên cứu xây dựng, thí điểm tổ chức thực hiện, nhân rộng các mô hình điểm về truyền thông bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong và ngoài nhà trường.

- Thí điểm và nhân rộng mô hình Văn phòng tư vấn, điểm tư vấn hoặc công tác xã hội tại trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, mầm non để cung cấp, giới thiệu dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý cho học sinh.

- Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đổi mới công tác Đội và phong trào thiếu nhi thông qua hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của học sinh trong trường học và ở nơi cư trú.

Hoạt động 5. Phối hợp tổ chức thực hiện một số chương trình, hoạt động cụ thể trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

5.1. Thực hiện chính sách và vận động xã hội trợ giúp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học yếu kém, tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh đi học đúng độ tuổi (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) và không có học sinh bỏ học vì khó khăn về kinh tế hoặc học yếu kém.

5.2. Phòng, chống tình trạng học sinh bị bạo lực, xâm hại, bóc lột, đảm bảo an toàn cho học sinh trên đường đi học và trong trường học. Phòng, chống tệ nạn xã hội và tình trạng vi phạm pháp luật trong trẻ em, học sinh như: đánh nhau, bắt nạt, trộm cắp, nghiện games, sử dụng ma túy và các chất kích thích có hại, mại dâm, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em.

5.3. Xây dựng môi trường thân thiện, tích cực cho học sinh, văn hóa ứng xử, thực hiện bình đẳng giới, giảm thiểu phân biệt đối xử, thiếu trách nhiệm của học sinh trong trường học và cộng đồng; thí điểm xây dựng bộ chuẩn mực ứng xử của học sinh trong trường học, gia đình, cộng đồng.

5.4. Phối hợp với gia đình, địa phương tổ chức dạy bơi và cách phòng tránh đuối nước cho trẻ em; tư vấn hỗ trợ trẻ em, học sinh chăm sóc sức khỏe, vệ sinh cá nhân trong trường học, gia đình, đặc biệt cho trẻ em, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh nữ; phòng, tránh HIV/AIDS và chống kì thị đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

5.5. Thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”; xây dựng cơ chế và mô hình phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng, đảm bảo điều kiện cho các hoạt động học tập, vui chơi của trẻ em ở khu dân cư và trong nhà trường. Khuyến khích trẻ em, học sinh tự học tích cực ở nhà, ở trường và ở cộng đồng với sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, người thân.

5.6. Học sinh tham gia chương trình hướng nghiệp, xác định mục tiêu học tập, định hướng nghề nghiệp, xác định thái độ học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện nhân cách; đền ơn đáp nghĩa, thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống, hoàn thiện bản thân.

2. Các giải pháp chủ yếu

2.1. Chỉ đạo điều hành

- Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan tham mưu với Đảng, Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; rà soát, sửa đổi, kiện toàn, bổ sung chính sách, văn bản hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ nguồn lực, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em và Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em tại địa phương.

2.2. Tăng cường truyền thông, vận động xã hội

- Đổi mới, đa dạng nội dung và hình thức truyền thông, vận động xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phù hợp với từng cấp học mầm non, phổ thông cho trẻ em và học sinh, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và cha mẹ trẻ em, học sinh.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em, Ngày khai trường, Tết Trung thu, các sự kiện, hoạt động truyền thông, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Từng bước huy động sự tham gia chủ động của trẻ em, học sinh phổ thông, cha mẹ học sinh trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

2.3. Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em các cấp của hai ngành.

- Xây dựng nội dung, chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Thí điểm chuyên đề bồi dưỡng về thực hành quyền trẻ em trong chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hè hàng năm cho giáo viên.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của địa phương.

2.4. Giám sát, đánh giá

- Phối hợp giám sát, đánh giá liên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan về việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em định kỳ và chuyên đề tại địa phương.

- Trao đổi thông tin, hệ thống chỉ tiêu đánh giá, mẫu báo cáo, phần mềm quản lý dữ liệu công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và tổ chức thực hiện ở các cấp.

- Sơ kết, tổng kết, đánh giá, hoạch định phương hướng, cơ chế phối hợp thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em hàng năm và giai đoạn. Động viên khuyến khích, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Giao Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em chủ trì, phối hợp với Vụ Công tác học sinh, sinh viên và các đơn vị thuộc hai Bộ, các đơn vị liên quan tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hàng năm và giai đoạn với các nội dung cụ thể như sau:

- Rà soát, sửa đổi, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Chủ trì xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Rà soát và xây dựng các chính sách, chế độ trợ giúp, khuyến khích trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đi học.

- Tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục, phấn đấu đạt các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020, Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 và các chương trình, kế hoạch, dự án có liên quan khác.

- Xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, tài liệu tập huấn về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát định kỳ và chuyên đề công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại các địa phương.

- Hướng dẫn các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội, tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tại địa phương.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo

Giao Vụ Công tác học sinh, sinh viên chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các đơn vị thuộc hai Bộ, các đơn vị liên quan tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hàng năm và giai đoạn với các nội dung cụ thể như sau:

- Tham mưu xây dựng văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong giai đoạn 2013 - 2020.

- Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ đối với Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong trường học.

- Xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ chủ chốt làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa phương.

- Phối hợp với các đơn vị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát định kỳ công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

3. Ủy ban nhân dân, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch này tại địa phương.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch này tại địa phương, cần chú trọng một số nội dung sau:

- Phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch liên ngành về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phù hợp với điều kiện tại địa phương.

- Phối hợp tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lồng ghép nội dung, hoạt động của Kế hoạch liên ngành trong các chương trình, kế hoạch, dự án bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội của Kế hoạch liên ngành tại cộng đồng.

- Phối hợp tổ chức bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Chỉ đạo tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho cha mẹ trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và cơ sở trợ giúp trẻ em./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa

KT. BỘ TRƯỞNG
 BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
 THỨ TRƯỞNG 



 Doãn Mậu Diệp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch liên ngành 3970/KHLN-BLĐTBXH-BGDĐT năm 2013 thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2013 - 2020

  • Số hiệu: 3970/KHLN-BLĐTBXH-BGDĐT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/10/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Doãn Mậu Diệp, Nguyễn Thị Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản