Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 362-HĐBT

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 1991

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 362-HĐBT NGÀY 6-11-1991 VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Để thi hành Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ban hành ngày 16 tháng 8 năm 1991,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.

Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng; có chức năng tổ chức phối hợp hoạt động của các ngành, các cấp, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức nhân đạo, để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch, chế độ, chính sách và chương trình hành động vì trẻ em nhằm thực hiện Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em nước ta như những cam kết của nước ta với cộng đồng quốc tế về Công ước trẻ em.

Thành phần Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam gồm:

- Chủ tịch Uỷ ban, do một Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm nhiệm

- Các Phó Chủ tịch Uỷ ban, trong đó có một Phó Chủ tịch chuyên trách.

Các Phó Chủ tịch Uỷ ban là đại diện Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

Các Uỷ viên là đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương, các Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.

Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam được sử dụng con dấu và có ngân sách riêng.

Bộ máy chuyên trách của Uỷ ban do Chủ tịch Uỷ ban quyết định.

Điều 2. Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng phương hướng, kế hoạch, chương trình hành động, các chế độ, chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Chủ trì tổ chức phối hợp triển khai và hướng dẫn đôn đốc các ngành, các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình đó.

b) Phối hợp với các ngành, Uỷ ban Nhân dân các cấp, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan truyền thông đại chúng tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến Luật và các chính sách về bảo vệ và chăm sóc trẻ em; kết hợp chặt chẽ chương trình hành động chung của Chính phủ về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em với chương trình kế hoạch công tác cụ thể của các ngành, các địa phương.

c) Phối hợp với Uỷ ban kế hoạch nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch và ngân sách đầu tư cho các chương trình chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.

d) Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc bảo đảm ngân sách và phân phối sử dụng ngân sách, vốn đầu tư và trang thiết bị phục vụ việc chăm lo sức khoẻ, học tập, vui chơi giải trí của trẻ em.

đ) Được Hội đồng Bộ trưởng uỷ nhiệm yêu cầu và tiếp nhận viện trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài cho các chương trình vì trẻ em; cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước thực hiện việc phân bổ và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc sử dụng viện trợ về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhằm đạt hiệu quả cao.

e) Tổ chức việc kiểm tra, đánh giá kết quả việc thực hiện chương trình chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

Điều 3.

Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình thông qua hoạt động tập thể của Uỷ ban, hoạt động của từng thành viên trong Uỷ ban và hoạt động của Thường trực Uỷ ban.

Chủ tịch và các Phó chủ tich hợp thành Thường trực Uỷ ban.

Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em chịu trách nhiệm chung trước Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về toàn bộ hoạt động của Uỷ ban.

Phó chủ tịch chuyên trách giúp Chủ tịch lãnh đạo, điều khiển bộ máy công tác của Uỷ ban, được Chủ tịch uỷ nhiệm quyết định một số công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban.

Các uỷ viên Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào công việc của Uỷ ban. Các cơ quan, đoàn thể có đại diện là thành viên có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức trong ngành thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em như đã được phân công, tạo điều kiện để đại diện của cơ quan đoàn thể trong Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em hoạt động đều đặn và có hiệu quả.

Điều 4.

Ở một số Bộ phải tiến hành nhiều công tác liên quan đến nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em như: Bộ y tế, Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ văn hoá - Thông tin và thể thao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có cán bộ chuyên trách giúp Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các công việc của Bộ về thi hành Luật bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện chương trình hành động của Chính phủ ta về trẻ em.

Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em trực thuộc Uỷ ban Nhân dân do một Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân kiêm Chủ tịch Uỷ ban. Uỷ ban có một Phó chủ tịch chuyên trách và một số cán bộ chuyên trách, số lượng do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố quy định.

Ở cấp huyện, quận và tương đương thành lập Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em trực thuộc Uỷ ban Nhân dân do Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân làm Chủ tịch Uỷ ban, có cán bộ chuyên trách giúp việc đặt tại Văn phòng Uỷ ban Nhân dân.

Ở cấp xã, phường thành lập Ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em trực thuộc Uỷ ban Nhân dân do một Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân làm Trưởng ban.

Điều 5.

Nghị định này thay thế quyết định số 259-CT ngày 25 tháng 9 năm 1989, quyết định số 329-CT ngày 12 tháng 9 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, quyết định số 112-NV ngày 2 tháng 5 năm 1961 của Bộ Nội vụ. Các văn bản quy định trước đây của Hội đồng Bộ trưởng và của các cơ quan trung ương khác trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Chủ tịch Uỷ ban chăm sóc và bảo vệ trẻ em Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 362-HĐBT năm 1991 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 362-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 06/11/1991
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: 30/11/1991
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 21/11/1991
  • Ngày hết hiệu lực: 07/09/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản