Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2021/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 28tháng 12năm2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ LỒNG GHÉP GIÁO DỤC KIẾN THỨC, KỸ NĂNG BỔ TRỢ CHO HỌC SINH, SINH VIÊN TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27/11/2014;

Căn cứ Nghị định số14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổchức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điềuvà biện pháp thi hành của Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộiban hành Thông tư quy định về lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nội dung, thời lượng, phương pháp tổ chức, đánh giá kết quả lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên học các ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

2. Đối tượng áp dụng

a) Thông tư này áp dụng đối với trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

b) Thông tư này không áp dụng đối với các trường sư phạm thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Kiến thức bổ trợ là kiến thức cần thiết ngoài chương trình đào tạo chính khóa, được xây dựng để trang bị bổ sung cho học sinh, sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp.

2. Kỹ năng bổ trợ là tập hợp các kỹ năng cần thiết ngoài chương trình đào tạo chính khóa, được trang bị bổ sung cho học sinh, sinh viên, nhằm giúp học sinh, sinh viên có khả năng giải quyết tốt hơn các vấn đề trong quá trình nghiên cứu, học tập và làm việc.

Điều 3. Nguyên tắc lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên

1. Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thực hiện lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên.

2. Nội dung lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên phải bảo đảm phù hợp với chương trình đào tạo chính khóa; phù hợp với ngành, nghề đào tạo, lĩnh vực đào tạo, thuần phong mỹ tục Việt Nam và không trái với quy định của pháp luật.

3. Việc lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên phải đảm bảo tính logic, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm bằng các hình thức phù hợp; kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, gắn liền với thực tiễn, phù hợp với quy định tổ chức thực hiện chương trình đào tạo các cấp trình độ.

4. Quá trình tổ chức lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và doanh nghiệp.

5. Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung, thời lượng, phương pháp, chất lượng lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên.

Chương II

NỘI DUNG, THỜI LƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP TỔ CHỨC, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ LỒNG GHÉP GIÁO DỤC KIẾN THỨC, KỸ NĂNG BỔ TRỢ CHO HỌC SINH, SINH VIÊN

Điều 4. Nội dung lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên

1. Trình độ sơ cấp

a) Kiến thức bổ trợ

Kiến thức bổ trợ về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên liên quan trực tiếp đến nghề đào tạo; kiến thức cơ bản về pháp luật giáo dục nghề nghiệp, việc làm sau khi tốt nghiệp đối với người học trình độ sơ cấp; kiến thức cơ bản về nội quy, văn hóa ứng xử, an toàn lao động tại nơi làm việc.

b) Kỹ năng bổ trợ

Kỹ năng học tập; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng quản lý bản thân; kỹ năng quản lý thời gian; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng an toàn, vệ sinh lao động.

c) Ngoài các kiến thức, kỹ năng bổ trợ đã được quy định ở trên, tùy thuộc vào nghề đào tạo và nhu cầu của học sinh, sinh viên mà người đứng đầu các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định nội dung các kiến thức, kỹ năng bổ trợ phù hợp với quy định của Thông tư này.

2. Trình độ trung cấp

a) Kiến thức bổ trợ

Kiến thức bổ trợ thực tế và lý thuyết liên quan đến ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo; kiến thức bổ trợ cần thiết về chính trị, văn hóa, xã hội và pháp luật đáp ứng yêu cầu công việc nghề nghiệp; kiến thức bổ trợ về ngoại ngữ, công nghệ thông tin; kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp; kiến thức về kinh doanh và khởi nghiệp.

b) Kỹ năng bổ trợ

Bao gồm kỹ năng bổ trợ ở trình độ sơ cấp và các kỹ năng bổ trợ sau: Kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng sáng tạo; kỹ năng khởi nghiệp; kỹ năng lập kế hoạch và tiến hành công việc; kỹ năng quản lý công việc; kỹ năng quản lý tài chính cá nhân; kỹ năng ra quyết định; kỹ năng giảm sự lo lắng và căng thẳng trong công việc.

c) Ngoài các kiến thức, kỹ năng bổ trợ đã được quy định ở trên, tùy thuộc vào ngành, nghề đào tạo và nhu cầu của học sinh, sinh viên mà hiệu trưởng trường trung cấp, hiệu trưởng trường cao đẳng quyết định nội dung các kiến thức, kỹ năng bổ trợ phù hợp với quy định của Thông tư này.

3. Trình độ cao đẳng

a) Kiến thức bổ trợ

Kiến thức bổ trợ thực tế và lý thuyết liên quan đến ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo ở phạm vi rộng; kiến thức bổ trợ cần thiết về chính trị, văn hóa, xã hội và pháp luật đáp ứng yêu cầu công việc nghề nghiệp và hoạt động xã hội thuộc lĩnh vực chuyên môn; kiến thức bổ trợ thực tế về quản lý, nguyên tắc và phương pháp lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá các quá trình thực hiện trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo; kiến thức bổ trợ về ngoại ngữ, công nghệ thông tin; kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp; kiến thức về kinh doanh và khởi nghiệp.

b) Kỹ năng bổ trợ

Bao gồm kỹ năng bổ trợ ở trình độ trung cấp và các kỹ năng bổ trợ sau: Kỹ năng thuyết trình; kỹ năng đàm phán; kỹ năng định hướng và phát triển nghề nghiệp; kỹ năng lãnh đạo; kỹ năng quản lý điều hành; kỹ năng xây dựng đội ngũ vững mạnh; kỹ năng quản lý và giải quyết xung đột; kỹ năng nghiên cứu khoa học, công nghệ; kỹ năng làm việc trong môi trường áp lực.

c) Ngoài các kiến thức, kỹ năng bổ trợ đã được quy định ở trên, tùy thuộc vào ngành, nghề đào tạo và nhu cầu của sinh viên mà hiệu trưởng trường cao đẳng quyết định nội dung các kiến thức, kỹ năng bổ trợ phù hợp với quy định của Thông tư này.

4. Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu đào tạo của người học và tính chất, yêu cầu của từng ngành, nghề đào tạo để quyết định lựa chọn các kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên theo quy định của Thông tư này.

Điều 5. Thời lượng lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên

1. Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định thời lượng lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên nhưng không vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình đào tạo chính khóa đối với đào tạo trình độ sơ cấp và không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình đào tạo chính khóa đối với đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

2. Thời lượng lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên bảo đảm phù hợp với chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo, tiến độ đào tạo của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Điều 6. Phương pháp lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên

1. Kiến thức, kỹ năng bổ trợ là một nội dung độc lập, được lồng ghép trong chương trình chính khóa hoặc hoạt động ngoại khóa một cách logic, khoa học và phù hợp.

2. Kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên được lồng ghép vào từng mô-đun, môn học, bài giảng cụ thể hoặc được thiết kế thành các mô-đun, môn học độc lập của khóa học.

3. Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quyết định kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên là nội dung bắt buộc hoặc không bắt buộc của khóa học.

Điều 7. Đánh giá kết quả học tập

1. Việc đánh giá kết quả học tập kiến thức, kỹ năng bổ trợ của học sinh, sinh viên được thực hiện thông qua kết quả kiểm tra cuối mỗi môn học có lồng ghép kiến thức, kỹ năng bổ trợ.

2. Người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp quy định cụ thể về việc đánh giá kết quả học tập kiến thức, kỹ năng bổ trợ của học sinh, sinh viên.

3. Kết quả học tập kiến thức, kỹ năng bổ trợ là một trong các tiêu chí đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Chương III

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ LỒNG GHÉP GIÁO DỤC KIẾN THỨC, KỸ NĂNG BỔ TRỢ CHO HỌC SINH, SINH VIÊN

Điều 8. Cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo

1. Căn cứ vào nội dung lồng ghép kiến thức, kỹ năng bổ trợ, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và các học liệu cần thiết để giảng dạy cho học sinh, sinh viên.

2. Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên.

Điều 9. Giáo viên, giảng viên, báo cáo viên

1. Giáo viên, giảng viên, báo cáo viên có kiến thức, kỹ năng phù hợp với nội dung giảng dạy.

2. Khuyến khích cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp mời các chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp, cán bộ quản lý có kinh nghiệm của ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo tham gia giảng dạy cho học sinh, sinh viên.

Điều 10. Chương trình, giáo trình, tài liệu kiến thức, kỹ năng bổ trợ

Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng hoặc có thể lựa chọn chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo do cơ sở khác ban hành để phê duyệt và đưa vào giảng dạy bảo đảm phù hợp theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức thực hiện lồng ghép kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên theo quy định của Thông tư này.

2. Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện lồng ghép.

3. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên, giảng dạy, báo cáo viên thực hiện nội dung lồng ghép kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên.

Điều 12. Trách nhiệm của đơn vị chủ quản nhà trường

1. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên theo quy định tại Thông tư này.

2. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

3. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật về công tác lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn triển khai thực hiện lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên theo quy định tại Thông tư này.

2. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

3. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, báo cáo kết quả thực hiện lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn về Ủy bannhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).

Điều 14. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Tổ chức triển khai công tác lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên theo quy định tại Thông tư này.

2. Rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên, báo cáo viên giảng dạy kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên tại đơn vị mình.

3. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, báo cáo kết quả thực hiện lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên tại đơn vị mình về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2022.

2. Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức lồng ghép các kiến thức, kỹ năng bổ trợ đảm bảo đúng các quy định trong Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, xử lý./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Lê Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 32/2021/TT-BLĐTBXH quy định về lồng ghép giáo dục kiến thức, kỹ năng bổ trợ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 32/2021/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/12/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 297 đến số 298
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản